Trường Sa, tháng 4 lịch sử 1975-Kỳ 1: 3 con tàu bí mật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
17h30 ngày 4-4-1975, đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã gửi đi bức điện mật về quần đảo Trường Sa để mở ra trang lịch sử mới cho quần đảo Tổ quốc.
Đặc công trung đoàn 126 đổ bộ lên đảo Song Tử Tây - Ảnh: My Lăng chụp lại
Năm ngày sau, ngày 9-4-1975, trong lúc các cánh quân cách mạng trên bộ bắt đầu tiến công vào thị xã Xuân Lộc (Đồng Nai), tuyến phòng thủ vòng ngoài của quân đội Sài Gòn thì Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam dân chủ cộng hòa nhận lệnh: đưa ngay tàu ra quần đảo Trường Sa.
Mật lệnh cho đặc công nước
Khi đó, đại đội 1 của trung đoàn đặc công Hải quân 126 đang làm nhiệm vụ bảo vệ một số căn cứ ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) thì được lệnh bàn giao gấp cho Quân khu 5 và tập kết ngay tại quân cảng Đà Nẵng.
20h ngày 10-4-1975, biên đội 3 tàu của Đoàn 125 gồm 673, 674 và 675 cập cảng Đà Nẵng. Ba chiếc tàu này được cải trang thành tàu đánh cá, không số, không treo cờ. Lực lượng đổ bộ lên đảo (gồm ba phân đội của đội 1) được thành lập, phiên hiệu là Đoàn C75, do trung đoàn trưởng Mai Năng, trung đoàn đặc công Hải quân 126, làm chỉ huy trưởng.
4h sáng 11-4-1975, Đoàn C75 xuất phát từ Đà Nẵng ra Biển Đông. Ngoài lực lượng đặc công nước của hải quân còn có một phân đội hỏa lực của tiểu đoàn đặc công nước 471 (Quân khu 5) đi cùng phối hợp. 
"Tiểu đoàn tôi chọn 36 người có sức khỏe, tinh thần chiến đấu cao nhất, xác định đi có thể không quay về", ông Phan Xuân Ạp, 68 tuổi, nguyên cán bộ tham mưu tiểu đoàn đặc công nước 471, cho hay.
Để giữ bí mật, bộ đội phải xuống hết khoang hầm hàng. "Dưới đó bị bịt kín, mùi xăng dầu lùa vào nên ngột ngạt lắm. Tàu lại nhỏ nên lắc. 
Lính đặc công nước mà say sóng gần hết. Anh em nhiều người nôn mật xanh mật vàng", ông Lê Xuân Phát, 77 tuổi, người lính tham gia đổ bộ lên Trường Sa 45 năm trước, nhớ lại.
Theo thông tin tình báo đưa về, lực lượng Việt Nam cộng hòa đóng trên năm đảo (Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa, Song Tử Tây) có khoảng 150 lính, thuộc tiểu đoàn 371 Phước Tuy. 
Sở chỉ huy chung được đặt tại đảo Nam Yết. Đây cũng là đảo có quân số đông nhất (50 lính). Đảo đông thứ hai là Song Tử Tây với 39 lính.
"Ý định của trên là đi đánh lên đảo Song Tử Tây trước để rút kinh nghiệm, sau đó còn đánh tiếp các đảo khác vì có nhiều thứ khó khăn ban đầu với đặc công đi đánh đảo", ông Đào Mạnh Hồng, 69 tuổi, một trong những người lính trực tiếp đánh đảo Song Tử Tây, cho hay.
Song Tử Tây là hòn đảo ở phía bắc quần đảo Trường Sa, cách Đà Nẵng 480 hải lý. Nhưng nhờ những lần chở vũ khí cho chiến trường miền Nam thường xuyên qua vùng biển này nên thủy thủ Đoàn 125 không khó khăn để nhận biết đảo. 
Ông Nguyễn Xuân Thơm, thuyền trưởng tàu 673, cung cấp một số thông tin: đảo Song Tử Tây hình quả trám. Phía tây thấp, phía đông cao hơn mặt biển vài mét. Trên đảo có ba lô cốt, ở giữa hình như có lô cốt hầm ngầm.
17h ngày 13-4-1975, biên đội tàu đã đến gần đảo Song Tử Tây. Chỉ huy trưởng Mai Năng lệnh cho tàu 673 vòng vào gần đảo để trinh sát. Sau đó các tàu di chuyển ra xa đảo để làm công tác chuẩn bị thực hiện phương án chiến đấu. Sở chỉ huy được đặt trên tàu 675.
