Trương Huệ Vân cháu Trương Mỹ Lan điều hành hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho cháu ruột là Trương Huệ Vân quản lý, điều hành nhiều công ty thuộc hệ sinh thái của tập đoàn này. Trương Huệ Vân đã giúp sức tích cực, tiếp tay cho Trương Mỹ Lan rút ruột của Ngân hàng SCB hơn 1.088 tỉ đồng.

Sáng nay 5.3, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về 3 tội danh: tham ô tài sản; đưa hối lộ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trong số bị đưa ra xét xử có bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu ruột bà Trương Mỹ Lan), bị truy tố về tội tham ô tài sản.

Bị cáo Trương Huệ Vân tại phiên tòa sáng nay 5.3

Bị cáo Trương Huệ Vân tại phiên tòa sáng nay 5.3

Tại tòa, bị cáo Trương Huệ Vân khai sức khỏe bình thường, bị cáo bị bắt tạm giam ngày 8.10.2022, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh. Bị cáo đã nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử vào 2 tuần trước.

Theo cáo trạng, hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được xây dựng và hoạt động theo mô hình Công ty CP đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bị cáo Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch HĐQT. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng hệ sinh thái với hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước.

Hệ sinh thái còn chia thành nhiều tầng lớp với hàng trăm người được thuê đứng tên là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Trương Huệ Vân cũng được Trương Mỹ Lan tin tưởng, giao quản lý, điều hành nhiều công ty khác nhau có hoạt động kinh doanh thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như: Công ty CP đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, Công ty Tanifood, Công ty CP Sài Gòn Galleria và Công ty CP Eurasia Concept.

Cáo trạng xác định, Trương Huệ Vân đã giúp sức, đồng phạm với bị cáo Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi tham ô tài sản, liên đới chiếm đoạt hơn 1.088 tỉ đồng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ngân hàng SCB), gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 25 tỉ đồng.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Cáo trạng xác định, cơ quan điều tra đã kê biên tài khoản ngân hàng, bất động sản, 22 tài sản gồm du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân đứng tên.

Đến nay cháu gái bị cáo Trương Mỹ Lan đã tự nguyện nộp lại hơn 1 tỉ đồng và 3.000 USD để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Theo cáo trạng, Nguyễn Phi Long và Đặng Quang Nguyên làm việc tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 2019, được giao nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau trong Công ty Diamond Capital, Công ty Alpha King, trong đó Đặng Quang Nguyên làm việc dưới sự quản lý, chỉ đạo của Trương Huệ Vân.

Bị cáo Trương Mỹ Lan được thẩm vấn lý lịch tại tòa

Bị cáo Trương Mỹ Lan được thẩm vấn lý lịch tại tòa

Đến năm 2021, bị cáo Trương Mỹ Lan mua lại Công ty CP Lavifood từ ông Lê Thành để hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp và giao cho Trương Huệ Vân quản lý, điều hành thông qua Nguyễn Phi Long (Tổng giám đốc, được cho đứng tên sở hữu 31% cổ phần) và Đặng Quang Nguyên (Phó tổng giám đốc Công ty CP Lavifood).

Quá trình hoạt động, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trương Huệ Vân sử dụng pháp nhân Công ty CP Lavifood vay vốn tại Ngân hàng SCB để phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác.

Từ năm 2020, bị cáo Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo bị cáo Trương Huệ Vân cho thành lập các công ty "ma", thông đồng với Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) lập phương án kinh doanh khống là mua bán nông sản với Công ty CP Lavifood để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền từ Ngân hàng SCB sử dụng cho các mục đích của bị cáo Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân.

Bị cáo Trương Huệ Vân đã chỉ đạo Nguyễn Phi Long và Đặng Quang Nguyên thành lập, sử dụng 52 công ty "ma"; phối hợp với Trần Thị Mỹ Dung và nhân viên Ngân hàng SCB để lập hồ sơ vay vốn trái quy định.

Cáo trạng xác định, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty "ma" và 4 công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay khống để bị cáo Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân rút tiền từ Ngân hàng SCB.

Tính đến ngày 17.10.2022, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.834 tỉ đồng (gồm dư nợ gốc hơn 2.809 tỉ đồng và dư nợ lãi hơn 25 tỉ đồng). Do các khoản vay này có tài sản đảm bảo nên xác định Trương Huệ Vân đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 1.088 tỉ đồng (dư nợ gốc từ ngày 9.11.2020 đến ngày 7.10.2022 là hơn 2.809 tỉ đồng - giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay hơn 1.720 tỉ đồng), gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 25 tỉ đồng.

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực miền Trung-Tây Nguyên

Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực miền Trung-Tây Nguyên

(GLO)- Ngày 9-11, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Ủy ban Dân tộc tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (giai đoạn 2021-2025) khu vực miền Trung-Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn 2026-2030.