Trung thu và bình trà quạu…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi năm, cứ sắp đến mùa trung thu thì ký ức về cha tôi trong những ngày tháng cũ cứ chảy ngược về như dòng sông kỷ niệm…  

 


Hồi tôi còn nhỏ, cứ sắp đến rằm tháng Tám là gia đình lại được cô Út tôi “ở thành” gởi về một ít bánh in, bánh trung thu và bánh dẻo; trước để cúng rằm, sau để gia đình tôi có chút dư vị gọi là phá cỗ. Chính những đêm rằm Trung thu như vậy là dịp để mấy anh em tôi được gần cha hơn. Thường thì đêm rằm, cha chỉ nhón mỗi một góc thật nhỏ của cái bánh dẻo rồi trầm ngâm bên bình trà quạu, kể cho anh em tôi nghe về thời ấu thơ của cha, về xứ dừa, về miếu Bà Sai có từ hồi nào cha tôi không biết, nằm chếch về phía trái của con lộ nhỏ đi ngang nhà ông bà cố tôi ở An Hòa Tây (Ba Tri, Bến Tre).

Cha nói ông ít thích ăn bánh kẹo, chỉ ăn lấy vị cho anh em tôi vui. Thực ra, bây giờ nghĩ lại tôi mới biết, với 4 cái tàu há miệng chờ ăn, chỉ một ít bánh trong mỗi dịp trung thu, cha đều nín nhịn, nhường sự ngọt ngào, dịu thơm đó cho anh em tôi được trọn niềm hân hoan của trăng rằm thời thơ ấu.

So với các anh trai của mình, dù là con gái, nhưng tôi giống cha nhất ở chỗ thích uống trà… quạu (cái bình được châm nước sôi với lượng trà rất đậm, khi mới hớp ngụm nước trà nhất vào, đậm đến mức chát đắng, nhưng sau đó thì cổ họng có vị ngọt đầm và vị ngọt ấy tồn tại rất lâu, đến mấy giờ sau). Một sở thích mà nếu đem ra “soi” thì vừa không nữ tính, vừa không phải sở thích của người chưa đến tuổi… già. Bây giờ, sau hơn hai năm cha tôi đi xa, mỗi khi mang bình ra châm trà, nhìn cái bình có sợi dây màu vàng xoắn lại (dây cha cột để giữ nắp bình không bị rơi), tôi lại nhớ cha tôi nhiều hơn, qua những ký ức vụn vặt từ ấu dại.

Như những người ly quê khác, cha được ông bà nội dắt vào Cà Mau từ khi còn rất nhỏ, tầm chưa đầy 10 tuổi. Dù lúc đó tuổi còn non dại, nhưng tôi nghĩ chắc cha đã ghim sâu vào lòng mình những gì yêu thương nhất nơi quê cha đất tổ rồi. Cho nên sau này, khi vào ngưỡng tuổi già, mỗi khi khó ngủ, cha trở dậy lúc 2 - 3 giờ sáng, nấu nước sôi và châm bình trà quạu, ông ngồi một mình trầm ngâm trong ánh đèn dầu tù mù. Giật mình thức giấc giữa đêm, nhìn bóng cha hắt lên vách, tôi hiểu nỗi hoài vọng cố hương trong cha tôi lớn đến nhường nào.

Không biết cha bắt đầu uống và nghiện trà từ khi nào. Chỉ nhờ vào khoảng những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, lúc đó mấy anh em tôi đang trong tuổi ăn tuổi lớn, với một gia đình thuần nông, cha là thương binh xuất ngũ, cuộc sống vô cùng khó khăn, nên sở thích uống trà quạu của cha cũng bị ảnh hưởng. Còn nhớ khi đến mùa mưa sòng, cũng là lúc vào vụ lúa mùa, cha đi làm đồng về đã đẫm nước mưa, chắc có lẽ rất lạnh, cha sai tôi bơi xuồng đi “tiệm” (cửa hàng tạp pô) mua cho cha một khía trà (50 gram). Một khía trà ít ỏi đó, với người nghiện uống “trà quạu”, chỉ dùng được khoảng 2 lần.

Còn tôi, từ những lần uống trà dảo (nước nhì, nước ba của bình trà) của cha, tôi cũng đâm ra nghiện trà, mà nghiện từ lúc nào tôi cũng không biết. Thế là, mỗi hừng đông thức dậy, sau khi làm vệ sinh cá nhân xong, tôi mon men đến bộ bàn giữa và chắt bình trà của cha, đương nhiên lúc này bình trà đã không còn đậm đặc nữa. Thi thoảng tôi cũng bị cha bắt gặp tại trận, thể nào ông cũng quở: Con gái con đứa mà cũng bày đặt trà lá, hết nói! Sau câu quở đó, đi kèm là cái lắc đầu và liếc yêu của cha dành cho đứa con gái duy nhất và là út ít trong gia đình.

Theo năm tháng lớn lên, đến khi có gia đình và có cuộc sống riêng tư, thói quen uống trà vẫn thường trực trong tôi. Chỉ 1 - 2 hôm không uống ngụm trà nào, tôi lại lên cơn… thèm trà. Cái bình trà có sợi dây màu vàng xoắn lại bây giờ tôi giữ khư khư như một kỷ vật - kỷ vật mà cha tôi để lại cho đứa con gái, cũng là đứa con duy nhất có sở thích uống trà quạu giống cha.

Ký ức nào cũng khuấy động lòng người. Ký ức về người cha đã khuất của tôi, bây giờ gợi lại, làm cho tôi nghẹn ngào và nghe chát đắng. Cái bình trà có sợi dây màu vàng của cha còn nguyên trong ngăn tủ. Một vài hôm thèm trà, tôi tự mình đun nước châm bình trà quạu; tất nhiên là châm vào một chiếc bình khác, vì tôi sợ có khi chạm miền ký ức xúc động đến nghẹn lòng mình rồi run tay và làm rơi, chiếc bình sẽ vỡ. Mà chiếc bình vỡ thì một phần ký ức về cha trong tôi sẽ vỡ. Nếu điều đó xảy ra thật, tôi chịu đựng sao nổi cơn đau?

Một mùa trung thu nữa đang về… Thêm một mùa trăng nữa tôi đã vĩnh viễn không còn cha… Cái bình để châm trà quạu vẫn còn, như là một kỷ vật.

Theo HUỲNH THÚY KIỀU (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.