Trường Sơn-10 năm trở lại-Bài 2: Sự đổi thay nơi thâm sơn cùng cốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tộc người Đan Lai ở xã Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) vốn được biết đến là “tộc người ngủ ngồi”. Bản Búng nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, giáp biên giới Việt - Lào, là nơi người Đan Lai trú ngụ.
 
Bản Búng của người Đan Lai nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ảnh: HOÀI NAM
Khi chúng tôi đặt vấn đề đi thăm lại các công trình mà Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP thực hiện gần 10 năm trước, Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, cảm kích nói: “Nghĩa tình Trường Sơn thực sự là chương trình mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện sự tri ân đối với đồng bào các dân tộc trên đại ngàn Trường Sơn đã chịu nhiều mất mát, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành độc lập cho dân tộc. Mời anh em đi thăm lại các công trình chúng ta đã làm, qua đó để thấy sự đổi thay của đồng bào các dân tộc anh em”.
Giao thông, y tế thuận lợi
Tộc người Đan Lai ở xã Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) vốn được biết đến là “tộc người ngủ ngồi”. Bản Búng nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, giáp biên giới Việt - Lào, là nơi người Đan Lai trú ngụ.
10 năm trước, khi Báo SGGP và Bộ đội Biên phòng Nghệ An chuẩn bị xây trạm xá quân dân y kết hợp, bản Búng đang là bản “7 không” (không điện; không đường; không trường; không trạm y tế; không nhà văn hóa; không trang phục, nét văn hóa riêng; không chợ búa, mua bán). Vì sống biệt lập với thế giới bên ngoài nên tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết khá phổ biến, người Đan Lai đứng trước nguy cơ thoái hóa giống nòi. 
Để vào được bản Búng chỉ có một con đường độc đạo là đi xuồng ngược sông Giăng và phải mất nửa ngày đường vượt qua nhiều ghềnh đá mới vào được đến nơi.
Khi thực hiện công trình Trạm xá quân dân y kết hợp, việc vận chuyển vật liệu là gian nan nhất. Mỗi ngày, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Môn Sơn phải cố “tăng bo” đến 3 chuyến hàng vật liệu mới kịp tiến độ cho công trình.
Sau 10 năm chúng tôi trở lại, bản Búng đã thay đổi rõ nét. Một con đường đất với 5 cầu treo đã được mở từ ngoài trung tâm xã Môn Sơn vào tận bản Búng. Mặc dù đi lại còn khó khăn nhưng người Đan Lai đã có thể sắm xe máy để chạy ra chạy vào.
Các em học sinh cấp 2 đi học ngoài trung tâm xã, cứ cuối tuần lại rủ nhau “cuốc bộ” về, không như trước đây chỉ biết ngồi khóc với nhau vì nhớ nhà. Điện lưới quốc gia đã được kéo về đến tận bản.
Về đêm, trong các ngôi nhà sáng ánh đèn, đây đó tiếng nhạc xập xình, vui nhộn khắp bản. Một điểm trường tiểu học và mầm non đã được xây dựng khang trang, thay cho tranh tre nứa lá tuềnh toàng.
Gần trưa, khi chúng tôi vào đến bản Búng đúng lúc vợ chồng anh Lê Văn Tiến và chị La Thị Thành cùng đứa cháu đến Trạm xá quân dân y khám bệnh. Anh Tiến vui vẻ nói: “Có cái trạm y tế ở đây ốm đau không phải xuống trung tâm xã, ưng cái bụng lắm. Ngày trước khi ốm phải xuống trung tâm xã, đi xa bằng đường suối, đường sông nên người ốm lại ốm thêm”.
Đại úy Nguyễn Chiến Thắng, quân y sĩ Trạm xá quân dân y kết hợp, cho biết, hiện bản Búng có 112 hộ với 520 nhân khẩu. Mỗi năm, bình quân có hơn 100 lượt bà con đến khám chữa bệnh.
