Tướng Vịnh, những góc khuất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lần ấy ngồi lâu lâu với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, tôi dè dặt trao đổi lại những giai thoại...

Từ nhà Lý Nam Đế

Ông Lê Đức Thọ dự đám cưới Nguyễn Chí Vịnh năm 1986

Ông Lê Đức Thọ dự đám cưới Nguyễn Chí Vịnh năm 1986

Cơ may những lần được ngồi với tướng Nguyễn Chí Vịnh, cũng chẳng nhớ nữa. May? Chứ sao. Như cái lần tướng Vịnh cho phép tôi được hầu chuyện với các yếu nhân và đi thực tế dài ngày ở Tổng cục 2 (Tình báo Quốc phòng) để viết về dịp 50 năm Ngày truyền thống của ngành.

Rồi trong những hồi ức về thân phụ anh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, thi thoảng lại có thêm những chuyện mới lạ độc đáo do chính Nguyễn Chí Vịnh kể.

Như chuyện nhà thơ Trần Dần bị bắt giam. Thi sĩ gần như mất lòng tin, ý chí, rơi vào tuyệt vọng… Trần Dần đã định tìm đến cái chết.

Thời điểm đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã gặp Trần Dần. Đại tướng chủ động tới thăm nhà thơ.

Chẳng hay hai người đã trao đổi với nhau những gì? Nhưng hậu thế đều biết câu này của Đại tướng: “Tôi biết trong đầu anh còn rất nhiều sáng tạo chỉ chờ thời gian để cho ra đời và phát sáng. Anh nhất định phải sống đến ngày đó”.

Với nhà văn Nguyên Ngọc, tướng Thanh rất khoái Đất nước đứng lên. Từng gặp gỡ hỏi chuyện thân mật nhà văn từng thực tế với đồng bào Tây Nguyên như thế nào mà viết ấn tượng thế?

Nhưng Đại tướng Chủ nhiệm Chính trị bảo luôn: “Cái kết của Đất nước đứng lên cậu viết hơi buồn. Liệu có sửa chút ít được không?”.

Nguyên Ngọc về sửa đi sửa lại. Nhưng vẫn không ưng. Đang khi lúng túng, Đại tướng điện đến: “Hôm nọ mình nói là nói thế thôi. Cậu cứ để nguyên như thế cũng chẳng sao. Đừng có ép mà lợn lành chữa thành lợn què!”.

Còn nhạc sĩ Trần Hoàn kể lần ấy Đại tướng bảo đàn hát cho ông bài Thiên Thai của Văn Cao. Đại tướng rủ rỉ: “Này, bài hát nghe rất hay nhưng mình chưa hiểu hay ở chỗ nào, Hoàn thử nói mình nghe…”

Trưa hè đổ lửa ấy, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Nguyễn Chí Thanh chăm chú nghe nhạc sĩ giảng qua về khúc thức, giai điệu, hình tượng âm nhạc…

Đại tướng gật gù.

“Thế tại răng những bài hát kháng chiến làm lại không hay như vậy được? Mà kháng chiến cũng đau khổ, day dứt lắm chứ? Bao nhiêu mối tình, bao nhiêu sự chia ly, bao nhiêu những hy sinh cao cả mà sao chưa có nhiều bài hát hay?”.

Rồi lần ấy tướng Vịnh kể cho nghe chuyện mất nhà!

Cái nhà 34 Lý Nam Đế. Ngôi nhà mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và gia đình ở từ cuối những năm 50.

Tiếp quản Thủ đô, tướng Thanh và gia đình được đến ở một ngôi biệt thự bề thế khang trang ở đường Cổ Ngư kề Hồ Tây. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, nhận thấy nhiều điều bất tiện vì Nhà nước khi đó đang rất cần những biệt thự sang trọng để phục vụ cho công việc khác cần kíp, tướng Thanh đã chủ động trả nhà.

Rồi gia đình được chuyển đến một ngôi nhà ở phố Cửa Đông. Nhưng cũng chả lâu, Bộ Quốc phòng đề nghị Đại tướng chuyển đến ngôi nhà 34 Lý Nam Đế.

...Chuyến đi vào Thanh Hóa ấy, tôi (Chí Vịnh) đi cùng các anh chị trong nhà. Khoảng 8,9 giờ tối bỗng có tiếng súng nổ. Rồi pháo bắn sáng rực ngoài biển, đó là một đêm đầu tháng 8 năm 1964. Chỉ một lát sau có người đến báo là cả nhà phải ra Hà Nội gấp. Thế là đi suốt đêm. Sáng mới ra đến 34 Lý Nam Đế. Thì ra Bác Hồ báo ra gấp. Ngôi nhà 34 sớm tinh mơ ấy có công an bộ đội đầy nhà. Một cuộc họp quan trọng.

