Trước thiên nhiên hùng vĩ Hà Giang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi khởi hành đến Hà Giang vào một đêm mưa tháng tám. Cơn mưa tạt vào thành kính xe tạo thành những âm thanh rì rào, hân hoan. Cả nhóm háo hức thức đón bình minh Đông Bắc.

Hùng vĩ thơ mộng núi cao vực sâu

Hà Giang được che chắn bằng những ngọn núi đá nhọn, bao bọc quanh thành phố. Sương lạnh mờ sớm như choàng một chiếc voan mỏng lên khắp các ngõ ngách thành phố nhỏ thưa người.

Sáu người, ba chiếc xe máy mượn được và quãng gần 150 km đường đèo. Trên đường chúng tôi liên tục ồ lên thích thú khi nhìn thấy những ngọn núi đá cao ngút hùng vĩ soi mình bên dòng sông xanh biếc yên ả chảy như mái tóc của thiếu nữ trải dài dưới nắng chiều.

 

Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: L.V.T
Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: L.V.T

Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên bốn huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Càng đi sâu vào địa phận biên giới thì những con đường ngang sườn núi càng ngoằn ngoèo và chênh vênh với những khúc cua cùi chỏ dốc ngược. Khung cảnh bày ra trước mắt chúng tôi càng thơ mộng hơn với những ruộng bậc thang xanh non mướt, quyện với màu nâu vàng của những rẫy ngô đã thu hoạch, còn trơ những thân cây khô trên sườn núi đá đen thẫm, lấm tấm cây rừng dựng thấu thẳng nền phông mây trời làm thành một hòa sắc tuyệt diệu.

Những ngôi nhà nằm vắt vẻo trên sườn núi, cheo leo. Nhìn những người bản địa lái xe máy lao vun vút trên những con đường bé như bàn tay con gái mà tôi không khỏi hồi hộp. Ngồi sau, nhiều khi thậm chí tôi cũng không dám nhìn thẳng xuống dưới vực sâu bên cạnh những ngọn cao nhọn hoắt với dải lụa mây phủ kín.

Ba giờ chiều. Chúng tôi đến Quản Bạ. Nắng hanh vàng, thêm chiếc áo len cao cổ và 131 bậc thang leo lên đến cổng trời làm tôi khá bức bối, nóng nực. Nhưng khi phóng tầm mắt nhìn hết thung xanh Quản Bạ, xa xa là Núi Đôi cân đối như vuôn ngực thiếu nữ mười sáu tròn trăng, căng mẩy làm cho chúng tôi quên cả mệt, quên cả nóng. Nhà ở được xây dựng quây quần ở chính giữa thung lũng, bao bọc trong ruộng mướt xanh như nhung.

Quản Bạ chạm đến một ngưỡng vẻ đẹp mong manh như sương đọng trên lá đầu ngày mà một chút vô tình cũng có thể làm tan mất. Một gia đình đến từ Toulouse, vùng đất miền Nam nhiều nắng của nước Pháp, như chúng tôi, cũng say mê ngắm khói bếp chiều vẽ những lênh loang xám mỏng vào khuôn tranh cổng trời.

Chúng tôi đến Đồng Văn vào buổi chiều tà. Phố cổ Đồng Văn không hề to lớn như chúng tôi tưởng tượng. Nắng chiều nhè nhẹ len lỏi qua lớp sương mù dày đặc sau ngọn thông đỏ cổ thụ đầu núi, hắt lên một vòng hào quang tròn đầy mê hoặc kỳ bí. Nằm ở trung tâm thị trấn, Đồng Văn cũng chính là nơi mà người Pháp đã chiếm đóng năm 1880, với những điểm nhấn quan trọng về quy hoạch cũng như kiến trúc. Đặc biệt là chợ Đồng Văn xây bằng đá vào những năm 1920, còn nguyên vẹn ba dãy nhà với những mái ngói nâu sẫm, kết hợp những cái đèn lồng treo cao, tạo nên không khí ấm áp xua tan đi cái giá lạnh khe khắt của khí hậu.   

Thiêng liêng cờ phất địa đầu

Chúng tôi đứng giữa ngã ba, mò mẫm tìm đường. Biển báo đường chỉ một bên là đường lên Lũng Cú-2 km; một bên đi Đồng Văn-15 km. Cả nhóm quyết định đi Lũng Cú trước vì gần. Nhưng đoạn đường 2 km đi Lũng Cú cứ tít tắp, thăm thẳm. Cả nhóm bật cười, khi hỏi thăm mới biết biển chỉ đường đã bị bóc đi số 6 chỉ để lại số 2. Chắc sẽ còn rất nhiều người nhầm như chúng tôi.

Trước khi leo lên cột cờ, chúng tôi ghé chợ ngay dưới chân núi. Chợ không lớn lắm nhưng đầy đủ các mặt hàng từ giày dép, áo quần, gương lược, các vật dụng trong gia đình, cả điện thoại di động, loa đài đều có nhưng tất cả đều là hàng Trung Quốc. Chúng tôi đi dạo chợ mà có một điều thấy hơi tiếc đó là những chiếc váy thổ cẩm được những cô gái làm bằng tay, tự thêu cho mình những hoa văn khéo léo đã gần như biến mất, thay vào đó là những chiếc váy thun, được dập hoa văn hàng loạt của Trung Quốc được các chị, các mẹ rất ưa chuộng, với đủ màu sắc và kiểu dáng ở khắp chợ. Ở góc chợ lúc nào cũng dành ra một cái bàn nhỏ để rượu ngô và điếu thuốc lào, mới sáng sớm mà can rượu đã vơi đi một nửa, những cô gái người Mông ngồi hút thuốc lào, thấy chúng tôi liền nở nụ cười thân thiện.

