Tôi đi hội đua thuyền độc mộc... A Sanh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhận được giấy mời dự Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh lần thứ 5, lòng tôi khấp khởi mừng vui.

Tôi mong thời gian nhanh trôi qua để mình có mặt ở nơi mà cách nay nhiều thập kỷ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân A Sanh (Puih San) đã làm nên bao kỳ tích, lập bao chiến công oanh liệt dưới mưa bom bão đạn của quân thù. Bằng con thuyền độc mộc, ông đã đưa hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ qua sông Pô Cô ra trận diệt giặc thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lan man ký ức một thời

Cũng dịp này năm ngoái, có mặt ở sự kiện, nhìn những chiếc thuyền độc mộc do các vận động viên không chuyên của người trẻ ngày nay chống chèo trên mênh mông sông nước để vượt lên phía trước, tôi cố hình dung lại chuyện cũ. Ngày ấy, trên đoạn sông này, ngày thì B52, F105 và các loại thiết bị có động cơ hiện đại vòng lượn trên không và dội những loại bom có tầm hủy diệt rất lớn xuống mặt đất.

1hoiduathuyen.jpg
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô năm 2023. Ảnh: Phạm Quý

Còn trong đêm tối, trời không trăng sao, pháo sáng và lưới đạn 20 ly phun ra từ những chiếc C130 và pháo bầy của quân đội Mỹ gầm thét trên đầu. Còn nữa, những toán biệt kích, thám báo của địch bí mật lùng sục, dò tìm tin tức, dấu tích của quân ta. Thế mà đường hành lang vận chuyển quân lương, đạn dược ngược xuôi trên dòng sông này vẫn giữ được bí mật an toàn tuyệt đối và A Sanh vẫn gan dạ, kiên cường bám trụ với chiếc thuyền độc mộc cùng đồng đội ngày đêm xuôi ngược trên sông?

Ca khúc “Người lái đò trên sông Pô Cô” có sức hút mạnh mẽ như một tấm gương sáng cho đồng bào, đồng chí noi theo trong cuộc chiến đấu gian khổ hy sinh để cứu nước. Ca khúc do nhạc sĩ Cầm Phong phổ thơ của nữ nhà báo Mai Trang thời ấy (năm 1967) cứ rộn ràng vang lên trong veo, cao vút của giọng ca để đời theo năm tháng của ca sĩ Tường Vi trong các chương trình “Tiếng hát át tiếng bom” trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng như cổ vũ, động viên những đoàn quân ra trận, những chiến sĩ trẻ như chúng tôi ngày đó: “Hỡi Pô Cô ơi! Dòng sông mênh mông/Đôi bờ cây xanh biếc, nước chảy xiết sâu thẳm/Qua tháng ngày, hỏi sông ơi có biết/Anh lái đò tên gọi A Sanh”.

A Sanh rời làng Nú, xã Ia Khai (B12), huyện Ia Grai (K4), gia nhập Quân Giải phóng từ giữa năm 1961 và được biên chế vào t2c07, hoạt động tại chiến trường thuộc các huyện: Ia Grai, Chư Prông và Đức Cơ ngày nay, làm nhiệm vụ chèo thuyền độc mộc vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, đón đưa cán bộ, bộ đội qua sông trên các bến đò của dòng Sê San trên tuyến hành lang thuộc đường mòn Hồ Chí Minh. A Sanh là vậy đó, một thời oanh liệt mà sử sách còn ghi, lòng người ở quê hương anh-Gia Lai, Tây Nguyên không bao giờ lãng quên chiến công của người anh hùng của xứ sở.

Khu 4, nơi mà chúng tôi biết ở đó là vùng biên giới, một phía giáp với thị xã Pleiku, tỉnh lỵ cùng tên của chế độ Việt Nam cộng hòa (là K9 của ta) trung tâm chỉ huy của Quân khu II-Quân đoàn II của quân đội Việt Nam Cộng hòa và nhiều đơn vị của quân đội Mỹ đóng quân về phía Đông; và giáp với nước bạn Campuchia về phía Tây, chỉ cần vượt qua biên giới vài cây số, ở đấy là vùng bất khả xâm phạm của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa theo một văn bản pháp lý tầm quốc tế mà đã được Mỹ, chính quyền Thiệu và Lonnon cam kết, rất thuận lợi cho việc di chuyển và đứng chân của Quân Giải phóng (sau thập niên 70 của thế kỷ trước, Mỹ-Thiệu đã liều lĩnh đưa quân sang Campuchia càn quét và ném bom giết hại dân lành dọc tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, bất chấp dư luận thế giới lên án, phản đối quyết liệt). Và vì vậy, cho tới trước khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), vùng căn cứ này chưa có ngày im tiếng bom, tiếng pháo của kẻ thù.

Và đôi lời về hiện tại cùng tương lai

Dòng Pô Cô hùng vĩ ngày nay được coi là “dòng sông ánh sáng”, các ngành chức năng đã quy hoạch nhiều bậc thang thủy điện, khởi đầu là Ialy với công suất lắp máy 720 MW (hiện đang đầu tư nâng công suất lên gấp đôi số đó). Dòng sáng Ialy đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của núi rừng Tây Nguyên và phía Nam đất nước, là hiện thực của mơ ước to lớn của nhà lãnh đạo, nhà thơ Tố Hữu khi đi qua con đường hành lang-đường mòn Hồ Chí Minh, rằng: “Thác Ya Ly trắng tầng mây/Ào ào tưởng máy điện quay tưng bừng/Gặp anh mừng thật là mừng/Ôi anh Núp của núi rừng tự do!” (Nước non ngàn dặm).

