Tơmăr: Nét đẹp văn hóa ứng xử của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người khó có thể tránh được những việc làm sơ ý, gây thương tích cho những người xung quanh. Để tỏ lòng xin lỗi, thương cảm với những người không may bị đau vì sự sơ ý đó, người Bahnar có một tập tục xin lỗi rất đặc biệt, đó là tơmăr.

Người Bahnar có tính cộng đồng rất cao, bất kể việc chung của buôn làng hay việc riêng của gia đình, mọi người luôn chung tay hỗ trợ nhau. Chẳng hạn, trong lao động sản xuất, bà con thường đổi công để giúp công việc nhanh và hiệu quả hơn. Và trong lúc lao động chung như vậy, nếu sơ suất cuốc phải chân, tay người khác, làm cho người đó đau đớn, chảy máu... điều đầu tiên người gây ra nghĩ tới là làm lễ tơmăr.

Ghè rượu cần được dùng để xin lỗi khi lỡ tay gây ra vết thương cho người khác (ảnh minh họa, nguồn: Intetnet).

Ghè rượu cần được dùng để xin lỗi khi lỡ tay gây ra vết thương cho người khác (ảnh minh họa, nguồn: Intetnet).

Ông Rưm (49 tuổi, làng Kơtu, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) cho biết: Lễ tơmăr được người Bahnar xem là một cách xin lỗi chân thành, bày tỏ mong muốn người không may bị thương mau chóng khỏe mạnh, không buồn bực, không ấm ức, hận thù lâu dài.

“Làm lễ tơmăr là mong người mà mình vô ý làm đau mau khỏe lại, an lành, không bị đau ốm lâu. Ví dụ, khi cùng lao động chung, mình không cố ý cuốc phải chân tay, đụng phải ai đó làm họ đau... Để bày tỏ thành tâm muốn xin lỗi vì việc bất cẩn đó thì làm lễ tơmăr. Mục đích là tỏ lòng thương cảm với người bị đau vì sự sơ suất của mình, mong người đó không mang đau bệnh và không có sự thù ghét với mình”-ông Rưm chia sẻ.

Theo ông Lick-già làng Piơm (thị trấn Đak Đoa): Xưa kia, người Bahnar rất coi trọng lễ tơmăr vì nó giúp mọi người gắn kết, hòa đồng với nhau. Lễ vật không đòi hỏi phải giá trị nhưng bắt buộc phải có để tỏ lòng xin lỗi chân thành, thường được xét theo mức độ thương tích. Nếu người bị đau, có vết thương, chảy máu thì làm tơmăr bằng ghè rượu và con gà. Nếu chỉ trầy xước nhẹ thì đến xin lỗi bằng lời nói hoặc đưa cho gói thuốc, ít trứng gà... là được.

Lễ tơmăr còn nhằm ngăn chặn việc đổ lỗi, ăn vạ, phạt oan người khác. Một số người cho rằng bản thân mang bệnh tật, ốm đau lâu dài là do người này, người kia gây ra. Do vậy, nếu không làm lễ tơmăr thì sẽ sinh ra lòng thù hằn, xích mích, gây mất đoàn kết trong cộng đồng.

Già làng Lick cho biết thêm: “Nếu không làm lễ tơmăr thì việc không cố ý gây thương tích đó chưa được giải quyết ổn thỏa. Và, mai sau nếu có ốm đau thì người ta có thể quy cho người gây thương tích trước đây chịu trách nhiệm. Còn khi đã làm lễ tơmăr rồi thì sau này nếu có bệnh tật thì cũng không liên quan đến người khác nữa”.

Đối với người Bahnar, tơmăr không chỉ là cách xin lỗi chân thành hay ngăn chặn việc ăn vạ, bắt đền vô cớ, mà còn mang tính giáo dục cho mọi người về cách ứng xử trong cộng đồng. Đặc biệt là nhắc nhở mọi người không được gây hại, xâm phạm sức khỏe người khác. Theo ông Suck, một người am hiểu về văn hóa truyền thống của người Bahnar, hiện sinh sống ở thị trấn Đak Đoa: Nếu vô tình gây ra những điều ngoài ý muốn, có thể gây hại đến sức khỏe, thân thể người khác thì phải biết xin lỗi, giữ hòa khí, gắn kết cộng đồng.

“Tập tục này có cái hay là nhắc nhở mọi người khi sai phạm phải biết nhìn nhận và xin lỗi để không mất lòng nhau. Ngay cả khi với những đứa trẻ lúc vui chơi, không để ý tiểu tiện trúng phải người khác, cha mẹ sợ con cái người ta ốm đau thì họ sẽ tiến hành làm lễ tơmăr. Tơmăr không chỉ áp dụng với việc lỡ tay đánh trúng, cuốc phải người ta gây ra vết thương, mà nó còn là thước đo nhân cách cho mọi người, để họ thấy được cái sai mà tránh”-ông Suck nói.

Trong cuộc sống hôm nay, lễ tơmăr vẫn được người Bahnar khắc ghi trong tâm trí, vì đó là một nét đẹp văn hóa ứng xử trong cộng đồng. Người Bahnar lưu giữ tập tục này nhằm giáo dục con cháu phải biết yêu thương, đùm bọc nhau, biết xin lỗi và chịu trách nhiệm khi làm sai trái, ảnh hưởng đến sức khỏe, thân thể người khác.

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.