Tín dụng chính sách tạo việc làm cho người dân nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 100% nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) được tập trung cho vay hỗ trợ tạo việc làm cho người dân nông thôn, đáp ứng phần nào nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất trong dân.

Nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện ủy thác cho Ngân hàng CSXH trong năm 2023 được tập trung cho vay hỗ trợ tạo việc làm. Mỗi hộ được vay 30-50 triệu đồng, thời gian vay phù hợp với chu kỳ sản xuất. Đồng vốn nhỏ nhưng mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân ổn định kinh tế gia đình.

Bà Rmah H’Anit (làng Tong Will, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cho hay: “Gia đình tôi có 5 sào đất, trước đây chủ yếu trồng mì nên thu nhập không bao nhiêu. Sau này, gia đình được chính quyền địa phương và ngân hàng tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để trồng cà phê. Bây giờ, cà phê đã cho thu hoạch. Gia đình còn mua được 2 con bò để nuôi, tạo thêm việc làm”.

Bên cạnh các cây trồng, vật nuôi quen thuộc, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với nhu cầu thị trường. Gia đình bà Nguyễn Thị Hậu (làng Tốt Biớch, thị trấn Chư Sê) ngoài trồng 1 ha cà phê đã chủ động tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm.

Bà Hậu phấn khởi chia sẻ: “Nhận thấy mô hình trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập đều đặn, có đầu ra ổn định nên tôi vay vốn ngân hàng để trồng 5 sào dâu lấy lá nuôi tằm. Mỗi tháng, tôi thu hoạch tơ kén 1-2 lần nên đời sống gia đình ngày càng ổn định”.

Nhờ nguồn vốn tín dụng, người dân nông thôn đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định. Ảnh: S.C

Nhờ nguồn vốn tín dụng, người dân nông thôn đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định. Ảnh: S.C

Năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện ủy thác sang Ngân hàng CSXH là 46,5 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn này cùng với nguồn vốn Trung ương, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ bổ sung vào cuối năm đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho 11.782 lao động địa phương với doanh số cho vay 590 tỷ đồng-mức cao nhất trong các năm qua.

Năm 2024, UBND tỉnh đã quyết định chuyển 40 tỷ đồng sang Ngân hàng CSXH để cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực địa phương để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, phấn đấu mỗi huyện ủy thác nguồn vốn ngân sách tối thiểu 2 tỷ đồng, các thị xã, thành phố 5 tỷ đồng.

Ngay trong tháng 1-2024, UBND huyện Chư Sê đã quyết định điều chuyển 2,5 tỷ đồng ủy thác cho Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Ông Nguyễn Đình Lý-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê-cho biết: “Nhu cầu vốn giải quyết việc làm của người dân rất lớn. Vì vậy, chúng tôi đề xuất Ban đại diện phân bổ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác về các xã, thị trấn để cho vay hỗ trợ tạo việc làm.

Hầu hết hộ vay có mức sống trung bình, chịu khó làm ăn nên nguồn vốn vay 50-100 triệu đồng/hộ được phát huy hiệu quả tối đa vào hoạt động sản xuất, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập.

Năm 2023, Phòng Giao dịch đã tranh thủ nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương cho vay giải quyết việc làm đối với 713 lao động, doanh số cho vay 33,4 tỷ đồng, dư nợ của chương trình đạt 67 tỷ đồng”.

Tương tự, UBND huyện Chư Pưh cũng quyết định điều chuyển 2 tỷ đồng sang Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để tiếp tục cho vay hỗ trợ tạo việc làm, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Khắc Lê-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện-thông tin: “Năm 2023, doanh số cho vay của chương trình đạt 27 tỷ đồng với 616 hộ vay. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nguồn vốn đã phát huy hiệu quả tích cực giúp nhiều hộ gia đình có việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống.

Ngay từ đầu năm nay, chúng tôi chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác để tuyên truyền, vận động, nắm bắt nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân. Thông qua đó, chúng tôi bố trí nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện”.

Có thể bạn quan tâm

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.