Truyện ngắn: Trở về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quán bên đường nằm sát mé kênh thì lấy đâu ra sạch sẽ. Thế mà khách vừa đứng lên đã có người khác ngồi xuống.
 

 



Thằng nhóc phụ quán nhăn nhó rút cái khăn trên vai lia vài đường cơ bản. Dưới đất đã được trải thảm bằng giấy lau, cọng rau, vỏ đậu phộng, còn có cả hạt xoài.

Thằng nhóc bán đậu phộng, trứng cút, xoài keo sà tới cạnh hắn.

- Anh Ba mua giùm em món gì đi. Ế quá!

Hắn liếc nhìn thằng bé, sáng sủa lanh lợi. Hắn cười sau khi dốc vào họng ly nước bé xíu nhưng cay nồng.

- Giỡn với ai chứ đừng qua mặt anh đây. Ai không biết bây vừa bán hết sẽ có đứa châm thêm liền, và sẽ ca bài ca ế quá mua giùm đi.

- Có đâu? - thằng nhóc cao giọng vờ thảng thốt. Hắn thò tay lấy hai bịch đậu phộng, thảy cho nó tờ tiền. Nhìn nó he hé cái túi tìm tiền thối, hắn định nói "khỏi thối", may mà kìm được. Những tờ tiền này đâu phải của hắn, là mấy anh em dúi cho hắn, những ngày hắn xài tiền khỏi thối đã trôi xa lắm rồi:

- Hồi anh mày giở mấy trò ma mãnh mày đang xài, mày còn chưa biết ở đâu kìa.

Thằng nhóc nhìn hắn bằng ánh mắt sùng bái. Hắn có chút ngẩn người. Trước khi lầm lạc, mình cũng từng trong trẻo như thằng nhóc này hay sao? Hồi ấy đã bao xa?

Mấy năm nay, hắn ở một nơi rất xa, xa đến nỗi hắn không thể về thăm nhà. Hôm qua, hắn bước ra khỏi cánh cửa ấy, cái áo này là của thằng bạn tặng cho. Đàn anh vỗ vai hắn. Đừng vào đây nữa, ngẩng mặt lên mà làm người.

Hắn tìm về, chỉ còn non cây số, rẽ vào con đường kia, đi qua ít cây xà cừ nữa là sẽ đến ngõ nhà hắn. Nhưng lần khân, hắn rẽ vào đây, ngồi định thần.

Quê hắn thay đổi đến chóng mặt. Nơi này đã có siêu thị. Hắn nhìn những người vào quán, ai cũng xài điện thoại thông minh.

Có tiếng ồn phía sau. Bàn bên cạnh có thêm người đến, họ kéo hai bàn ghép thành một. Một cô gái mặc áo thun có thêu chữ, chống cằm:

- Hồi chiều, tôi đã suýt khóc đấy!

- Ai bắt nạt bạn?

- Bắt nạt gì chứ? Ông khách phải sáu mấy bảy mươi ấy. Ông hỏi mua sữa đi thăm người bị tiểu đường mới ốm dậy. Tôi giới thiệu sữa cho ông, tiện giới thiệu cả hộp yến chưng không đường. Ông ấy đòi lấy cả hai.

Lúc ấy tôi lại buột miệng bảo bác giàu thế. Cơ bản là tôi thấy ông ấy lùi xùi, kham khổ. Tôi cứ nghĩ sẽ bị mắng, nhưng ông chỉ cười. Khi tính tiền xong, ông lại hỏi mượn bút lông và kéo.

- Để làm gì?

- Các cậu đoán không được đâu - cô gái uống ngụm nước - Ông lấy bút lông bôi lung tung lên hộp sữa. Hộp yến đang vuông vắn lịch sự thế, ông cắt cho hơi bấy.

- Chi vậy?

- Vì bà được tặng tiết kiệm lắm. Ông nói nếu biếu nguyên hộp lành lặn thế nào bả cũng mang bán, để dành tiền cho thằng con trai. Bả chẳng dám ăn gì tiêu gì cho mình. Ông sẽ nói đồ này mang từ nhà tới, là do con trai ông được người ta biếu, cháu nội ông lấy chơi phá thành thế này.

