Trở lại ổ dịch bạch hầu Phước Lộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm năm trước, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn là ổ dịch bạch hầu nghiêm trọng của tỉnh Quảng Nam khi một số người lớn, trẻ em đau họng rồi chết với kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu.
người dân nơi ổ dịch Phước Lộc năm 2015 - Ảnh: LÊ TRUNG
người dân nơi ổ dịch Phước Lộc năm 2015 - Ảnh: LÊ TRUNG
Ngành y tế hết sức căng thẳng. Dịch xảy ra tại miền núi cao, vùng trắng về tiêm chủng. Từ đây, một chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu không chỉ riêng cho người dân Phước Lộc mà sáu huyện miền núi đã diễn ra.
“Cán bộ xã phải từng người đứng ra để nhân viên y tế tiêm làm gương cho dân tin tiêm sẽ không chết, rồi từ đó dân mới chịu tiêm.
Ông Bùi Dương Quốc Anh
Dân không còn sợ chích ngừa
Giờ đây Phước Lộc khác hẳn, điện được kéo bừng sáng rẻo cao, nhưng điều mừng nhất là dân không còn sợ chích ngừa. Giờ ai đau ốm thì đến trạm xá, bệnh viện chứ không phải tìm thầy mo, cúng trâu, gà nữa.
Trạm y tế Phước Lộc được xây mới khang trang, khác hẳn cảnh xập xệ lúc trước. Trạm trưởng A Lăng Đạt đang tất bật với ca bệnh một phụ nữ bỗng co giật, liệt nửa người sau buổi làm rẫy. Các nhân viên trạm thăm khám và gọi xe cứu thương chở chị này đến trung tâm y tế huyện. 
Bên các phòng khác, nhiều người dân cũng chờ được khám bệnh, nhận thuốc. "Dân đã thay đổi nhận thức hẳn rồi, đau ốm thì đến trạm chứ không ở nhà tự chữa, cúng bái nữa" - anh Đạt kể.
Thôn 2, xã Phước Lộc từng là tâm dịch bạch hầu giờ nhà cửa khang trang, đường bêtông thẳng tắp. Cơn ác mộng bạch hầu nơi đây đã tạm lắng xuống, nhưng trong tâm thức của mỗi người dân chưa bao giờ quên...
Tháng 7-2015, năm người dân ở đây bỗng có cùng triệu chứng đau rát cổ họng, sốt rồi chết. Ngành y tế vào cuộc, lấy mẫu xét nghiệm thì có ca dương tính với bạch hầu. Hơn chục người dân khác có dấu hiệu bệnh cũng được đưa đến trung tâm y tế huyện điều trị. 
Ngành chức năng khoanh vùng, cách ly. Phước Lộc nóng lên, trở thành ổ dịch bạch hầu đầu tiên của tỉnh sau mấy chục năm, mà nguyên nhân mấu chốt xảy ra dịch: đây là vùng trắng tiêm chủng.
 
