Tính nhân văn trong lời khấn ở các lễ hội của người Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong các nghi lễ của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, lời khấn là một thành tố nghi thức không thể thiếu, dù đó là của riêng thành viên hay của chung cộng đồng buôn làng. Hầu hết những lời khấn đều có nội dung gần giống nhau và mang giá trị nhân văn sâu sắc, mong muốn đem đến sự bình yên cho con người và cộng đồng, hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lời khấn do người chủ lễ được buôn làng cử ra, là nhân vật có uy tín hay một già làng đọc thuộc (có thể đọc suông hay đọc có âm điệu) khi bước vào chính buổi lễ cúng. Đó cũng là lời tấu trình một cách thành kính, chân phương đến các vị thần linh (Yàng) để xin thần chứng giám, chấp thuận cho lời cầu xin mà độ trì, ban điều lành cho thành viên hay cả cộng đồng. Lễ vật được dâng cúng là các con vật hiến tế, thường là gà, heo, trâu, bò… và rượu cần.

Ông Rơ Lan Hieo-phụ tá Vua Lửa thứ 14 (đứng) thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa trên núi Chư Tao Yang, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Ông Rơ Lan Hieo-phụ tá Vua Lửa thứ 14 (đứng) thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa trên núi Chư Tao Yang, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Chúng ta biết rằng, tín ngưỡng đa thần của các dân tộc bản địa Trường Sơn-Tây Nguyên là nét văn hóa đặc thù, tồn tại trong cộng đồng khá lâu đời. Họ quan niệm, các vật vô sinh hay hữu sinh đều có Yàng cư ngụ.

Thế giới thần linh của người Bahnar có 3 lực lượng: Thứ nhất, đứng đầu là các Yàng, như Yàng Keiđei (thần tạo ra thế giới), Yàng Glaih (thần Sấm Sét), Yàng Hri (thần Lúa)…; thứ hai là các kiăk hay atâu (vong hồn); thứ ba là các pa rang (thần Dịch bệnh). Chính vì vậy, một người muốn vào rừng chặt hạ cây về làm nhà thì cũng phải khấn xin thần Cây cho phép và nói rõ lý do đốn cây để làm gì; hay người làng đi săn chim thú, phải khấn xin thần Rừng cho anh được toại nguyện vì phải có cái ăn cho cá nhân và gia đình.

Nhà nhân chủng học Jacques Dournes, người có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, phong tục của các dân tộc Tây Nguyên đã viết về mối quan hệ chặt chẽ giữa con người với súc vật, cây cối và thần linh trong thế giới quan người Jrai: “Cần biết rằng, tất cả những thực thể của thế giới Jrai là người, súc vật, cây cối… và thần linh có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Con người không thể làm đứt mối liên kết chặt chẽ này nếu họ muốn sống trong sự hòa hợp, với sự trật tự của muôn vật như là từ khi bắt đầu của vũ trụ… Các mối quan hệ trên được coi như là một sợi dây bền chặt…”.

Vì vậy, tín ngưỡng Yàng của các dân tộc bản địa Tây Nguyên được xem là sợi dây của niềm tin thắt chặt thêm mối quan hệ con người, cộng đồng với môi trường tự nhiên.

Tìm hiểu các lời khấn trong nghi thức của lễ ăn trâu mừng nhà rông mới của người Bahnar hoặc Sê Đăng, tôi được biết: Khi chuẩn bị làm cột gưng (cây cột dùng để buộc trâu), người chủ lễ phải thực hiện nghi thức chọn địa điểm để cắm cột gưng theo kiểu như tung đồng tiền âm dương của người Kinh; sau đó thì đọc lời khấn: “Hỡi thần Sấm Sét! thần Núi, thần Đất, thần Nước! Làng chúng tôi sắp ăn trâu mừng nhà rông mới. Xin thần cho phép chúng tôi chọn vị trí này để đào hố chôn cây gưng. Kính mong các thần đồng ý!...”.

Còn ban đêm, trước khi đốt lửa, người chủ lễ sẽ khấn xin thần Lửa: “Hỡi thần Lửa! Lửa trên rẫy đã tắt. Lửa trong bếp cũng tắt. Hôm nay, làng tôi đốt lửa để mừng nhà rông mới. Xin thần Lửa cho lửa cháy đều, cháy to. Xin cho lửa đừng tắt suốt mùa rẫy, để chúng tôi có lửa nấu ăn; để chúng tôi có lửa sưởi ấm…”.

Ngày hôm sau, trước khi giết con trâu-vật hiến tế, dân làng xoang quanh cột gưng và hát khóc trâu, thể hiện tình thương, lòng biết ơn của cộng đồng làng với con vật gần gũi trong cuộc sống. Lời bài hát với nội dung như một lời cầu xin trâu hãy hiểu và giúp đỡ dân làng, phù hộ cho cả cộng đồng được sức khỏe, làm ăn khá giả: “Này trâu ơi! Hôm nay, mày phải đi, đi về với thần linh. Hãy lên trời để giúp đỡ thần. Cột ăn trâu đã trồng, dây đã tròng cổ mày. Trâu hãy ăn cỏ và cơm rượu (...). Ta thương trâu lắm. Nếu thương dân làng, trâu hãy nói với thần phù hộ cho dân làng sức khỏe, làm ăn tốt, không đau ốm, bệnh tật”.

Còn khi chuẩn bị vào nhà rông mới, người chủ lễ đọc lời khấn Yàng sau cùng: “Hỡi thần Sấm Sét, thần Núi, thần Sông! Xin các thần phù hộ cho dân làng, cho nước chảy đều, mía chuối xanh tươi; trâu bò nhiều như mối, như kiến; con cháu đầy đàn (...). Con người mạnh khỏe không đau ốm. Xin mời các thần xuống vui cùng dân làng, cùng uống rượu cần và ăn gan trâu”.

Có thể thấy, những lời khấn trong nhiều lễ tục khác của người Jrai, Bahnar, Sê Đăng, Ê Đê… như: lễ bắc máng nước, các lễ nghi liên quan đến nông nghiệp, đều có nội dung gần giống nhau và mang giá trị nhân văn sâu sắc, mong muốn đem đến sự bình yên cho con người và cộng đồng, hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Do vậy, cần khuyến khích việc bảo tồn, duy trì các lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên trong xu thế hiện đại hóa, đô thị hóa hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.