Triển vọng mô hình sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau thời gian nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã làm chủ quy trình sản xuất giống và nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris). Thành công này là tiền đề cho việc nhân rộng sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng của tỉnh.
 Kiểm tra chất lượng nấm Đông trùng hạ thảo nuôi trồng thử nghiệm tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: T.D
Kiểm tra chất lượng nấm Đông trùng hạ thảo nuôi trồng thử nghiệm tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: T.D
Nấm Đông trùng hạ thảo là một loại Đông dược quý có bản chất là dạng ký sinh của loài nấm thuộc nhóm nấm Ascomycetestrên cơ thể ấu trùng của các loài bướm trong chi Thitarodes. Đây là một loại dược liệu quý hiếm do có chứa nhiều hoạt chất (cordycepin, adenosine, polysaccharides, ergosterol và các chất khoáng…), có tác dụng hạ đường huyết, chống viêm, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, điều hòa hệ miễn dịch, chống oxy hóa... Điều này đã được các nghiên cứu y học, dược học chứng minh. Tại thị trường Việt Nam có tới 70% sản phẩm Đông trùng hạ thảo được nhập về từ các nước. Tuy nhiên, do giá thành cao nên sản phẩm không được sử dụng rộng rãi.
Từ việc đánh giá cụ thể tác dụng giá trị dược liệu và giá trị thương mại của nấm Đông trùng hạ thảo, đồng thời tiếp cận các kết quả nghiên cứu về loại nấm này, năm 2017, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nhân giống, nuôi trồng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật cho sản phẩm Đông trùng hạ thảo trong điều kiện phòng thí nghiệm tại tỉnh Gia Lai”. Sau khi xác định và nhân giống các chủng nấm Đông trùng hạ thảo có hàm lượng cordycepin cao để tiến hành sản xuất, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xác định các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hình thành và phát triển quả thể nấm. Thành phần môi trường chủ yếu bao gồm: nước dừa, dịch nhộng tằm tươi, đường glucose, pepton… Giá thể nuôi trồng nấm phù hợp được sử dụng từ nguồn nguyên liệu hữu cơ có bổ sung một số đa lượng và vi lượng thiết yếu. Giá thể sau khi được phối hợp các nguồn nguyên liệu, được đưa vào các bình thủy tinh hoặc bình nhựa chịu nhiệt để tiến hành nuôi trồng và được hấp tiệt trùng ở nhiệt độ 121oC, áp suất 1,2 atm trong thời gian 1 giờ. Sau đó để nguội tự nhiên, bắt đầu cấy giống. Bước tiếp theo sẽ tiến hành theo dõi chỉ tiêu về tốc độ ăn sợi và khối lượng quả thể trên một đơn vị thể tích môi trường. Mục đích thử nghiệm để xác định môi trường phù hợp với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương nhằm giảm giá thành sản phẩm mà vẫn đạt chất lượng tốt.
 Ảnh: T.D
Ảnh: T.D
Theo kỹ sư Thiều Thảo Minh-cán bộ Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ thì kỹ thuật nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo gồm các bước: nuôi sợi, tạo quả thể nấm, nuôi quả thể nấm và thu hoạch, chế biến, bảo quản nấm. Nấm Đông trùng hạ thảo được nuôi dưỡng trong môi trường có các yếu tố không khí, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng được điều khiển hoàn toàn tự động khép kín theo chương trình đã được lập trình. Các kỹ thuật viên theo dõi, chăm sóc phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, đảm bảo tiệt trùng tuyệt đối. Sau khoảng 60 ngày nuôi dưỡng, nấm Đông trùng hạ thảo nhân tạo đợt đầu tiên đã cho thu hoạch. “Khi ngọn nấm có màu vàng đậm hơn phần thân nấm, lúc đó bào tử nấm bắt đầu xuất hiện, tiến hành thu hoạch nấm. Mở nắp bình, dùng kéo cong cắt ngọn nấm xuống sát mặt cơ chất hoặc dùng panh kẹp lấy từng cụm nấm ra. Sau đó, chúng tôi đa dạng hóa sản phẩm bằng cách chế biến Đông trùng hạ thảo tươi, sấy nhiệt ở 40-45oC, sấy thăng hoa… Sau nhiều lần thử nghiệm và trải qua một khoảng thời gian dài kiên trì nghiên cứu, hiện chúng tôi đã làm chủ được quy trình sản xuất giống và nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ”-kỹ sư Thiều Thảo Minh chia sẻ.
Với việc làm chủ quy trình công nghệ từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến sản phẩm từ nấm Đông trùng hạ thảo, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ có thể cung ứng giống cho phát triển sản xuất Đông trùng hạ thảo, chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi trồng cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu và cung ứng sản phẩm Đông trùng hạ thảo ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp dược và người dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Trương Xuân Phú-Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ: Việc thử nghiệm nhân giống và nuôi trồng Đông trùng hạ thảo là hoàn toàn có tính khả thi và rất cần thiết; thích hợp với điều kiện khí hậu của Gia Lai cũng như cơ sở vật chất, trình độ nhân lực tại Trung tâm. Qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, điều này cũng phù hợp với chủ trương của tỉnh về phát triển dược liệu, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.
Trần Dung

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.