Anh Thắng chia sẻ: “Vì bà con nơi đây chỉ trông chờ vào trạm xá nên nhiều khi thiếu thuốc, nhất là các loại thuốc thông thường như kháng sinh, cảm, sốt, ho, dịch truyền… Có sống cùng bà con mới thấu hiểu ngày trước họ sống khổ thế nào. Vì thế, việc có trạm y tế, có điện là cả một sự đổi thay không thể tưởng tượng được đối với bà con”.
Năm 2013, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn - Báo SGGP và Bộ đội Biên phòng Nghệ An xây dựng Trạm xá quân dân y tại bản Huồi Bắc (xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An).
Đây là bản “thâm sơn cùng cốc” nhất ở huyện vùng cao biên giới Kỳ Sơn. Lần vào khảo sát, khi ô tô qua khe Huồi Xiến (bản Puộc) để vào bản Huồi Bắc thì bị mắc cạn dưới lòng suối nước đang chảy xiết. Rất may bà con dân bản phát hiện kịp, không quản ngại nguy hiểm nhảy xuống suối, “dô hò” đẩy xe lên.
Khi xây dựng công trình, trong lúc đưa máy móc vào, ô tô bị tuột dốc làm anh Hòa - quản lý đơn vị thi công bị gãy mấy xương sườn... Bây giờ, đường vào Huồi Bắc đã thuận tiện hơn. Nếu ngày không mưa, ô tô gầm cao, xe máy đã vào được đến tận Trạm xá quân dân y. Một đập tràn cũng đã được xây dựng qua khe Huồi Xiến. 
Khi chúng tôi vào đến Trạm xá quân dân y thì đã chập tối. “Lên khám bệnh muộn thế à?”, chúng tôi hỏi người đàn ông Khơ Mú ở bản Huồi Bắc đứng bên thềm trạm đón khách.
“Không, mình lên chơi với anh Cường, không anh lại buồn”. Anh Cường ở đây là Thượng úy Trần Văn Cường, quân y sĩ phụ trách trạm. Để vợ con ở dưới huyện Thanh Chương, anh Cường lên đây đã được 3 năm.
Hiện trạm có 3 anh em thay phiên nhau trực. Ngày nắng còn đỡ, vì mấy ngày lại ra trung tâm lấy nhu yếu phẩm, còn ngày mưa chỉ biết luẩn quẩn trong trạm và trong bản với bà con.
Bây giờ, ở trạm đỡ buồn hơn vì mới có sóng điện thoại, còn điện thì vẫn phải dùng máy phát, bình ắc quy. Anh Moong Phò Lanh, Trưởng bản Huồi Bắc, cho biết: “Hiện bản có 67 hộ với 372 nhân khẩu. Nhờ có Trạm xá quân dân y ở bản mà bệnh tật của người dân ngày càng ít đi, bệnh ít đi thì người đi rẫy nhiều hơn người ở nhà”.
Thượng úy Trần Văn Cường cho biết, từ khi có Trạm xá quân dân y, ngoài bà con trong các bản của xã Bắc Lý như Huồi Bắc, Puộc, Nhọt Kho…, còn có nhiều người ở Huồi Khơ và Noọng Hán (xã Đoọc Mạy) đến đây khám.
Mỗi lần đến khám, bà con phải vượt qua một quả núi rất cao, nhưng vẫn gần hơn nhiều so với ra trung tâm xã Đoọc Mạy. Vì trở thành trạm y tế trung tâm của vùng này, nên mỗi năm Trạm xá quân dân y khám, chữa bệnh 360 - 400 lượt người.
Chủ yếu là các bệnh như cảm cúm, rối loạn tiêu hóa, cột sống, thần kinh… Anh Cường cho biết thêm, mới đây trạm đã cứu được một người bị co thắt đại tràng, là anh Moong Phò Lâm. Anh Lâm đi cai nghiện về thì bất ngờ lên cơn đau, người nhà lên trạm báo nên anh Lâm được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Gần đây, anh Cường cứu sống một người ăn lá ngón tự tử nhờ đọt chuối sứ vắt lấy nước, cộng thêm 7 con nhái. 
