"Tôi phải sống" hay nghị lực phi thường của cô giáo khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đang là một người khoẻ mạnh bình thường, tai ương bỗng dưng ập tới khi cô giáo Dư Phương Liên (SN 1981, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) đang mang thai đứa con đầu lòng. Chị phát hiện bị u não, căn bệnh biến chứng đã khiến chị mất cả thính giác và thị giác, thậm chí đã có một khoảng thời gian dài chị không thể phát âm.
Tương lai đóng sập trước mặt chị; nhưng bằng nghị lực phi thường cộng với tình yêu thương vô bờ bến của những người thân yêu đã giúp chị đi qua những ngày giông bão ấy và cho ra đời cuốn tự truyện “Tôi phải sống”.
Cơn bão số phận
Tôi đến nhà chị Liên đúng vào lúc chị đang ngồi cặm cụi viết tên đề tặng trên những cuốn sách. Thấy có khách tìm con, bà Nguyễn Thị Bắc (76 tuổi) vào trong nhà ra hiệu với con gái. Cuộc phỏng vấn sau đó được diễn ra bằng cách chúng tôi dùng bút dạ viết lên một chiếc bảng trắng với cỡ chữ thật to rồi đưa chị Liên xem, sau đó chị sẽ trả lời chúng tôi bằng miệng. Tuy nhiên, phải thật chăm chú chúng tôi mới có thể nghe được lời của chị. Nhiều chỗ nghe không rõ, chúng tôi phải quay sang nhờ mẹ chị dịch hộ. Thi thoảng muốn trò chuyện với bà Bắc, chúng tôi sẽ viết vào bảng xin phép chị.

Mỗi lần bị vợ “dọa” ly hôn, anh Tuấn đều giả vờ coi như không nghe thấy.
Mỗi lần bị vợ “dọa” ly hôn, anh Tuấn đều giả vờ coi như không nghe thấy.
Chị cười bảo: “Các em cứ tự nhiên, việc khách đến nhà nói chuyện với chồng hay mẹ của chị, còn chị thì ngồi như khúc gỗ cũng là bình thường. Trước chị còn hay tủi thân chứ giờ thì quen rồi. Không làm gì thay đổi được thì đành phải chấp nhận thôi”.
Sinh ra vốn là một người bình thường, chị Liên học giỏi và thi đỗ vào khoa Văn Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây 2 rồi ra làm cô giáo. Tại ngôi trường đầu tiên của cuộc đời giáo viên chị đã gặp rồi sau đó kết hôn với anh Đàm Trọng Tuấn, một đồng nghiệp trong trường. Anh hiền lành, tốt tính, ai cũng mừng cho chị. Hạnh phúc lại càng đong đầy khi chỉ một tháng sau cưới, chị Liên mang thai đứa con đầu lòng.
Trong một lần trên đường đi dạy về, chị chẳng may bị ngã xe dẫn đến động thai khiến chị phải nghỉ làm và nằm bất động một chỗ. Lúc này hễ cứ ăn gì vào là chị đều nôn ra bằng sạch, cơ thể xanh rớt. Không chỉ vậy mà khả năng nghe của chị cứ kém dần, kém dần. Chị được chồng đưa tới bệnh viện khám thì được bác sĩ kết luận: điếc không rõ nguyên nhân, phải chờ sinh xong mới biết. Và cho đến tháng thứ 3 của thai kỳ thì mọi âm thanh đã hoàn toàn tắt lịm. Chị đã cố gắng làm mọi cách để kết nối mình với thế giới xung quanh nhưng bất lực.
Tai họa chưa dừng lại ở đó, vào 3 tháng cuối thai kỳ chị Liên đau đầu, mất ngủ triền miên, người mệt lả, đi phải có người xốc nách, tay không cầm nổi bút. Sinh con ra, chị đã không thể bế con như bao người mẹ khác bởi theo lời chị chia sẻ thì sức lực dường như đã bỏ chị mà đi. “Không ai nói cho mình biết là mình đã bị u não. Khi chụp sọ não bác sĩ phát hiện có 2 khối u đè lên dây thần kinh thính giác. Khối u bên trái đã lớn đến mức vỡ ra nên việc phẫu thuật khó mà thành công” - chị Liên kể lại.

Hơn 10 năm qua, bà Bắc luôn ở bên con gái mình.
Hơn 10 năm qua, bà Bắc luôn ở bên con gái mình.
