Trở lại Hang Kia - Pà Cò: Chuyện trinh sát cắm bản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nếu trước đây, chỉ cần thoáng thấy bóng dáng người lạ, đồng bào Mông ở Hang Kia - Pà Cò sẽ tránh mặt, hỏi cũng không nói, gọi không nghe. Nhưng nay mọi chuyện đã khác, họ gần gũi, thân thiện hơn và đã dám đứng lên đấu tranh với ma túy...
Có công an cắm bản - dân sẽ chống ma túy
Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Vàng A Nhà, Trưởng Công an xã Pà Cò cho biết, từ khi triển khai mô hình dòng họ tự quản, những vi phạm về tảo hôn, tranh chấp đất đai ở đây đã giảm hẳn. Những việc liên quan đến ma tuý, trộm cắp vặt được các già làng, trưởng bản vào cuộc quyết liệt. Điều đáng mừng nhất là người Mông đã dám đứng lên tố cáo những người tham gia mua bán ma tuý. Trước đây, họ thấy rằng, không nghề nào nhanh giàu bằng buôn ma túy. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi ma túy xâm nhập vào đời sống, họ thấy mất nhiều hơn được. Họ có cảm giác, cuộc sống không còn ý nghĩa khi người thân, anh em trong nhà dính dáng đến ma túy.

Thiếu tá Lường Văn Sơn đứng từ đỉnh dốc vào Hang Kia chỉ cho phóng viên khu nhà Vàng A Khua
Thiếu tá Lường Văn Sơn đứng từ đỉnh dốc vào Hang Kia chỉ cho phóng viên khu nhà Vàng A Khua
“Có được thành công đó, ngoài việc tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng bản còn có những chiến sỹ công an cắm bản. Đối với người Mông, họ cần một điểm tựa. Tôi nói đúng, các anh phải hỗ trợ tôi. Khi người bị tố giác có biểu hiện trả thù, nói xấu…, các anh phải vào cuộc bảo vệ tôi. Trong những cuộc như thế, công an phải đến gặp trực tiếp, thuyết phục, đảm bảo an toàn cho họ”, Thiếu tá Nhà nói.
“Tôi phối hợp với các đơn vị vận động 12 đối tượng bị truy nã nguy hiểm ra đầu thú. Trong số đó, 10 người đã mãn hạn trở về làm ăn ổn định rồi. Giờ họ coi mình như ân nhân, đến nhà chơi là phải thịt gà ăn xong mới về, không ăn là không cho về”.
Thiếu tá Vàng A Nhà, Trưởng Công an xã Pà Cò
Theo Thiếu tá Nhà, nếu công an cắm bản là người dân tộc Mông, biết tiếng, biết phong tục tập quán sẽ nắm được đặc điểm tâm lý, linh hoạt khi bắt đối tượng mua bán ma tuý. Nhưng nếu sau khi bắt, cán bộ công an đó vẫn còn sinh sống bản sẽ bị thù ghét; gia đình có việc, họ không giúp đỡ. Còn công an cắm bản là người nơi khác thì do chưa hiểu đặc điểm tâm lý, chưa nắm được địa bàn, khi tác chiến độc lập, họ sẽ không làm được việc. “Khuôn mặt người Mông na ná giống nhau, người lạ mới đến khó phân biệt. Khi họ giao tiếp với nhau bằng tiếng Mông, không hiểu họ nói gì. Mình có hỏi gì, họ cũng “chi pâu” (không biết - PV) thôi”, Thiếu tá Nhà chia sẻ.
Trưởng Công an xã Pà Cò kể lại, trước đây, khi vào Hang Kia - Pà Cò đánh án, lực lượng chức năng ở nơi khác đến đều phải “làm nhanh rút gọn”, quá trình khám xét không thể thực hiện ngay như ở nơi khác. Vì người Mông có khuôn mặt giống nhau nên đã có đoàn bắt nhầm người, anh em họ hàng người bị bắt cản lại, không cho đi. Họ gọi nhau chắn kín đường, kích động nhau. Vì là đường độc đạo nên các lực lượng đi bắt đối tượng không thể di chuyển, phải gọi cán bộ địa phương “giải cứu”.
