Tỏa sáng giữa đời thường: Cựu chiến binh Vị Xuyên say mê việc thiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trải qua cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía bắc đầy khốc liệt, người lính Nguyễn Ngọc Hoàn đang tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và dành nhiều công sức, tài sản để làm từ thiện.
Đã gần 60 tuổi và còn là thương binh, ông Hoàn vẫn không lúc nào ngồi yên. Dù nhà ở P.Hải Sơn, Q.Đồ Sơn (Hải Phòng), nhưng ngày nào ông Hoàn cũng chạy xe máy vào trung tâm TP.Hải Phòng (cách Đồ Sơn 20 km) để lo công việc, thăm hỏi bạn bè.
Trong bộ quần áo cựu chiến binh cùng chiếc cặp đeo chéo màu xanh bộ đội, ông Hoàn xuất hiện đầy khí chất người lính: “Tôi vừa lên Vị Xuyên về, mấy hôm nữa lại đi. Tôi là Trưởng ban Liên lạc Sư đoàn 328 ở TP.Hải Phòng nên đi lên đó liên tục”, ông Hoàn tự hào.
Sinh tử ở Vị Xuyên
Ông Hoàn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở phố Hai Bà Trưng, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng. “Bố tôi vào Việt Minh, tham gia cách mạng từ năm 1932. Đến khi TP.Hải Phòng giải phóng (năm 1964) thì về làm người dân bình thường. Mẹ tôi cũng hoạt động cách mạng, làm điệp báo viên cho Công an TP.Hải Phòng. Nhà tôi có 4 anh em. Hai anh lớn là bộ đội chống Mỹ, anh ba đi chiến đấu ở mặt trận phía tây nam nên tôi được miễn đi bộ đội”, ông Hoàn chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn (thứ 2 từ trái qua)cùng đồng đội thăm chiến trường xưa và hát cho đồng đội nghe. Ảnh: Lê Tân
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn (thứ 2 từ trái qua)cùng đồng đội thăm chiến trường xưa và hát cho đồng đội nghe. Ảnh: Lê Tân
Năm 1984, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Hoàn đang là một trong những tài năng trẻ của đội bóng Cảng Hải Phòng, nhưng vẫn quyết tâm đi bộ đội phục vụ Tổ quốc. “Hồi đó, tôi 21 tuổi, được vào Trung đoàn 2, Sư đoàn 328 (thuộc Đặc khu Quảng Ninh, Quân khu 3), đóng quân ở Tiên Yên - Ba Chẽ, Quảng Ninh. Lúc đó tình hình biên giới căng thẳng rồi. Huấn luyện được 7 tháng thì Trung đoàn 2 được điều lên Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) để phòng ngự”, ông Hoàn nhớ lại.
Thời điểm ông Hoàn và đồng đội lên đường đi Vị Xuyên là khoảng 12 - 13 tết Ất Sửu (tháng 2.1985). Khi đó, mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (tên cũ là Hà Tuyên) là điểm chính diện cho cuộc chiến tranh biên giới phía bắc. Từ tháng 4.1984 - 5.1989, Trung Quốc đưa hơn 500.000 quân tấn công vào biên giới, tập trung chủ yếu ở Vị Xuyên. Mỗi ngày, quân Trung Quốc bắn vào đất ta từ 30.000 - 50.000 viên đại pháo. “Anh em lên đường ngoài vũ khí, quân tư trang còn có “tăng gói” - là tấm bạt để quấn xác. Nếu có hy sinh thì chúng tôi tự chôn nhau”, ông Hoàn bồi hồi nhớ lại.
Theo lời kể của ông Hoàn, hồi đó ngày nào Trung Quốc cũng nã pháo hơn 30 phút rồi mới xua quân tràn sang đất ta. Dọc tuyến biên giới tan nát. Người chết hay người sống đều chung một bộ mặt đen sì vì thuốc pháo. Năm 1985, ông Hoàn bị mảnh đạn pháo bắn vào đầu nên được đưa về trạm xá khâu vết thương. Nằm được 4 ngày, vết thương còn chưa lành, ông lại xách súng về chiến đấu ở Trung đoàn 983 vừa được thành lập, đóng ở đông sông Lô, xã Minh Tân, H.Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
“Ngày 23.9.1985. Trung Quốc lại nã pháo đến ù cả tai. Tôi cùng 3, 4 đồng đội quyết định di chuyển từ hầm đang ở sang hầm khác. Tôi đi trước. Đi được 1 lúc thì có bàn tay bấm vào vai tôi hô “trẩu” (nghĩa là chạy - lời nhân vật). Tôi quay lại thì thấy một tên lính địch đang kéo vai mình. Đồng đội tôi ở phía sau hy sinh hết cả. Thấy tôi, quân địch giơ súng bắn, tôi nằm rạp xuống xả cả băng đạn tiêu diệt 4, 5 quân địch. Lúc này mọi thứ xung quanh mờ đi. Tôi thấy chân và mông mình ướt, máu rỉ ra vì bị trúng đạn. Tôi cố bò lại vào hầm, xung quanh toàn thi thể đồng đội, cơ thể tôi cứng đờ và ngất đi”, ông Hoàn nhớ lại giây phút sinh tử.
Ngất được một lúc thì ông Hoàn nghe thấy tiếng quân ta đến chi viện. “Một người lính chạy đến gần tôi và hô “còn sống”. Sau đó, tôi lại lịm đi mất 2 ngày. Ở trạm xá điều trị được vài ngày, thấy người khỏe, tôi trốn về đơn vị, tiếp tục chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đến năm 1987 thì tôi về lại Quảng Ninh rồi ra quân”, ông kể lại.
Sinh tử có nhau thì mưu sinh cũng vậy
Ra quân, 3 mảnh đạn pháo trong đầu, 2 mảnh đạn ở chân, và 1 đoạn xương ống chân phải thay, thương binh Nguyễn Ngọc Hoàn chật vật mưu sinh. “Dư chấn của cuộc chiến có lúc khiến tôi như người điên. Có thời điểm, tôi còn mang lựu đạn ra ném xuống đầm nuôi cá. Cáu giận bất thường. Suýt nữa thì bị đưa vào trại tâm thần”, ông Hoàn thành thật.
May sao ông Hoàn lại lấy được vợ. Vợ ông Hoàn là bà Đặng Thị Thanh Thủy về chăm sóc, cùng ông vượt qua sóng gió trong cuộc đời. “Thời gian đầu lấy nhau, vợ chồng tôi che mấy tấm liếp trên mảnh đất đầu xóm ở tạm. Vợ bán nước, chồng làm đủ thứ nghề tự do kiếm sống. Đến năm 2007, tôi mở Công ty vận tải Đại Dương với 80 lao động, trong đó có nhiều thương binh, cựu chiến binh. Thời kỳ đó, tôi còn nhận nuôi 3 cháu mồ côi ở Đồ Sơn”, ông Hoàn chia sẻ.
 
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn thường xuyên khởi xướng, đóng góp cùng đồng đội xây nhà tình nghĩa và làm từ thiện. Ảnh: L.T
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn thường xuyên khởi xướng, đóng góp cùng đồng đội xây nhà tình nghĩa và làm từ thiện. Ảnh: L.T
Vì đối mặt nhiều khó khăn, công ty của ông Hoàn phải đóng cửa. Không chịu đầu hàng, sau một thời gian bôn ba, làm ăn buôn bán, năm 2018, ông Hoàn lại mở Công ty Thương binh 239 chuyên về vận tải, chở hàng hóa nhỏ lẻ trong nội thành TP.Hải Phòng bằng xe 3 bánh. “Công ty có 28 người, toàn anh em thương binh. Ban đầu tôi bỏ tiền mua 9 xe ba bánh cho anh em chạy. Sau đó ai có điều kiện thì chung vốn, cùng làm, cùng ăn. Tôi làm gì cũng phải đưa anh em, đồng đội vào. Sinh tử có nhau thì mưu sinh cũng vậy”, ông Hoàn nói.
Ông Bùi Xuân Sơn (58 tuổi, thương binh 2/4, ngụ P.Thành Tô, Q.Hải An, TP.Hải Phòng), chia sẻ: “Tôi nhập ngũ, chiến đấu cùng anh Hoàn ở Vị Xuyên. Về với đời thường, khi anh Hoàn thành lập công ty lại gọi tôi cùng nhiều anh em nữa về cùng nhau làm ăn”. Theo ông Sơn, trước khi về lái ô tô chạy hợp đồng ở công ty của ông Hoàn, ông Sơn cũng mua xe ba bánh, chạy chở hàng nhưng không ổn định. “Về công ty thì đầu việc anh Hoàn đứng ra lo liệu, anh em khác chỉ lo việc được phân công. Lương tháng hơn 10 triệu, đủ lo cho cuộc sống”.
Nghĩa tình đồng đội
Những năm gần đây, con cái đã trưởng thành, ông Hoàn không còn quá nặng gánh về kinh tế nên dành nhiều thời gian hơn cho công tác xã hội, từ thiện và các hoạt động cộng đồng. Ông Hoàn đã khởi xướng, đóng góp và kêu gọi đồng đội trong Hội Doanh nghiệp cựu chiến binh Hải Phòng xây dựng 10 căn nhà tình nghĩa ở TP.Hải Phòng và Hà Giang...
Năm nào, ông Hoàn cũng cùng đồng đội lên Vị Xuyên làm từ thiện, tặng quà cho hộ nghèo ở chiến trường cũ. Năm 2015 và 2019, ông Hoàn còn cùng đồng đội tìm kiếm và đưa mộ của 2 liệt sĩ về với gia đình. “Tôi chưa bao giờ thống kê xem mình đã bỏ ra bao nhiêu tiền để tri ân đồng đội và đóng góp cho xã hội. Nhưng nếu nhẩm tính ra, trong 10 năm qua, số tiền tôi đi làm từ thiện cũng không dưới 1 tỉ đồng”, ông Hoàn tâm tình.
Với những hoạt động của mình, năm 2008, ông Hoàn được Hội Cựu chiến binh TP.Hải Phòng tuyên dương vì có thành tích xuất sắc tham gia ủng hộ quỹ xóa đói giảm nghèo. Năm 2017, ông Hoàn được Hội Cựu chiến binh Q.Lê Chân tuyên dương vì thành tích thi đua Cựu chiến binh gương mẫu. Năm 2019, 2020 và 2021 ông Hoàn đều được Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh VN tuyên dương vì gương mẫu sản xuất kinh doanh giỏi và làm tốt công tác an sinh xã hội.
Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Hải Phòng, khẳng định: “Những bằng khen mà anh Nguyễn Ngọc Hoàn được tặng chỉ là một phần ghi nhận nhỏ về những đóng góp của anh ấy trong công tác an sinh xã hội. Điều đáng quý là anh Hoàn không chỉ lo cho bản thân và gia đình, mà còn luôn nhớ và thường xuyên đóng góp, lo lắng cho đồng đội cũng như bà con ở chiến trường xưa”. (còn tiếp)
Theo Lê Tân (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.