Trải nghiệm cùng Pơ Kơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dưới chân cầu Đak Pơ Kơ nối liền hai bờ sông Pơ Kơ có một bến thuyền của ngư dân huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai). Bà con rủ nhau về đây để đánh bắt những loài cá quý đang được xem là đặc sản của vùng phía Đông tỉnh như: cá chình, cá đá, cá lúi…  Người thì bám trụ với dòng Pơ Kơ mưu sinh nghề chài lưới, người đánh cá để cải thiện bữa cơm gia đình và cũng có người bắt cá để giải khuây lúc nông nhàn. 
Buông lưới, đặt lờ chờ cá quý
Hình ảnh hàng chục con thuyền nhỏ neo san sát nhau dưới chân cầu Đak Pơ Kơ chốc chốc duềnh theo con nước vỗ bờ đã kéo chân chúng tôi trở lại xã Ya Ma, huyện Kông Chro. Đó là một chiều đầu tháng 8. Vài tia nắng yếu ớt vừa ló dạng vội khuất sau ngàn lớp mây xám. Vậy mà nghe trong hơi gió hầm hập khí nóng. 
Nếu lần đầu đứng trên cây cầu bê tông đưa mắt nhìn xuống dòng Pơ Kơ cuồn cuộn chảy, xa xa là mênh mông nương rẫy, núi cao, không ít người sẽ có cảm giác cô lẻ. Chỉ cách trung tâm thị trấn Kông Chro chừng 10 km nhưng nơi đây có vỏn vẹn 2 ngôi nhà, một là của gia đình ông Lê Văn Hoa (68 tuổi), phía đối diện là trạm chốt liên ngành kiểm soát lâm sản của huyện Kông Chro. Ngay cả đường giao thông liên xã ngang qua nơi này cũng thưa thớt xe cộ.
Thế nhưng, nếu dong thuyền chạy theo dòng Pơ Kơ, ta sẽ cảm nhận được sự khác biệt. Có sông ắt có cá. Dòng Pơ Kơ cũng không ngoại lệ khi bất kể ngày đêm luôn có sự hiện diện của những người chăm chỉ buông lưới, cặm cụi đặt lờ, cắm câu...
Người dân làng Tnung Măng (xã Ya Ma, huyện Kông Chro) thả lưới bắt cá. Ảnh: Hoành Sơn
Người dân làng Tnung Măng (xã Ya Ma, huyện Kông Chro) thả lưới bắt cá. Ảnh: Hoành Sơn
Cuối buổi chiều là thời điểm hoạt động đánh bắt cá trên sông Pơ Kơ trở nên nhộn nhịp, đông đúc nhất. Ngư phủ chủ yếu dùng thuyền đánh bắt cá. Người dân các làng thì tự làm phao nổi hay bơi, thì thụp lội thả lưới gần bờ sông.
Kéo mảnh lưới vừa mắc 4 con cá rô phi đang cong mình giãy giụa, anh Đinh Văn Ngôn (làng Tnung Măng, xã Ya Ma) nói với chúng tôi: “Bà con các làng sống gần sông Pơ Kơ thường đánh cá về ăn thôi. Riêng mình chiều nào cũng mang lưới ra thả, có cá thì mang về nấu ăn, nếu bắt được nhiều thì cho người thân, hàng xóm. Hầu như hôm nào đi thả lưới cũng dính cá nên bữa cơm gia đình được cải thiện. Phấn khởi nhất là những hôm bắt được cá đá hay cá lúi”.
Một anh bạn của chúng tôi đang công tác tại xã Ya Ma chia sẻ: Người dân đánh cá trên sông Pơ Kơ khá đông nhưng chủ yếu là để cải thiện bữa ăn gia đình. Riêng đánh bắt mưu sinh thì có khoảng 20 người. Anh cũng có thuyền, dụng cụ đánh cá nhưng chỉ để giải trí lúc rảnh rỗi. Cuối tuần, anh và đám bạn lập nhóm đi đánh cá, bắt được cá thì nướng luôn. Cá ở sông này chắc thịt, thơm ngon.
