Tự truyện của người về từ địa ngục ma túy - Kỳ 6: Trận quyết đấu lấy 'số má'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nội quy bến xe tổ chức thành nhiều tổ bốc xếp và chia khu vực cho từng tổ. Nhưng thực tế tụi tôi tự lập nhóm theo địa phương và thường xuyên giành giật việc làm, lấn hiếp nhau.
Một con nghiện tự chích công khai cho mình - Ảnh: NG.KHÁNH
Một con nghiện tự chích công khai cho mình - Ảnh: NG.KHÁNH
Như trốn chạy khỏi Đồng Ban, Tây Ninh, tôi nhẫn tâm bỏ lại mẹ và các em ở làng kinh tế mới nghèo khổ. Trở về Sài Gòn, tôi tìm ngay mấy thằng bạn nghiện thân tàn ma dại trong xóm "ken" một thời khét tiếng ở hẻm 72 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh.
Giành "số má" ở bến xe
Tình cảnh tụi nó cũng tã như tôi, ngập chìm trong ma túy với ngày 2-3 mũi "độp" (chích) mà không đứa nào dứt ra được. Để có tiền chơi, bốn thằng nó kéo nhau ra bến xe Văn Thánh nhập vào nhóm bốc vác tại đây. Hành khách cần gì thì làm hết để lấy tiền công. Do bến nhiều xe và khách đi lại đông nên thu nhập cũng tạm cho tụi nó qua cơn vã mỗi ngày.
Thằng Hòa ồ lên khi thấy tôi lang thang trước bến xe:
- Xuân, mày về hồi nào? Má mày đi kinh tế mới khỏe không?
Ba đứa kia cũng bu lại hỏi han đủ chuyện của tôi. Thằng Hưng, thằng Hùng nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi cầm lấy tay tôi lắc lắc. Tụi nó nhận ra tôi đang vã "ken".
- Kéo nó theo "độp" luôn, trên đó về vã lắm. Cầm tay nó, tao thấy lạnh như xác chết - thằng Hùng cất lời và choàng vai tôi bước đi.
Cả đám đến động "ken" để chích cữ chiều như thường ngày. Qua được cơn vã, tôi liêu xiêu về nhà. Mọi người bất ngờ khi thấy tôi bước vào, xúm lại thăm hỏi chuyện trên kinh tế mới... Lắp bắp trả lời trong lúc đang phê, tôi lẹ tìm chỗ nằm lờ đờ.
Thời gian tôi về vùng kinh tế mới, tụi thằng Hòa sau những lần tụ tập trong căn nhà không có người ở để niêu nấu xì ke đã bị nhiều người trong tổ dân phố biết được. Họ dè dặt, nhắc nhau để ý trong ngoài nhà cửa, giữ gìn đồ đạc của mình trước mấy thằng nghiện ngập.
Tôi thưa chuyện với ba về ý định mình sẽ không bám vùng kinh tế mới nữa mà rút về thành phố kiếm tiền tiếp tế cho mẹ và các em. May mắn chuyện tôi nghiện xì ke trên đó mẹ chưa báo tin về nên ba vẫn chưa biết tôi đã ghiền ma túy.
Một hôm sau khi "độp" xong, năm thằng nghiện ngồi uống cà phê tâm tư cùng nhau. Thằng Hòa hiểu tình cảnh tôi, nói:
- Thôi, mày ra bến xe nhập băng tụi tao cùng kiếm cơm trắng cơm đen qua ngày. Có thêm "ngón nghề" tay chân của mày, mình xử luôn cái đám chó má gây chuyện lâu nay.
Từ đó, cứ sáng sáng cả đám tụi tôi kéo nhau đến động chích, rồi ra bến xe kiếm việc bốc xếp.
Bến xe này hình thành từ trước ngày bọn thằng Hòa có mặt. Ban quản lý bến lo trật tự nhưng còn do cả giang hồ nắm giữ. Nội quy bến tổ chức thành nhiều tổ bốc xếp và chia khu vực cho từng tổ.
