Tỏa sáng giữa đời thường: Hết lòng vì đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước khi trở thành doanh nhân thành đạt, cựu chiến binh Nguyễn Văn Sửu (76 tuổi, ở xã Thạch Châu, H.Lộc Hà, Hà Tĩnh) từng có nhiều năm tham gia chiến đấu, làm giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cho đến khi về hưu.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sửu hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng miền Trung, đóng ở Hà Tĩnh, và còn đảm đương chức vụ Phó chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Hà Tĩnh.
Khó khăn nào cũng vượt qua
Năm 1965, khi đang ở độ tuổi đôi mươi, ông Sửu đi bộ đội, tham gia canh gác, trực chiến ở bờ biển Cửa Sót (H.Lộc Hà). Hai năm sau, vì lý do sức khỏe nên ông được đơn vị cho về đi học trung cấp sư phạm. Đến tháng 10.1969, sau khi tốt nghiệp ông lại được điều động trở lại quân ngũ. Tham gia chiến đấu chưa lâu thì ông bị sốt rét, chảy máu dạ dày nên được cho về quê để dạy học.
Kể từ đó, cuộc đời của ông Sửu gắn bó với nghề dạy học. Sau hơn 20 năm làm giáo viên và làm cán bộ quản lý giáo dục, thì ông nghỉ hưu. “Trong thời gian làm hiệu trưởng ở một trường tiểu học, tôi đã từng được bạn bè cho nhận một số công trình nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Số tiền kiếm được ngoài nghề giáo, tôi dành một phần để giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học”, ông Sửu nói.

Ngôi nhà thờ cúng liệt sĩ mà ông Sửu tài trợ xây dựng. Ảnh: Phạm Đức
Ngôi nhà thờ cúng liệt sĩ mà ông Sửu tài trợ xây dựng. Ảnh: Phạm Đức
Chính vì bén duyên với nghề xây dựng nên sau khi nghỉ hưu vào năm 1991, ông Sửu đã vận động bạn bè đều là những cựu giáo chức và cán bộ, công chức ở Nghệ An về hưu, góp vốn để thành lập một công ty xây dựng.
Những ngày đầu, công ty do ông Sửu điều hành gặp không ít khó khăn do thiếu vốn và trang thiết bị máy móc, đội ngũ kỹ thuật… Nhưng với ý chí quyết tâm “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” nên công ty của ông Sửu đã nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.
Kết nối cựu chiến binh làm kinh tế
Suốt 8 năm cùng với các “chiến hữu” bôn ba nhận thầu các công trình xây dựng ở Nghệ An, ông Sửu bất ngờ xin rút lui để về quê lập nghiệp, dù lúc này công ty đang làm ăn ổn định.
Ông Sửu nói rằng mục đích là muốn ở gần vợ con, và hơn hết là ông muốn giúp đỡ các đồng đội ở quê nhà từng kề vai sát cánh trên chiến trường vươn lên làm ăn. Do đó, ông đã lập ra Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng miền Trung, kêu gọi được 12 thành viên đa số đều là các cựu chiến binh tham gia góp vốn với mình.
Để công ty có chỗ đứng trên thị trường xây dựng, ông Sửu bảo các thành viên thống nhất tinh thần là phải làm rất trách nhiệm, đảm bảo chất lượng dù công trình đó to hay nhỏ.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sửu. Ảnh: Phạm Đức
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sửu. Ảnh: Phạm Đức
“Nhờ làm ăn uy tín nên chúng tôi liên tiếp trúng thầu được nhiều công trình xây dựng tại địa phương. Tổng doanh thu cũng liên tục tăng theo từng năm, thời điểm cao nhất lên tới 220 tỉ đồng. Từ số vốn điều lệ 4 tỉ đồng ban đầu, chúng tôi tiếp tục tăng vốn lên 10 tỉ và hiện nay là 15 tỉ đồng. Công ty cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 70 công nhân”, ông Sửu kể.
Không phải chỉ đến khi ăn nên làm ra thì Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng miền Trung mới quan tâm đến việc đóng góp cho địa phương về công tác an sinh xã hội. Người cựu binh già này tâm niệm nhớ về cội nguồn và giúp đỡ cho xã hội cũng là trách nhiệm của bản thân. Do vậy, ông thường xuyên bỏ tiền để làm thiện nguyện, từ xây nhà tình nghĩa cho các cựu binh nghèo, mẹ liệt sĩ đến ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương và đóng góp cho quỹ học bổng của xã nhà.
