Triển vọng nuôi thuần hóa cá quý ở Tây nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai loài cá “đặc sản” rô cờ và mõm trâu có nguồn gốc tự nhiên được thử nghiệm nuôi thuần hóa thành công bước đầu, mở ra triển vọng phát triển thành thương phẩm.

 

Cá rô cờ thích nghi, sinh trưởng tốt trong ao nuôi ở Đắk Lắk - Ảnh: Trung Chuyên
Cá rô cờ thích nghi, sinh trưởng tốt trong ao nuôi ở Đắk Lắk - Ảnh: Trung Chuyên

“Chuyển nhà” cho rô cờ

Theo thạc sĩ Phan Lệ Anh, Trưởng văn phòng đại diện Tây nguyên của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Bộ NN-PTNT), rô cờ là loài cá đặc hữu của lưu vực sông Mê Kông, phân bố chủ yếu ở sông Sêrêpốk và sông Sê San (Tây nguyên). Những năm gần đây, sản lượng cá giảm nhiều và không còn khả năng khôi phục quần đàn sau khi hệ thống bậc thang thủy điện được xây dựng dày đặc trên các sông này.

Từ tháng 9.2017, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 chủ trì thực hiện đề tài khoa học Nghiên cứu đặc điểm sinh học, thử nghiệm nuôi thuần hóa và sản xuất giống cá rô cờ tại tỉnh Đắk Lắk. Hoạt động này có nhiều ý nghĩa trong việc bảo tồn nguồn gien quý hiếm của tự nhiên; đồng thời mở rộng thêm giống cá “đặc sản” cho nghề nuôi trồng thủy sản địa phương.

Bà Phan Lệ Anh, chủ nhiệm đề tài khoa học, cho biết trước tiên để thuần hóa giống cá này, bà cùng đồng nghiệp tổ chức khá công phu việc thu mua cá mẫu từ tự nhiên (sông Sêrêpốk và sông Sê San), bảo quản cá sống và “chuyển nhà” cho chúng về môi trường nhân tạo ở TP.Buôn Ma Thuột và H.Krông Bông (Đắk Lắk). Kết quả nghiên cứu cho thấy cá hoàn toàn có thể thích nghi và sinh trưởng, phát triển bình thường trong điều kiện nuôi ở ao đất và nuôi lồng ở các địa phương của Đắk Lắk.

Triển vọng nuôi thương phẩm

Ông Nguyễn Văn Đại, ở xã Hòa Khánh, TP.Buôn Ma Thuột, một trong những hộ nuôi thử nghiệm cá rô cờ, cho biết trong điều kiện nuôi ao hoặc lồng, có thể sử dụng cho cá các loại thức ăn công nghiệp, cá tạp, bắp nấu chín, rau quả... Hiện ở ao nuôi hộ ông Đại có trên 130 con cá rô cờ lớn, bình quân 2 kg/con. “Mặc dù chậm lớn so với các giống cá thông thường như rô phi, trắm, chép; nhưng bù lại cá rô cờ có thịt chắc, thơm, giá bán khá cao nên tôi cho rằng nuôi đại trà vẫn có hiệu quả kinh tế”, ông Đại nhận xét.

Cũng trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu trên, đơn vị thực hiện đã thử nghiệm sản xuất giống cá rô cờ thành công. Theo bà Anh, từ kết quả nuôi vỗ cá bố mẹ, kích thích đẻ và ấp trứng, cho thấy cá rô cờ có thể sinh sản thành thục trong điều kiện nuôi ao và phương pháp cho cá đẻ tự nhiên, không cần tiêm chất kích thích sinh sản.

“Hiện đơn vị nghiên cứu chúng tôi có thể chủ động cung cấp một lượng cá rô cờ giống nhất định cho các hộ nuôi trên địa bàn”, bà Anh cho biết.

Ông Phạm Thế Trịnh, Trưởng phòng Quản lý khoa học Sở KH-CN Đắk Lắk (đơn vị quản lý đề tài cá rô cờ), cho biết đề tài do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 triển khai đã được nghiệm thu cấp cơ sở, sắp tới sẽ nghiệm thu ở cấp hội đồng khoa học tỉnh.

“Quá trình theo dõi chúng tôi thấy các mục tiêu của đề tài đã cơ bản hoàn thành; những mô hình nuôi thuần hóa, cũng như nhân giống cá rô cờ đều có thành công. Khảo sát cho thấy cá rô cờ thích nghi với môi trường nuôi nhân tạo như trong ao đất, lồng bè. Điều này mở ra triển vọng nuôi cá rô cờ thương phẩm đại trà trong tương lai”, ông Trịnh nhận định.


 

Cá mõm trâu cũng thích nghi nuôi nhân tạo

Từ tháng 6.2019, khoảng 100 con cá mõm trâu cỡ nhỏ (0,2 - 0,3 kg/con) thu thập từ sông Sêrêpốk được đơn vị nghiên cứu thủy sản đưa về nuôi thuần dưỡng trong ao đất nước chảy ở xã Hòa Lễ, H.Krông Bông. Sau 4 tháng nuôi, cá đạt chiều dài 23 - 34 cm, nặng 0,3 - 0,5 kg/con, tỏ ra thích nghi tốt với điều kiện môi trường nhân tạo. Rô cờ và mõm trâu được cho là cá đặc sản ở Tây nguyên, hiện giá bán trên dưới 500.000 đồng/kg với cá mõm trâu và 80.000 - 250.000 đồng/kg với rô cờ có kích cỡ khoảng 0,3 - 2,5 kg/con. Hai loài cá này trong tự nhiên có thể lớn với trọng lượng hàng chục ký.

Theo Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thế giới - IUCN năm 2017, cá rô cờ nằm trong danh mục với mức sẽ nguy cấp VU (Vulnerable A2ce). Gần đây, IUCN đã đưa cá mõm trâu vào danh mục được bảo tồn với mức đánh giá là loài dễ bị tổn thương VU.

Theo Trung Chuyên (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.