Nhưng thực tế tụi tôi tự lập nhóm theo địa phương và thường xuyên giành giật việc làm, lấn hiếp nhau. Nhóm thằng Hòa còn "đứng" được ở bến xe này cũng đã chịu nhiều chèn ép.
Một bữa có thằng đến bỏ nhỏ:
- Tụi mày mỗi ngày góp 20% cho đại ca tao thì êm xuôi.
Bọn tôi trả lời:
- ĐM, hẹn chiều ra cổng bến trả lời.
Chiều, tụi tôi vừa ra khỏi cổng bến đã thấy thằng Cường Chột đứng vòng tay ở ngực. Quanh nó, sáu đứa đệ cũng hầm hầm như muốn đâm chém.
- ĐM, tụi mày đứng lại trả lời chuyện góp tiền hồi sáng rồi đi đâu thì đi - thằng Cường Chột nói như hét.
Bọn tôi đã bàn nhau cho tình huống này. Bên bọn tôi có năm đứa, tụi nó có bảy thằng. Cần xử thì xử thôi.
- Tiền gì mà phải đóng cho tụi mày? Muốn xử tập thể luôn hay đập từng cặp - tôi cứng cựa trả lời.
Thằng Cường Chột ra đẳng đại ca, bước lên khỏi đám đệ, nói:
- Tao muốn giải quyết không ồn ào, chỉ đập tay đôi. Thằng nào thua thì cả nhóm đó làm đàn em dưới chiếu của thằng thắng.
Tôi nói thằng Hòa bảo vệ chung quanh, rồi tôi tiến lên đứng cách Cường Chột khoảng 2 mét. Nó ra ngay đòn trước bằng cú đá tạt vào cằm. Vừa hạ chân xuống, nó thọc hậu liền cú đá giò lái thẳng vào ngực tôi. Bình tĩnh, tôi lách né và giơ tay phá cả hai thế đá hiểm này.
Cả hai đều có võ. Thằng Cường Chột không hạ gục được đối thủ như những lần trước xưng hùng xưng bá. Đá qua đấm lại chưa phân thắng bại thì tôi nghe tiếng hét:
- "Hàng" nè đại ca, đâm chết mẹ nó đi anh Cường. Tụi em tính sổ đám kia luôn.
Tình hình hỗn loạn. Năm đứa đệ Cường Chột tấn công bốn thằng nhóm tôi. Cả hai đám đấm đá túi bụi.
Thằng Cường Chột lúc này đã cầm con dao hùng hổ lao vào đâm tôi. Vừa lách né vừa phản đòn, tôi tung cú đấm móc trời giáng từ dưới lên cằm nó. Trong lúc Cường Chột đang choáng váng vì dính đòn hiểm, tôi bẻ quặt tay cầm dao của nó rồi vặn ngược đưa lưỡi dao lên kề cổ nó.
- ĐM, tụi mày ngừng lại, nếu không tao lấy máu thằng Cường.
Dùng tay còn lại, tôi tước con dao của thằng Cường Chột và hét lên:
- Tao không cần làm đàn anh đàn em tụi mày. Từ nay chuyện ai nấy làm, không phá nhau. Nếu không, đừng nói sao tao chơi ác.
Bọn nó đâu biết lúc tôi còn đi lính đã đeo đai đen taekwondo (thái cực đạo) do chính võ sư Đại Hàn dạy và cả đai xanh judo (nhu đạo) của thầy người Nhật.
Và thế là từ đó bọn tôi và tụi nó không còn chuyện gì nữa. Cuộc mưu sinh ở bến xe sau trận đấm đá đã êm hơn.
Sau cai nghiện, ông Xuân đã trở về với cuộc sống bình thường - Ảnh: GIA TIẾN
Sau cai nghiện, ông Xuân đã trở về với cuộc sống bình thường - Ảnh: GIA TIẾN
Sống bụi đời ở lề đường
Tuy nhiên, do ngày càng nhiều người tới bến xe kiếm sống nên tình hình ngày càng khó khăn. Bọn tôi không dám kéo đến động chích nữa mà mua "hàng cái" (sái thuốc phiện) về niêu nấu mà "độp" cho nhau để đỡ tốn tiền.