Khách đến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến đầu tiên rồi Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau đó là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn. Các Ủy viên Bộ chính trị không quá 10 người ngồi vừa đủ bộ sa lông tầng 2 nhà 34. Khoảng 7h30 Bác đi chiếc Pôbeđa đến. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xuống đón Bác.

Giá như nhà 34 mà còn thì hẳn trên gác 2 tại bộ sa lông cũ kỹ ấy có tấm biển ghi những dòng đại loại.

“Tại đây ngày… tháng 8 năm 1964, Bộ Chính trị đã họp bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để bàn bạc quyết định những việc hệ trọng. Đối phó với cuộc tiến công bằng đường không của giặc Mỹ. Nội dung thứ hai là bàn việc cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào chiến trường B.”

Nhà 34, ngôi nhà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã sống và làm việc trên 10 năm. Từ nhà 34, ông đã vào chiến trường… Và cũng từ nhà 34 ông đột ngột vướng bạo bệnh rồi vào thẳng BV 108 và vĩnh viễn ra đi.

...Trong nhà 34 có một tập thể nhỏ đặc biệt. Đó là trung đội bảo vệ do ông Sáng làm trung đội trưởng.

Ngày 6/7/1967 trước đêm đại tướng trở bệnh đột ngột khi đại tướng vừa từ nhà sàn Bác Hồ trở về, cả trung đội đã sắp hàng nghiêm cẩn đưa trình đại tướng một lá đơn viết bằng máu tình nguyện theo đại tướng vào chiến trường B. Đó là ngôi nhà hướng ra tiền tuyến!

Ngôi nhà 34 dường như là một chứng nhân của lịch sử

Tướng Vịnh có kể về đám cưới của mình tổ chức tại nhà 34. Và trước đó, 3 đám cưới của các con gái tướng Thanh cũng đều được tổ chức trên mảnh sân ngôi nhà 34 này.

Tướng Vịnh cũng từng bộc bạch một quá vãng hàn vi.

Năm 1972, hàng tháng Nguyễn Chí Vịnh nhận tiền tuất của ba Thanh. Mỗi tháng bà nội được 19 đồng. Vịnh được 12 đồng. Cả nhà được 10 đồng. Vào thời điểm này học bổng toàn phần của học sinh phổ thông là 9 đồng. Sinh viên là 15 hay 17 đồng.

Một lần vào năm 1973, có người bảo: “Tiêu chuẩn của cháu hưởng theo Tổng cục Chính trị không còn nữa. Cả nhà cũng không còn nữa”.

Nghe vậy Vịnh lẳng lặng trở về nhà không dám nói với mẹ vì mẹ đang đau ốm sợ bệnh mẹ nặng thêm…

Có thời điểm như Nguyễn Chí Vịnh nói là hoàn cảnh cũng như tâm thế đã… rơi xuống tận đáy!

Nhất là thời điểm những năm cuối 79 đầu tám mươi. Sức khỏe bà Cúc bị suy kiệt. Bệnh đau dạ dầy kinh niên, bệnh cao huyết áp. Rồi bà bị bệnh trầm cảm nhớ nhớ quên quên. Bà nằm ở Quân y Viện 103, 108 rất lâu rồi mất ở 108 năm 1980. Khi mẹ Cúc ra đi cả gia đình nhất là Nguyễn Chí Vịnh rơi vào cảm giác như xuống đáy!

Nhưng xuống tận đáy để trồi lên.

Lần ấy ngồi chuyện với tướng Vịnh, tôi có hỏi về việc tại sao không giữ lại ngôi nhà 34 để làm nơi lưu giữ những kỷ niệm về đại tướng như một thứ bảo tàng? Tướng Vịnh cứ ậm ừ rồi lảng sang chuyện khác. Sau này gạn thêm chị Hà và chồng là anh Bắc, nguyên là sĩ quan tùy tùng của tướng Đào Đình Luyện, anh chị nói luôn là đầu những năm 90 có liên tục đề nghị đơn từ hẳn hoi nhưng rồi cũng… không lại!