Dân chài lưới phóng khoáng như dòng Pơ Kơ vậy. Khi biết chúng tôi muốn dạo vài vòng trên sông, ông Hoa liền cho mượn con thuyền của gia đình. Cũng có người rủ đi đánh cá bằng thuyền xuyên đêm trên sông, nhưng vì nhiều lý do, chúng tôi phải nuối tiếc hẹn lần sau.
Biết chuyện, vợ chồng ông Bùi Xuân Thể (trú tại thị trấn Kông Chro) chuyên đặt lờ bắt cá trên quãng sông này cũng sẵn lòng chở chúng tôi xuôi dòng. Vậy là sau khi thả xong 2 đường lờ với gần 80 cái theo hình bát quái, vợ chồng ông Thể chở chúng tôi thăm thú cảnh quan.
Vừa chèo thuyền, ông Thể vừa rủ rỉ kể chuyện nghề: Năm 2017, một hộ dân ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đến đây đánh cá và dạy nghề đặt lờ cho ông. Từ đó đến nay, chập tối, vợ chồng ông Thể ra đây đặt lờ rồi về nhà nghỉ, sáng sớm ngày mai ra thu lại, nếu có cá thì mang ra chợ bán cho tiểu thương rồi lên rẫy chăm sóc cây cối. Con sông này có nhiều loại cá nhưng quý và hiếm nhất là cá chình. Thịt cá chình ở đây rất ngon, khác hẳn vị nơi sông hồ khác. Nghe người dân kể lại là trước đây ở sông này nhiều cá chình lắm, có con nặng hơn 10 kg.
“Cách đây 2 năm, vợ chồng tôi bắt được một con cá chình nặng 4 kg, có người mua lại với giá gần 1 triệu đồng. Ngoài ra, ở đây còn có 2 giống cá đặc sản là đá và lúi rất được nhiều người ưa chuộng. Việc đánh bắt cá trên sông đã giúp cho gia đình tôi có thêm thu nhập. Mỗi ngày được 100-200 ngàn đồng, hôm nào may thì được 500-600 ngàn đồng”-ông Thể chia sẻ.
Vợ chồng ông Bùi Xuân Thể (thị trấn Kông Chro) đặt lờ bắt cá trên sông Pơ Kơ. Ảnh: Nguyễn Tú
Vợ chồng ông Bùi Xuân Thể (thị trấn Kông Chro) đặt lờ bắt cá trên sông Pơ Kơ. Ảnh: Nguyễn Tú
Chẳng ai còn nhớ rõ bến thuyền và nghề đánh cá trên sông Pơ Kơ có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, hiện nay, bến sông này tập trung đông thuyền của dân chài neo nhất. Còn nhộn nhịp nhất là tầm 4-5 giờ sáng. Thuyền thay nhau cập bến, ngư dân gỡ vội những con cá đang vùng vẫy trong lưới, lờ rồi chở đi nơi khác. Người mang ra chợ bán, người lại đem về nấu bữa sáng. Nhìn sâu vào đôi mắt họ thấy lâng lâng niềm vui ngày mới.
Nặng lòng với dòng sông
Sông Pơ Kơ bắt nguồn từ những dãy núi cao ở xã Đak Song (huyện Kông Chro) chảy qua các xã của huyện Kông Chro rồi đổ về các huyện phía Đông Nam của tỉnh. Dọc hai bên sông Pơ Kơ là nương rẫy tốt tươi. Mỗi buổi chiều, đồng bào Bahnar sinh sống gần sông ra ngụp lặn tắm rửa trong dòng nước mát lành. Tắm xong thì đào những hố cát nhỏ rồi múc nước về dùng. Không khó để bắt gặp hình ảnh thiếu nữ Bahnar mang gùi với lỉnh kỉnh chai lọ đựng nước sông thong thả bước trên đường trong ánh chiều loang.
