Truy kích địch trên đường 7: Hồi ức người trong cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mặc dù đã 47 năm trôi qua nhưng tôi vẫn không sao quên được những ngày tháng 3 sôi động ở Tây Nguyên thuở ấy. Một tháng 3 đã đi vào lịch sử như mốc son chói lọi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của quân và dân ta mà tôi được tham gia và chứng kiến.
Những ngày đầu tháng 3-1975, khi bộ đội ta gia tăng pháo kích vào Kon Tum, Pleiku cùng những trận đánh nhỏ lẻ xung quanh 2 thị xã này làm cho địch phải tập trung một lực lượng lớn đối phó ở đây thì ở phía Nam Tây Nguyên, các sư đoàn quân chủ lực của ta ngày càng áp sát thị xã Buôn Ma Thuột. Sư đoàn 320 cũng đang ém quân bí mật dọc phía Tây đường 14 từ Nam Chư Sê đến Bắc Buôn Hồ sẵn sàng đánh cắt giao thông, chia cắt địch, thực hiện nghi binh, cài thế chiến dịch, chuẩn bị tiến công Chi khu Thuần Mẫn, làm hậu thuẫn cho các đơn vị của ta tiến công đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột.
Rạng sáng 4-3, mở màn Chiến dịch Tây Nguyên, mũi tấn công của Trung đoàn 95A trên đường 19 đã tiêu diệt một loạt vị trí địch từ Plei Bông đến ấp Phú Yên và tiếp đó là Sư đoàn 3 (Quân khu 5) làm chủ đoạn đường từ An Khê đến Bình Khê, làm cho địch phải rải quân đối phó. Lúc đó, đơn vị tôi (Đại đội 1, Tiểu đoàn 16 súng máy cao xạ 12,7 mm) cùng Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 64, Sư đoàn 320) đang ở Đông Chư Léo (cách quận lỵ Buôn Hồ 20 km về phía Bắc) được lệnh cơ động ngày hành quân, đêm nghỉ trong những cánh rừng bên đường 14 đến Buôn Hồ.
Sáng 8-3, Trung đoàn 48 tiến công làm chủ Chi khu Thuần Mẫn nằm ở ngã ba đường 14 với đường 7B (nay là tỉnh lộ 668). Ngay đêm đó, chúng tôi được lệnh vào chiếm lĩnh trận địa tiến công Chi khu Buôn Hồ. Trận đánh bắt đầu từ 5 giờ ngày 9-3. Sau 3 giờ chiến đấu, Trung đoàn 64 (thiếu Tiểu đoàn 9) cùng các lực lượng tăng cường đã diệt và bắt toàn bộ quân địch ở đây gồm 1 tiểu đoàn bảo an, 1 đại đội cảnh sát dã chiến, thu nhiều vũ khí trang bị, giải phóng hoàn toàn quận Buôn Hồ. Quá nửa đêm hôm đó, chúng tôi đang tạm dừng ở Đông Nam quận lỵ Buôn Hồ thì thấy ở phía thị xã Buôn Ma Thuột từng vầng lửa lóe lên sáng trắng một vùng trời, kèm theo là những tiếng nổ vang rền của các loại đại pháo, hỏa tiễn cho tới sáng. 11 giờ trưa 10-3, quân ta đã làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột. Song lúc này đối với chúng tôi, chiến trận vẫn diễn ra không kém phần quyết liệt. Trên trời, các loại máy bay trinh sát của địch vẫn lồng lộn dọc ngang nhòm ngó, từng đàn trực thăng ầm ầm chuyển quân về phía Nam. Địch vẫn ngoan cố tiến hành phản kích. Chúng tôi phải liên tục cơ động từ Nam Buôn Hồ đến Đạt Lý sẵn sàng đánh địch đổ bộ hòng tái chiếm Buôn Ma Thuột. Trưa 17-3, Trung đoàn 66 mới làm chủ căn cứ của Trung đoàn 53 (Sư đoàn 23 ngụy), Sân bay Hòa Bình cách thị xã 10 km về phía Đông Nam và các đơn vị còn lại của Sư đoàn 10 cũng mới diệt xong lực lượng địch phản kích từ hướng Đông hòng tái chiếm Buôn Ma Thuột gồm Trung đoàn 44, Trung đoàn 45 (Sư đoàn 23) và Liên đoàn 21 Biệt động quân ở khu vực Phước An-Chư Cúc thì Buôn Ma Thuột mới hoàn toàn được giải phóng.
Bộ đội Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) cơ động từ Đạt Lý về Cheo Reo chiều 17-3-1975 (ảnh tư liệu).
Bộ đội Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) cơ động từ Đạt Lý về Cheo Reo chiều 17-3-1975 (ảnh tư liệu).
Chiều muộn ngày 17-3, chúng tôi đang tạm dừng ở Đạt Lý (cách thị xã Buôn Ma Thuột 5 km về phía Bắc) thì được thông báo vắn tắt, song đã tạo nên một sự đột biến trong nhận thức của chúng tôi. Ấy là: Toàn bộ Quân khu 2 ngụy đang rút chạy khỏi Tây Nguyên trên đường 7 (nay là quốc lộ 25) về đồng bằng và chúng đang bị Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 64) chặn lại ở thung lũng Cheo Reo!
