Theo phong tục của người Bahnar xưa, mỗi dòng tộc thường đặt tên con cháu theo một âm vần (một chữ cái) nào đó rồi duy trì đến thế hệ mai sau. Cùng với đặt tên theo âm vần, người Bahnar còn đặt tên theo hiện tượng khác lạ khi sinh đứa bé hoặc đặt theo nơi sinh, hình hài, dị tật, thậm chí đặt theo điềm báo trong giấc mơ. Tuy nhiên, không ai được đặt tên cho đứa bé khi còn ở trong bụng mẹ. Thậm chí sau khi sinh đứa bé, gia đình cũng không vội vàng đặt tên liền mà phải đợi đứa bé rụng rốn, sau đó mới làm lễ thổi tai (bluh đon) để đặt tên.
Trước khi đặt tên, gia đình và những người thân cùng bàn luận, lựa chọn cái tên ưng ý nhất. Khi đã thống nhất tên thì báo cho bà mụ-chủ lễ thổi tai để cúng tên và giới thiệu thành viên mới của gia đình với họ hàng, cộng đồng. Bà Yao (70 tuổi, làng Piơm, thị trấn Đak Đoa) cho biết: “Khi đứa bé mới sinh rụng rốn thì làm lễ thổi tai, mời bà mụ làm lễ và đặt tên, thống nhất chọn tên rồi thì mới cúng, khi cúng thì phải gọi tên vừa đặt cho đứa bé đó, để trời đất phù hộ, có sức khỏe tốt, siêng năng chăm chỉ, bình an cả đời. Xong lễ, mọi người cùng ăn uống, chúc phúc, mừng cho đứa trẻ đã có tên”.
Người Bahnar thường chọn cách đặt tên theo âm đầu tiên của tên ông bà, cha mẹ để giữ quan hệ họ hàng, không tách rời dòng tộc. Việc đặt tên theo âm đầu của tên này không bắt buộc phải đặt theo bên mẹ (mẫu hệ), vì trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Bahnar, mọi việc lớn nhỏ đều thực hiện theo tập tục “song hệ”, tức cả hai bên gia đình cùng chung sức chăm lo cho nên bên nội hay ngoại đều được coi trọng, quý mến như nhau. Chẳng hạn trong cưới xin, hai bên gia đình nhà trai, nhà gái đều góp tiền của như nhau; trong phân chia tài sản, ruộng đất, con trai, con gái được chia đầy đủ. Ngay cả cách xưng hô, người Bahnar ở Gia Lai xưng ông, bà nội hoặc ngoại chỉ một từ: “bok, yă”, bác trai, bác gái đều gọi là: “mih, nă” hay cô, dì, chú, cậu… cũng chỉ gọi chung là: “duch, ma”; không như các dân tộc Jrai, Ê Đê... anh chị em ruột bên cha, bên mẹ đều có cách xưng hô khác nhau.
Với người Bahnar, cái tên và việc đặt tên giúp đứa bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng. Ảnh: Lê Hà |
Việc đặt tên theo âm vần được mở rộng cho cả hai bên nội ngoại. Gia đình có thể chọn đặt tên con theo âm đầu của tên ông bà, chú bác, cô dì…, một người nào đó trong 2 dòng tộc mà họ cảm thấy yêu quý, thân thiết hoặc mong muốn con cái giỏi giang, thành đạt như họ thì đặt tên theo vần người đó, không nhất thiết phải theo vần tên cha mẹ. Ông Suck (thị trấn Đak Đoa) cho biết: “Người Bahnar thường đặt tên theo âm vần ông bà, cha mẹ là chính và khi người khác nhìn vào âm vần đó thì sẽ biết họ là anh em, họ hàng… Ví dụ tên ông bà, tên cha mẹ có âm đầu là D thì anh em, họ hàng đều lấy âm D khi đặt tên. Từ ông bà ngày xưa đến con cháu đều không thay đổi, vẫn duy trì âm D đến thế hệ cháu chắt… Bởi vậy, trong một làng, những người có tên âm đầu là chữ D thì gần như là anh em, họ hàng cùng dòng tộc”.
Ngoài những cái tên đặt theo hiện tượng, hình hài, dị tật… những cái tên đặt theo âm vần của người Bahnar thường không có nghĩa, chỉ cần cùng vần là được. Bên cạnh đó, do được quyền đặt tên theo âm tiết đầu bất cứ tên ai trong 2 dòng tộc nên cái tên để đặt cũng rất nhiều. Bởi vậy, xưa kia, người Bahnar không bao giờ đặt trùng tên với một ai đó trong làng, trong vùng nếu đã biết trước. Đặc biệt là đặt trùng tên với người đã chết, đây là điều cấm kỵ…
Theo già làng Vên (làng Piơm, thị trấn Đak Đoa), việc không được đặt tên trùng với người đã chết vì “sợ mang lại điều không may cho đứa trẻ; sợ gợi nhớ lại nỗi đau buồn, mất mát của gia đình có người trùng tên đã chết hoặc lỡ như đứa trẻ nghịch ngợm bị bố mẹ chửi, la mắng... là như chửi vào tổ tông người ta”. Bởi những lý do này mà người Bahnar thường đổi tên mới mỗi khi có người trùng tên chết và người được đổi tên được sử dụng song song 2 cái tên mới và cũ.
Còn trong trường hợp 2 người trùng tên còn sống, nếu tuổi tác tương đương thì họ sẽ kết nghĩa làm anh em (gọi nhau là pố). Nếu cách xa nhau về tuổi tác thì kết nghĩa làm cha con, mẹ con và gọi là “{a kon, me kon”. Để được họ hàng thừa nhận mối quan hệ này, họ tổ chức tiệc rượu mời anh em, bà con trong làng đến chứng kiến và chung vui với 2 người. Già làng Vên cho biết thêm: “Khi có cái tên trùng nhau, cùng tên mặc dù khác làng hoặc làng xa nhau cách mấy khi đã biết thì họ sẽ kết nghĩa với nhau. Việc kết nghĩa không phải vì tài sản, mà là niềm vui vì 2 người trùng tên là duyên trời gắn kết. Và 2 người trùng tên này khi đã làm lễ kết nghĩa thì sẽ giữ mối quan hệ anh em, cha con... suốt đời, thậm chí còn yêu thương, đùm bọc nhau hơn cả ruột thịt”.
Ngày nay, cách đặt tên của người Bahnar có sự thay đổi nhất định. Một số nơi lấy chữ cái A, Y, H làm âm đệm trước tên chính để phân biệt giới tính. Một số vùng lấy họ Đinh, Brôn, Dăm, Hoang… thậm chí có nơi lấy họ tên thánh, tên nước ngoài, tên những người nổi tiếng… để đặt cho con cái. Tuy nhiên, đa phần người Bahnar vẫn duy trì cách đặt tên theo âm tiết đầu tiên của tên ông bà, cha mẹ, họ hàng. Vì bà con cho rằng đặt tên kiểu vậy để tỏ lòng tự hào, yêu quý nòi giống, họ hàng, không quên gốc gác dòng tộc mình.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu