Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La: Đi đến tận cùng bản sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghệ sĩ nhân dân Xuân La được nhiều người gọi là “báu vật” của nghệ thuật múa dân gian Tây Nguyên, bởi những đóng góp to lớn của bà cho ngành nghệ thuật này. Cũng bởi, bà là một trong 2 nghệ sĩ nhân dân (NSND) của Gia Lai còn lại, một người nữa là NSND Y Brơm đã qua đời.
Những đóng góp của NSND Xuân La hẳn không cần nhắc lại. Chính bà và thế hệ văn nghệ sĩ cùng thời đã làm cho bạn bè trong nước và khắp năm châu bốn bể biết đến nghệ thuật múa dân gian Tây Nguyên. Những hình tượng nghệ thuật mà bà từng hóa thân, những vở diễn do bà biên đạo đến nay vẫn là một tượng đài. Không những thế, bà còn là người góp công đào tạo ra một thế hệ nghệ sĩ múa xuất sắc như: Nghệ sĩ Ưu tú Quang Tâm-nguyên Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San, biên đạo múa Công Hưng-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch Gia Lai…
  Nghệ sĩ nhân dân Xuân La.   Ảnh: Minh Châu
Nghệ sĩ nhân dân Xuân La. Ảnh: Minh Châu
Những đóng góp của NSND Xuân La cho nghệ thuật múa ảnh hưởng sâu đậm đến thế hệ đi sau, từ tinh thần lao động đến tư duy nghệ thuật, đặc biệt là phương châm nghệ thuật sống còn: “Hãy giữ lấy bản sắc, giữ hồn cốt của nghệ thuật dân gian Tây Nguyên”. Biên đạo múa Công Hưng khi nói về người thầy lớn của ngành nghệ thuật múa, vẫn dành sự khâm phục trước “tinh thần bất khuất” và sức sáng tạo, lao động nghệ thuật của NSDN Xuân La: “Người truyền lửa đầu tiên cho tôi trong nghệ thuật múa khi tôi về Gia Lai công tác (năm 1992) chính là NSND Xuân La. Đặc biệt, thời kỳ này chỉ có một mình bà là nữ nghệ sĩ múa, nhưng sự hăng say trong lao động nghệ thuật của bà khó ai sánh kịp. Bà có thể hóa thân thành nhân vật rất nhanh chóng. Tất cả những điều đó ở nữ nghệ sĩ đã để lại cho tôi ấn tượng vô cùng sâu đậm, học hỏi được rất nhiều điều. Đến hôm nay, tôi vẫn thầm cảm ơn những nghệ sĩ như NSND Xuân La, NSND Y Brơm đã truyền lửa cho cá nhân tôi và cho chuyên ngành múa nói chung”.
Nghệ sĩ nhân dân Xuân La thì cho rằng, cuộc đời bà may mắn được gắn liền với nghệ thuật múa và sống trọn vẹn dù phải hy sinh cả hạnh phúc riêng tư, phải trả giá, đánh đổi bằng không ít mồ hôi và nước mắt. Còn với người trong nghề, NSND Xuân La vẫn luôn là một “người đàn bà đẹp” dù bà đã về hưu 10 năm (năm 2008), đẹp từ ánh mắt đến phong thái của một nghệ sĩ, đẹp từ suy nghĩ và những đau đáu của bà cho tương lai của nghệ thuật múa dân gian Tây Nguyên. Nhiều tiết mục bà tham gia dàn dựng, giúp cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp lẫn không chuyên sau này để tham gia các hội diễn vẫn mang đậm tính dân tộc, ở đó, in đậm dấu ấn của nữ nghệ sĩ tài hoa. Tinh thần lao động nghệ thuật của bà vẫn luôn rừng rực dù sức khỏe không còn cho phép bà “xông pha” nhiều trên các sân khấu lớn. Nhưng những gì bà tích lũy, trau dồi được trong quãng đời làm nghệ thuật chân chính vẫn là những bài học quý giá đối với thế hệ trẻ. Biên đạo múa Công Hưng gọi NSND Xuân La là “người bất khuất” với nghệ thuật múa: “Mặc dù lớn tuổi nhưng đam mê của bà với nghệ thuật múa vẫn chảy tràn. Bà vẫn chăm chút, quan tâm đến đời sống văn học nghệ thuật, thường xuyên trao đổi về nghệ thuật múa dân gian Tây Nguyên để góp phần định hướng cho thế hệ kế tục bằng trách nhiệm và tình yêu rất lớn dành cho ngành nghệ thuật này”.
Trước ý kiến cho rằng, ngành nghệ thuật múa của Gia Lai hiện nay không còn tạo được dấu ấn riêng như thời kỳ trước, bà cho rằng, nghệ sĩ thời kỳ nào cũng cần rèn luyện thật nghiêm khắc, dấn thân trong lao động nghệ thuật, phải thật trong sáng và đừng đặt cái tôi cá nhân quá lớn. “Nghệ thuật đích thực không có chỗ cho sự nửa vời, phải sống chết với nghề, thậm chí còn phải trả giá, phải hy sinh hạnh phúc riêng tư. Bên cạnh đó, nghệ sĩ phải có cái tâm và tầm nhìn lâu dài. Học hỏi để nâng cao kiến thức, nâng tầm bản sắc cho nó đẹp hơn, hay hơn, có kỹ thuật hơn, chứ tuyệt đối đừng vay mượn, đừng đánh mất bản sắc, hồn cốt dân tộc, như vậy mới là bản lĩnh của người nghệ sĩ và đóng góp thực thụ cho nghệ thuật chân chính”-NSND Xuân La chia sẻ.
Và, trong tâm trí của người nghệ sĩ rất mực tài hoa này, Gia Lai nằm trên cái nôi của nghệ thuật dân gian dân tộc Tây Nguyên, nghệ sĩ chỉ cần khai thác đến tận cùng bản sắc ấy và làm thăng hoa trên sân khấu, nghệ thuật múa sẽ thành công, sẽ có tương lai lâu dài. Vậy nên, “đừng phí tiền dàn dựng những chương trình hoành tráng, tốn kém, gắn mác là múa hiện đại hay đương đại, mà hãy đào sâu thêm trên cái nôi văn hóa mình đang sống bằng lập trường kiên định, đẩy nó lên tầm cao mới là người nghệ sĩ đã đóng góp rất lớn cho nghệ thuật, cho mai sau”-NSND Xuân La nhắn nhủ.
Minh Châu

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.