Tự truyện của người về từ địa ngục ma túy - Kỳ 9: Tiếng sét ái tình giữa núi rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hết hạn ba tháng kỷ luật 'nằm hầm' vì tội dám bỏ trốn lần hai, Nông trại Phú Văn trả tôi về B2 mỗi ngày vào rừng chặt tre, nứa, lồ ô, lấy mây, cây rừng làm cột nhà.
Trong tự truyện, ông Xuân kể rất nhiều về mẹ và các em khổ vì ông - Ảnh: GIA TIẾN
Trong tự truyện, ông Xuân kể rất nhiều về mẹ và các em khổ vì ông - Ảnh: GIA TIẾN
Niềm vui tình yêu
Nhiều ngày chúng tôi phải đi xa năm, bảy cây số, bơi qua suối để vào rừng chặt cây rồi kết thành từng bè cá nhân chèo về đơn vị. Hầu như ban ngày chúng tôi chỉ trong rừng, đêm mới về ngủ trong đội hình ở trại.
Cuộc sống và lao động như thế, tôi bắt đầu thấy phù hợp, đầu óc không còn suy nghĩ bỏ trốn nữa dù cơ hội nhiều ở trong rừng. 
Tôi được biết cùng lên Phú Văn tháng 12-1977 để cai nghiện có nhạc sĩ nổi tiếng N.T.C., nhà văn N.T.L., nghệ sĩ múa L.V.S. và nhiều người từng danh gia vọng tộc trước tháng 4-1975. 
Ngoài ra, còn các cô cave ở những vũ trường cao sang, những nàng "me Mỹ" một thời lắm bạc nhiều tiền, những cô chiêu cậu ấm không chấp nhận thua kém bè bạn.
Sau thời gian lao động nề nếp, chúng tôi cả nam lẫn nữ đều bình phục, không còn vương vấn tâm lý, bệnh lý gì với ma túy. Không khí vui khỏe dậy lên, nhất là những lúc nam nữ hợp tác lao động. Cánh mày râu bắt đầu vương vấn trong đầu hình ảnh cô bạn gái đã gặp trong lúc lao động và gửi tín hiệu cho nhau.
Cán bộ nông trại nhìn thấy và thấu hiểu học viên nên cho phép chủ nhật hằng tuần ai có bạn thì được phép qua lại đội hình của nhau để gặp gỡ, trò chuyện trong nội quy. Nếu xảy ra vi phạm thì cả hai bên sẽ bị cắt đứt chế độ dành cho này.
Thời gian ở đây, tôi đã thấy được kết quả tốt đẹp của hai cặp đôi được ban giám đốc nông trại đại diện gia đình tổ chức lễ thành hôn. Cặp thứ nhất là Tâm Khờ với Hoa, cặp thứ nhì là Long Phù với Hoa Minơ. Bọn nam tụi tôi thấy thế cũng rạo rực, mong ước chuyện tình yêu và tổ ấm mai sau. Nhờ thế chúng tôi vui tươi đầu óc, thời gian trôi qua lúc nào không hay.
Mùa xuân đến, chúng tôi chỉ cho nhau những cành lan rừng, những cây mai rừng rực bông vàng dưới ánh nắng chen qua cành lá. Bọn tôi đánh dấu, dặn dò nhau để lấy về chưng ngày tết trong đơn vị.
Đêm 30 tết giữa núi rừng, mọi người không ai ngủ mà ngồi lại bên nhau uống trà cô đậm, cắn kẹo mứt, chờ giờ giao thừa tập trung tại sân cờ của đội để cùng nhau đón năm mới.
Sáng mùng một tết, ai cũng quần áo sạch sẽ, vui tươi với nhau. Không khí càng rộn ràng khi khách bên liên đội nữ qua giao lưu đầu năm. Chỉ thương cho mấy thằng tôi còn "cánh cò mồ côi" chung vui với các bạn đã có đôi.