Leo lên cột cờ Lũng Cú mà trong lòng chúng tôi không khỏi lâng lâng nghĩ suy. Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng, cao 1.700 mét so với mặt nước biển.

Cột cờ Lũng Cú đã trải qua nhiều lần phục dựng và tôn tạo. Và lần này đến thăm, chúng tôi được đứng trên cột cờ hình bát giác, cao trên 30 mét, khánh thành ngày 25-9-2010. Cờ Tổ quốc bay tung thong dong giữa đất trời lộng gió, chúng tôi, những người con của đất Việt, một lần về tới địa đầu cực bắc, được nghe tiếng cờ reo trong gió, tim rung dâng mạch chảy sông núi thiêng liêng. Anh Tuấn-trưởng nhóm chúng tôi đã dành sẵn một bộ quần áo chỉnh tề sạch sẽ trong hành lý, để thay trước khi lên đỉnh cột cờ.

 

Trẻ em vùng cao Hà Giang. Ảnh: L.V.T
Trẻ em vùng cao Hà Giang. Ảnh: L.V.T

Trăm năm giấc mộng vương quyền

Tạm biệt Lũng Cú, chúng tôi vòng lại để thăm dinh nhà Vương nằm ở thung lũng Sà Phìn trên một ngọn đồi hình mai rùa, bắt đầu xây dựng vào năm 1921, suốt trong 8 năm mới hoàn thành. Kiến trúc ảnh hưởng cả phong cách Trung Quốc, Pháp pha trộn H’Mông, với nguyên-vật liệu chủ yếu từ Trung Quốc và từ các nơi khác đưa đến.

Chúng tôi ngỡ ngàng trước công trình đồ sộ với cấu trúc hình chữ Vương, cùng những điêu khắc tinh xảo, những phòng ốc được trang bị đầy đủ bên trong và những chuồng chăn nuôi rộng lớn bên ngoài, dấu tích của một thời hưng thịnh và quyền quý. Được xây dựng gần 100 năm trước, nhưng tòa nhà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn vẻ bề thế uy nghi trước biến chuyển thời cuộc. Hàng cây samu cổ thụ trước nhà như những chứng nhân trầm lặng của thời gian.

Dinh thự nhà họ Vương được xếp là di tích quốc gia, nhưng con cháu của ông hiện đang sinh sống tại Canada. Người hiện đang trông coi dinh thự là một người cháu xa của gia đình không thuộc dòng chính thống. Tôi tự hỏi, có lẽ khá ngớ ngẩn, bao nhiêu của cải và công sức của người dân vùng này đã tập trung vào ngôi nhà của Vương Chí Sình-vị vua người Mèo nhiều tham vọng?

Tiếng đàn môi sau bờ rào đá

Phát hiện thú vị nhất trên chuyến đi này là lúc về chúng tôi ghé vào Lũng Cẩm-làng văn hóa ở địa phận xã Sủng Là-ngôi làng được chọn làm bối cảnh chính cho bộ phim “Chuyện của Pao” của đạo diễn Ngô Quang Hải đoạt giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam. Làng nép mình bên quốc lộ 4C, dưới những dãy núi đá tai mèo trùng điệp. Đi qua cánh đồng hoa hồng rộng tắp ở đầu làng, những ngôi nhà trình tường đất với mái ngói nung già nâu sẫm, hàng rào xếp đá bao quanh-truyền thống văn hóa ở của dân tộc Mông vẫn được bảo tồn phát triển-hiện ra trước mắt chúng tôi như hàng ngàn đời nay vẫn thế.

Dưới hiên mưa, cô bé người H’Mông chừng sáu tuổi ngừng lột vỏ ngô, xòe tay hứng những giọt mưa long lánh tuôn chậm trên mười ngón tay nâu. Hàng chuỗi dài đều đặn những bắp ngô vàng ruộm treo có lớp lang ở xà ngang trước nhà, xinh xắn như những nàng tiên trong giấc mơ cổ tích. Nhà ai thoáng tiếng đàn môi. Nghe như lời nhắn gửi những mơ hồ về một ước mộng bình yên sau những bờ rào đá xanh rêu phủ. So với thị trấn Đồng Văn, Lũng Cẩm như cô gái quê tươi tắn không cần trau chuốt phấn son.

Tạm biệt vùng đất khoáng dã hùng vĩ, tạm biệt những con người chân mộc hồn hậu mến khách và cũng khảng khái như những dãy núi đá cứ hiên ngang sừng sững giữa đất trời, chúng tôi trở về cùng hành trang thơ mộng như trong thơ Nguyễn Chính: “Tiếng khèn vang đỉnh núi/Bóng ô tròn xoay xoay/Nhạc ngựa vang xa xa/Sợi dây hai đầu hát/Mùa xuân trao cho nhau”.

Lê Vi Thủy

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.