Tò he… ra phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với hành trang là đôi giỏ, chiếc thùng gỗ đơn sơ cùng chiếc xe đạp cũ họ thong dong trên khắp các con phố, đến từng lễ hội ở mọi miền của đất nước chỉ để trổ tài làm cho trẻ con vui thích bằng cách tạo ra những con vật dí dỏm, ngộ nghĩnh được làm từ bột nếp, lá dừa…
Trẻ dẫn tôi đến với “tò he”
Mỗi trò chơi có một sức cuốn hút, độc đáo riêng phục vụ cho từng lứa tuổi khác nhau. Riêng với việc nặn “tò he” là cả một nghệ thuật bởi ngoài sự tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu thì việc tạo tác thành hình của một con vật, ông tượng sao thật có hồn mới là điều khó- ông Nguyễn Hoàng (45 tuổi, người dân Tây Sơn- Bình Định) vừa đến Phố núi sau nhiều tháng “phiêu du” tại nhiều tỉnh miền Trung cho biết.
Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác
Ông Hoàng nói: Trước khi đến với nghề nặn tò he, công việc của tôi gắn với cái cày, con trâu và đó là nguồn thu chính của cả gia đình. Tại lễ hội Tây Sơn- Bình Định diễn ra lần đầu tiên vào năm 2008, khi thấy nhiều trẻ con cứ vây quanh một ông lão tay vê vê, nặn nặn thành hình các con giáp, Tôn Ngộ Không và cả những nhân vật trong phim hoạt hình đang được các cháu yêu thích như mèo máy đôrêmon, siêu nhân... cho tôi cảm giác yêu thích, từ đó tôi dò hỏi để học nghề và xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên- Hà Tây (nay là Hà Nội) nơi nổi tiếng với nghề nặn tò he trong cả nước là nơi tôi được mọi người giới thiệu. Hiện nay, dù phải đi khắp nơi để làm và sống với nghề nhưng đó lại là niềm vui khi thấy nhiều trẻ con yêu thích.
Để làm ra các con vật được quen gọi là “tò he” người làm cần chuẩn bị các nguyên liệu đơn giản, gần gũi như bột nếp, phẩm màu tự nhiên, một ít que tre và một thứ không thể thiếu là chiếc lược nhỏ, bởi đây chính là công cụ chỉnh hình duy nhất tạo hồn cho vật nặn.
Trong khâu chuẩn bị nguyên liệu thì việc làm ra bột là giai đoạn được cho là công phu và quan trọng nhất. Bột được làm từ gạo nếp trộn với gạo tẻ xay khô theo tỷ lệ 1 kg gạo và 0,1 kg gạo nếp. Riêng màu nhuộm thường là 7 màu, người thợ lấy màu từ vườn cây như màu xanh của lá, sắc đỏ của gấc, màu vàng từ nghệ... các màu này khi trộn vào bột có độ bền lâu, không bị loang khi thể hiện các chi tiết.
Khi được hỏi về thu nhập trong nghề, ông Hoàng bộc bạch: Thời gian gần đây, việc nặn bán các con vật “tò he” được nhiều trẻ và các bậc phụ huynh quan tâm nên cũng đủ sống với nghề, thi thoảng tôi cũng được các trường mẫu giáo mời về biểu diễn cho các cháu xem loại hình nghệ thuật dân gian của dân tộc, các cháu thích lắm. Không chỉ vậy, cả những người lớn chơi cây cảnh cũng mời tôi về đắp hình, tạo hòn non bộ, nặn tượng đất… nên cũng có thêm thu nhập đáng kể từ đây.
Tò he là sản phẩm đồ chơi dân gian độc đáo mang bản sắc dân tộc và đây thực sự là món ăn tinh thần rất gần gũi với người dân Việt Nam nên giúp tôi gắn bó với nghề. Để đáp ứng nhu cầu của trẻ trong việc nặn hình, tôi thường xuyên theo dõi ti vi trên các kênh hoạt hình hoặc đọc một số truyện tranh trẻ thích để nắm bắt được các mẫu hình, màu sắc trước khi thể hiện và chính điều này cuốn hút trẻ đến với nghệ thuật nặn tò he-ông Hoàng cho biết thêm.
Nghệ thuật của đôi bàn tay
5 năm-đó là khoảng thời gian mà vợ chồng anh Lưu, chị Thảo (quê Bình Định) bươn chải đi khắp các tỉnh thành phía Nam và nay lại đến với Phố núi Pleiku trong những ngày gió lạnh để làm mỗi việc biến chiếc lá dừa thô ráp, thẳng tắp thành những con cào cào, chuồn chuồn, chim sẻ và cả những chiếc bông hồng với những nếp gấp đầy ấn tượng. Góc đường Hùng Vương-Nguyễn Thái Học (TP. Pleiku) là nơi đầu tiên anh chọn để biểu diễn và bán những món đồ cho những người quan tâm đến môn nghệ thuật xếp lá.
Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác
Nói về công việc tạo hình bằng lá dừa để bán của hai vợ chồng- anh Lưu vui vẻ cho biết: Lá dừa nào cũng xếp được nhưng chỉ riêng với loại lá được lấy từ bẹ non của cây dừa nước (được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam bộ) mới cho ra những sản phẩm tốt, không bị nứt, gãy với màu sắc vàng xanh của lá dừa này cũng tạo nên nét riêng. Đặc biệt với chất liệu này mọi thứ được tạo ra có thể lưu giữ trong nhiều năm nhưng vẫn không mất đi dáng vẻ, màu sắc ban đầu.
Cứ mỗi 5 phút đôi tay anh lại gấp được một con cào cào, chuồn chuồn, chiếc chong chóng và cả một chiếc bông hồng với đầy những chi tiết khó. Còn với các con vật như chim sẻ, máy bay… cần nhiều thời gian hơn với nhiều nếp gấp, nối ghép phức tạp. Cái khó nhất trong công việc hiện nay là nguồn nguyên liệu ngày một khan hiếm bởi ở nhiều nơi người dân đã chặt bỏ cây dừa nên nhiều khi đặt vài tháng mới có-anh Lưu nói.
Cảm nhận về sự độc đáo này, cháu Nguyễn Hoàng Bảo Trân-học sinh lớp 4 Trường THCS Lê Quý Đôn (TP. Pleiku) sau khi được mẹ mua cho con cào cào, cháu nói: Từ chiếc lá dừa mà chú ấy gấp ra được con cào cào, bông hoa đẹp đến vậy cháu rất thích, nếu nhà trường dạy cháu sẽ xung phong để học và gấp thật nhiều bông hồng tặng cô, các bạn và gia đình.
Khi nhìn thấy những con tò he, cào cào, chuồn chuồn được tạo ra ngay trên hè phố, không ít người đứng xem, trầm trồ khen và nghĩ về ngày xưa với biết bao trò chơi dân gian cuốn hút lũ trẻ như đánh đu, ô ăn quan, bắn bi đất, làm diều giấy… đang mất dần trước sức cuốn của các trò chơi hiện đại trong đó không ít trò chơi mang nặng tính bạo lực được bày bán khắp nơi. Ông Đặng Tuấn đã cao tuổi xem và mua cho cháu nói “nếu có một nơi hàng tuần tổ chức cho trẻ vui đùa, tập làm và thi các trò chơi dân gian thế này thì tốt biết bao!”.
Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.