Thời gian vui tết năm ngày qua mau trong sự luyến tiếc. Tất cả lại bước vào lao động. Tôi đã cai nghiện ma túy và học tập, lao động tại Phú Văn từ cuối năm 1977 đến đầu năm 1982 rồi được giải quyết hồi gia, về lại với đời sống bình thường như mọi người...
Một người buôn bán ma túy ra tòa trong nỗi đau buồn của người thân - Ảnh: PHẠM VŨ
Một người buôn bán ma túy ra tòa trong nỗi đau buồn của người thân - Ảnh: PHẠM VŨ
Hồi gia, tái nghiện trong đau đớn
Ngày nhận giấy hồi gia có tất cả là tám nam, bốn nữ. Chúng tôi ra về cùng gia đình của vài đứa lên đón. Xe nông trại chở ra bến xe Phước Long (Bình Phước) để sang xe đò về địa phương.
Đến đây, mạnh ai nấy lo đường về của mình. Nhóm về TP.HCM có tôi và ba đứa khác đi chung xe. 
Kỳ lạ thay, bốn thằng tôi suốt mấy năm trời ở nông trại không còn nghĩ ngợi gì về ma túy, sức khỏe và tinh thần đều tốt, thế mà tự nhiên lúc này có thằng ngáp, sau đó cả đám cùng ngáp theo, nước mắt ứa ra, phải lấy tay bụm mồm và quẹt nước mắt. Chúng tôi sợ người khác ngồi bên thấy dấu hiệu kẻ nghiện. Tuy nhiên, lúc này chúng tôi chỉ bị vậy mà không còn vật vã nữa.
Xe về đến Bình Dương, chạy vào bến bỏ khách. Bốn thằng tôi hỏi ý nhau rồi quyết định xuống xe, không đi tiếp nữa mà đứng quan sát, dò tìm dân "ken". 
Thời gian ở nông trại, tụi tôi nghe mấy thằng đi phép lên nói lại ở bến xe Bình Dương, chỗ gần nhà vệ sinh có bán "ken" để "độp" chích tại chỗ.
Kia rồi, một "ma ken" đang lởn vởn. Tụi tôi ngoắc nó lại hỏi dò với điều kiện nó chỉ chỗ thì tụi tôi phải bao nó "độp" để trả công. Đến gần nhà vệ sinh bến xe, tôi thấy hình ảnh điểm bán xì ke giống như ở đường Hàm Nghi. 
Một thằng cầm kim "độp" xong là ra chỗ khác liền không được ngồi lê la ở đó. Nhìn thấy cái ống ba "xê" (30ml) chứa thuốc phiện nước màu đen mà tôi nổi da gà lên, rồi bắt ven cho nó "độp". Vì đã lâu không đụng đến ma túy, nên tôi chỉ chơi 7 "mắt" (1 "mắt" là 1ml) đề phòng bị sốc ken mất mạng.
Trời ơi, cảm giác ma túy rần rần chạy vào người. Mặt tôi bừng bừng đỏ như gà đá, còn mắt giống như lồi ra, tim đập dồn dập. Sau đó thì người tôi rũ xuống. 
Bên cạnh, thằng Phát, thằng Thượng "mám" quá, "độp" luôn 12 "mắt" bị ụa ói tùm lum. Tôi vừa phê ma túy mà vừa ứa nước mắt. Thôi rồi, công sức cai nghiện, học tập, lao động suốt mấy năm đã tan thành khói thuốc trước "cô ba phù dung" ma quái!
Tôi về đến TP.HCM trời đã tối. Người không còn bình thường, mắt cứ muốn sụp xuống, giọng bị lạc đi vì cổ họng khô khốc dù đã uống nước rất nhiều, dáng đi thì liêu xiêu do phê thuốc. Người tôi gặp đầu tiên là ba. Nhìn thấy tôi, ba đang làm gì đó, tự dưng "đứng hình" một lát ông mới cất lời:
- Xuân con được về rồi hả, trên Phú Văn có đông người cùng về với con không?
