Tín hiệu vui đầu năm của văn chương Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Văn chương Gia Lai vừa đón nhận 2 tin vui. Một là, có 2 tác giả trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là nhà thơ Lê Vi Thủy và nhà thơ Đào An Duyên.

Hai là, nhà văn Phạm Đức Long lọt vào top 48 tác giả có đề cương bản thảo được chọn từ hơn 200 đề cương bản thảo của các văn nghệ sĩ trên khắp cả nước tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề “Sống mãi với thời gian” do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phát động năm 2022.

1. Với Lê Vi Thủy và Đào An Duyên, tôi đọc, theo dõi 2 bạn này từ hồi họ chập chững bập vào văn chương. Lê Vi Thủy là cô giáo dạy mỹ thuật bậc tiểu học nhưng có bằng thạc sĩ mỹ thuật. Thủy viết cả truyện ngắn và thơ. Thế mạnh của chị chính là sự tận dụng hay chính xác là nó cứ tự nhiên ngấm cái tư duy, cái nhìn, cái cảm của hội họa vào văn chương. Đấy là hình ảnh, là cách nhìn trực họa lấp loáng màu sắc, kể cả cách bố cục hội họa. Nó bù cho vốn chữ so với những người được đào tạo cơ bản về văn học và ngôn ngữ.

Mấy năm gần đây, Lê Vi Thủy là tác giả trẻ xông xáo trên văn đàn cả nước. In nhiều sách cả văn và thơ, mới nhất là tập thơ “Gió nghiêng về phía ngược chiều” và tập truyện ngắn “Trăng treo đầu núi”. Đồng thời, thơ và truyện ngắn của chị được đăng trên nhiều tờ báo trong cả nước và có một số giải thưởng cả văn chương và báo chí.

Không dễ dàng gì để một cô giáo dạy mỹ thuật lại đắm đuối mà yêu, dấn thân với văn chương sâu đậm và thành công như thế. Và không chỉ dạy, Lê Vi Thủy cũng là một họa sĩ thứ thiệt, có nhiều tranh triển lãm. Năm vừa qua, chị có tới 2 truyện ngắn lọt vào top “30 truyện ngắn đặc sắc” của Nhà xuất bản Văn học và được chọn in trong sách cuộc thi viết truyện ký “Vẻ đẹp của sự đa dạng” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới-gia đình-phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức.

Đào An Duyên là cô giáo dạy văn bậc THCS, là thạc sĩ văn chương và đang làm tiếp luận án tiến sĩ. Dẫu bước vào nghiệp viết khá muộn so với các bạn văn trẻ khác ở Gia Lai, nhưng hiện chị đã trình làng 5 tập sách. Liên tục các năm 2017, 2019 và 2022, chị có giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nó chứng tỏ một điều là chị lao động nghệ thuật miệt mài và có chất lượng, chứ chuyện giải thưởng hoặc đầu tư tác phẩm ở nước ta nhiều khi cũng chưa nói lên điều gì.

Nhà thơ Văn Công Hùng (bìa trái) trao đổi với các tác giả trẻ. Ảnh: H.H.G

Nhà thơ Văn Công Hùng (bìa trái) trao đổi với các tác giả trẻ. Ảnh: H.H.G

Được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam chưa phải là sự khẳng định, mà sự khẳng định chính là từ người đọc, từ công chúng. Cả Lê Vi Thủy và Đào An Duyên đều là tác giả có công chúng, có bạn đọc. Nếu Lê Vi Thủy mạnh về trực diện, lý trí thì Đào An Duyên thiên nhiều về ẩn dụ, trữ tình. Đấy là cách mỗi người khai thác sở trường, thế mạnh của mình. Và tôi tin, 2 tác giả này sẽ còn đi lâu dài với văn chương, thứ văn chương thứ thiệt, sang trọng nhưng cũng đầy khổ ải, đòi hỏi sự dấn thân về nhiều mặt.

2. Nhắc Phạm Đức Long bởi anh vừa nhận giải ba về tiểu thuyết của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức với giá trị giải thưởng khá đậm trong mặt bằng chung là 100 triệu đồng.

Lại vân vi một chút thế này. Chúng tôi-một nhóm 3 anh em viết ở Gia Lai chơi thân với nhau từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước là tôi, Hương Đình và Phạm Đức Long. Trong đó, Phạm Đức Long là người viết muộn nhất. Lên Pleiku chờ nhận việc giữa mùa mưa, buồn chả biết làm gì, bèn viết, những bài thơ đầu tiên tôi là người đọc, biên tập rồi giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Gia Lai-Kon Tum.

Hương Đình thì đã làm thơ từ hồi học sinh, trước Phạm Đức Long tới gần chục năm, từng “chủ biên” kiêm trình bày tới mấy tập thơ chép tay nhiều tác giả cùng lứa ở quê. Hương Đình cũng viết 3-4 truyện ngắn, từng in ở Báo Văn Nghệ thời hoàng kim nhất, nhất là truyện “Một vai hề” viết về chính thân sinh mình là ông hề Công nổi tiếng xứ tuồng Bình Định, rồi cũng thôi.

Nhưng tới Phạm Đức Long thì chúng tôi nể. Anh là người duy nhất trong 3 chúng tôi, sau thơ có tập truyện ngắn xuất bản và không chỉ một tập, tới mấy tập. Thậm chí là chúng tôi hết sức bất ngờ khi biết cùng lúc hiện nay anh đang viết tới 2 cuốn tiểu thuyết. Cái đạt giải ba tôi nhắc ở trên là cuốn “Gái nông trường”, còn cuốn viết tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề “Sống mãi với thời gian” là “Hoa hồng trong mưa” với hơn 100 trang, hơn 40 ngàn từ.

Tôi và Hương Đình nghe và đều “choáng”. Lạ nữa là, trước đấy, vài chục năm trước, mỗi chiều chúng tôi đều tụ tập để khoe với nhau những gì đang viết, đã viết, đọc cho nhau để góp ý. Nhưng giờ, với 2 tiểu thuyết này, Phạm Đức Long viết hết sức bí mật. Chúng tôi nể Phạm Đức Long là bởi, nói gì thì nói, tiểu thuyết luôn là vũ khí hạng nặng của văn chương, dù bây giờ, nói thật, người đọc tác phẩm dài rất ít.

Còn vài sự kiện nhỏ nữa của các bạn viết trẻ. Họ cùng với những tác giả thành danh đang dựng nên một diện mạo văn chương Gia Lai, mà 2 sự kiện tôi kể trên là tiêu biểu. Có thể coi đây là tín hiệu vui, nổi lên của văn chương Gia Lai để bước vào năm rồng này chăng?

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.