- Ông già "mưu mô" thấy thương, phải hiểu phải quý nhau lắm người ta mới nghĩ cho nhau như vậy.

Câu chuyện được đổi đề tài, bông đùa và vui vẻ. Cô nhân viên siêu thị miệng hơi cười theo đám bạn nhưng trong mắt vẫn đầy tâm sự. Hẳn cô bị ông già làm cho cảm động. Hắn nhếch mép cười, biết đâu chỉ là chuyện bịa, nhưng lại thoảng qua trong đầu câu hỏi: Con của bà đó làm gì mà bả phải ăn tiêu tằn tiện? Phải chăng gã trai ấy muốn cưới vợ thành phố, muốn đi tay ga thay vì xe số...

Hắn dốc ực vào họng ly cay cuối cùng. Biền biệt hơn ba năm, hắn chưa từng về thăm mẹ trừ những lần được phép gọi điện. Mẹ hắn nghĩ hắn đi làm ăn xa, bận rộn không về. Mẹ hẳn không ngờ hắn ở nơi thời gian trôi chậm nhất.

Tự do, hắn thấy cần phải về một chuyến, dù chưa nghĩ mình sẽ ở lại. Ở quê biết làm gì mà sống. Chệnh choạng, hắn chân thấp chân cao rẽ vào con đường nhỏ, cái balô lắc lư trên lưng. Trong ấy ngoài bộ đồ đã cũ hắn mặc hồi vào đấy, chỉ có một gói bánh quy. Là của đại ca cho, nói mang về cho mẹ.

Cổng chỉ khép hờ nên hắn vào dễ dàng. Hắn đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, mẹ hắn đang nằm trên giường, cái giường có hai chân kê bằng gạch.

- Ai đấy?

Tiếng mẹ khàn khàn. Mẹ gầy và già đi trông thấy. Hắn luôn nghĩ dù hắn có đi đâu thì mẹ vẫn ở đó, chỉ cần quay đầu lại là nhìn thấy. Nay hắn mới thấy sợ, nếu trong thời gian hắn mất tự do ấy, mẹ hắn không trụ nổi mà về trời, hôm nay hắn sẽ thấy gì? Một ngôi nhà sân đầy lá rụng và thêm tấm hình trên tủ thờ?

Hắn rùng mình ớn lạnh, vội lên tiếng khi thấy mẹ đưa chân xuống đất:

- Là con đây.

Khỏi nói mẹ vui thế nào. Bà khi cười khi khóc, hỏi han đủ điều, lúc mắng lúc vò tóc hắn như thể hắn còn là thằng nhóc lên tám trong một buổi chiều học thuộc hết bảng cửu chương bốn. Mẹ hì hụi nấu cho hắn tô mì với hai quả trứng mặc kệ hắn nói mới ăn.

Hắn ngoan ngoãn ngồi ăn trước nụ cười của mẹ rồi ôm cái bụng no tròn đi ngủ. Lạ là hắn ngủ rất ngon.

Thức giấc khi trời còn chưa sáng, hắn ra sân vươn vai, nhăn mày nhìn vườn đầy cỏ - chỗ mẹ hay trồng rau nay bỏ đó. Hắn lấy cái cuốc dựng gần ảng nước, giơ cao, gì chứ việc này hắn đã nhuyễn lắm rồi.

Mẹ đi chợ về, đưa cho hắn bọc lá chuối.

- Xôi bắp đó. Xôi bắp bà Chín ngày xưa con thích đó, bả mất rồi, giờ con gái bả bán. Sao con dậy sớm vậy?

Hắn cười, đón cái giỏ trên tay mẹ mang vào bếp, nâng bịch lá chuối lên gần mũi nghe mùi mỡ hành sực lên. Lúc quay ra, mắt hắn chạm phải vỏ hộp sữa, hộp yến vứt trong góc bếp. Không hiểu sao nhìn những đường gạch dọc ngang chi chít, hắn thấy quen thuộc, ngực thắt lại.

Lúc đưa tay lên chùi mặt, hắn mới phát hiện ra mình vẫn cầm gói xôi. Mùi mỡ hành thôi mà, làm sao lại khiến hắn phải rơi nước mắt?

Theo NGUYỄN THỊ THANH BÌNH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.