(GLO)- “Ngã ba xe tăng” cách TP. Pleiku 40 km về phía Tây, thuộc thôn 5, xã Ia Krái, huyện Ia Grai. Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-ông Phan Trung Tường một mực khẳng định với chúng tôi rằng: Trước năm 1977, chính mắt ông Tường thấy ở ngã ba này có một chiếc xe tăng màu xanh của quân đội Mỹ đã bị cháy nham nhở. Sau đó, người dân đến tháo dần các bộ phận của xe tăng, rồi đưa đi lúc nào không hay biết. Dù không còn thấy chiếc xe tăng này, nhưng bà con trong vùng vẫn quen gọi nơi đây là “ngã ba xe tăng”.
“Ngã ba xe tăng” thuộc thôn 5, xã Ia Krái, huyện Ia Grai. Ảnh: Hoàng Cư |
Rạng sáng 22-9-1973, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 (quân chủ lực Mặt trận Tây Nguyên) đã phối hợp tác chiến với Đại đội 32 của Huyện 4 (nay là huyện Ia Grai và huyện Chư Pah), đồng loạt tấn công cứ điểm Chư Nghé. Kết quả sau nhiều giờ chiến đấu quyết liệt, chúng ta đã chiếm lĩnh được trận địa, giải phóng hoàn toàn cứ điểm Chư Nghé như kế hoạch đã định, xóa sổ tiểu đoàn biệt động biên phòng 80, bắt sống 192 tên địch, tịch thu nhiều vũ khí trang-thiết bị quân sự và tiêu diệt, phá hủy nhiều xe quân sự của địch.
Chiến thắng này là đòn chí mạng trừng trị và cảnh báo những hành động bội tín, phá hoại Hiệp định Paris của Mỹ-Ngụy. “Chiến thắng Chư Nghé không những đạt hiệu quả cao về tiêu diệt gọn đơn vị địch, mở rộng vùng giải phóng Tây Nam Pleiku và vùng đường hành lang tiếp viện chiến lược, tạo khí thế mới cho quân và dân trong tỉnh và Mặt trận Tây Nguyên, mà còn là kết quả của chuyển biến tư tưởng trong Đảng bộ, cán bộ, chiến sĩ nhằm quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng ta” (trích trong trang 425, sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai”, tập 1 (1945-1975), Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996).
Cứ điểm Chư Nghé trước ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975) nay đã trở thành thị tứ Ia Krái-trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của xã Ia Krái, huyện Ia Grai. Từ một vùng đất nghèo nàn lạc hậu, dân cư thưa thớt, đến nay toàn xã đã có hơn 1.700 hộ, hơn 9.000 người, đang sinh sống tại 15 thôn (làng), trong đó có khoảng 120 hộ, 600 người ở (thôn 5, chủ yếu là người dân tộc Kinh) xung quanh “ngã ba xe tăng” và hơn 250 hộ, trên 1.300 người Jrai sinh sống ở các làng lân cận (làng Bi De và làng Mi Mar).
Nhờ có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và đường sá (tỉnh lộ 664, đường liên xã Ia Krái, Ia Chía, Ia Dơk, huyện Đức Cơ) đi lại khá thuận lợi nên ngày càng có nhiều người hội tụ về “ngã ba xe tăng” lập nghiệp. “Dân số gia tăng, khó khăn về công tác quản lý, nhưng chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con làm thủ tục tạm trú, tạm vắng, chuyển hộ khẩu vào xã làm ăn. Bà con rất yên tâm đầu tư nhiều công của xây dựng nhà cửa, lập các trang trại, làm quán kinh doanh…”-anh Lê Vũ Nhật Thức-Phó Trưởng Công an xã Ia Krái vui mừng cho biết.
Hoàng Cư