Trường Sơn ký sự: Bi hài 'đòi của'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Đòi của' tồn tại dai dẳng trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn, không chỉ khiến những đôi trẻ lâm cảnh khó khăn ngay từ khi mới cưới, mà chuyện cũng lắm bi hài nếu chẳng may hôn nhân đổ vỡ.
“Cắm” sổ đỏ để sắm lễ vật
Chưa qua đi nỗi lo bạn gái mang thai phải “cưới chạy”, L.V.H (người Pa Kôh, trú xã Hồng Thượng, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) khựng người vì nghe phía nhà vợ tương lai “đòi của”. “Heo trên 60 kg đủ 9 con, bò phải đủ 2 con (1 con mổ đãi họ hàng, 1 con nhà gái dắt về nuôi), 1 chiêng cổ, 3 chỉ vàng và rất nhiều vật dụng khác nữa. Để sắm được những thứ này, mẹ em phải “cắm sổ đỏ” vào ngân hàng vay 50 triệu đồng. Nếu không có 2 con bò mẹ nuôi mấy năm trước thì phải vay 40 triệu đồng nữa”, L.V.H kể và cho biết thêm, lấy vợ đã 2 năm nhưng vừa qua, mẹ anh mới lấy lại được sổ đỏ nhờ bán mảnh đất rừng.
Tôi hỏi H., tổ chức đám cưới anh được họ hàng, bạn bè cho tiền mừng, ít nhiều gỡ gạc được khoản nào chứ? H. thở dài, phong tục đồng bào Pa Kôh khi đến dự đám cưới, họ hàng thường không cho tiền, vàng như người Kinh. Nên đám cưới là ngoài xác định tốn ngót nghét cả trăm triệu đồng cho nhà gái thì còn phải bỏ thêm chi phí để đãi tiệc. Anh L.H (anh trai của L.V.H) kể thêm, mới đây, đứa cháu của anh lấy vợ ở xã Hồng Trung và bị “đòi của” đến 11 con heo trên 50 kg, trong đó có 1 con phải trên 100 kg, thêm 1 con bò thịt, 1 con bò đem về nuôi, 5 chỉ vàng và nhiều chiêng, ché cổ...
“Tôi nghe xong mà choáng váng. Nhà đứa cháu nó nghèo ghê lắm, lấy đâu ra chừng đó của mà cho. Tôi đã trực tiếp gặp người bố để nói thẳng với ông ta: ông làm như thế khác chi bán con. Hai vợ chồng nó mới cưới rồi con gái của bác cũng phải cày như con trâu để trả nợ thôi. Sau đó, ông ta có giảm bớt số của nhưng không đáng kể”, anh L.H ngao ngán.
Anh H. bảo, có nhà sau “đòi của” vẫn làm phong tục “con gái báo hiếu” rồi đòi thêm 1 con heo hay 1 con dê. Bởi vậy, đã có không ít cô dâu sống khổ sở vì ngoài làm việc quần quật để cùng chồng trả nợ thì còn bị nhà chồng chì chiết, đại ý là “nhà mày đã lấy của nhà tao rồi, mày lo làm mà bù lại”.

Tục “đòi của” của người Cơ Tu khiến những đám cưới trở nên tốn kém cho gia đình nhà trai (Trong ảnh: Heo được sắm trong một đám cưới Cơ Tu). Ảnh: Hoàng Sơn
Tục “đòi của” của người Cơ Tu khiến những đám cưới trở nên tốn kém cho gia đình nhà trai (Trong ảnh: Heo được sắm trong một đám cưới Cơ Tu). Ảnh: Hoàng Sơn
Chủ động ly hôn, nhà vợ bị đòi “trả của”
Một lãnh đạo UBND xã Hồng Thượng nhận định, những năm trở lại đây chuyện cưới hỏi của người dân địa phương đã tiến bộ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp khi cưới hỏi, gia đình hai bên thỏa thuận ngầm với nhau về việc “đòi” và “cho” của cải nên xã không nắm được. Đó là tình hình ở H.A Lưới, còn ở huyện láng giềng Tây Giang (Quảng Nam), việc “đòi của” trong cưới hỏi của người Cơ Tu được ngành chức năng nắm bắt thông qua một số vụ ly hôn. “Đòi của” khi cưới, đòi “trả của” khi ly hôn nảy sinh nhiều chuyện cười ra nước mắt.
Ngày 6.9 qua, TAND H.Tây Giang ra bản án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu đòi lại tài sản và lễ vật khi cưới giữa anh Alăng B. (35 tuổi) đối với vợ là chị Alăng Thị D. (30 tuổi, cùng trú xã Dang, H.Tây Giang). Số là 10 năm về trước, vợ chồng anh B. kết hôn và có 2 con chung. Năm 2021, chị D. đi làm công nhân ở TP.Đà Nẵng, anh B. nghi ngờ chị D. ngoại tình. Hai người thường xuyên cự cãi nên chị D. viết đơn ly hôn. Điều đáng nói, cả hai không đề cập đến giải quyết tài sản chung, nhưng anh B. thì đòi lại của cải, lễ vật tặng nhà vợ khi làm đám cưới. Anh đòi chị D. và bố mẹ vợ phải trả lại 1 con trâu cái, 4 con heo, 1 cái ché xưa. Nếu không trả lại bằng tài sản như lúc tặng thì phải trả bằng tiền gần 65 triệu đồng. Ông Alăng D. và bà Bling Thị N. (bố mẹ chị D.) thật thà cho biết, lễ vật là trâu, heo mà nhà anh B. tặng đã được gia đình mổ thịt đãi bà con đến dự đám cưới. Còn những tài sản là ché xưa, chiếu, hạt cườm, chén đĩa thì ông bà đã tặng cho anh em họ hàng đến dự đám cưới hết rồi. Ông bà bảo là do anh B. tự nguyện tặng theo phong tục, tập quán nên không trả lại.

