Trĩu nặng gánh măng rừng người Mạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời điểm này, tại nhiều địa phương thuộc 3 huyện phía nam tỉnh Lâm Đồng, nhiều bà con, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vào mùa hái măng rừng đem về bán để trang trải cuộc sống. Đây là việc nặng nhọc, đòi hỏi phải có kỹ năng, chịu được vất vả, công việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro...

“Năm nay, mùa màng thất bát, người dân trong xã gặp khó khăn. Chúng tôi biết rõ, hái măng rừng sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, nhưng không làm lấy gì ăn?”- anh K’ Linh nói.

 

Băng rừng hái măng.
Băng rừng hái măng.

Băng rừng tìm măng

Khi những tiếng sấm đầu mùa mưa vang lên làm rung chuyển cả cánh rừng Tây Nguyên, là lúc những mầm măng, như hẹn trước, đồng loạt đội đất, vươn lên đón ánh nắng mặt trời. Những búp măng như búp tay sơn nữ nuột nà đầy sức sống, hứa hẹn một màu xanh ngát của sự sinh tồn và phát triển. “Măng thường mọc vào đầu tháng 6 đến giữa tháng 9, gồm măng nứa, lồ ô, măng tre, măng trúc… Để có nhiều măng, người hái măng phải chịu khó đi xa, băng qua nhiều quả rừng, sông suối tìm về những nơi nhiều cây lồ ô”, anh K’ Linh nói.

Thoạt nghe anh K’ Linh kể, chúng tôi chần chừ e ngại, nhưng để thấu hiểu nỗi vất vả của đồng bào người Mạ, chúng tôi quyết định theo chân họ băng rừng hái măng. Tờ mờ sáng, anh K’ Linh đã chuẩn bị sẵn các dụng cụ hái măng. Anh cho biết, do đặc thù của công việc nên đi hái măng phải ăn mặc kín đáo, áo dài tay, trùm khăn trên đầu, mang dao, rựa và gùi đựng măng. Lúc này, nhiều bà con khác ở xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai cũng bắt đầu lên xe máy chạy bon bon, sau lưng họ là gùi đựng măng. Chúng tôi chạy men theo đường nhựa hơn chục km rồi băng con đường đất đỏ nhầy nhụa sau mưa, tiến thẳng hướng cánh rừng.

 

Người dân vào rừng sâu tìm hái măng rừng.
Người dân vào rừng sâu tìm hái măng rừng.

Tới bìa rừng, chúng tôi tiếp tục đi bộ qua nhiều khe nước với những hòn đá rong rêu trơn trượt. Hơn một giờ mới đến cánh rừng bà con thường đi hái măng. Lúc này là 7 giờ sáng, tại đây, mọi người chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm mỗi cánh rừng khác nhau. Một số người thì lặng lẽ kiếm măng một mình.

Việc hái măng đòi hỏi có kỹ năng: Măng mới nhô lên mặt đất phải đào bới, măng cao được 20cm dùng chân đạp và cao hơn nữa thì dùng dao chặt. Người hái măng rừng phải có con mắt tinh để phát hiện măng ở các bụi lồ ô cao to, chắc khỏe, cây cối rậm rạp, lại phải có đôi chân, đôi tay chắc nịch, khỏe để bám rừng...

Kiếm măng đã khó, hái được măng rồi phải biết bóc vỏ, vỏ măng thường rất ngứa. Để bóc vỏ măng cần kinh nghiệm và đúng kỹ thuật thì măng mới đẹp, bán được giá. Với kỹ năng của mình, anh K’ Linh cầm con dao chặt một đúp măng rừng và nhanh nhẹn lột sạch vỏ măng, lộ ngay búp măng trắng bóc  đẹp mắt.

Sau hơn 4 giờ  vượt rừng, anh K’ Linh đã gùi một gùi măng nặng trĩu, vạt áo, khăn mũ, quần áo của anh ướt sũng mồ hôi, lấm lem bùn đất, khuôn mặt anh tái nhợt. Còn chúng tôi, vỏn vẻn có thành quả là khoảng 2kg măng  lột vỏ nhưng nham nhở. Đã giữa trưa, nhiều bà con cũng bắt đầu gùi măng rời rừng. Trên lưng họ, những gùi măng nặng trĩu. Để kịp bán măng cho lái buôn, họ nhanh chóng hướng về phía chân rừng, gùi măng về nhà để nấu chín.

Vượt hàng tiếng đồng hồ đường rừng kiếm măng, rồi gùi măng về đến vị trí xe máy đỗ rất cơ cực, nhưng đối với bà con nơi đây, công việc này quá quen thuộc. “Chúng tôi, gắn bó với nghề hái măng rừng từ nhỏ, cuộc sống khó khăn, khổ cực nên quen rồi. Mùa măng đến, là niềm vui, chúng tôi có thu nhập trang trải cuộc sống và mua sách vở cho cháu đến trường”- chị Ka Hiềm thật thà nói.

