Tri ân Tổ nghề sân khấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giỗ tổ là dịp tri ân người sáng tạo ra nghề, trong đó có nghề sân khấu. Nhiều năm qua, hoạt động này được đông đảo nghệ sĩ hưởng ứng để tưởng nhớ công ơn tổ nghiệp, đồng thời kết nối, truyền lửa đam mê sân khấu đến các thế hệ.  

Cứ đến ngày giỗ Tổ nghề sân khấu 12-8 Âm lịch hàng năm, MC Nguyễn Hoàng Nam (TP. Pleiku) lại tổ chức mâm cơm giản dị nhưng trang trọng, đầy đủ lễ bộ dâng lên Tổ nghề với tấm lòng thành. Ngày giỗ Tổ nghề năm nay, anh tổ chức tại gia để đảm bảo an toàn phòng dịch. Anh chị em nghệ sĩ cũng đến thắp hương tưởng nhớ tổ nghề, gặp gỡ, quây quần trong không khí thân tình đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Trước bàn thờ tổ, MC Nguyễn Hoàng Nam và các nghệ sĩ mong tổ nghiệp phù hộ cho họ luôn giữ được cái tâm trong sáng, được sống với nghề mình đã chọn. Anh bộc bạch: “Khi đứng trước bàn thờ tổ, bày tỏ tri ân lớp nghệ sĩ đi trước, chúng tôi tự hứa với lòng sẽ không ngừng trau dồi kỹ năng, tài nghệ, giữ phẩm chất trong sáng của người làm nghệ thuật, tâm hồn hướng thiện, để thực sự xứng với những gì tổ nghiệp truyền lại cho con cháu đời sau”.

Các nghệ sĩ tri ân Tổ nghề sân khấu. Ảnh: Hoàng Ngọc
Các nghệ sĩ Gia Lai dâng nén hương bày tỏ lòng thành kính, tri ân tổ nghiệp. Ảnh: Hoàng Ngọc


Hoạt động nghệ thuật ở Gia Lai không sôi nổi, phong phú như ở các tỉnh, thành phố lớn, nhưng anh chị em nghệ sĩ luôn mong muốn có một nơi để dâng nén hương bày tỏ lòng thành kính, tri ân tổ nghiệp. Vì vậy, cách đây 7 năm, MC Hoàng Nam đã khởi xướng tổ chức ngày giỗ Tổ nghề sân khấu hàng năm góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho những người làm nghệ thuật, tạo thêm một hoạt động ý nghĩa trong đời sống văn nghệ sĩ Phố núi. Thường trong ngày giỗ Tổ nghề, anh chị em quây quần dâng hương tri ân, cầu mong những điều tốt đẹp, chia sẻ những kỷ niệm, kinh nghiệm truyền nghề cho nhau, biểu diễn nghệ thuật. Lớp nghệ sĩ đi trước dặn dò, trao truyền kinh nghiệm và những bài học cho thế hệ đi sau về việc giữ cái tâm trong sáng với nghề, vì khán giả, vì sân khấu.

MC Hoàng Nam cho hay, sân khấu Việt Nam sinh ra nhiều nghệ sĩ tên tuổi, đóng góp lớn lao không chỉ cho nghệ thuật nước nhà. Tại Gia Lai cũng có những đại thụ như: cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, cố Nghệ sĩ Ưu tú Thảo Giang, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La… Những đóng góp của họ cho nghệ thuật dân tộc sẽ còn được nhiều thế hệ nhớ đến. Biết ơn tổ nghiệp là cách nhắc nhở nghệ sĩ phát huy tài năng, cống hiến, ứng xử có tâm với nghề để xứng đáng với di sản mà các thế hệ nghệ sĩ để lại. “Đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời xác đáng tổ nghiệp của ngành sân khấu là ai. Nhưng mặc định ngày 12-8 Âm lịch hàng năm là ngày mà con cháu làm nghệ thuật hướng đến tổ nghiệp. Dù đứng trên thánh đường thật lớn hay trên một sân khấu nhỏ, nhưng khi mang lời ca tiếng hát, đem nghệ thuật để làm đẹp cuộc đời thì họ đã là một người nghệ sĩ nhờ ơn tổ nghiệp. Những lời dạy của tổ nhiều lắm và đều là những lời dạy hướng đến điều tốt đẹp, tinh thần cống hiến. Những người làm nghệ thuật dù có buồn giận gì nhau, nhưng thắp một nén hương trước bàn thờ tổ thì sẽ bỏ qua tất cả, để tâm mình thực sự thiện lành, để toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghệ thuật. Đó là một nét sống đẹp của ngày giỗ Tổ nghề sân khấu”-MC Hoàng Nam nói.

  Các nghệ sĩ tri ân Tổ nghề sân khấu. Ảnh: Hoàng Ngọc
Các nghệ sĩ ở Gia Lai hướng về tổ nghiệp trong ngày giỗ Tổ. Ảnh: Hoàng Ngọc


Ngoài bày tỏ sự biết ơn đến những người mở đường cho ngành nghệ thuật sân khấu Việt Nam, các thế hệ nghệ sĩ cũng gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp. Ca sĩ Phi Vân (TP. Pleiku) nhắn gửi: “Hiện là thời điểm khó khăn nhất của hoạt động nghệ thuật. Tôi chúc anh chị em nghệ sĩ có nhiều sức khỏe và niềm tin để vượt qua. Sau những biến cố, mọi hoạt động trở lại và chúng ta sẽ được thỏa niềm đam mê với sân khấu nghệ thuật. Tôi tin rằng, khoảng dừng này giúp mọi người quý trọng hơn những giây phút được đứng trên sân khấu, đón nhận sự yêu mến của khán thính giả để cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật”. Là thế hệ trẻ của sân khấu nghệ thuật, Á quân tuyệt đỉnh song ca nhí Quốc Hưng cũng từ huyện Chư Păh xuống thắp nén hương trước bàn thờ tổ cùng các bậc đàn anh. Em bày tỏ: “Từ khi còn ở bậc tiểu học em đã tham gia văn nghệ ở nhà thiếu nhi và được đứng trên nhiều sân khấu. Tham gia ngày giỗ Tổ nghề cùng các thế hệ đi trước, em càng trân trọng hơn những gì tổ nghiệp đã để lại, giúp mọi người gần nhau hơn, nỗ lực để cống hiến nhiều hơn. Tấm gương những nghệ sĩ đi trước là động lực để em phấn đấu tiến xa trên con đường nghệ thuật”.

Là công ty tổ chức nhiều sự kiện văn hóa-nghệ thuật ở Phố núi, anh Hoàng Bảo-Giám đốc Công ty sự kiện-Truyền thông Gia Lai-bày tỏ: “Tôi xin chúc mừng và mong các thế hệ nghệ sĩ luôn giữ niềm đam mê, ngọn lửa với nghề. Khó khăn, thăng trầm nhưng gắng sức trau dồi chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm thì sẽ có kết quả tốt và cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật”.

 

 HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.