Ngay sau đó, chúng tôi được lệnh cùng Trung đoàn 64 cơ động gấp về Nam Cheo Reo truy kích địch. Chúng tôi được xe ô tô chở chạy ngược đường 14 độ 2 giờ rồi quẹo phải theo con đường đất đỏ khoảng 2 km đến một làng cũ của đồng bào đã bị đốt cháy ở bên đường. Bộ phận nào chưa có xe thì tranh thủ chạy bộ rồi được xe quay lại đón. Từ chỗ dừng xe, chúng tôi tiếp tục chạy bộ hơn 30 cây số theo đường rừng về Cheo Reo. Đến hôm nay, tôi vẫn không sao quên được cái đêm đuổi địch lịch sử ấy. Phải mang vác vũ khí nặng, trời thì tối đen như mực, đường đi xuyên rừng, đèo dốc, khe sâu, suối đá, người mệt lả, nhiều lúc muốn khuỵu xuống. Nhưng mỗi chúng tôi đều nghĩ, nếu đến không kịp để địch chạy thoát là có tội với Nhân dân. Thế là lại cùng nhau vượt lên. Mờ sáng về đến nơi, đúng lúc các chiến sĩ Tiểu đoàn 9 đang nổ súng dữ dội vào đoàn xe địch, chúng tôi liền đánh thốc tới. Bị đánh quyết liệt, một số xe tăng, xe bọc thép địch liều chết lao qua cầu Ea Nu (nay là cầu Sông Bờ)-một cây cầu nhỏ trên đường 7, sát thị xã Cheo Reo (nay là thị xã Ayun Pa). Cầu sập, cả xe và lính rơi xuống sông. Thế là phía trước bị ta đánh chặn, phía sau bị cắt, đoàn xe địch bị ùn ứ lại trên đoạn đường gần 10 km từ cầu Sông Bờ đến đèo Tô Na. Bộ đội ta liền xung phong chia cắt địch mà diệt. Hàng trăm xác giặc cùng hơn 100 xe tăng, thiết giáp, xe xích kéo pháo, ô tô vận tải các loại… nằm ngổn ngang trên đường, trong bìa rừng, ngoài bãi sông Ba.
Ngày hôm sau, cuộc chiến đấu của chúng tôi diễn ra càng thêm quyết liệt. Do chiều hôm trước, Trung đoàn 48 đánh mạnh trong thị xã Cheo Reo, phần lớn quân địch hốt hoảng chạy vào rừng lẩn trốn, sáng ra chúng cứ nhằm hướng Đông mà chạy và đã húc bừa vào trận địa chốt của ta. Suốt buổi sáng, khắp các mũi các hướng trên tuyến chốt chặn của ta liên tiếp bắt được xe tăng, xe bọc thép và tù binh địch. Hầu hết binh lính địch đã vứt bỏ vũ khí xin đầu hàng. Tù binh đủ các sắc lính đông đến nỗi các bộ phận không còn đủ người để trông coi. Một cảnh tượng hết sức đau lòng là hàng ngàn người dân ở các thị xã Kon Tum, Pleiku do bị địch tuyên truyền lừa phỉnh mà ùn ùn chạy theo chúng; hàng trăm người trong đó có cả vợ con lính đã bị xe tăng, xe bọc thép của quân ngụy cán chết để mở đường tháo chạy. Phần lớn bà con chạy sâu vào rừng để tránh bom rơi đạn lạc phải chịu cảnh bị đói, khát... Trước tình cảnh ấy, vừa bắt tù binh, tịch thu vũ khí trang bị của địch, chúng tôi vừa được lệnh vào rừng cứu dân. Cứ mỗi tốp 3 người, chúng tôi gùi nước đi tìm đồng bào. Đến chiều thì toàn đơn vị đã tìm và đưa bà con về ngồi chật cả một khúc suối cạn. Ở đây, bà con được bộ đội nấu cơm, nấu cháo cho ăn, rồi bàn giao cho chính quyền địa phương tổ chức đưa về quê cũ.
Tối hôm đó, chúng tôi lại lên xe tiếp tục truy kích bộ phận địch đã chạy về hướng Đông. Cuộc truy kích không kém phần gian nan ác liệt. Địch tháo chạy bằng cơ giới nhưng do tinh thần hoảng loạn, ô hợp, chỉ huy lỏng lẻo, đường lại xấu nên chúng phải phân tán thành từng bộ phận. Chúng tôi vừa đuổi vừa đánh, nhiều chỗ xe không đi được phải đuổi bộ, mặc dù sức lực đã cùng kiệt, không ngủ đã cả tuần rồi, mắt sưng đỏ, cổ khô cháy khát, bàn chân phồng rộp, nhưng quyết không buông cho quân địch được một giây phút lại sức và lại hồn. Chúng tôi luôn được chỉ huy các cấp động viên: “Cố lên anh em, cố lên một chốc nữa, một chốc nữa thôi!”. Nhưng những chốc lát nữa ấy cứ liên miên kéo dài gộp lại thành tháng 3 chiến thắng.
Sáng 25-3-1975, sau khi đánh tan lực lượng địch chạy về cụm lại ở thị trấn Củng Sơn (tỉnh Phú Yên), bộ đội Sư đoàn 320 vượt sông Ba tiến lên tiêu diệt bộ phận tàn quân cuối cùng co cụm ở Bắc ngầm sông Ba. Đến đây, tập đoàn địch tháo chạy khỏi Tây Nguyên cơ bản bị tiêu diệt và tan rã. Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên kết thúc thắng lợi. Cả ngàn quân mệt lả, muốn ngủ gục xuống ngay. Nhưng trước mắt kia là làng quê đồng lúa và biển xanh mênh mông bát ngát. Đến hôm nay, bên tai tôi vẫn còn văng vẳng lời hiệu triệu của Bộ Chỉ huy Mặt trận: “Anh em hãy cố lên, đánh luôn cho xong, trả thù cho đồng chí, đồng đội và đồng bào mình đã ngã xuống suốt ba chục năm qua!”.
HÙNG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.