Sau khi phẫu thuật mổ u não trái 1 năm thì bảng “thành tích bệnh tật” của chị  cứ đầy lên mãi. Năm 2008 chị lại phải mổ não phải bằng dao Gamma. Năm 2010 chị lại tiếp tục mổ lại lần 2 do nhân trong u chưa teo hết. Năm 2011, sau những ngày tháng đau lưng đến mức nằm không yên mà ngồi cũng không yên thì chị Liên lại phát hiện mình bị những khối u nhỏ li ti chạy dọc cột sống. Do ảnh hưởng của bệnh tật, gương mặt của chị Liên trở nên biến dạng với chiếc miệng méo và một mắt hỏng.
Không chỉ vậy mà khả năng phát âm của chị cũng dần dần biến mất. Chị Liên tâm sự: “Đã bị điếc giờ lại còn chẳng nói được khiến mình mặc cảm ghê gớm, không dám mở miệng trò chuyện với ai dù trong lòng khi ấy đang chồng chất cả vạn lời muốn được chia sẻ, đồng cảm. Thực sự lúc đó là mình đã rơi vào hố sâu tuyệt vọng, không còn thiết sống nữa”.

Con trai Đàm Quốc Triệu chính là trợ thủ đắc lực giúp chị Liên hoàn thành cuốn tự truyện
Con trai Đàm Quốc Triệu chính là trợ thủ đắc lực giúp chị Liên hoàn thành cuốn tự truyện
Khi bắt buộc phải chấp nhận sự thật rằng mình không thể nghe, không thể nhìn và cũng gần như không thể nói, chị Liên đã tìm cách để “sống” chung với nó. Chị nhờ chồng mua cho mình 3 bảng chữ cái thường dùng cho trẻ con để lấy đó làm phương tiện giao tiếp với mọi người. Cần gì, chị sẽ ngồi sắp xếp chữ cái để biểu đạt mong muốn và ngược lại, người thân muốn nói gì với chị cũng sẽ xếp chữ cái thành câu để chị đọc.
Tuy nhiên, cách này cũng chỉ có thể diễn đạt những từ, những câu ngắn gọn nhất. Thấy không khả thi chị Liên lại mò mẫm học chữ nổi. Theo chị chia sẻ thì việc một người mất cả thính giác lẫn thị giác học chữ nổi nó khó khăn gấp nhiều lần một người khiếm thị. “Học một thời gian mình thấy nó quá khó, khi tập trung vào việc học, đầu óc mình căng thẳng như muốn nổ tung nên mình đành phải dừng” – chị Liên nhớ lại.
Những cơn đau chưa bao giờ hết đeo bám chị. Vành tai như sưng tấy mưng mủ,còn mặt thì như có trăm nghìn mũi kim đâm vào, xương quai hàm nứt ra nóng rát như phải bỏng. Đau đớn khiến chị Liên gào thét như phát điên. Những lúc như thế chồng và mẹ của chị luôn phải túc trực bên cạnh để xoa. Chị cười bảo rằng: “Có thời điểm mình đau đến mức, mẹ xoa, chồng xoa không đủ phải nhờ đến con, đến bác và đến cả hàng xóm”.
Hạnh phúc ngọt ngào
14 năm chống chọi với bệnh tật, chị Liên không nhớ nổi mình đã từng bao nhiêu lần muốn chết. Có nhiều khi chị không biết mình đang sống vì điều gì, chị không biết mình còn phải kéo lê cuộc đời này đến bao giờ? Không có tương lai, còn hiện tại chỉ là gánh nặng oằn lưng cho gia đình. “Có lần mình đã van xin mẹ đi mua cho mình một vỉ thuốc ngủ để mình được chết. Mình muốn kết thúc cuộc sống đày đọa này nhưng mẹ mình nói rằng mẹ không làm thế được. Mẹ bảo nếu con chết đi mẹ cũng chẳng còn lý do nào để sống trên cõi đời này nữa” – chị Liên chia sẻ.
Mặc cảm về bệnh tật nên rất nhiều lần chị Liên đặt vấn đề muốn được ly hôn với chồng. Ngồi cạnh vợ, anh Tuấn cười bảo: “Mỗi lần bị vợ “dọa” ly hôn là mình lại lảng đi nơi khác, đợi cô ấy bình tĩnh lại thì mình về và coi như chưa từng nghe vợ nói gì”.
