Trung thu của ba và con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần đến Tết Trung thu, trời cao vợi, gió hiu hiu thổi, trăng sáng trong như có ai dát bạc. Hai cô con gái lên 4, lên 7 của tôi cùng với mấy đứa trẻ hàng xóm rủ nhau vừa chơi trò rồng rắn vừa hát nghêu ngao bài đồng dao trước ngõ: “Ông giẳng ông giăng/Xuống chơi với tôi/ Có nồi cơm nếp/ Có nệp bánh chưng/ Có lưng hũ rượu/ Có khiếu đánh đu/ Thằng cu vỗ chài/ Bắt chai bỏ giỏ…”. Thấy tôi bước ra, con gái lớn chạy lại năn nỉ ba cùng chơi, năn nỉ ba kể chuyện Trung thu của ba hồi bằng tuổi con. Sự háo hức của con khiến tôi chẳng thể từ chối. Những kỷ niệm một thời dưới ánh trăng vàng đêm Trung thu chợt ùa về trong tôi nguyên vẹn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hồi ấy, mỗi khi Trung thu về trên những đám mây bàng bạc, tần ngần bay ngang trời; những chùm hoa sữa thơm nồng trên cây cổ thụ đầu làng; hay mấy khóm cúc vàng rực bên hiên nhà là y như rằng không khí của ngày tết Trung thu lại bắt đầu nhộn nhịp. Không chỉ đám trẻ con như ba háo hức, trông đợi mà những người lớn tuổi trong làng, dầu tất bật với công việc đồng áng vẫn dành thời gian quý giá những mong đem tới cho con em mình một cái Tết thật ý nghĩa.

Ba nhớ mãi những ngày đi học, ngang qua cửa hàng tạp hóa của bà Chín đầu làng, Tết Trung thu rực rỡ trong những đèn lồng đủ màu, đủ loại: đèn cá chép, đèn kéo quân, mặt nạ giấy, trống quân... Con biết không, những chiếc đèn ấy tuy bình dị, giản đơn nhưng có sức cuốn hút vô cùng với ba. Ngày ấy nhà nội rất nghèo nên dù chỉ một chiếc đèn ông sao thôi cũng được xem như món quà xa xỉ. Như thấy được niềm mong mỏi của ba, bằng sự khéo tay của mình, nội tự tay vót tre để làm cho ba món quà Trung thu như ba mong ước.

Những buổi tối trăng trong, gió mát, sau bữa cơm chiều, ba lại ngồi bên nội, ngắm nghía một cách say sưa đôi bàn tay tỉ mẩn của ông gửi gắm trong chiếc đèn ông sao 5 cánh. Chẳng thể kìm chế nổi sự tò mò, ba bắt tay, xắng xít xin nội cùng làm. Để có chiếc đèn lồng đem khoe cùng bạn bè quanh xóm nên dù tay có dính đầy keo dán, dù quần áo có lấm lem màu bóng kính nhưng trên tất cả vẫn là sự hồ hởi, vui sướng mà cho đến nay, ba vẫn không thể nào lý giải được.

Ba nhớ mãi thời khắc rước đèn ông sao. Bữa cơm chiều Trung thu trôi qua nhanh vì cảm giác hồi hộp, háo hức lớn hơn cơn đói bụng. Chỉ chờ có tiếng trống ngoài sân đình rộn lên, chỉ cần thấy loáng thoáng đoàn múa lân ngang qua ngõ là từ trong nhà, đám trẻ con, đứa nào đứa nấy, miệng cười tí toét, náo nức, hò reo, nhịp chân bước theo nhịp trống, cùng nhau cầm trên tay lồng đèn, bước đi trong niềm rạo rực chưa từng có. Đứa khoe đèn, đứa lẩm nhẩm hát, rồi tất cả cùng hòa nhịp lời bài hát “Tùng dinh dinh tùng tùng tùng dinh dinh...” khiến cho không khí xóm làng cũng rộn ràng như ngày hội lớn.

Ba nhớ đêm Trung thu ở nhà văn hóa của làng. Dưới ánh trăng vàng, trong khi người lớn ngồi quây quần ăn bánh, uống trà và ngắm trăng thì đám trẻ con lại  cùng nhau rước đèn. Cảm giác được cầm đèn trung thu, bên trong là cây nến nhỏ thắp sáng, nối nhau theo sau ông địa, ngắm nghía cái bụng tròn, khuôn mặt phúc hậu cùng nụ cười rạng rỡ của ông, niềm vui trong mỗi người như được nhân lên gấp bội. Nghĩ lại, phút giây ấy như vẫn còn đong đầy trong suy nghĩ của ba. Nhớ những lần lon ton theo nội cùng đem quà sang biếu hai cố nội. Quà tuy không phải là cặp bánh nướng, bánh in, chỉ là dăm chục quả hồng chín đỏ hay cặp bưởi chín cây thôi mà sao lòng ba cứ khấp khởi, bước chân líu ríu lạ thường. Để rồi được nhìn nụ cười ấm áp của hai cố, của bà nội, ba càng vui sướng biết mấy.

Nhớ nhất vẫn là được tận hưởng đêm Trung thu ngay tại nhà mình, giờ phá cỗ đêm rằm. Dù cuộc sống còn vất vả nhưng ông bà nội vẫn chuẩn bị cho ba và các bác một mâm cỗ thật “linh đình”, nào na, chuối, ổi, bưởi, cốm lúa non..., toàn những thức sẵn có từ cây nhà lá vườn. Càng vui hơn khi được ngồi quây quần trên tấm chiếu giữa sân, nhâm nhi các thức quà, nghe chuyện chú Cuội cung trăng qua giọng ngọt lịm của nội. Với ba, chẳng còn niềm vui nào hơn thế.

Trung thu ngày nay của con đa dạng với nhiều món đồ đủ kiểu dáng, sắc màu từ trong nước đến ngoại nhập. Con cũng háo hức đợi trông nhưng không cuống quýt, mong ngóng và đếm ngược từng ngày như ba thuở xưa. Ba đã thấy bạn bè con được ba mẹ mua cho những món quà đắt tiền, đẹp mắt ngoài phố. Ba cũng từng vì công việc mà thỏa niềm thích thú cho con bằng việc rút ví mua liền món đồ con muốn. Nghĩ lại, ba không khỏi bùi ngùi.

Thấy con say sưa nghe ba kể chuyện, lại thích thú với những bài đồng dao ba truyền lại, ba đã rất đắn đo. Ba muốn đem đến cho con gái những trải nghiệm về một đêm rằm Trung thu đúng nghĩa, cũng là để ba được sống lại cái khoảnh khắc quý giá một thời của mình. Và thế là ba lại hào hứng làm công việc như nội ngày xưa đã làm.

An Viên

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.