Tướng Nguyễn Chí Vịnh

Tướng Nguyễn Chí Vịnh

Đến góc nhà Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng

Sau kha khá những dìn dứ đôi hồi, lần ấy ngồi lâu lâu với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, tôi dè dặt trao đổi lại những giai thoại cũng có, chuyện thực cũng có về mối quan hệ với bộ ba Lê Đức Anh - Đỗ Mười - Võ Văn Kiệt. Rằng Nguyễn Chí Vịnh luôn được ba vị này bảo ban kèm cặp. Cả ngược lại là từng “cản trở” con đường thăng tiến (!?) Tướng Vịnh nghe cứ cười cười…

Một cung cách hay phương pháp của tướng Vịnh là anh chẳng bao giờ đỏ mặt tía tai hoặc lớn giọng những cãi vã, thanh minh!

Âm lượng rủ rỉ trong câu chuyện như mang lại những thông điệp cần thiết.

...Có nhiều thời điểm, tôi cũng chông chênh lắm. Như khái niệm bạn – thù, một nhiệm vụ đặt ra cho Hội nghị TW8 (Khóa IX). Khi đó, Tổng cục 2 chúng tôi có nhiệm vụ đóng góp ý kiến, phục vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và lãnh đạo cấp trên. Tôi tìm đến người mà tôi tin cậy nhất là Đại tướng Lê Đức Anh.

Thời điểm đó, các ông Lê Đức Anh, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đều không còn làm cố vấn, nhưng họ vẫn là chỗ dựa tinh thần và là những người thầy lớn của tôi.

Khi đặt câu hỏi với ông Lê Đức Anh: “Thưa chú, bức màn sắt đã rơi xuống rồi, không còn hai phe nữa, thì xác định bạn - thù thế nào đây?”. Thú thực, tôi đã chuẩn bị sẽ nghe ông la rầy, rằng tôi đã đánh mất quan điểm, mà với người làm tình báo, mất quan điểm là hỏng hết. Trái với lo ngại của tôi, ông lại thẳng thắn, mạnh mẽ: “Chuyện nào có lợi cho đất nước thì mình làm, sự hợp tác nào đem lại lợi ích cho đất nước thì mình bắt tay, còn cái gì có khả năng xâm hại đến quốc gia, dân tộc thì mình phải chống, phải hóa giải”. Ông Sáu Nam (Lê Đức Anh) khuyên tôi gặp thêm ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt.

Cụ Mười cười: “Đúng quá rồi còn gì. Nhưng phải xác định rõ thế nào là có lợi, thế nào là không có lợi cho đất nước mình”.

Tôi vào TPHCM, đem chuyện này hỏi ông Võ Văn Kiệt, ông thẳng tưng: “Bây giờ mới đặt vấn đề này là chậm rồi”.

Cả ba “Ông già lớn” đều cho rằng vấn đề trên là cấp bách. Cả ba đều tiếp thêm động lực để chúng tôi có chính kiến mạnh mẽ báo cáo cấp trên.

Cuối cùng thì Nghị quyết TW8, Khóa IX được thông qua. Lần đầu tiên chúng ta hình thành khái niệm mới: thay “phân chia bạn - thù” bằng “Không có kẻ thù, chỉ có đối tượng và đối tác”.

Rồi một lần khác, trong không khí thân mật, tôi cũng vuột với tướng quân dư luận rằng, hình như tướng Nguyễn Chí Vịnh có cung cách và ngôn ngữ giao thiệp với Trung Quốc hơi khang khác trong mặt bằng ngoại giao của nhiều quan chức khác?

Vậy có không? Và cái lạ và khang khác ấy là gì?

Tướng Nguyễn Chí Vịnh châm một điếu thuốc mới. (Viết đến đây tôi chợt chột dạ với những điếu thuốc nối liên miên nhất là khi anh say chuyện. Hình như là căn nguyên của chứng bệnh hiểm nghèo mà anh từng phải gánh chịu?).

Tướng Vịnh đang kể về một người thân của mình, ông tướng tình báo Hai Trung, Phạm Xuân Ẩn. Và đây là lời khuyên của người điệp viên hoàn hảo ấy.

“Tình báo giờ phải mở mạnh ra ngoại quốc, phải coi thế giới họ thay đổi như thế nào. Đương nhiên tình báo phải đi tìm địch, nhưng thời đại hiện nay tình báo cũng phải tìm bạn mà chơi, thậm chí phải chơi được cả với kẻ thù, để không cho nó đánh mình”.

Năm 2000, tôi tháp tùng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đi công tác nước ngoài, một chuyến đi đầy khó khăn.