Ngành y tế dồn tổng lực về Phước Lộc mở chiến dịch tiêm chủng ngừa bạch hầu cho gần 1.000 người dân trong xã. Mọi biện pháp như chiếu phim tuyên truyền, vận động dân tiêm chủng diễn ra. Nhưng thực tế làm đau đầu các nhân viên y tế là người dân nơi đây rất sợ tiêm chủng, họ còn bỏ trốn vào rừng sâu để khỏi tiêm.
Ông Hồ Văn Long, phó chủ tịch UBND xã Phước Lộc, kể trước đây cả người lớn, trẻ em đều ít được tiêm chủng. Khi dịch bạch hầu xảy ra, để ngăn ngừa những cái chết đau lòng, chính quyền cùng với ngành y tế kiên quyết vận động tất cả người dân phải tiêm chủng phòng bệnh. Nhưng dân không chịu tiêm, họ nói tiêm sẽ bị chết.
"Cán bộ xã phải từng người đứng ra để nhân viên y tế tiêm làm gương cho dân tin tiêm sẽ không chết, rồi từ đó dân chịu tiêm. Những người bỏ trốn vào rừng thì chúng tôi lên vận động họ về, người già thì cử lực lượng cõng về tiêm" - ông Bùi Dương Quốc Anh, nhân viên văn phòng xã Phước Lộc, nhớ lại.
Ông Hồ Văn Sanh có con gái và cháu chết trong đợt dịch bạch hầu năm năm trước, mắt rơm rớm nhớ lại cơn ác mộng ập xuống nhà mình: "Gia đình luôn ray rứt vì lúc con, cháu bị bệnh không đưa đến trạm y tế mà để ở nhà tự chữa, rồi cúng. Giờ con cháu mà đau gì là gia đình đưa đi trạm xá ngay, không để ở nhà nữa".
Chị Hồ Thị Nhung, cán bộ y tế thôn 2, kể lại lúc trước mỗi lần có người trong thôn đau ốm thì việc vận động, tuyên truyền họ đến bệnh viện rất khó bởi tục lệ đau lòng là cúng khi bị bệnh đã ăn sâu. Dịch bạch hầu quét qua khiến người dân tỉnh ngộ và sợ. Bây giờ dân đã không sợ đến tiêm chủng nữa, việc cúng kiếng khi đau ốm cũng không còn.
Nhân viên y tế khám bệnh cho người dân tại trạm xá - Ảnh: L.TR.
Nhân viên y tế khám bệnh cho người dân tại trạm xá - Ảnh: L.TR.
Không để chuyện buồn tiếp diễn
Trưởng trạm y tế A Lăng Đạt nói rằng sau cơn dịch, công tác y tế, nhất là việc tiêm chủng cho trẻ ở đây được chú trọng hẳn. Hằng tháng trạm rà soát danh sách trẻ ở độ tuổi tiêm chủng, phát giấy thông báo bà con đưa trẻ đi tiêm.
Hiện tỉ lệ tiêm phòng cho trẻ đến trạm đúng thời điểm là hơn 80%. Đây là con số rất cao so với trước đây. Số còn lại do bà con trong mùa màng, ở ngoài chòi rẫy cao không biết hoặc là đến ngày tiêm chủng trẻ bị bệnh, không tiêm được. Số này sẽ được cán bộ y tế mang văcxin đến tận thôn bản để tiêm đầy đủ.
Anh Đạt cho biết hiện trạm có 4 nhân viên y tế, thay phiên mỗi tháng đến thôn bản 1-2 lần tuyên truyền bà con tiêm chủng đầy đủ cho con trẻ, ai đau ốm không được ở nhà mà phải đến trạm khám, lấy thuốc uống. Ngoài ra, ba thôn ở xã đều có lực lượng y tế thôn bản. Hiện giờ phần lớn bà con đau ốm được vận động đưa ra trạm thăm khám, nếu nặng thì đưa đến bệnh viện tuyến huyện tỉnh, không còn việc để ở nhà cúng nữa.
Ông Nguyễn Văn Văn, phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho rằng dịch bạch hầu ở Phước Lộc năm năm trước là một câu chuyện lịch sử. Trước đây người dân vùng núi rất sợ tiêm chủng, Phước Lộc có thể coi là vùng trắng về tiêm chủng, đặc biệt dân hai thôn 8A, B không hề biết thế nào là tiêm chủng. Việc này do nhiều nguyên nhân, nhưng nhất là dân không chịu đi tiêm. Sau khi dịch xảy ra, ngành y tế đã dồn lực lượng tiêm chủng cho tất cả người dân xã.
Ông Văn nói cũng từ Phước Lộc, ngành y tế thấy rằng việc tiêm chủng ở miền núi cao vẫn còn "khoảng trống". Tỉnh đã cho rà soát những "điểm trắng" tiêm chủng, chấn chỉnh lại công tác tiêm chủng ở huyện, việc bảo quản văcxin, đào tạo lại cán bộ y tế các địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, công tác giám sát việc tiêm chủng.
Ngành cũng xác định tất cả các huyện miền núi đều có nguy cơ như Phước Lộc, nên trong hai năm 2015-2016 triển khai tiêm chủng ngừa bạch hầu, uốn ván cho người dân 6 huyện miền núi của tỉnh với số lượng hơn 100.000 người. "Nhờ Phước Lộc mà từ đó dần đẩy lùi được câu chuyện sợ tiêm và cúng bái khi có người đau ốm của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Bà con được thay đổi nhận thức ăn sâu từ bao đời" - ông Văn nói.
Điện giúp đổi thay nhiều

ã Phước Lộc đã đổi thay nhiều nhờ có điện - Ảnh: LÊ TRUNG
ã Phước Lộc đã đổi thay nhiều nhờ có điện - Ảnh: LÊ TRUNG
Trưởng trạm y tế Phước Lộc A Lăng Đạt nói rằng dịch bạch hầu năm 2015 bùng phát cũng bởi một phần nguyên nhân là việc tiêm văcxin phòng bệnh chưa đầy đủ do đường sá đi lại quá khó, nơi này lại không có điện nên bảo quản văcxin không được tốt, chất lượng tiêm không đạt. Sau đại dịch bạch hầu, tháng 9-2015 điện được kéo sáng lòa.
"Từ ngày có điện, việc bảo quản văcxin của trạm tốt hơn, các tủ lạnh dự trữ văcxin đầy đủ để tiêm cho trẻ" - anh Đạt nói.
LÊ TRUNG - ĐỨC TÀI (TTO)

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.