Thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu giảm từ 20 năm còn 15 năm
Về thời gian đóng BHXH tối thiểu và điều kiện hưởng lương hưu, luật BHXH 2014 (có hiệu lực đến ngày 30.6.2025) quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu chỉ được hưởng lương hưu hằng tháng nếu có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên (đối với nam) và 15 năm trở lên (đối với nữ).
Trường hợp không đáp ứng thời gian đóng tối thiểu, người lao động không được hưởng lương hưu hằng tháng mà thường sẽ nhận BHXH 1 lần khi hết tuổi lao động.
Trên thực tế, nhiều người lao động đã chọn hưởng BHXH 1 lần do không đủ 20 năm đóng. Theo số liệu thống kê của Chính phủ, trong 7 năm thực hiện luật BHXH 2014, có trên 53.000 người khi đến tuổi nghỉ hưu phải nhận BHXH 1 lần do chưa đủ 20 năm đóng, và hơn 20.000 người phải đóng bù 1 lần cho thời gian còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Những con số này cho thấy với quy định cũ, nhiều người lao động (đặc biệt là nam giới hoặc người tham gia BHXH muộn) khó tiếp cận lương hưu do rào cản về số năm đóng tối thiểu.
Luật BHXH (sửa đổi) năm 2024 được Quốc hội thông qua ngày 29.6.2024 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2025.
Luật mới mang đến nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến chế độ hưu trí, tập trung vào mở rộng diện bao phủ và tạo thuận lợi hơn cho người tham gia.

Người dân đến nhận lương hưu, trợ cấp BHXH ở một bưu điện tại TP.HCM. ẢNH: L.T
Trong đó, thay đổi đáng chú ý nhất là giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu. Cụ thể, luật BHXH 2024 quy định giảm điều kiện thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm đối với cả nam và nữ.
Như vậy, từ ngày 1.7.2025, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu chỉ cần 15 năm đóng BHXH trở lên là được hưởng lương hưu hằng tháng, thay vì 20 năm như trước đây.
Tuy nhiên, luật cũng nêu rõ điều kiện tối thiểu 15 năm này không áp dụng đối với trường hợp nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động (nghỉ hưu khi bị suy giảm ≥61% khả năng lao động). Những trường hợp nghỉ hưu trước tuổi vì lý do sức khỏe hoặc nghề nghiệp nặng nhọc vẫn phải đáp ứng điều kiện riêng theo luật.
Tuổi nghỉ hưu năm 2025 là bao nhiêu?
Hiện nay, tuổi nghỉ hưu của người lao động được quy định trong bộ luật Lao động 2019 và áp dụng lộ trình tăng dần. Cụ thể, vào năm 2025 tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường là 61 tuổi 3 tháng đối với nam và 56 tuổi 8 tháng đối với nữ.
Lộ trình này hướng tới mức tuổi nghỉ hưu cuối cùng là 62 tuổi với nam (vào năm 2028) và 60 tuổi với nữ (vào năm 2035). Người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn (tối đa 5 tuổi) nếu thuộc diện làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc suy giảm khả năng lao động, nhưng phải đáp ứng các điều kiện về thời gian đóng BHXH theo luật định.
Điều 64 quy định đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu:
1. Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, g, h, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2, điều 2 của luật này khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2, điều 169 của bộ luật Lao động;
b) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 3, điều 169 của bộ luật Lao động và có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1.2021;
c) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định nghỉ hưu và có từ đủ 15 năm trở lên làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định của Chính phủ;
d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
2. Đối tượng quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1, điều 2 của luật này khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định, trừ trường hợp luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, luật Công an nhân dân, luật Cơ yếu, luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có quy định khác;
b) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định và có tổng thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1.1.2021;
c) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
3. Chính phủ quy định việc hưởng lương hưu đối với trường hợp không xác định được ngày, tháng sinh hoặc mất hồ sơ và các trường hợp đặc biệt khác.
Theo Phạm Thu Ngân (TNO)