Trăm năm hồn lũa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ những thứ tưởng như vô tri, qua bàn tay tạo tác của ông Trần Đức Vinh (47 tuổi, ở TP.Pleiku, Gia Lai) bỗng trở nên có hồn cốt với nhiều thông điệp cảm động về tình mẫu tử, về thiên nhiên...
Ông Vinh đang thuyết giải tác phẩm về mẹ.
Ông Vinh đang thuyết giải tác phẩm về mẹ.
Cây gỗ khi chết đi, trải qua bào mòn tự nhiên chỉ còn lại thứ lõi cứng bên trong, ấy gọi là lũa. Hai mươi năm trước, ông Vinh đã vào rừng, nhặt nhạnh những thân lũa mang về nhà rồi kỳ công tạo tác. Hàng trăm tác phẩm với nhiều chủ đề đậm triết lý nhân sinh, tự nhiên ấy được trưng bày trong một không gian mang tên Hồn gỗ, thu hút khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, trầm trồ.
Có nhiều không gian để khách thưởng lãm, tĩnh tâm.
Có nhiều không gian để khách thưởng lãm, tĩnh tâm.
Hồn của lũa
Hồn gỗ của ông Vinh ở 87 Ngô Thời Nhậm, TP.Pleiku, dù nằm rìa phố vẫn khá đông khách tìm đến. Bởi nơi đó họ tìm thấy chút đại ngàn là những con thuyền độc mộc, là tượng gỗ lũa, là những đặc trưng của người bản địa...
"Mình mong muốn những bạn trẻ làm gì cũng nên nghĩ đến mẹ, bởi gia đình là nơi để mọi người quay về tìm lại sự bình yên, hạnh phúc bên mẹ. Mẹ là vậy, luôn bao dung, chờ mong con, che chở con. Mình nghĩ hai từ thiêng liêng nhất là Mẹ ơi!"-Trần Đức Vinh (47 tuổi, TP.Pleiku, Gia Lai)
Hơn 200 tác phẩm từ gỗ lũa hay gốc cây bị đốt cháy nằm lãng quên đâu đó giữa đại ngàn được ông Vinh nhặt nhạnh về. Những thứ vô tri đó được ông “thổi hồn” qua các bức tượng, truyền đi thông điệp cuộc sống tốt đẹp. Ông bảo đến với lũa là duyên và cũng là nỗi niềm của một người con Tây nguyên khi chứng kiến sự khốc liệt bởi bàn tay con người can thiệp thô bạo đối với môi trường sống. “Cuộc sống vạn vật đều hữu linh nhưng con người chúng ta đôi khi sống vô cảm... Rừng Tây nguyên bị con người tàn phá đi đến thảm nạn. Mình thấy trong thân lũa bị lãng quên ở lòng sông, ven suối vẫn có linh hồn. Chính vậy mình muốn tạo ra những tác phẩm từ thân lũa, gỗ cháy hay thân cây mục nát đó để chúng ta nhận thức rõ hơn về một chút thiêng liêng của núi rừng Tây nguyên. Mình muốn mọi người bảo vệ, giữ lấy những gì mà môi trường đã ban tặng cho con người”, ông trải lòng.
Năm 2012, tác phẩm Về đâu được trao giải nhất trong hội thi Sinh vật cảnh tỉnh Gia Lai. Ông Vinh kể phải mất nhiều tháng trời, từ một gốc lũa bị đốt cháy, trải qua quá trình tạo tác mới có được Về đâu. Đó là hình ảnh voi mẹ cùng voi con rũ buồn ngơ ngác, chân bước ngập ngừng không biết về đâu giữa rừng trơ khốc cây cối.
Tác phẩm khỉ mẹ ôm lấy khỉ con trước môi trường bị tàn phá.
Tác phẩm khỉ mẹ ôm lấy khỉ con trước môi trường bị tàn phá.
Thiêng liêng hai tiếng “mẹ ơi !”
Miệt mài 20 năm, bộ sưu tập của ông Vinh ngày một dày thêm. Ông phân chia tác phẩm theo từng chủ đề như Phật pháp, môi trường, cảnh báo nạn phá thai, mẹ, cha. Đặc biệt trong bộ sưu tập này là chủ đề “Mẹ” với hàng chục tác phẩm, từ hình ảnh bào thai nằm giữa những chai sần của những vết lũa, bên cạnh là gương mặt hiền từ của mẹ trong tác phẩm Tử cung hay người mẹ với bầu sữa căng đầy cho con trong Tình Mẹ, đến những hình ảnh người mẹ già tảo tần bên giếng nước, cây chuối và đàn gà đang chắp tay nguyện cầu cho những đứa con đang tung cánh giữa cuộc đời được bình yên, hạnh phúc. Đó là người mẹ nặng lòng 9 tháng 10 ngày mang giọt máu thiêng liêng của hạnh phúc đến ngày lâm bồn hay người mẹ gầy guộc, tảo tần, che chở cho mỗi đứa con thơ...
Ông chia sẻ: “Đó cũng là bộ sưu tập đầu tay, day dứt nhất của mình. Như bao người khác, đôi khi quên đi rằng mình cũng chỉ là mượn tạm bợ thân xác của cha mẹ, nhưng khi mẹ bị tai biến mình mới cảm nhận được mẹ quý giá như thế nào. 8 năm chăm mẹ nằm một chỗ cho đến ngày mẹ về cõi vĩnh hằng cũng là quãng thời gian mình day dứt vì nghĩ vẫn chưa làm được gì nhiều cho mẹ”. Dừng lại ít giây, giọng ông trầm hẳn xuống như tự sự: “Mình mong muốn những bạn trẻ làm gì cũng nên nghĩ đến mẹ, bởi gia đình là nơi để mọi người quay về tìm lại sự bình yên, hạnh phúc bên mẹ. Mẹ là vậy, luôn bao dung, chờ mong con, che chở con. Mình nghĩ hai từ thiêng liêng nhất là Mẹ ơi!”.
Nhiều khách trong nước lẫn nước ngoài khi đến đây đều rất thích thú. Được chủ nhân diễn giải về những tác phẩm của mình, từ em học sinh cho đến gã giang hồ đều rơm rớm nước mắt. Không ít người sau khi nghe ông Vinh diễn giải đã dẫn người thân của mình đến để trực tiếp cảm nhận.
Một số trường học ở trong và ngoài tỉnh cũng tổ chức ngoại khóa cho học sinh của mình ở Hồn gỗ. Ông Vinh kể rằng nhiều phụ huynh sau đó gọi điện đến cảm ơn vì con của họ trước đó cá biệt, hư hỏng nhưng sau khi đến Hồn gỗ đã có sự chuyển biến, tiến bộ.
Dù có người trả giá khá cao cho những tác phẩm nhưng ông Vinh từ chối bán. “Mình sưu tầm để nói lên nỗi lòng, chuyển tải những nỗi niềm của mình đến với mọi người. Để mong mỗi người khi đến đây có phút giây tĩnh lặng trước cuộc sống rồi quay về chính bản thể nhân ái, yêu thương của mình”, ông Vinh chia sẻ.
Trần Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.

Thanh âm báu vật nghìn năm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Già làng cầm viên đá nhỏ bằng nắm tay gõ vào các thanh đá bỗng phát ra âm thanh trong trẻo như tiếng suối chảy, trầm hùng của núi rừng. Bà con người dân tộc M’nông vẫn thường dừng chân bên suối và kể cho con cháu nghe về huyền thoại của dòng suối cũng như sự xuất hiện của những bộ đàn đá cổ.