Hàng loạt ché, chiếu là lễ vật mà nhà trai phải biếu nhà gái khi con trai Cơ Tu lấy vợ. Ảnh: Hoàng Sơn
Hàng loạt ché, chiếu là lễ vật mà nhà trai phải biếu nhà gái khi con trai Cơ Tu lấy vợ. Ảnh: Hoàng Sơn
Nếu anh B. có chút “phóng khoáng” khi chỉ đòi lại những lễ vật lớn thì trong vụ ly hôn với vợ mình là Arất Thị P. (25 tuổi) vào năm 2019, anh Arất Nh. (35 tuổi) đòi “không sót thứ gì”. Theo bản án của TAND H.Tây Giang, anh Nh. đòi nhà vợ “trả của” gồm: 14 con heo (8 con loại 60 kg/con; 6 con loại 50 kg/con), bò cái 1 con, chiêng xưa 1 cái, ché thường 24 cái, ché ba chi loại lớn 1 cái… cùng 80 chiếu nhựa, dây mã não 125 dây, chén ba chi 750 cái, chén loại thường 400 cái, đĩa loại thường 200 cái. Theo định giá, tổng tài sản mà anh Nh. đòi lại là hơn 131 triệu đồng. Nếu không trả lại tài sản bằng hiện vật thì yêu cầu chị P. và 3 anh trai phải trả lại số tiền trên.
Tất nhiên, chị P. và 3 anh trai không chấp thuận trả lại số của này bởi họ cho rằng đó là lễ vật đám cưới theo phong tục.

“Đòi của” trong các đám cưới của người Cơ Tu âm thầm diễn ra ở các bản làng nhưng khó phát hiện để can thiệp. Ảnh: Hoàng Sơn
“Đòi của” trong các đám cưới của người Cơ Tu âm thầm diễn ra ở các bản làng nhưng khó phát hiện để can thiệp. Ảnh: Hoàng Sơn
Bài trừ tập quán lạc hậu
Từ những vụ ly hôn và qua tìm hiểu phong tục đồng bào Cơ Tu, ông Phạm Văn Hân, Chánh án TAND H.Tây Giang, nhận định: Những vụ đòi “trả của” xảy ra khi phía người vợ chủ động xin ly hôn. Ngược lại, nếu người chồng chủ động ly hôn thì họ sẽ không đòi lại lễ vật đã tặng nhà gái. Ông Hân khẳng định, TAND huyện đều bác yêu cầu đòi “trả của” của các ông chồng vì đó là một tập quán lạc hậu. “Tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình là tập quán trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình quy định tại điều 2 của luật Hôn nhân và gia đình hoặc vi phạm điều cấm quy định tại khoản 2 điều 5 của luật Hôn nhân và gia đình. Danh mục tập quán lạc hậu và hôn nhân cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng có mục “Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ chồng ly hôn”. Do đó, việc các ông chồng đòi lại lễ vật khi cưới là không có căn cứ nên HĐXX không chấp nhận yêu cầu đòi “trả của”, ông Hân phân tích.
Vận động cưới hỏi truyền thống gọn nhẹ
Bà Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội LHPN H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế), cảnh báo thực trạng đáng lo ngại hơn là ngoài tổ chức đám cưới theo phong tục, nhiều nhà khó khăn cũng tổ chức đám cưới theo kiểu người Kinh.
“Nếu tổ chức thêm đám cưới của người Kinh thì phải đặt tiệc, trong khi dân làng đi phong bì chỉ 50.000 - 100.000 đồng. Như thế chỉ có lỗ. Mà lỗ thì phải vay mượn để trả nợ… Chúng tôi tuyên truyền cho bà con chỉ cần đám cưới nhẹ nhàng theo nghi thức của mình là được. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời”, bà Tường thẳng thắn.
Ông Bhơriu Hùng, Trưởng phòng VH-TT H.Tây Giang, cho hay từ khi thực hiện Nghị quyết số 14 ngày 28.10.2013 của Huyện ủy Tây Giang trong đó có nội dung “không cho của hai bên gia đình”, tình trạng “đòi của” hoặc “xin của” đã giảm.
“Chúng tôi luôn nỗ lực vận động người dân, nhất là thanh niên hướng đến hôn nhân hiện đại, bài trừ những phong tục lạc hậu. Phòng mong muốn người dân nhận thức nên tiết kiệm trong đám cưới. Nếu cho của thì nên cho đôi vợ chồng trẻ làm ăn. Tránh việc vợ chồng mới cưới phải lập nghiệp bằng… cục nợ”, ông Hùng nói.
(còn tiếp)
Theo Hoàng Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.