Một buổi sáng, năm thằng đang rút vào căn nhà không người ở để "độp", ỷ y sáng sớm nên không thằng nào "canh chèo" thì:
- Tụi mày ngồi im tại chỗ, phải theo tụi bay mấy ngày nay mới bắt được tại trận - giọng ông tổ trưởng dân phố vang lên.
Sau đó cả năm thằng bị đưa ra Công an phường 5, Bình Thạnh. Chủ hộ được mời lên làm việc. Gia đình, hàng xóm đã biết rõ tôi là thằng nghiện. Công an phường còn thông báo cho ban điều hành bến xe Văn Thánh không cho bọn tôi bốc xếp nữa.
Ba tôi phải ký cam kết trong cảnh cáo: cho về nhưng nếu còn chích choác sẽ cưỡng bức đưa đi đào kênh.
Sau chuyện "động trời" này, tôi bị thờ ơ, lạnh lẽo từ trong nhà ra lối xóm. Gia đình cũng bị láng giềng khinh thường, nghi kỵ vì tôi. Không còn chọn lựa nào khác, tôi phải rời nhà ra đi để ba không khổ sở.
Tôi và thằng Hưng cùng nhau giang hồ kể từ đây. Tụi tôi dạt tới bến Bạch Đằng, khu Hàm Nghi, nơi tụ họp dân "ken" tứ xứ để chích choác công khai và bàn chuyện trộm cắp. Tụi tôi chỉ dẫn cho nhau cách thức thực hiện, thậm chí che chắn cho nhau để lấy trộm đồ của mọi người bất kể lúc nào, nơi nào.
Cuộc sống vỉa hè đã dìm tôi vào vòng xoáy khắc nghiệt, tệ hại để thỏa mãn những cơn nghiện ngập. Tôi không còn nhớ mẹ và các em đang ở kinh tế mới dù chỉ một lần trong ngày. Tôi đã quên cả ba tôi.
Tôi bây giờ chỉ nhớ góc chợ nào đó có nhiều người sơ hở để dễ "ăn gio" (lấy giỏ đồ), rồi lề đường nào dễ "ăn dạo" (bóc mặt nạ xe, bẻ kính chiếu hậu, mở trộm cốp) và cản địa cho những thằng khác làm "hồ" (móc túi), rình mò đá xế điếc (ăn cắp xe đạp) mà không một suy nghĩ cắn rứt tội lỗi nào.
Càng trộm cắp, càng tăng đô chích choác. Cái vòng luẩn quẩn đen tối. Động chích choác xì ke là nơi những người nghiện phơi bày sự nô lệ ma túy, nơi kẻ nghiện ngập chỉ có phần con mà không có phần người.

"Cô Ba" của thằng nghiện

Một ngày, thằng Hưng cản địa "canh chèo" cho tôi đua (trộm xe). Nhận dấu hiệu của nó, tôi hồi hộp bước vào chỗ dựng xe trước cửa hàng bán lương thực mà ra vẻ người để xe ra lấy xe của mình. Mắt nhìn thằng Hưng, tay tôi cầm ghiđông, chân gạt chống, lùi xuống đường để "đua" lẹ.

Chuyện trộm cắp đâu nơi nào đào tạo, thế mà mấy thằng nghiện xử gọn gàng, nhanh như điện xẹt. Mỗi lần trộm cắp trót lọt, tụi tôi lại "độp" ma túy và nói với nhau nhờ "cô Ba" phù hộ.

Tụi tôi ngồi phê, đốt điếu thuốc, mời "cô Ba" hút ngao đầu tiên mà miệng lâm râm khấn vái "cô" cho đi trộm cắp... may mắn!

Lần đầu bị bắt vào trại cai nghiện và phục hồi nhân phẩm, tôi đã sốc nặng. Tôi không bao giờ nghĩ mình lại có ngày này...

Kỳ tới: Lần đầu vào trại Bình Triệu

TRẦN KIM XUÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.