Vào hang bắt ma túy

Thiếu tá Vàng A Nhà, Trưởng Công an xã Pà Cò
Thiếu tá Vàng A Nhà, Trưởng Công an xã Pà Cò
Cùng đi với chúng tôi đợt này còn có Thiếu tá Lường Văn Sơn, Phó Đội trưởng Đội Kinh tế ma tuý (Công an huyện Mai Châu). Anh Sơn là người dân tộc Thái, ra trường được cử ngay về Hang Kia - Pà Cò cắm bản với nhiệm vụ tuyên truyền đồng bào phá bỏ cây thuốc phiện. Ban ngày anh còn được giao nhiệm vụ vẽ sơ đồ địa bàn, sẩm tối anh đến nhà các già làng, trưởng họ ăn cơm, uống rượu. Vừa để gần dân, thân dân nhưng đó lại là cách học tiếng rất nhanh, lại có cơ hội để nắm tình hình, tuyên truyền hiệu quả. Cũng may, đây là vùng giáp ranh,các già đều hiểu tiếng Thái. Vì thế, anh có điều kiện thâm nhập, có thời điểm, anh đi biền biệt 3 tháng mới về nhà một lần.
Hỏi về cách uống rượu thế nào để đủ tỉnh táo còn làm nhiệm vụ, anh Sơn đùa rằng: “Các cụ toàn uống bát to. Mình cứ uống thật nhiều rồi lăn ra ngủ. Trời ở đây, sáng sớm còn mù lắm, 8 giờ mới dậy được”. Anh Sơn kể, lúc mới về đây nhận công tác, ngay cả bồn hoa của UBND xã còn trồng cây thuốc phiện. Về ở với dân, sống hoà nhập, tình cảm và từ đó vận động dần dần, họ tin yêu mình.
Gần 20 gắn bó với mảnh đất này, không người nào anh không biết, không nơi nào anh chưa đặt chân. Anh tham gia nhiều chuyên án lớn nhỏ, nhưngvào năm 2006, khi bị Vàng A Xanh dí súng vào đầu, anh mới thấu hết cái nguy hiểm và phức tạp của vùng đất này. Xanh là đối tượng đầu tiên vận chuyển ma tuý tổng hợp từ “tam giác vàng” (khu vực rừng núi hiểm trở giữa ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar, nổi tiếng là nơi sản xuất ma túy lớn nhất thế giới) về Việt Nam. “Qua công tác đặc tình cơ sở, Xanh là đối tượng nguy hiểm, có vũ khí nóng. Sau khi khảo sát tuyến đường mòn,chúng tôi xác định được tuyến trung chuyển ma tuý. Địa hình hiểm trở, trong rừng già lại có vách đá, anh em chưa thông thuộc địa bàn nên khó tìm chỗ mật phục bắt quả tang. Tôi được giao nhiệm vụ trinh sát. Vừa leo trên mỏm đá toan vào hang, Xanh ở mỏm đá bên cạnh tiến sát dí súng vào đầu tôi quát: Mày vào đây làm gì, đây là đất của tao. Đi ra khỏi đây ngay! Phút chốc “đứng hình”, miệng chỉ kịp nói đi tìm cây bưởi rừng nhằm đánh lạc hướng. Hắn nghĩ tôi đi một mình nên áp sát đưa tôi đi về phía đường mòn. Đi chừng 15m thì đến chỗ anh em mật phục yểm trợ, bắt được Xanh”, Thiếu tá Sơn nhớ lại. Sau khi bị bắt, Vàng A Xanh ngoan cố không chịu khai. Nhưng khi áp tải két sắt về huyện,hắn khai trong két có 65 nghìn đô la Mỹ và hơn 3 gói ma tuý tổng hợp.
Thiếu tá Sơn cho hay, Hang Kia - Pà Cò là địa bàn giáp ranh, nhiều núi rừng, nhiều tuyến đường mòn ra Quốc lộ 6 nên khó khăn trong công tác trinh sát, đấu tranh. “Đánh án” trong rừng cực kỳ nguy hiểm bởi trinh sát khó phát hiện các đối tượng. Những khu vực này là đất đồi rừng của người dân, đối tượng sẽ lợi dụng canh tác, núp vỏ bọc đi nương, để né tránh. Đặc biệt, chúng rất liều lĩnh và dùng vũ khí nóng. Chính vì thế, công tác trinh sát đặc tình, khoanh vùng đối tượng rất quan trọng.
Tháng 12/2020, công an huyện Mai Châu bắt vụ vận chuyển 9 bánh heroin và ma túy đá tổng hợp. Đó là kết quả của công tác trinh sát địa bàn. Các đội tượng lợi dụng hoạt động du lịch để mua bán vận chuyển ma tuý đường dài từ Hang Kia về Hà Nội. Cũng thông qua trinh sát địa bàn, nắm bắt một số đối tượng thường xuyên vận chuyển qua đường rừng, tổ chuyên án xác định và tiến hành đấu tranh. Tháng 1/2021, Công an huyện Mai Châu cũng bắt quả tang Vàng A Lau (ở Hang Kia) vận chuyển 3.519 viên ma tuý tổng hợp.
Theo Đức Anh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.