TP HCM: Giảm tử vong, ca Covid-19 mắc mới nhẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 22-8, số ca tử vong vì Covid-19 ở TP HCM là 340 ca thì đến nay còn 195 ca. Thời gian tới, TP HCM sẽ có phương án nới lỏng giãn cách, ví dụ xác định tiêu chí thẻ xanh, thẻ vàng để lưu thông an toàn.
 


Tại cuộc họp báo vào chiều 10-9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết thành phố đang điều trị 39.617 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 2.664 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.783 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân phải can thiệp ECMO.

Xây dựng kế hoạch chống dịch sau ngày 15-9

Trong ngày 9-9, tại TP HCM có 3.700 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1-1 đến nay là 144.024 người; 195 trường hợp tử vong. "Như vậy, số ca tử vong đã giảm rất đáng kể, từ ngày 22-8 là 340 ca, đến nay chỉ còn 195 ca tử vong" - ông Hải dẫn chứng.

Ông Phạm Đức Hải cho biết tổng số mũi vắc-xin mà thành phố đã tiêm đến ngày 9-9 là hơn 7,3 triệu, trong đó có 6.335.838 người được tiêm mũi 1 và 971.900 người được tiêm mũi 2, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 809.308 người. Thành phố đã chuyển hơn 1,74 triệu túi an sinh đến các quận, huyện, TP Thủ Đức.

Thông tin về việc TP HCM xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 từ sau ngày 15-9, theo ông Hải, thành phố đã thành lập 4 tổ công tác về phòng chống dịch Covid-19, an sinh xã hội, phục hồi kinh tế và thúc đẩy các dự án đầu tư. Hiện nay, 4 tổ công tác đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, kịch bản theo 2 giai đoạn. Quá trình xây dựng kế hoạch, tổ công tác lấy ý kiến sở, ngành liên quan, cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học... sau đó sẽ hoàn chỉnh và ban hành chính thức.

Trả lời về việc thực hiện tiêm các loại vắc-xin ngừa Covid-19, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết việc tiêm trộn vắc-xin Bộ Y tế đã hướng dẫn từ lâu. Đối với các trường hợp thiếu vắc-xin, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tiêm chủng vắc-xin Pfizer mũi 2 cho những trường hợp tiêm mũi 1 Moderna. Mới đây, Bộ Y tế cũng đã họp hội đồng khoa học để thống nhất cho tiêm trộn Pfizer mũi 1 và Moderna mũi 2 hoặc ngược lại, với AstraZeneca cũng vậy.

Đối với người nước ngoài sinh sống trên địa bàn, quan điểm của thành phố là không có sự phân biệt. Thành phố đã tổ chức tiêm miễn phí cho rất nhiều người nước ngoài. Thống kê của các quận, huyện chưa đầy đủ nên chưa có số liệu cụ thể nhưng tất cả người nước ngoài đều được tiêm chủng mũi 1 và tiêm mũi 2 khi đến thời hạn.


 

 F0 tại TP HCM phục hồi ở lại bệnh viện tình nguyện chăm sóc những bệnh nhân khác. Ảnh: MẠNH CƯỜNG
F0 tại TP HCM phục hồi ở lại bệnh viện tình nguyện chăm sóc những bệnh nhân khác. Ảnh: Mạnh Cường


3.500 - 4.000 ca nhập viện/ngày

Liên quan đến số ca nhập viện hiện nay, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 3.500 - 4.000 ca. Tuy nhiên, đa số các ca nhẹ không triệu chứng, rất nhiều trường hợp F0 sau khi phát hiện được chăm sóc tại nhà.

Hiện nay, trung ương vẫn tiếp hỗ trợ thành phố mở các bệnh viện dã chiến như Bệnh viện Hồi sức 5G mới hoạt động tại quận 6. Thời gian tới, tiếp tục mở các bệnh viện hồi sức nhằm đáp ứng công tác điều trị những ca bệnh nặng.

Phát biểu tại họp báo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh: Chỉ còn thời gian gần 1 tuần là đến ngày 15-9, thời điểm thành phố thực hiện mục tiêu kiểm soát được dịch Covid-19 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ. Từng quận, huyện, TP Thủ Đức phải kiểm tra, rà soát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc mục tiêu đề ra. Không phải vì sát ngày 15-9 rồi mà lơ là, buông lỏng, chủ quan; ngược lại, cần tiếp tục giữ vững, thực hiện nghiêm túc các biện pháp để đạt kết quả tốt.

 


TP HCM cam kết cùng doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế

Chiều 10-9, UBND TP HCM tổ chức hội nghị tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp (DN), hoàn thiện dự thảo kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố sau ngày 15-9.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết mục tiêu của thành phố là phấn đấu đến ngày 15-9 cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nới lỏng và phục hồi kinh tế, đưa thành phố về trạng thái bình thường mới. "Quan điểm về việc nới lỏng phục hồi kinh tế tại TP HCM dựa trên nguyên tắc an toàn, linh hoạt theo kết quả phòng chống dịch. Tiêu chí đánh giá an toàn dựa trên thẻ xanh, thẻ vàng căn cứ trên kết quả tiêm vắc-xin. Thành phố cũng thực hiện nguyên tắc 5K và quy định của Chính phủ về an toàn theo ngành, theo hoạt động" - Chủ tịch UBND TP cho biết. Lãnh đạo TP HCM cam kết sẽ đồng hành cùng cộng đồng DN trong quá trình phát triển và phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

Ngoài các lộ trình dự kiến, thành phố cũng có những giải pháp hỗ trợ DN gồm hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Liên quan đến vấn đề sẽ mở trở lại ngành nào trước, khu vực nào trước, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng qua các ý kiến cho thấy có sự đan xen nhau. Thành phố không tự đi một mình mà cần có sự phối hợp với các địa phương khác để giải quyết vấn đề một cách đồng bộ. Do đó, thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến để có cơ sở đưa ra phương án đồng bộ nhất.

Sau hội nghị này, TP HCM sẽ tổng hợp các kiến nghị về chính sách để trình Chính phủ, Quốc hội. Riêng những chính sách thuộc thẩm quyền TP HCM, sẽ sớm xem xét để ban hành phù hợp.

Từ nay đến ngày 15-9, TP HCM sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của cộng đồng DN để có sự điều chỉnh trong các phương án, giải pháp theo tình hình thực tế. "Vì không còn nhiều thời gian nên có thể sẽ có "độ trễ" nhất định trong ban hành chính sách, thành phố mong cộng đồng DN cùng chia sẻ và có sự chuẩn bị phù hợp với tiến trình" - Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi bày tỏ.

Phan Anh


Triển khai ứng dụng "thẻ thông hành"

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết Công an TP HCM cùng Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông hằng ngày đều cập nhật danh sách F0 về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Dựa trên danh sách cập nhật, Công an TP kiểm tra mã QR để xác định F0 có lưu thông trên đường hay không. Công an và Sở Y tế TP HCM thực hiện rất nghiêm túc việc này.

Thời gian tới, thành phố sẽ có phương án nới lỏng giãn cách, ví dụ như xác định tiêu chí thẻ xanh, thẻ vàng để lưu thông an toàn. Bộ Công an và Bộ Y tế đã triển khai ứng dụng (app) VN-eID. Nếu cập nhật đầy đủ thông tin thì app này sẽ giống như thẻ xanh (thẻ thông hành). "Công an TP HCM đã báo cáo Bộ Công an để cập nhật dữ liệu về tiêm ngừa vắc-xin nhằm thực hiện nội dung này" - thượng tá Hà nói.

Theo HẢI YẾN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?