Sông Pơ Kơ cũng đảm nhận việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thị trấn Kông Chro. Cách bến đò vài chục mét là trạm bơm dẫn nước về nhà máy để xử lý cung cấp cho người dân. Ông Vũ Cao Cường-Phó Chủ tịch UBND xã Ya Ma-cho biết: “Sông Pơ Kơ có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Ngoài việc cung cấp nước tưới và sinh hoạt thì còn cung cấp nguồn thực phẩm cho người dân; đồng thời cũng giúp cho nhiều hộ có thêm thu nhập từ việc đánh bắt thủy sản”.
Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu cộng với việc cây rừng bị đốn hạ khiến lượng nước ở sông Pơ Kơ thiếu hụt nghiêm trọng, nhất là thời điểm mùa khô. Sông cạn nước vào mùa khô kéo theo nhiều hệ lụy như: thiếu nước tưới và nước sinh hoạt; thủy sản ít sinh sôi… Đổ đầy nước vào một can 20 lít và mấy chai nhựa nhỏ, anh Ngôn bộc bạch: “Mấy chai nhỏ đựng nước cho cả nhà nấu nướng còn can to là cho mấy con bò uống. Quen rồi, uống nước khác khó chịu lắm. Mùa mưa đỡ chứ đến mùa nắng, sông cạn, việc lấy nước trở nên khó khăn hơn. Mùa nắng, bà con trồng cây ở những thửa đất ven sông cũng ít lại vì sợ không đủ nước tưới, ảnh hưởng thu nhập của gia đình”.
 Vợ chồng bác Thể thả lờ bắt cá trên sông Pơ Kơ. Ảnh: Hoành Sơn
Vợ chồng ông Thể thả lờ bắt cá trên sông Pơ Kơ. Ảnh: Hoành Sơn
Bên cạnh việc cạn dòng do nắng hạn thì việc đánh bắt cá theo kiểu tận diệt cũng khiến nguồn thủy sản trên dòng Pơ Kơ ngày một khan hiếm. Có mặt tại đây, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đánh bắt cá bằng kích điện. Chỉ tay về phía 2 con thuyền đậu trên bến có 2 chiếc bình ắc quy trong khoang, anh M-một người dân ở xã Ya Ma-trầm ngâm: “Ngày trước, dưới sông này có rất nhiều cá quý nhưng giờ chả còn là bao. Do là nhiều người ở xã khác đến lén lút đánh cá bằng kích điện khiến cá nhỏ, cá to đều chết. Kích xong, có những người chở 3-4 chậu cá đi bán nơi khác. Sông Pơ Kơ hiện chỉ còn nhiều cá rô phi. Công ty thủy điện thả nhiều trong hồ chứa, đến mùa nước lên, cá rô phi dưới đó tràn ra sông và sinh sôi nảy nở. Loại cá này nhiều thật nhưng ăn không ngon, ít người mua và giá thấp”.
Con thuyền chòng chành chở chúng tôi xuôi dòng Pơ Kơ ăm ắp nước. Hai bên bờ sông là những ngọn núi cao với cây cối tốt tươi. Dọc hai bên sông, nhiều cây rừng tạo dáng bonsai, đi vài đoạn lại gặp những cành lộc vừng đang buông những chùm hoa rực rỡ. Nước sông xanh trong. Có đoạn lòng sông mở rộng khoảng 150 m tạo cảm giác vô cùng vô tận. Thanh âm cuộc sống hiện hữu qua tiếng ngư dân chào nhau, tiếng mái chèo khua, tiếng gõ nhịp mạn thuyền đuổi cá và cả tiếng nước vọng lại sau mỗi cú nhảy từ trên bờ xuống dòng tắm mát của đám trẻ.
...Vài người bạn ở Sài Gòn vừa điện thoại cho tôi nói sắp ra Gia Lai và muốn đi thăm thú, ngắm cảnh núi rừng hoang sơ. Nhìn dòng Pơ Kơ yên bình cuộn chảy, tôi chợt nghĩ đến việc sẽ thêm một lần cùng bạn lênh đênh theo chân những người dân hiền hậu, chất phác nơi đây. Chắc chắn, một ngày theo chân ngư dân đánh cá, ngắm sông nước mênh mông là một trải nghiệm thú vị với người phương xa.
HOÀNH SƠN

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.