Trở về sau 17 năm bị lừa bán sang xứ người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bị người làng lừa rủ đi làm “việc nhẹ, lương cao” rồi sau đó bán vào động quỷ nơi xứ người nhưng nhờ một người tốt và sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng chị Đỗ Thị Linh đã có cơ hội trở về đoàn viên với mẹ sau 17 năm lưu lạc nơi xứ người.
Bị người làng lừa rủ đi làm “việc nhẹ, lương cao” rồi sau đó bán vào động quỷ nơi xứ người nhưng chị Đỗ Thị Linh (SN 1987, trú tại xóm 6, thôn An Luận, xã An Tiến, huyện An Lão, Hải Phòng) nhất định không chịu làm cái việc nhơ nhớp ấy. Ba lần bỏ trốn là 3 lần chị Linh bị bắt và đưa vào 3 nhà thổ khác nhau. 
Vì không chịu làm theo lời chủ nên chị đã bị đánh tới mức dập cả xương sườn. Mới đây, nhờ một người tốt và sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng chị Linh đã có cơ hội trở về đoàn viên với mẹ sau 17 năm lưu lạc nơi xứ người.
Ba lần bị đưa vào động quỷ
Theo lời chị Linh kể lại, vào một buổi tối đầu tháng 9-2002, sau khi ăn cơm tối xong cô bé Linh đi ra đầu ngõ chơi với đám bạn. Lúc này Phạm Thị Kh. và Vũ Văn M (người cùng làng) đã gọi Linh vào nhà chơi. Sau đó Kh. hỏi Linh là có muốn đi Quảng Ninh làm ăn để lấy tiền giúp mẹ nuôi các em không. Linh nói với 2 người này là sẽ về hỏi ý kiến mẹ (lúc đó Linh đã bỏ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn).
 
Chị Linh bật khóc khi nhớ lại quãng thời gian tủi nhục nơi xứ người. 
Đến khoảng hơn 21h cùng ngày, bà Nguyễn Thị Khói (mẹ Linh) không thấy con gái về nên đi tìm. Khi nghe thấy tiếng mẹ gọi, Linh định thưa thì Kh. và M. dúi Linh vào góc nhà và đe dọa: “Mày thưa thì tao đánh mày chết”.Cả 2 người này khống chế Linh để Linh không thể trốn về nhà. 
Đêm khuya, Kh. dẫn Linh đi lối cửa sau ra đường trục xã rồi giao Linh cho một người tên Nguyệt (người xã bên cạnh). Sau đó người này chở Linh bằng xe máy đến ngã 5 Kiến An (Hải Phòng) rồi giao Linh cho một người phụ nữ tên Hồng (người Hải Phòng lấy chồng Trung Quốc) và lên ô tô con đi thẳng một mạch ra Móng Cái. Tại đây, họ đưa Linh xuống một con đò để vượt sông Ka Long sang Trung Quốc.
Đặt chân lên đất Trung Quốc, Hồng chở Linh đến một khu nhà thổ và bán Linh cho chủ nhà thổ. Do không chịu tiếp khách nên Linh bị bọn họ đánh đập tàn nhẫn.
Sau một năm ở đó, Linh đã tìm cách trốn khỏi động quỷ. Tuy nhiên, ở đất khách quê người không thuộc địa bàn cũng không rõ tiếng nên Linh chẳng biết mình đang ở đâu. Trong lúc đang loay hoay chưa biết sẽ phải đi hướng nào tiếp theo thì Linh lại gặp phải một bọn buôn người khác. Chúng lại bắt Linh để bán cho một động mại dâm ở tỉnh Nam Ninh (Trung Quốc).
Cũng giống như ở nhà thổ trước đó, lần này Linh nhất định không chịu tiếp khách. Tức giận vì không điều khiển được “hàng” nên chủ nhà thổ đã cho người đánh rạn xương bánh chè 2 đầu gối của Linh. Sau lần bị đánh này, Linh nằm liệt 3 tháng trời nhưng không ai lo thuốc thang cho Linh. Linh nghe thấy chúng nói với nhau là “cho nó chết luôn đi. Đáng đời con cứng đầu”. 
Hàng ngày, ép làm gái không được, chúng bắt Linh masage, gội đầu cho khách. Nhiều khách làng chơi thấy Linh hiền lành, muốn rủ đi ra ngoài “vui vẻ” nhưng cô gái trẻ liên tục từ chối. Khi khách phản ánh với chủ, Linh lại bị đánh. 
Linh bảo: “Mình không nhớ nổi là đã phải trải qua bao nhiêu trận đòn thừa sống thiếu chết bởi lũ người độc ác ấy”. Có lần chủ nhà thổ bắt bọn bảo kê cắt gân chân của Linh để ép cô đi khách nhưng cũng không thay đổi được ý chí của Linh.