Trong bữa tiệc chiêu đãi, một lãnh đạo nước bạn đi chúc rượu, đột nhiên dừng lại bên tôi và cười thân mật: “Đồng chí là cán bộ tình báo, sao lại phục vụ đồng chí Tổng Bí thư trong công tác đối ngoại?”.

Tôi đáp: “Thưa đồng chí, trong thời chiến thì tình báo tìm địch để đánh thắng, còn trong thời bình tình báo tìm bạn để có hòa bình và hữu nghị”.

Các vị trong bàn tiệc cùng cười vui vẻ.

...Nhiều người vẫn mang tâm lý, quân đội súng ống đầy người mà chăm chăm vào hoạt động phi quân sự là thiếu dũng cảm, là “hòa bình chủ nghĩa”. Nhưng thế giới bây giờ, người ta nói: “Luyện quân tốt để không phải đánh, mua vũ khí hiện đại để không phải bắn”. Nếu thiếu dũng cảm để đem lợi ích cho đất nước, thì người lính như tôi sẵn sàng mang cái tiếng xấu ấy.

Có lần ông Thượng nghị sĩ Leahy, Chủ tịch Thượng viện Mỹ nói với tôi: “Trong quan hệ Việt Mỹ, khó nhất và nhạy cảm nhất là việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Nhưng kỳ diệu thay, đến bây giờ lại trở thành một trong những lĩnh vực hiệu quả nhất và đem lại nhiều cảm hứng nhất để thúc đẩy quan hệ Việt Mỹ”.

Trong quan hệ với Trung Quốc mọi vấn đề dù khó khăn nhất, nếu chúng ta biết nhận thức đâu là lợi ích chính đáng, đích thực, thì cả hai phía sẽ tìm được con đường giải quyết mà không phải động binh đao.

Tướng quân bộc bạch thêm.

“...Chúng ta phải giữ bằng được quyền chủ quyền trên thềm lục địa 200 hải lý và làm cho tất cả các nước hiểu và tôn trọng quyết tâm sắt đá ấy. Chúng ta phải pháp lý hóa những gì chúng ta tuyên bố, những đảo, đá nào chúng ta có chủ quyền, thềm lục địa của chúng ta đến đâu... Dựa trên cơ sở đó, chúng ta phải giữ cho bằng được 21 điểm đảo, 33 điểm đóng quân và các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam tại Trường Sa. Chúng ta cũng kiên trì đấu tranh cho chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, mặc dù đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, nhưng Việt Nam không bao giờ từ bỏ, và không được phép từ bỏ.

Kiên quyết, kiên trì nhưng không manh động, không khiêu khích - đó là cách chúng ta đã làm, đang làm và sẽ làm. Có lần tôi gặp Thượng tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Ông ta nói: “Cái quan trọng nhất của cả Việt Nam và Trung Quốc, là hai bên đừng hành động quá tay hay tuyên bố quá lời”.

Năm 2011, sau vụ tàu Bình Minh bị cắt cáp, tôi sang gặp lãnh đạo Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Khi hai bên đang tranh luận một vị tướng nói: “Nếu tôi nói Trường Sa, Hoàng Sa không phải của Trung Quốc thì tôi không còn là người Trung Quốc. Nhưng tôi hiểu nếu đồng chí nói Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Quốc thì đồng chí cũng không phải là người Việt Nam nữa. Chúng ta khác nhau và đó là lý do phải ngồi lại với nhau”.

Điều tôi thấy không bình thường là nhiều người không phân biệt được làm thế nào để giữ chủ quyền với làm gì cho bõ ghét. Việc chúng ta phải làm là giữ nhà, và quan hệ thuận hòa với láng giềng, chứ không phải thóa mạ chửi rủa. Thóa mạ giúp chúng ta sướng miệng, chứ không giữ được nhà.

Tướng Nguyễn Chí Vịnh

Tướng Nguyễn Chí Vịnh

Vĩ Thanh buồn

Năm nay, mùa hè tháng Bảy, hình như tướng Vịnh lâm trọng bệnh nên cái giỗ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vắng đi sự quần tụ ấm áp của nhiều bạn bè thân hữu!

Rồi bao nhiêu dự định tốt lành ở Ngôi Nhà Lưu niệm - Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mới cất mà ông bạn nhà văn Tiến Trọc đã nắc nỏm, rằng đây là một bảo tàng đáng xem với những ai muốn tìm hiểu về các nhân vật lịch sử cận đại.

Chao ôi, cái tháng Bảy dương, tháng Bảy âm định mệnh!

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.