 

Măng lấy từ rừng xong, phải gọt vỏ, nấu chín... bán mới có giá.
Măng lấy từ rừng xong, phải gọt vỏ, nấu chín... bán mới có giá.

Măng rừng hiếm... giá “bèo”

Chị Ka Hiềm cho biết: “Sau khi làm sạch vỏ, những củ măng tươi này được nấu hơn 20 phút, nấu măng phải có kinh nghiệm, bỏ nước mồi lửa đúng cách thì măng mới chín đều và đẹp mắt, giá măng bán ra mới được cao. Ngoài bán măng chín, chúng tôi bán măng tươi, nhưng giá thấp hơn nhiều”.

Gần 2 giờ chiều, khi những nồi măng tươi đã được nấu chín là lúc trên khuôn mặt người hái măng hiện rõ sự mỏi mệt của một ngày lao động. Hơn 4 giờ trên rừng mới kiếm được hơn chục ký măng, nhưng măng họ bán ra giá rất thấp và tùy thời điểm. Đối với măng đã nấu chín, giá đầu mùa giao động từ khoảng 10 ngàn đồng/kg. Gạt những giọt mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt,  bà Ka Heo cho biết: “Kiếm măng đã vất vả, nhưng mỗi lần bán măng, người mua mua giá rất thấp và chê măng xấu, măng già. Một số người thì nói các điểm thu mua hiện không ưa chuộng măng rừng. Chúng tôi biết, hái măng sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng nhưng không làm lấy gì ăn?”.

Theo những người hái măng, cách đây hàng chục năm tại các thôn, xã của 3 huyện phía Nam Lâm Đồng diện tích rừng còn nhiều. Nơi nào rừng có cây lồ ô, nứa... là kiếm được măng. Hiện nay, nhiều người dân khai hoang trồng trọt và việc một số doanh nghiệp khai thác đã làm rừng thu hẹp nên măng rất khan hiếm.

Đau thấu tim vì bị vắt, muỗi, rết, rắn... cắn

Do hoàn cảnh khó khăn, nhiều em học sinh không ngần ngại vào rừng kiếm măng để có tiền mua sách vở, trang bị học tập... Một em học sinh cho biết: “Gia đình nghèo, cha mẹ kiếm sống từng ngày nhưng không đủ ăn, để có tiền mua sách vở đi học, em phải dậy sớm vào rừng hái măng đem bán. Những lần như vậy, em thường phải cọ xát với lá rừng, vỏ măng nên ngứa khắp người. Nhiều đêm chỉ biết nằm gãi ngứa, không ngủ được... ”.

Anh K’ Linh thì chia sẻ: “Tôi từng bị rết độc cắn, rất may kịp thời điều trị. Con rết rừng to, dài và độc lắm! Bị nó cắn là đau thấu tim gan, ốm cả tháng! Rết rừng thường nằm ở phần ngọn của vỏ măng nên khi dùng tay bẻ măng dễ bị nó cắn. Ngoài rết, còn rắn độc cắn, bị dao xẻ thịt khi bị té ngã lúc vấp phải cây rừng, hòn đá... cũng khiến nhiều người lo ngại”.

Ngoài ra, khi vào rừng kiếm măng một mình, đi sâu vào rừng già, có nhiều người không quen dễ bị lạc, không biết đường về. Người dân địa phương phải huy động lực lượng đi tìm. Đáng lo ngại nhất, không may bị lật xuồng trong lúc đi xuồng qua sông  và tử vong.

Mới đây, ngày 13-7-2017, ông Nguyễn Tấn Lực, chèo xuồng của gia đình chở 6 người ở Lán Tranh, xã Đưng K’ Nớ, huyện Lạc Dương đi hái măng rừng về qua sông Krông Nô thì xuồng bị lật, khiến bà Cil Pam Ka Rim (sinh năm 1986) đuối nước tử vong và 4 nạn nhân khác bị nước cuốn trôi mất tích. Hiện thi thể các nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.

 

 
 
 
 
Gùi măng rừng nặng trĩu.
Gùi măng rừng nặng trĩu.

Rủi ro là thế, nhưng thời điểm này, nhiều bà con vẫn phải mưu sinh bằng việc hái măng rừng. Qua tìm hiểu tại ba huyện phía nam Lâm Đồng, chúng tôi được biết, do mùa điều năm 2017 mất trắng, nên đời sống người dân gặp khó khăn. Thay vì lúc này, họ tập trung chăm sóc cây điều để phục vụ cho mùa sau thì một số người lại đi làm thuê, còn lại sống nhờ “lộc rừng”...

Trở về TP. Đà Lạt trong chiều muộn, hình ảnh những gánh măng rừng liêu xiêu giữa đại ngàn và câu nói của đồng bào người Mạ khiến chúng tôi day dứt: “Hái măng rừng gặp nhiều rủi ro và gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chúng tôi “buộc” phải làm!”...

K'Liệp/laodong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.