Nói với chồng không được, chị Liên đã viết một bức thư gửi cho bố mẹ chồng bày tỏ mong muốn được giải thoát cho chồng nhưng ý định của chị đã bị bố mẹ chồng dập tắt ngay. Chị bảo: “Có lẽ ông trời không lấy của ai tất cả. Mình chẳng may bị bệnh tật thế này nhưng chồng, bố mẹ chồng và các em của chồng luôn đối xử với mình rất tốt. Chưa một cuộc phẫu thuật nào của mình mà bố mẹ chồng không có mặt”.

Cuốn tự truyện “Tôi phải sống” sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người khuyết tật.
Cuốn tự truyện “Tôi phải sống” sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người khuyết tật.
Cứ nghĩ đời mình sẽ mãi chìm trong bóng tối thì bỗng một ngày chị Liên may mắn gặp được một chuyên gia về mắt. Ông đã kéo “tấm màn” che kín con ngươi của chị để hé ra một lỗ nhỏ. “Giây phút nhìn thấy màu áo mờ mờ của mẹ mình không dám tin đó là sự thật. Cả đêm hôm đó mình không tài nào chợp mắt được vì phấn khích. Hơn nữa mình cũng sợ nếu ngủ mình sẽ lại chìm vào bóng tối như trước đó” – chị Liên tâm sự.
Dù chỉ có thể vén một lỗ rất nhỏ để cảm nhận ánh sáng cũng khiến chị Liên hạnh phúc vô cùng. Chị bắt tay vào việc viết cuốn tự truyện về cuộc đời mình mà chị từng ấp ủ trước đó rất lâu. Bản thảo của chị chính là mặt sau của những tờ lịch. Chị đùa bảo với cỡ chữ như khẩu hiệu của mình thì chắc phải dùng đến cả tạ lịch may ra mới viết xong. Sau này những người quen, hàng xóm, bạn bè biết chị đang viết tự truyện, khi đến chơi họ đều mang tặng chị giấy. Chị Liên kể rằng: “Có ngày mình viết cật lực được gần hai chục trang bản thảo, hí hửng chờ con về nhờ con đánh máy giúp. Ai ngờ khi con đánh xong thì chỉ được vỏn vẹn 1 trang trên máy tính”.
Bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu cố gắng của chị Liên cuối cùng được đáp lại bằng cái lắc đầu của hai nhà xuất bản. Khi ấy chị không chỉ buồn mà còn tự ti nghĩ rằng chắc mình sẽ không bao giờ có thể thực hiện được ước mơ. Chị buộc phải giả vờ quên tập bản thảo trong vòng 3 tháng để mọi thứ nguôi ngoai dần. Đúng lúc đó chị được một nhà văn đọc bản thảo với lời nhận xét “viết rất tốt, chỉ cần sửa theo hướng này, hướng kia là ổn”. Lời nói như một động lực vô hình khiến chị Liên lao vào viết điên cuồng. Và chỉ trong vòng hơn 10 ngày, bản thảo đã được bổ sung và chỉnh sửa hoàn chỉnh. Cuối cùng tự truyện “Tôi phải sống” đã được phát hành, toại nguyện ước mơ mà chị đã ấp ủ nhiều năm qua.
Hiện tại, tuy hàng ngày hàng giờ vẫn phải chịu những cơn đau về thể xác nhưng chị Liên đã không còn cảm thấy mình thiệt thòi. Chị bảo mình đã biết chia tách khuyết tật của bản thân ra thành từng phần nhỏ: chị thấy mình may mắn hơn người điếc là vẫn có thể nói được, sung sướng hơn người liệt là vẫn có thể đi lại trong nhà, hạnh phúc hơn người mù là vẫn có thể nhìn thấy một chút ánh sáng. Như thế cũng là quá may mắn so với bao người chỉ ước được sống thêm dù chỉ một ngày.
Hơn 10 năm chống chọi với bệnh tật chị đã tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, rằng: “Hãy cứ kiên trì chờ đợi, hãy cứ bình tĩnh lắng nghe từng thay đổi nhỏ của cơ thể và hãy luôn cố gắng nhích dần từng chút, từng chút một, đến ngày nào đó đời sẽ mỉm cười với mình”. Bởi dù có chuyện gì đi nữa, thế gian này vẫn mở cho ta một con đường.
Trâm Anh (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.