Hiện thực đời sống ở đâu trong văn chương Gia Lai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Ở thời điểm hiện tại, nhìn vào lực lượng sáng tạo văn học Gia Lai đã có thể tự hào. Nếu những năm 80 của thế kỷ trước, đội ngũ này (bao gồm cả Kon Tum lúc ấy) chưa quá con số 20 thì nay số hội viên chi hội văn học đã lên đến con số 64 và dồi dào sức sáng tạo.

Những năm gần đây, mỗi năm, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhận được cả trăm tác phẩm đủ các thể loại (trừ kịch bản sân khấu) gửi về để xét đầu tư, tài trợ theo quy chế của Nhà nước. Có thể nói, đây là sự nỗ lực rất đáng trân trọng.

Dồi dào về số lượng nhưng chất lượng tác phẩm thì lại còn nhiều điều đáng bàn. Ở đây chỉ đề cập vấn đề đưa hiện thực đời sống vào tác phẩm.

Với mảng văn xuôi, đề tài chủ yếu được các tác giả phản ánh là về những vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình với những cuộc tình không toại nguyện, chuyện ngoại tình, mối tình tay đôi, tay ba. Rộng hơn chút nữa trong mối quan hệ láng giềng, đồng nghiệp nơi công sở thì chủ yếu cũng là những cuộc tình bí mật; thói lừa lọc, tàn hại nhau…

Với thơ, đề tài gần như cũng chẳng khá hơn khi chỉ thấy tâm trạng cô đơn, nỗi buồn hoang hoải, chênh chao. Người đọc tự hỏi: Phải chăng cuộc sống bây giờ chỉ có như vậy và đấy mới là điều mà người sáng tạo văn chương quan tâm nhất hiện nay?

Tác giả Đào An Duyên (bìa trái) và Tạ Chí Tào (ở giữa) tại chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm tối 31-10-2023. Ảnh: P.D

Tác giả Đào An Duyên (bìa trái) và Tạ Chí Tào (ở giữa) tại chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm tối 31-10-2023. Ảnh: P.D

Không đâu xa, nếu có điều kiện đọc lại những tác phẩm đăng trên Tạp chí Văn nghệ Gia Lai trước năm 1990 đã có thể cảm nhận một điều rất khác. Khó có thể nói tất cả những sáng tác thời điểm đó hay hơn bây giờ nhưng điều không thể phủ nhận là các tác phẩm này luôn đề cao tiêu chí phản ánh hiện thực đời sống.

Một cuộc sống hiện thực với những vật vã lo toan, những giọt mồ hôi chát mặn trên nương rẫy; những xung đột gay gắt giữa cái cũ và cái mới; niềm vui lấp lánh sau thành quả của những cuộc mưu sinh. Đặc biệt là sự sống động của một giai đoạn lịch sử với hình ảnh những con người cháy hết mình vì lý tưởng của dân tộc…

Còn hiện nay, những đề tài đó đã gần như trở thành “của hiếm”. Vẫn biết tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình là đề tài muôn thuở. Trong cuộc sống ngày nay, những mối quan hệ đó lại càng phức tạp, thậm chí là mong manh dễ vỡ, nhưng tất cả đâu chỉ có thế.

Nói về thơ, tất nhiên là chẳng ai cấm nhà thơ buồn. Trong lịch sử văn học, nhiều nỗi buồn đã trở thành những áng văn chương tuyệt tác. Tuy nhiên, đó là những nỗi buồn mang tính thời đại, những nỗi buồn có thật chứ không phải là nỗi buồn vụn vặt, giả tạo “đụng vào đâu cũng buồn” khiến người đọc khó lòng cộng hưởng, sẻ chia.

Công bằng mà nói, không phải tất cả các tác phẩm văn chương hôm nay đều như vậy. Một số tác giả cũng đã rất cố gắng đưa hiện thực cuộc sống vào tác phẩm của mình. Tuy nhiên, có thể nói, đến thời điểm này vẫn còn rất ít thành công. Điều dễ nhận thấy là hiện thực trong tác phẩm vẫn chưa thật, nếu không nói là vẫn còn một cái gì đó giả tạo, gán ghép.

Đặc biệt là viết về đời sống đồng bào dân tộc thiểu số thì điều này lại càng thấy rõ. Rất ít tác giả đưa được vào tác phẩm của mình hơi thở thật sự của cuộc sống hôm nay ở buôn làng. Đọc các tác phẩm của nhà văn lớp trước, chỉ đôi dòng đối thoại đã thấy “chất Tây Nguyên” hiện lên không thể lẫn.

Còn với nhiều nhà văn Gia Lai hôm nay, chưa nói ngôn ngữ, lối suy nghĩ, diễn biến tâm lý nhân vật cứ như... một cán bộ người Kinh mà đụng đến văn hóa phong tục là độc giả am hiểu đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số lại nhặt ra không ít “hạt sạn”. Điều này cho thấy vốn sống của người sáng tạo văn học hiện nay vẫn còn hạn chế.

“Tôi không tin một tác phẩm văn học thiếu hiện thực đời sống lại có thể sống được trong lòng người đọc”-một nhà văn nổi tiếng đã từng nói như thế.

Người đầu bếp dù có tài chế biến, dù có phương tiện nấu nướng hiện đại nhưng nguyên liệu dở thì cũng khó lòng tạo được món ăn ngon. Cũng như với nhà văn, dù có dùng phương pháp sáng tác gì, tài thuật ngôn từ bóng bẩy đến đâu nhưng thiếu hiện thực đời sống thì người đọc cũng sẽ dễ lãng quên tác phẩm của họ.

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...