Tôi móc tờ giấy được hồi gia của Nông trại Phú Văn trình với ba để ông tin rằng tôi được cho về chớ không phải bỏ trốn về. Sau đó, tôi lặng người nghe chuyện thằng Tuấn, em trai tôi ở vùng kinh tế mới Đồng Ban, Tây Ninh bị chết đuối khi đi hái rau rừng, măng le cuối năm 1977. 
Đến ngày thứ ba, mọi người mới tìm được thi thể em tôi vướng trong bụi tre gai bên bờ suối, cách chỗ bị chìm khoảng 300m.
Từ lúc thằng Tuấn mất, mẹ tôi suy sụp hẳn, cứ ngồi thẫn thờ nhìn tấm hình nhỏ của nó để trên đầu tủ. Đến bữa ăn, mẹ nhìn chỉ thấy hai chị em mà thiếu một đứa, mẹ lại khóc, bỏ đũa. Trên vùng kinh tế mới, ba mẹ con còn lại gồng mình vật vã với nỗi buồn và khó khăn cuộc sống!
Năm 1978, chiến tranh biên giới nổ ra khốc liệt. Mẹ và hai em còn lại của tôi phải trở về TP.HCM. Nhưng sức mẹ đã rất yếu do tuổi già, làm lụng cực nhọc, ăn uống thiếu thốn, lại thêm nỗi đau buồn mất con. 
Bác sĩ cho biết mẹ đã bị lao phổi nặng, phát bệnh từ lâu rồi! Bệnh mẹ ngày càng xấu đi, đến giữa năm 1979 thì mẹ bỏ ba và các con còn lại để nhắm mắt xuôi tay. Lúc đó tôi đang ở Phú Văn.
Ngồi nghe các em kể chuyện, tôi - một thằng lính đã từng cầm súng, một thằng nghiện từng ra giang hồ mà khóc nấc lên. Tôi nghe tim mình nghẹt lại. Các em tôi cũng khóc theo!
Lát sau tôi thẫn thờ ra đường, đến trạm xe buýt gần đó để lên Bến Bạch Đằng. Tôi ngồi một mình bên bờ sông để nghĩ lại mọi chuyện đau xót xảy ra với mẹ và em. Rồi tôi khóc to thành tiếng mà tự vấn mình.
Người tôi từ từ nhũn ra, rã rời từ tinh thần đến thể xác. Tôi bị mặc cảm tội lỗi dằn vặt đến tột cùng và không còn biết làm gì, đi đâu!
Cuối cùng, tự nhiên chân tôi lê bước về đường Hàm Nghi, về bến nghiện ngập đầy tội lỗi, đau buồn...
Nếu tôi không nghiện, mẹ và em không chết!
Nếu tôi không vướng vào ma túy, nếu có tôi ở trên vùng kinh tế mới cùng mẹ và các em thì thằng Tuấn không chết thảm như vậy. Nó chết vì đã thay tôi để lo toan trong nhà khi nó còn chưa trưởng thành.
Nếu có tôi bên cạnh, mẹ tôi đâu cực khổ đến mức lao lực, rồi đau xót vì mất con mà phải bỏ cha con tôi ở lại! Nếu như... nếu như..., tôi lặp lại liên hồi trong đầu suy nghĩ tội lỗi của mình với mẹ với em.
Ngày em chết trẻ tức tưởi, ngày mẹ mất trong đau buồn, tôi đều không biết vì đang trả giá cho sự nghiện ngập của mình.
Những mũi ma túy chích lại đầu tiên sau mấy năm dứt nghiện, tôi vừa phê mà vừa đau đớn cho cuộc đời mình. Tôi lại có lỗi với Nông trại Phú Văn, có tội với hương hồn mẹ và em tôi...
Kỳ tới: Lại thân tàn ma dại!
TRẦN KIM XUÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.