“Cũng không phải khoe khoang gì cả, nhưng từ ngày làm doanh nghiệp xây dựng đến nay, tôi đã bỏ tiền túi xây được 63 căn nhà tình nghĩa cho đồng đội và thân nhân của họ. Mấy năm gần đây, tôi cũng đã hỗ trợ xây dựng được 3 căn nhà thờ cúng liệt sĩ tại địa phương”, ông Sửu chia sẻ.
Để chứng minh lời nói của mình, ông Sửu dẫn chúng tôi đến xem căn nhà thờ cúng liệt sĩ Phan Văn Mạch ở thôn Tân Thượng (xã Tân Lộc, H.Lộc Hà) vừa xây dựng xong. Để hoàn thiện được ngôi nhà thờ này, ông đã tự bỏ tiền túi 75 triệu đồng.
“Gia đình liệt sĩ Mạch có hai chị em. Chị gái đi lấy chồng xa, còn liệt sĩ Mạch vì tham gia chiến đấu nên cưới vợ chỉ qua thư từ, chưa kịp gặp mặt vợ thì đã hy sinh. Sau khi chồng mất, người vợ cũng đi thêm bước nữa. Mẹ của liệt sĩ đang một mình thờ cúng con trai trong căn nhà rất tạm bợ. Sau khi biết chuyện, tôi mới quyết định xin phép chính quyền địa phương cho xây dựng căn nhà nhỏ để người mẹ có nơi thờ cúng con trai liệt sĩ cho tử tế”, ông Sửu tâm sự.
Khí chất người lính cụ hồ
Dù đã cao tuổi, lại rất bận rộn với công việc của công ty nhưng ông Sửu vẫn chưa muốn nghỉ ngơi. Năm 2016, ông mạnh dạn thuê hơn 6 ha đất bỏ hoang ở gần nhà để mở trang trại nuôi heo thương phẩm, quy mô lớn với hơn 4.000 con/lứa.

Trang trại nuôi heo của ông Sửu cho doanh thu 12 tỉ đồng/năm. Ảnh: Phạm Đức
Trang trại nuôi heo của ông Sửu cho doanh thu 12 tỉ đồng/năm. Ảnh: Phạm Đức
“Vì muốn tạo thêm thú vui cho mình sau này về già và giúp người dân địa phương có công ăn việc làm nên tôi mới đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Tôi bỏ ra 18 tỉ đồng để xây dựng và mua giống về nuôi. Nhờ tuân thủ quy trình nuôi khép kín nên mô hình này cũng giúp vợ chồng tôi có thu nhập kha khá, đạt doanh thu khoảng 12 tỉ đồng/năm”, ông Sửu nói và cho biết trang trại của ông cũng tạo công ăn việc làm cho 10 lao động, với mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng. Ở quê, mức lương này là mơ ước của nhiều người.
Là người làm kinh tế giỏi, lại có uy tín nên vào năm 2018, khi Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Hà Tĩnh được thành lập, ông Sửu đã được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch hội.
Theo ông Sửu, Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Hà Tĩnh lúc đó có hơn 200 hội viên cựu chiến binh và cựu quân nhân đăng ký tham gia. Định hướng hoạt động của hội là phát huy truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Đặc biệt là giúp đỡ hội viên làm ăn kinh tế, ổn định đời sống.
Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có gần 3.000 mô hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp, công ty TNHH, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, gia trại, kinh doanh dịch vụ. Tổng doanh thu hằng năm đạt hơn 4.000 tỉ đồng, tạo việc làm cho trên 7.000 lao động, trong đó có nhiều con em cựu chiến binh.
Cùng với phát triển kinh tế, các cựu chiến binh trong Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Hà Tĩnh còn tích cực hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tham gia chương trình an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...
“Hội cũng đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng hai, hạng ba, Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen của T.Ư Hội Cựu chiến binh Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh… Riêng bản thân tôi cũng rất tự hào vì được nhận Huân chương Lao động hạng ba”, ông Sửu chia sẻ.
Trước khi chia tay chúng tôi, ông Sửu cho hay ông dự định hết năm nay sẽ bàn giao lại toàn bộ việc kinh doanh cho người con trai đầu để “an hưởng tuổi già” và để có thời gian hoàn thành tốt công việc tại Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Hà Tĩnh.
(còn tiếp)
Theo Phạm Đức (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.