Tín hiệu lạc quan trong phát triển doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Giá các mặt hàng nông sản không ổn định, cộng với ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời gian qua, số doanh nghiệp thành lập mới ở tỉnh ta vẫn khá nhiều. Đây là tín hiệu lạc quan để hướng đến mục tiêu 7.000 doanh nghiệp hoạt động vào cuối năm nay.

 

Cuối năm 2015, toàn tỉnh có 3.000 doanh nghiệp hoạt động. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tới năm 2020, tất cả các tỉnh, thành trên cả nước phải có số lượng doanh nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2015, tức Gia Lai phải có khoảng 6.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh ta đặt ra mục tiêu cao hơn đó là đến cuối năm 2020 có 7.000 doanh nghiệp hoạt động. Nhờ tích cực triển khai nhiều giải pháp, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có 5.855 doanh nghiệp hoạt động. Điều này có nghĩa, để đạt mục tiêu đề ra, trong năm 2020, ngoài duy trì số doanh nghiệp hiện có, tỉnh cần có thêm 1.145 doanh nghiệp thành lập mới.

 Từ tháng 5-2020 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp thành lập mới đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời. Ảnh: H.D
Từ tháng 5-2020 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp thành lập mới đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời. Ảnh: H.D



Với hơn 4.000 hộ kinh doanh cá thể, chỉ cần khoảng 1/3 trong số này chuyển đổi mô hình hoạt động, phát triển lên doanh nghiệp, tỉnh ta sẽ đạt mục tiêu đề ra. Nhưng thực tế, điều này khá khó khăn. Ông Cao Việt Lĩnh-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Chư Pah-nhận định: “Việc vận động hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp hoàn toàn không dễ. Đa số các hộ đều không mặn mà với việc chuyển đổi mô hình hoạt động. Họ an phận kinh doanh nhỏ lẻ vì thuế khoán nhẹ nhàng. Còn khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, họ buộc phải thuê kế toán, thực hiện báo cáo thuế, đóng bảo hiểm cho người lao động...”.

Khó khăn là vậy nhưng cho tới thời điểm này, công tác phát triển doanh nghiệp ở tỉnh ta đã có nhiều khởi sắc. Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Trong tháng 4, số doanh nghiệp thành lập mới gần như chững lại vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Nhưng từ tháng 5 tới nay, toàn tỉnh đã có gần 300 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó có gần 100 doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi và khoảng 200 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực điện mặt trời mái nhà. Việc doanh nghiệp thành lập mới tăng đột biến diễn ra sau khi có Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời. Dự kiến từ nay tới cuối năm, lượng doanh nghiệp thành lập mới đầu tư vào lĩnh vực này sẽ còn tăng rất nhiều”.

Theo lý giải của ông Phước, sở dĩ số lượng doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực điện mặt trời tăng lên đột biến là bởi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, mỗi doanh nghiệp chỉ được đầu tư dự án có công suất không quá 1 MW. Do đó, đơn vị nào muốn triển khai nhiều dự án thì phải thành lập nhiều doanh nghiệp khác nhau. Lĩnh vực chăn nuôi, nhất là nuôi heo ở tỉnh ta cũng rất tiềm năng. Thời gian gần đây, các tỉnh phía Nam đã hạn chế lĩnh vực này, trong khi đó, Gia Lai có diện tích đất rộng, khí hậu ôn hòa, thuận lợi để phát triển chăn nuôi. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã được thành lập mới để đầu tư vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng đang nỗ lực phát huy vai trò của mình trong việc vận động các hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp. Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội-cho hay: “Hiện vẫn có một số ngành nghề còn dư địa lớn như công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Chúng tôi sẽ chú trọng vận động để có thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động ở mảng này. Nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, Hiệp hội sẽ vận động, khuyến khích một số cơ sở sản xuất hạt điều, gạo, trứng, mật ong, thịt heo... chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm, sau đó phát triển thành doanh nghiệp để tăng cơ hội đưa sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài”.

Đối với vấn đề phát triển doanh nghiệp, tỉnh đã đưa chỉ tiêu cụ thể đến từng địa phương và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, các địa phương cũng đang tích cực vận động hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động thành doanh nghiệp. Với những giải pháp quyết liệt đó, tỉnh ta có thể hoàn thành mục tiêu có 7.000 doanh nghiệp vào cuối năm nay. 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.