Cũng như trạm xá ở Bản Búng, Trạm xá quân dân y Huồi Bắc thiếu rất nhiều thuốc, chủ yếu là kháng sinh dạng bột của trẻ em, siro ho, thấp khớp, cột sống, rối loạn tiền đình…
“Dân bản ở đây đi núi, đi rẫy nên họ bị bệnh nhiều về xương khớp, cột sống, thần kinh. Bây giờ, trước mắt trạm chỉ mong có một cái máy châm cứu bằng điện để giúp bà con, chứ máy bằng pin nhanh hết điện lắm”, anh Cường chia sẻ.
 
Quân y sĩ Trạm xá quân dân y kết hợp bản Búng khám bệnh cho bà con Đan Lai, bản Búng. Ảnh: HOÀI NAM
Biết ơn Đảng, Bác Hồ và bộ đội nhiều lắm”
Trung tá Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, được giao nhiệm vụ đưa chúng tôi trở lại 2 xã vùng cao biên giới Liên Hương và Phú Gia (huyện Hương Khê).
Trước kia, để lên 2 xã vùng biên này phải vào đường 8, rồi theo đường 15 lên huyện lỵ Hương Phố. Nhưng nay, đường 36 đã được mở rộng, chạy thẳng từ TP Hà Tĩnh vào đường Hồ Chí Minh chỉ mất hơn 2 giờ.
Đón chúng tôi tại đầu con dốc dẫn về Trạm xá quân dân y kết hợp Rào Tre, xã Liên Hương, y sĩ Nguyễn Văn Ngọ đưa chúng tôi ngay đến nhà ông Hồ Búc, chị Hồ Nữ. 
“Mời bộ đội vào nhà mình uống nước”. Thấy chúng tôi từ xa, ông Hồ Búc đon đả mời. “Hôm nay mình không đi làm à?”, chúng tôi hỏi. “Ở nhà thôi, lớn tuổi rồi có Nhà nước và con nó lo, không đi làm nữa”, ông Hồ Búc trả lời.
Chị Hồ Nữ nhà bên cạnh, góp chuyện: “Ban ngày chỉ có người già và phụ nữ ở nhà lo việc nhà thôi, ai cũng đi làm hết mà. Trước kia người Chứt mình chẳng biết làm gì đâu, chữ còn không biết, ở trong khe núi, ăn lá rừng với cá suối thôi. Giờ thì nhà nào cũng làm lúa nước, làm vườn, chăn nuôi. Nhà đã có Nhà nước xây cho, gạo theo tiêu chuẩn đến tháng ở xã cấp, đau ốm thì bộ đội cho thuốc, trẻ con đi học hết rồi. Dân bản mình biết ơn Đảng, Bác Hồ và bộ đội nhiều lắm”.
Theo y sĩ Nguyễn Văn Ngọ, đồng bào Chứt ở bản Rào Tre hiện có 42 hộ với hơn 150 khẩu, tất cả đều ổn định đời sống, sản xuất. Tháng 6-2001, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện dự án “Bảo tồn, phát triển đồng bào dân tộc Chứt”.
Từ khi có Trạm xá quân dân y kết hợp do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP xây tặng, ai trong bản đau ốm đều được chăm sóc, chạy chữa không mất tiền.
Trong 5 năm, từ 2009 - 2014, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã thực hiện nhiều công trình dân sinh tại các địa phương trong cả nước.

Trong đó đã xây dựng và trang bị 17 trạm xá, xây dựng và bàn giao 1.351 căn nhà tình nghĩa, tặng hơn 2.000 suất học bổng, xây dựng mới bản văn hóa di tích lịch sử Làng Ho và nhiều công trình văn hóa, lịch sử, tâm linh khác.

Hoài Nam-Duy Cường (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.