Tuổi thơ nhọc nhằn: Lên Sài Gòn... bắt ốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bắt ốc là việc không xa lạ ở vùng nông thôn. Nhưng Sài Gòn cũng có một xóm nghèo, ở đó trẻ con chuyên nghề bắt ốc mưu sinh, người dân quen gọi là xóm ốc.

Ốc được đám trẻ bắt trong các vạt rau muống. Ảnh: QUANG VIÊN
Ốc được đám trẻ bắt trong các vạt rau muống. Ảnh: QUANG VIÊN
Xóm ở xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM, nằm bên đường Nguyễn Văn Linh, đoạn gần quốc lộ 50. Cùng trên con đường này, phía bên kia có khu đô thị Phú Mỹ Hưng sầm uất thì bên này là xóm ốc nghèo xác xơ. Để đến được xóm ốc, không thể định vị bằng Google Maps mà phải lần mò hỏi đường.
“Thủ lĩnh” đội quân bắt ốc
Xóm chỉ có vỏn vẹn khoảng 10 hộ. Họ gần như được coi là “ăn nhờ ở đậu” trên mảnh đất của một người dân tại đây. Cha mẹ của những đứa trẻ bắt ốc hầu hết là dân miền Tây phiêu dạt lên Sài Gòn kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Thu nhập không thể nào thuê nổi căn phòng cho ra hồn, nên họ bỏ ra mấy chục ngàn một ngày trả cho chủ đất để cất tạm cái nhà tối về ngả lưng.
Nói là nhà cho “hoành tráng”, chứ thật ra là những túp lều tạm bợ, rách nát. Mùa nóng, chui vào chật hẹp, tứ bề lợp tôn, không khác gì lò... xông hơi. Bên cạnh xóm ốc là những ao rau muống, kênh nước có nhiều ốc bươu. Nhờ đó, những đứa trẻ ở xóm ốc từ lúc tuổi lên mười đã có thể đi bắt ốc mưu sinh. Bởi vậy, thằng Trớt có thâm niên và tài bắt ốc được phong “thánh ốc”, còn thằng Phố giỏi hái rau muống hoang nên chết danh là “Phố rau muống”.
“Thánh ốc” cao dong dỏng, da đen nhẻm vì dang nắng, còn gương mặt thì hiền lành nhưng chẳng hiểu sao lầm lì ít nói. Hỏi chuyện đi bắt ốc mưu sinh, Trớt cứ lảng tránh. “Giờ nó lớn, nên hỏi chuyện đó nó mắc cỡ. Nhưng nó vẫn là tay sát ốc nhất xóm này”, một người hàng xóm của Trớt nói.
Quả thật, bây giờ Trớt mới vừa hết tuổi thiếu niên nhưng là thủ lĩnh của đội quân bắt ốc. Bình thường, Trớt đi bắt ốc từ lúc 5 - 6 giờ sáng, nhưng hôm tôi đến, nó hơi oải người nên dậy muộn. Hơn 8 giờ, “thánh ốc” mới í ới gọi đám trẻ trong xóm lên đường bắt ốc. Mẹ Trớt không quên dặn: “Ráng cho được 20 ký nghe không”. Trớt không nói không rằng, nhưng có vẻ như nó chấp nhận “chỉ tiêu” mẹ giao.

Nguyên (trái) và Nhi bắt ốc mưu sinh
Nguyên (trái) và Nhi bắt ốc mưu sinh
Hôm nay, đi theo Trớt có “một bầy tang tình con nít” gồm các bé gái Nhi (11 tuổi), Như (12 tuổi), Nguyên (13 tuổi). Mang theo chiếc xô nhựa, thằng Trớt lẹ làng dẫn đường. “Hôm qua thằng “Phố rau muống” báo đám rau bên kia có nhiều ốc lắm. Mấy đứa đi theo tao”, Trớt “lệnh”, cả đám trẻ nhao nhao: “Bắt tới trưa dư 20 ký anh hai à”. “20 ký mà kể dô”, Trớt trả lời.
Tôi hỏi ở xóm này bọn trẻ biết đi bắt ốc từ khi nào, mẹ Trớt thổ lộ: “Tụi nhỏ biết đi bắt ốc, hái rau muống từ lúc 9 - 10 tuổi. Con nhà giàu coi bắt ốc là trò chơi, còn con tụi tui đi bắt ốc để bán kiếm tiền đổi miếng cơm. Cha mẹ nghèo con phải đi làm sớm”. Được biết, ngoài việc bắt ốc, nhiều đứa trẻ khác tự đi bán vé số hoặc theo cha mẹ đi đánh cá... Song, hầu hết đi bắt ốc đối với bọn trẻ ở xóm ốc là công việc kiếm tiền “thú vị”.
Vẫn mộng làm bác sĩ
Những cô bé, cậu bé đi bắt ốc kiểu dã ngoại có thể rất thú vị. Nhưng những đứa trẻ phải mỗi ngày đội nắng, lội sình lầy để bắt ốc cho đủ “chỉ tiêu” mẹ giao nhằm kiếm miếng cơm, trong mắt tôi không hề thú vị chút nào.
Trong chuyến tác nghiệp lần này, tôi có dẫn theo hai cậu con trai, một đứa 9 tuổi và một đứa 13 tuổi. Cha con tôi hào hứng bám theo đội quân bắt ốc, nhưng khi đến bên chiếc cầu khỉ chênh vênh, lắc lư bắc qua con kênh để sang ao rau muống có ốc, cậu con trai nhỏ đã sợ xanh mặt nên tôi đành để nó ở lại bên này.
Thật sự, ngay cả tôi đi qua chiếc cầu khỉ cũng cảm thấy bất an. Thế nhưng, đội quân bắt ốc đi qua như chơi. Chúng còn trêu đùa khi qua cầu. Tôi hỏi có đứa nào té cầu khỉ chưa, cô bé Nhi nhanh nhảu đáp: “Có rồi, mà rớt xuống thì bơi vô bờ trèo lên đi tiếp chứ có sao đâu”.