Ở Nam Ninh được hơn 10 năm, không chịu đựng nổi sự hành hạ, ép buộc của chủ chứa, Linh lại tìm cách trốn ra khỏi “động quỷ” này. Khi trốn được ra ngoài, Linh gặp một người phụ nữ, người này hứa sẽ giúp Linh trở về Việt Nam. Thế nhưng lại một lần nữa Linh bị lừa... 
Bi kịch lại tiếp tục xảy ra y hệt 2 lần trước.Vẫn lại ép tiếp khách và từ chối để rồi lại bị đánh đến thân tàn ma dại. Lần này Linh tiếp tục bỏ trốn và chị đã tìm được về Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn.
Hạnh phúc ngày đoàn viên
Những tưởng, số phận đen đủi thôi bủa vây người phụ nữ này nhưng có ngờ đâu lại thêm một lần nữa chị Linh gặp phải kẻ buôn người. “Khi mình gặp họ, họ bảo rằng cứ yên tâm sẽ dẫn về tận nhà ở Hải Phòng nhưng thực ra họ lại dẫn mình vào rừng và quay ngược về Trung Quốc. Nhưng đang đi thì gặp lực lượng Biên phòng Lạng Sơn tuần tra nên họ chạy mất. Chỉ còn lại một mình 2 ngày trong rừng vừa đói, vừa khát lại rét nữa” – chị Linh nhớ lại.
 
Hai mẹ con chị Linh hiện đang sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp.
Đến ngày thứ 3, Linh men xuống bìa rừng thuộc địa phận quản lý của Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Lúc này chị đã gặp được Đại úy Bàn Văn Hiền thuộc Đồn biên phòng Cửa khẩu Tân Thanh. 
Tuy nhiên, do Đại túy Hiền mặc quần áo dân sự, Linh tưởng lại gặp kẻ xấu nên đã vùng bỏ chạy. Thấy thái độ bất thường của Linh nên anh Hiền đã đuổi theo và hỏi han. Khi nghe Linh kể sơ qua rằng mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc 17 năm và giờ muốn tìm đường về quê Hải Phòng.
Tại Đồn biên phòng Cửa khẩu Tân Thanh, Linh may mắn gặp chị Phạm Thúy Nga (trú tại Ngô Quyền, Hải Phòng). Biết chuyện của Linh, chị Nga đã tìm cách liên lạc với gia đình Linh. Biết tin con còn sống và đang ở Cửa khẩu Tân Thanh, bà Khói mẹ của chị Linh đã cùng người thân bắt taxi đi ngay trong đêm. 
“Nhìn thấy tôi từ đằng xa nó đã chạy lao ra ôm chầm lấy tôi rồi khóc nức nở. Mẹ con mừng mừng tủi tủi cứ khóc mãi không thôi. Bặt tin con 17 năm trời tôi đã nghĩ mình không bao giờ còn có cơ hội được gặp con nữa.Vậy mà trời thương, mẹ con tôi lại được sống cùng nhau” - bà Khói không giấu được xúc động nói.
Bà bảo, cũng nhờ lòng hảo tâm, thiện nguyện của chị Nga mà hai mẹ con bà mới có cơ hội tìm được nhau. Không chỉ là người liên lạc, mới đây chị Nga và nhóm thiện nguyện ở Hải Phòng đã trực tiếp đưa Linh đến một số bệnh viện để khám bệnh. “Nhiều năm trời bị người ta đánh đập, hành hạ nên giờ trong người mình lắm bệnh lắm. Cơ thể vẫn còn đầy vết sẹo” - chị Linh chia sẻ.
Hiện tại, Linh đang sống trong ngôi nhà cấp 4 cùng với mẹ. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng với Linh thì đó là một niềm hạnh phúc không sao tả xiết. Chị bảo: “Quả thật trong mơ mình cũng không dám nghĩ là sẽ có một ngày được về Việt Nam và gặp lại mẹ. Nhiều lúc mình đã rất tuyệt vọng và nghĩ rằng chắc mình sẽ phải bỏ xác nơi xứ người thôi”. Mới đây,một nhà hảo tâm ở Hải Dương đã nhận giúp đỡ Linh bằng việc xin cho chị vào làm trong một cơ sở sản xuất bánh đậu xanh.
Sau khi biết tin chị Linh trở về sau 17 năm mất tích, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và tạo điều kiện để chị Linh được làm giấy tờ tùy thân trong thời gian nhanh nhất. Đồng thời Công an xã An Tiến và Công an huyện An Lão cũng đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, truy tìm những kẻ đã tham gia lừa bán chị Linh sang Trung Quốc. 
Cơ quan điều tra đã triệu tập Nguyễn Thị Nguyệt và Phạm Thị Khuyến. Tuy nhiên, hiện cả hai người này đều không có mặt tại địa phương. Do vụ việc liên quan đến nhiều người nên Công an huyện An Lão vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Phong Anh (Cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.