Chử Anh Đào: Người tiên phong của văn chương Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi tôi lên Pleiku thì nhóm viết ở thị xã này đã có Chử Anh Đào, Cao Tất Tịnh, Nguyễn Tiến Soạn... là giáo viên trẻ ở các trường THPT và Trung cấp Sư phạm. Cái giống dân viết lách đánh hơi và tìm nhau rất nhanh.
Hôm ấy, nghe chị Hồng Vân làm cùng Phòng Văn nghệ nói: “Tối nay ở Thư viện tỉnh có cuộc nói chuyện về sách, diễn giả là Chử Anh Đào, Hùng nên đi để biết và làm quen anh em”. Tất nhiên là tôi hăm hở đi, mới lên, đang lơ vơ ở nhà khách, tối có chỗ đi chơi thì tốt quá còn gì?
Lặng lẽ ngồi một góc, nghe rồi về. Gần trưa hôm sau, chị Vân đưa mẩu giấy, thấy ghi mấy chữ rất tháu: “Tối qua không biết có VCH ngồi dưới, tiếc quá”.
Rồi tôi được giao biên tập số Tạp chí Văn Nghệ đầu tiên. Nhớ có bài thơ “Sông Đak Bla” rất hay: “Sông Đak Bla như một tiếng tù và/Thổi qua lòng xanh thị xã/Một thoáng đồng bằng trong phố xá/Kon Tum vầng trăng đầu tháng mọc bên em” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo và cái truyện ngắn thiếu nhi của Chử Anh Đào. In ra, bị sai một dấu phẩy. Nguyên bản là “Bé Tí hai tay chống cằm”, in thành “Bé Tí, hai tay chống cằm”. Hồi ấy in Typo sắp chữ chì. Tôi thì thấy để như in sai cũng được, cũng có nghĩa, thậm chí thú vị. Nhưng Trưởng phòng cương quyết bắt đi in đính chính.
Chiều ấy, Chử Anh Đào đạp xe tới rủ tôi đi nhậu để... chia sẻ sự cố. Cuộc nhậu đầu tiên với Đào là cuộc ấy. Cuối năm 1981.
Và tôi mới biết, Chử Anh Đào lên Pleiku từ năm 1977, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc là anh xuôi Nam ngay, chọn Pleiku làm bến đỗ, cũng chưa hỏi cái nguyên do nào khiến anh làm điều ấy. Giờ thì chả bao giờ hỏi được nữa rồi. Anh mới mất đầu tháng 8-2021.
Nhắc Chử Anh Đào ở Gia Lai thì rất nhiều người biết. Bởi anh là thầy giáo, đào tạo hàng vạn học trò suốt hơn 40 năm qua. Học trò của anh giờ nhiều người là lãnh đạo chủ chốt ở các huyện. Rồi anh là nhà văn, có cả chục đầu sách. Viết báo cũng nhiều. Và là một người tâm huyết với văn hóa dân tộc.
Chơi với bạn cũng rất là mọi nhẽ. Ít nhất với tôi, Chử Anh Đào đã có 40 năm là bạn. Rất nhiều bạn văn của tôi ở khắp nơi cũng là bạn Chử Anh Đào. Các bạn văn mọi nơi lên thăm tôi đều có Chử Anh Đào dự. Có những cuộc kể lại cười ra nước mắt, như Đào mời nhưng ăn xong không có tiền trả, rút đồng hồ để “cắm” thì họ lại lấy đồng hồ của... tôi?