Túp lều tồi tàn, nơi sinh sống của cư dân xóm ốc
Túp lều tồi tàn, nơi sinh sống của cư dân xóm ốc
Đến bên ao rau muống thằng Phố “chỉ điểm”, những đứa trẻ đầu trần nhanh chóng lội xuống nước. Dường như nắng đổ lên đầu những cô bé, cậu bé từ sáng sớm cho đến đứng bóng cũng chẳng ăn thua gì. Chúng cứ thế bì bõm lội trong bùn lầy để bắt ốc bươu bám trên vạt rau muống. “Ốc quá trời luôn”, bé Nhi hí hửng.
Thằng Trớt “chỉ đạo” bắt những con ốc to và nặng. Bắt hết ốc ao này, chúng sang ao khác.Đứng bóng, dưới cái nắng chói chang, mồ hôi chảy dài trên má những đứa trẻ, đây cũng là lúc cái bụng đứa nào cũng đói meo, phải về nhà. Nhìn bé Nhi, Như, Nguyên đôi chân tái nhợt, lấm lem bùn lầy khi bước lên bờ, thật tội nghiệp. “Thường thì cháu và các em trong xóm đi bắt đến 12 giờ trưa thì về. Thỉnh thoảng buổi chiều đi bắt tiếp đến gần tối. Mỗi ngày cháu có thể bắt được trên 20 ký ốc. Các em thì ít hơn”, Trớt bộc bạch.
Ốc đám trẻ bắt được mang về nhà, một số đem bán nguyên con giá khoảng 30.000 đồng/kg. Số ốc còn lại sẽ được đem luộc, lấy ruột đem bán cho mấy quán bún riêu. Với những đứa trẻ còn đi học, công việc này được miễn, những đứa trẻ khác phải phụ mẹ làm. Bé Nhi khoe với tôi: “Cháu đang học lớp 3 ở Trung tâm tình thương Phát Huy, là học sinh giỏi.
Cô Đặng Thị Thu Hạnh, phụ trách Trung tâm Phát Huy Bình An, cho biết các lớp học tình thương ở đây các em đa phần là con em người lao động nghèo, trong đó có những em ở xóm ốc. Có em ở xóm ốc rất ham học và học tốt, nhưng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên các em phải đi lao động để phụ giúp gia đình. Một số em học giữa chừng phải bỏ vì ba mẹ bắt đi làm. Thấy hoàn cảnh của các em đáng thương, lại khao khát được đến trường nên cô Hạnh phải đi từng nhà để vận động phụ huynh cho các em về lớp học.
Trước đây đi học một buổi, đi bắt ốc một buổi, nhưng nay bị dịch Covid được nghỉ học nên chiều phụ mẹ lấy ruột ốc”. Cạnh nhà Nhi, bé Hà học lớp 4, ngoài phụ mẹ làm ốc, còn trông em, đi nhặt nhôm nhựa, bao ni lông quanh khu vực đang sống để kiếm tiền. Thằng “Phố rau muống” thì đang học lớp 5 do bà giáo về hưu dạy với học phí “tùy hỉ” 5.000 - 10.000 đồng mỗi ngày. Thế mà nó vẫn ôm mộng làm bác sĩ. Còn được học kiếm cái chữ như Nhi, Hà, Phố đã là may mắn. Nhiều đứa trẻ ở đây thất học vì gia đình kinh tế quá khó khăn... Tôi phóng xe trở lại giữa dòng xe cộ, qua những tòa cao ốc, biệt thự, nhà hàng của Phú Mỹ Hưng, bất giác thằng con trai lớn nói: “Ở chỗ hồi nãy và ở đây là hai thế giới khác biệt ba hè”. Tôi hỏi thằng con: “Rứa con có thương mấy bạn nhỏ hồi nãy không?”. Nó trả lời: “Thương”.
(còn tiếp)
Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.