(GLO)- Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2020 là sự kiện tôn vinh di sản văn hóa, thiên nhiên, diễn ra từ ngày 20 đến 26-11. Đến với lễ hội, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng 1 trong 10 miệng núi lửa đẹp nhất thế giới do tạp chí du lịch của Anh bình chọn năm 2018 và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn là điểm đến hấp dẫn nhất của Gia Lai mà còn được thưởng thức những giá trị đặc biệt của không gian văn hóa cồng chiêng.
Điểm đến hấp dẫn
Lễ hội năm nay diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại, do đó các hoạt động trình diễn cồng chiêng, nghề thủ công, các môn thể thao truyền thống cũng được phô diễn đầy đủ sắc màu văn hóa độc đáo của di sản.
Các nghệ nhân, diễn viên sẽ mang đến ngày hội những bài nhạc chiêng nguyên bản trong các lễ hội của dân tộc Jrai, Bahnar, kèm các hình thức phụ họa như: bran (brim), groih (chũm chọe), yao (lục lạc), khiêl (khiên), đao (mác guidu), ya ya (rối), mô hình nhà rông, cây nêu thu nhỏ… Hình thức phụ họa này sẽ góp phần làm không gian hội hè thêm đặc sắc, quyến rũ người xem; đặc biệt, du khách sẽ có những hình ảnh tuyệt đẹp với phông nền là ngọn núi lửa kỳ vĩ tràn ngập sắc dã quỳ.
Ngày hội năm nay có sự góp mặt của các nghệ nhân 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chư Păh phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm nghệ thuật đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng và các vật dụng phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt của dân tộc Jrai, Bahnar. Ngoài ra, Ban tổ chức còn mời thêm câu lạc bộ dệt thổ cẩm của phụ nữ xã Ia Ka, Ia Mơ Nông tham gia trình diễn, hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm một trong những nghề thủ công đặc sắc nhất của người Jrai.
Các môn thể thao truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, chạy cà kheo, nhảy bao bố cũng được tổ chức theo hướng vừa trình diễn vừa hướng dẫn du khách tham gia. Các hoạt động kể trên đều diễn ra tại sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh).
Du khách đến tham quan và vui chơi dưới chân núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc |
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: “Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya được duy trì tổ chức trong những năm qua đã góp phần tạo nên thương hiệu du lịch cho tỉnh nói chung, huyện Chư Păh nói riêng. Hy vọng, với sự chuẩn bị chu đáo, nội dung phong phú, hấp dẫn, Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2020 sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh”. |
Ông Nguyễn Minh Đức-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Păh-cho biết: “Lễ hội là sự kiện nhằm tôn vinh giá trị di sản mà thiên nhiên ban tặng và di sản văn hóa do con người tạo ra, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện. Dự kiến, sự kiện sẽ thu hút khoảng 15-20 ngàn lượt người đến tham quan mỗi ngày, do đó chúng tôi đã có sự chuẩn bị, phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng-chống cháy nổ, vệ sinh môi trường cảnh quan, phòng-chống dịch bệnh…”.
Với lượng khách du lịch đến tham quan có thể tăng 15-20 lần so với ngày thường, đây còn là cơ hội tốt để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, tìm đầu ra sản phẩm cho người nông dân.
Trong khuôn khổ lễ hội, Ban tổ chức bố trí trên 20 quầy hàng nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng được lựa chọn để trưng bày, giới thiệu đến du khách như: cà phê, hồ tiêu, chuối rừng, rượu ghè, mật ong, măng khô Hà Tây, cá thác lác sông Sê San. Đặc biệt, 2 loại cây trồng mang đậm dấu ấn của núi lửa Chư Đang Ya là dong riềng, khoai mật đã được chế biến thành những sản phẩm để du khách có thể mua làm quà là miến và bột dong riềng, khoai mật sấy dẻo…
Thay đổi tư duy làm du lịch
Công tác chuẩn bị cho lễ hội hoa dã quỳ năm nay đã có sự thay đổi rõ rệt so với những lễ hội trước, đó là có sự tham gia của đông đảo người dân. Những người nông dân ở làng Ia Gri từ trước đến nay chỉ biết ruộng rẫy giờ đã bắt đầu làm quen với dịch vụ hoàn toàn mới mẻ là phục vụ du khách.
Ngay dưới chân núi lửa, chị A Yăm cùng những người bà con đang gấp rút san đất, dựng khung để làm quầy hàng ẩm thực truyền thống phục vụ du khách. Chị cho biết, để chuẩn bị cho lễ hội này, 4 gia đình trong dòng họ đã hợp tác với nhau để mở quầy hàng ẩm thực. Cũng theo người phụ nữ Jrai này, doanh thu 1 ngày từ phục vụ lễ hội có thể bằng một mùa trồng dong riềng trên núi. Vì vậy, sau lần đầu tiên còn khá bỡ ngỡ thì đến lễ hội năm nay, chị đã có thêm kinh nghiệm để phục vụ tốt hơn.
Cũng dựng một nhà bạt dài vài chục mét dưới chân núi lửa, nhưng chị Am cho hay, chị không phục vụ ẩm thực mà để giữ xe cho khách tham quan. “Bố mẹ và gia đình chị gái mình đều mở gian hàng ẩm thực truyền thống phục vụ khách tham quan lễ hội, còn mình và các gia đình khác trong dòng họ làm dịch vụ giữ xe. Chúng tôi phân công nhau mỗi nhà mỗi việc và có thể chạy qua chạy lại hỗ trợ nhau”-chị Am nói.
Lãnh đạo huyện Chư Păh kiểm tra công tác chuẩn bị lễ hội. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Qua các lần tổ chức lễ hội, bà con đã dần quen với nghề làm dịch vụ-công việc mới giúp tăng thu nhập. Ông Hoàng Công Nhuần-Bí thư Đảng ủy xã Chư Đang Ya-thông tin: “Trong 5 năm trở lại đây, khi núi lửa Chư Đang Ya có sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước, chúng tôi đã hướng người dân chuyển sang làm du lịch, dịch vụ, giúp bà con hiểu được giá trị cảnh quan, bản sắc văn hóa đang sở hữu, đồng thời mở rộng sản xuất các mặt hàng nông sản phục vụ du khách, giúp người dân có thêm thu nhập. Chúng tôi xác định, mỗi người dân là một kênh quảng bá trực tiếp hình ảnh con người, truyền thống, văn hóa, thiên nhiên Chư Đang Ya, do đó, tại lễ hội lần này, UBND xã đã quán triệt nhân dân khi đăng ký các quầy hàng dịch vụ, ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối không được tăng giá, chặt chém du khách. Hy vọng, sự thành công của lễ hội sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh Chư Đang Ya và các điểm du lịch lân cận”.
HOÀNG NGỌC