Tìm giải pháp "sống chung" với xe công nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới đây, Ban An toàn Giao thông tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho người dân tộc thiểu số điều khiển máy kéo nhỏ trên địa bàn tỉnh. Đây được xem như một giải pháp quan trọng nhằm kéo giảm số vụ tai nạn giao thông do loại phương tiện này gây ra.

Theo thống kê của Ban An toàn Giao thông (ATGT) tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có gần 38.000 máy kéo nhỏ (dưới đây gọi là xe công nông) đang hoạt động. Đối với loại phương tiện này, theo điểm a, khoản 4, Điều 59 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, người điều khiển phải có giấy phép lái xe hạng A4. Tuy nhiên, đến nay, toàn tỉnh chỉ có 126 trường hợp có giấy phép lái xe hạng A4. Điều này có nghĩa, tuy chưa có giấy phép lái xe nhưng lâu nay hầu hết người điều khiển xe công nông vẫn tham gia giao thông.

 

Hầu hết người điều khiển xe công nông ở tỉnh ta chưa có giấy phép lái xe hạng A4. Ảnh: V.P
Hầu hết người điều khiển xe công nông ở tỉnh ta chưa có giấy phép lái xe hạng A4. Ảnh: V.P

Chính bởi “lỗ hổng” này và cả sự thiếu quyết liệt của các lực lượng chức năng trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, những năm qua, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe công nông trên địa bàn tỉnh vẫn thường xuyên xảy ra, để lại những hậu quả hết sức đau lòng. Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh, trong năm 2014, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ TNGT liên quan đến xe công nông. Đến năm 2015, con số này tăng lên thành 16 vụ, trong đó có vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại quốc lộ 14, đoạn qua xã Ia Khươl (huyện Chư Pah) tối 27-11 làm 5 người chết, 9 người bị thương.

Ngay sau khi vụ tai nạn thảm khốc này xảy ra, UBND tỉnh đã có Công điện số 13/CĐ-UBND nghiêm cấm xe công nông lưu hành trên quốc lộ, đường tỉnh và trong khu vực nội thị. Đây được xem là động thái hết sức quyết liệt nhằm ngăn chặn những hiểm họa do loại phương tiện này gây ra. Thực hiện Công điện số 13, Ban ATGT tỉnh và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền các quy định pháp luật về quản lý hoạt động của xe công nông; đồng thời, khảo sát tình hình, vận động người dân tự giác đăng ký học và dự sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A4 nhưng không đạt được kết quả mong muốn. Lực lượng Công an toàn tỉnh cũng đã tổ chức các đợt cao điểm kiểm soát và xử lý vi phạm đối với xe công nông; vận động, tổ chức cho hơn 34.600 chủ phương tiện ký cam kết không vi phạm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông và gắn biển phản quang cho gần 23.000 xe công nông để dễ nhận biết khi hoạt động vào ban đêm. Nhìn chung, thời gian qua, người điều khiển xe công nông trên địa bàn tỉnh đã chấp hành khá nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Tuy nhiên, tình trạng xe công nông lưu hành trên quốc lộ, đường tỉnh và trong khu vực nội thị, thậm chí chở người trên thùng xe vẫn diễn ra không ít. Điều này khiến mục tiêu phòng ngừa TNGT do phương tiện này gây ra vẫn còn nhiều hạn chế.

Trước tình hình này, mới đây, Ban ATGT tỉnh đã có văn bản gửi Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho người dân tộc thiểu số điều khiển xe công nông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban ATGT tỉnh đề nghị Ủy ban ATGT quốc gia hỗ trợ cho tỉnh 1 tỷ đồng để tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho khoảng 1.300 đối tượng là người dân tộc thiểu số. Trong trường hợp Ủy ban ATGT quốc gia đồng ý, những trường hợp người dân tộc thiểu số đăng ký đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 sẽ được hỗ trợ 50% học phí phải nộp (hiện mức học phí khoảng trên 1,7 triệu đồng/người).

Trao đổi về điều này, ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, cho biết: Việc tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A4 cho người điều khiển xe công nông không chỉ đem lại hiểu biết pháp luật về trật tự an toàn giao thông mà còn tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân và tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, góp phần kiềm chế, kéo giảm TNGT trên địa bàn một cách bền vững. Để chuẩn bị cho việc này, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện và phối hợp với UBND các địa phương tổ chức tuyển sinh, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển công nông trên địa bàn.

Hy vọng rằng, với những giải pháp quyết liệt, phù hợp như trên, việc quản lý hoạt động của xe công nông trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng phát huy hiệu quả và loại phương tiện này sẽ không còn là “hung thần” với người tham gia giao thông như lâu nay.

Vĩnh Phúc

Có thể bạn quan tâm

Trao 27 suất quà cho đoàn viên, người lao động mắc bệnh hiểm nghèo ở huyện Đức Cơ và TP. Pleiku

Trao 27 suất quà cho đoàn viên, người lao động mắc bệnh hiểm nghèo ở huyện Đức Cơ và TP. Pleiku

(GLO)- Ngày 15-5, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy-Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Gia Lai cùng đại diện các Ban của LĐLĐ tỉnh thăm và tặng quà 6 đoàn viên, người lao động bị bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Đức Cơ, mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phát động Tháng Nhân đạo

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phát động Tháng Nhân đạo

(GLO)- Sáng 12-5, tại xã Đăk Pơ Pho (huyện Kông Chro), Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Huyện Đoàn Kông Chro tổ chức lễ phát động Tháng Nhân đạo năm 2024 với chủ đề “Hành trình nhân đạo-Trao nhận yêu thương”.

Ấm lòng bữa cơm 15 ngàn đồng

Ấm lòng bữa cơm 15 ngàn đồng

(GLO)- Hơn 4 năm qua, mỗi năm có gần 100 học viên là bộ đội xuất ngũ và học viên người dân tộc thiểu số được cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng Nghề số 21 (Binh đoàn 15) nấu những bữa cơm đảm bảo ăn no, đủ chất với giá chỉ 15 ngàn đồng.
Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn do sạt lở đất ở tỉnh Hà Tĩnh

Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn do sạt lở đất ở tỉnh Hà Tĩnh

(GLO)- Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy-Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Gia Lai vừa cùng đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên gia đình 2 nạn nhân Đinh Sơn và Đinh Hlum (cùng trú ở xã Kông Chiêng, huyện Mang Yang) bị tử vọng do sạt lở đất tại tỉnh Hà Tĩnh.