Lời thơ cũng là lời hứa của Đảng với các dân tộc anh em trên vùng đất này, khi non sông thu về một mối sẽ làm gì để đền đáp công ơn sâu nặng của người Tây Nguyên với công lao to lớn trong công cuộc chống giặc ngoại xâm.

2ducthuy.jpg
Đông đảo người dân, du khách dự khán hội đua thuyền độc mộc trên sống Pô Cô. Ảnh: Đức Thụy

Nơi mà lãnh đạo huyện Ia Grai chọn làm địa điểm tổ chức hội thi đua thuyền độc mộc tranh cúp A Sanh là lòng hồ thủy điện Sê San 4. Dọc đường đến với “đua thuyền”, chúng tôi chứng kiến mỗi lần đi qua tuyến đường này, sự thay da đổi thịt của buôn làng người Jrai, người Kinh đến không tưởng tượng được, đó cũng chính là xuất phát từ lòng yêu nước, tính cần cù trong lao động sản xuất, đấu tranh sinh tồn và chống giặc ngoại xâm của người Jrai trên vùng đất Ia Grai anh hùng. Từ một nơi có thể nói là... đất chết bởi hậu quả và tàn dư của chiến tranh tàn khốc để lại, nhưng giờ dấu tích chiến tranh năm xưa ấy chỉ còn trong ký ức của những người trong cuộc.

Chứng minh điều nói trên, xin lược trích một đoạn trong diễn văn kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Ia Grai do Bí thư Huyện ủy Tống Thới Mốc trình bày: Chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, những năm kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân trên địa bàn ngày một lớn mạnh, góp phần cùng quân dân trong tỉnh giành những thắng lợi to lớn, liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh mới của đế quốc Mỹ.

Và đây, sau ngày thống nhất đất nước, Bí thư Huyện ủy khẳng định: Đảng bộ huyện đã lãnh đạo Nhân dân chung sức, đồng lòng, vượt qua gian khổ khó khăn, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội... Trên cơ sở chia tách huyện Chư Păh (K4 cũ), 2 đơn vị hành chính cấp huyện là Ia Grai và Chư Păh được thành lập.

Bí thư Huyện ủy Ia Grai nêu rõ: Gần nửa thế kỷ sau ngày giải phóng và gần 30 năm chia tách, tái thành lập, từ nền kinh tế du canh, du cư, lạc hậu, đến nay, kinh tế-xã hội huyện Ia Grai ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước cải thiện; quốc phòng-an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn theo hướng ngày càng hoàn thiện... Ia Grai ngày nay sánh vai cùng các địa phương trong tỉnh và khu vực từng bước vươn lên theo đà phát triển của Gia Lai-vùng kinh tế động lực khu vực Bắc Tây Nguyên như kỳ vọng của Đảng bộ tỉnh.

Huyện Ia Grai có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển. Nhưng cũng cần nói thêm rằng: Xưa nay, chẳng ở đâu lại “sống về tiềm năng, ăn về truyền thống” cả, mà tiềm năng và truyền thống phải biết gìn giữ, bảo vệ và khai thác, phát huy nó, được vậy thì tiềm năng, truyền thống mới thật sự có ích cho công cuộc xây dựng, phát triển và nhu cầu của cuộc sống ngày càng cao của xã hội. Tiềm năng ấy là đất đai, là lao động, là những gì ở mình có được mà nơi khác không có, nó phải được tập trung mọi nguồn lực để khai thác, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khai thác tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Ia Grai xác định ngành “công nghiệp không khói” và truyền thống lịch sử văn hóa cũng là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội. Song, làm gì để khai thác, phát huy nó là một câu hỏi cần có câu trả lời. Mừng thay, việc duy trì hàng năm tổ chức sự kiện đua thuyền độc mộc và liên hoan văn hóa cồng chiêng cũng là một trong những câu trả lời từ câu hỏi nói trên. Hy vọng từ nay đến... thì tương lai, Ia Grai sánh vai cùng “bạn bè, anh chị” vững vàng đi lên xây dựng và bảo vệ vững chắc biên cương để có một huyện mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng-an ninh, văn minh, hiện đại, người dân hưởng cuộc sống trong thanh bình, ấm no, hạnh phúc.

Có thể bạn quan tâm

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (thứ 2 từ phải sang) trao tặng phần quà cho buôn Chư Krih, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa. Ảnh: Yến Thụy

Bình xét danh hiệu văn hóa: Công khai, minh bạch

(GLO)- Trên cơ sở Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11 của UBND tỉnh Gia Lai quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, các địa phương đã triển khai bình xét các danh hiệu nghiêm túc, đảm bảo công khai, minh bạch.

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

(GLO)- Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại thị xã Ayun Pa Ảnh N.A

Ayun Pa: Hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo

(GLO)- Từ tháng 10-2023 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” cùng cấp đã huy động được hơn 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.