Nhà văn Chử Anh Đào (thứ 2 từ phải sang) trong một chuyến công tác với Anh hùng Núp. Ảnh: Văn Công Hùng
Nhà văn Chử Anh Đào (thứ 2 từ phải sang) trong một chuyến công tác với Anh hùng Núp. Ảnh: Văn Công Hùng
Vui nhất là việc Chử Anh Đào bị lộn sang họ Chữ và thành người dân tộc thiểu số. Hôm chị Ngô Thị Hồng Vân nói với tôi chắc nịch Chử Anh Đào là người... dân tộc thiểu số. Tôi hỏi dân tộc gì chị bảo không nhớ, nhưng là một dân tộc ở phía Bắc. Thì ra là thế, thảo nào tôi thấy ông này ngoài họ Chữ còn da đen, tóc xoăn, môi dầy trông rất... phồn thực. Cái ý nghĩ Chử Anh Đào là người dân tộc thiểu số phải đến mấy năm sau mới hết, là khi tôi làm gì đấy có liên quan đến một cái danh sách trích ngang những người viết ở Gia Lai-Kon Tum do Ngô Thị Hồng Vân lập, Chử Anh Đào vô tình xem được mới bảo: “Này tôi nói cho ông biết nhé, tôi người Kinh thứ thiệt, Việt cổ, dân Phú Thọ đấy”. Và từ sau đấy, tôi chính thức là kẻ “khai sinh” cho anh trở lại... người Kinh, trở lại họ Chử chứ trước đấy trong các văn bản họ anh bị in thành Chữ. Sau này khi anh trúng cử HĐND tỉnh và được bầu làm Phó ban Dân tộc thì có người bảo: Có khi tại Đào vẫn giống... người dân tộc thiểu số.
Cái thời đói khổ lại là thời văn chương phát tiết nhất, không khí văn chương sôi động nhất. Tôi nhớ hồi ấy chiều chiều, những là tôi, Hương Đình, Phạm Đức Long, Bạch Ngọc, Nguyễn Trường Thanh, Bùi Quang Vinh, Nguyễn Như Bá, Cao Tất Tịnh, Đỗ Ngọc Thạch... hay tụ bạ uống rượu vỉa hè và nói chuyện văn chương. Có nhiều khi cãi nhau như mổ bò, năng lượng bỏ ra không tương xứng với xị rượu đế và tô xương bốc mả. Và chúng tôi khoe nhau những trang mới viết, bàn nhau những dự định, rủ nhau những cuộc đi vặt và cũng nói luôn, cho đến bây giờ điểm lại, những trang viết hay nhất, xúc động nhất của chúng tôi lại là từ những ngày ấy. Cặm cụi nửa cuộc đời, đến lúc đồng hồ không còn mang chức năng kép là... ký nợ nữa, đi ra đường không thon thót lo đụng bánh tráng nữa, có được tờ bạc lớn không phải giấu vợ bằng cách gấp thật nhỏ xếp vào ngăn bí mật nhất trong ví nữa thì gặp nhau lại khó. Thứ nhất là bệnh tật rồi, đến tuổi đi bộ buổi chiều rồi, đi đâu cũng kè kè túi thuốc rồi; thứ hai là mỗi người mỗi phận, đều những trọng trách cả, công việc nhiều khi không dứt ra được; thứ ba là hóa ra càng già càng khó tính. Bây giờ không còn phải lăn tăn chuyện uống gì khi ngồi mà là ngồi với ai mới quan trọng. May mắn là, thi thoảng một buổi chiều nào đó có thời gian hoặc buồn buồn hoặc không buồn không vui hoặc có vui có buồn, tôi gọi thì Đào bao giờ cũng sẵn sàng, dù nhiều lúc anh cũng đang mệt hoặc không muốn ngồi hoặc đang bận việc... Là cũng một cách chiều nhau, không muốn nhau buồn. Tôi hiểu điều ấy dù cũng có vài lần Đào gọi thì tôi lại đang... ở xa.
Nghỉ hưu, tôi có 3 năm vào Sài Gòn làm việc cho một khu du lịch, có lần về, ngồi với nhau ở “cà phê chai” gốc nhãn đường Quyết Tiến, Đào nói: “Ông có việc đi làm sau hưu cũng mừng, nhưng thi thoảng cũng phải về chứ ở nhà mọi người cũng nhớ ông đấy”. Khi ấy, Đào đã phát hiện mình bị ung thư. Và nếu ở Pleiku, tôi đều giữ đúng hẹn mỗi tuần gặp nhau một lần cà phê gốc nhãn.
Chử Anh Đào là thế hệ nhà văn đầu tiên ở Pleiku đặt nền móng cho sự hình thành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và phong trào văn chương Gia Lai sau này.
VĂN CÔNG HÙNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…