Cuộc đổ bộ lúc 1h đêm
Phân đội 1 được chỉ huy trưởng chiến dịch Mai Năng chọn đánh đầu tiên, do đại đội trưởng đại đội 1 Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy chung. Còn thượng sĩ Đào Mạnh Hống (sau này là Đào Mạnh Hồng - PV), phân đội trưởng phân đội 1, sẽ chỉ huy trực tiếp phân đội đánh đảo. Thượng sĩ Đào Mạnh Hống khi đó đã có năm năm kinh nghiệm chiến đấu, từng đánh 15 trận ở Cửa Việt (Quảng Trị).
Phân đội tiên phong này có ba tổ chiến đấu và được hỗ trợ thêm 2 khẩu đội DKZ và 1 khẩu cối 82mm của tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5. Theo phương án, tàu 673 chở phân đội 1 vào gần đảo để đổ bộ trước. Hai tàu còn lại cơ động ra án ngữ ở phía bắc và phía nam đảo sẵn sàng yểm hộ khi cần thiết.
1h đêm ngày 14-4, tàu 673 tắt đèn, lặng lẽ tiến vào gần đảo, thả xuồng. Thời gian là yếu tố sống còn. Phân đội 1 chia làm ba mũi, bắt buộc phải đột nhập lên đảo trước khi trời hửng sáng. "Khi xuồng cách đảo khoảng 5km, bộ đội nhảy xuống biển bơi vào đảo. Suốt mấy ngày trên tàu, thậm chí đến lúc xuống xuồng cao su để chuẩn bị vào đảo tôi vẫn còn say sóng. 
Nhưng khi thả quân bơi vào thì tỉnh như sáo! Sóng cứ nhấp nhô, đêm tối lại không được sử dụng đèn pin nên chúng tôi phải nương theo sóng. Có khi lại bị cuốn dạt đi", ông Đào Mạnh Hồng kể.
Do sóng đánh quá mạnh, khẩu cối 82mm của mũi 1 rơi xuống nước. Sau hơn hai tiếng vật lộn với sóng lớn và nước xoáy, lực lượng đổ bộ đã tiếp cận được các vị trí từ hướng nam, hướng tây và hướng đông nam đảo.
Tàu của Đoàn 125 bí mật chở đặc công ra Trường Sa tháng 4-1975 - Ảnh: My Lăng chụp lại
Ngày mới bắt đầu
Gần 4h30. Ngoài đảo trời hửng sáng sớm hơn trong đất liền. "Đảo chỉ có mấy cây cao. Trên đảo chim hải âu, chim biển rất nhiều. Lúc bò lê tiếp cận còn đè bẹp cả trứng chim. Lính ở vọng gác thấy chim bay lên bắn vài viên đạn vu vơ cảnh báo chứ không phải vì phát hiện mình. Mình lên đến chiến hào, nổ súng, đối phương mới phát hiện", ông Lê Xuân Phát kể.
4h30 ngày 14-4, phân đội trưởng Đào Mạnh Hống lệnh cho chiến sĩ Lê Minh Đức bắn ba phát súng B41 vào ăngten sở chỉ huy, mở đầu trận đánh và nhanh chóng làm chủ chiến trường. 
5h15 phút, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh cột cờ của đảo Song Tử Tây. Đó cũng là khoảnh khắc ngày mới vừa bắt đầu, ngày 14-4-1975.

“Khó khăn là đặc công nước chưa có tiền lệ đánh chiếm đảo. Đặc công nước trước đó chỉ đánh cầu, đánh tàu, đánh kho tàng ở ven cảng, ven sông, ven đầm hồ. Lần này chúng tôi phải từ tàu đột nhập, tiền nhập, tiếp cận vào đảo. Nhưng trong đảo, quanh đảo, đối phương bố phòng như thế nào mình không nắm được vì không được đi trinh sát”, ông Đào Mạnh Hồng cho hay.

"Để giương lá cờ cách mạng lên Trường Sa, chúng tôi đã hi sinh hai người. Một người hi sinh ngay tại đảo Song Tử Tây. Một người bị thương, theo tàu về đất liền và hi sinh", cựu chiến binh Đào Mạnh Hồng kể.

Kỳ tới: Hai liệt sĩ đầu tiên ở Trường Sa
My Lăng (TTO)

Có thể bạn quan tâm

'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?