Cộng đồng trách nhiệm
Huyện Mang Yang có 709 người được hưởng trợ cấp hàng tháng. Các chế độ, chính sách đối với người có công luôn được địa phương quan tâm triển khai giải quyết kịp thời, chu đáo, đúng đối tượng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện đã triển khai đồng bộ, đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước, phúc lợi và an sinh xã hội, bảo đảm các chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công. Trong đó, đề nghị giải quyết chế độ mai táng phí và trợ cấp cho 26 đối tượng; lập danh sách điều dưỡng tại nhà cho 164 đối tượng người có công và thân nhân với số tiền chi trả hơn 239 triệu đồng; đưa 15 đối tượng đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công miền Trung tại Đà Nẵng; chi trả chế độ thăm viếng mộ cho 1 thân nhân liệt sĩ; đề nghị giải quyết chế độ thờ cúng đối với thân nhân của 3 liệt sĩ; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 452 đối tượng.
Trên thực tế, công tác giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: một số đối tượng người có công với cách mạng là người dân tộc thiểu số, biết ít tiếng phổ thông dẫn đến hạn chế trong việc tiếp cận các chế độ chính sách; việc thực hiện chủ trương chi trả chế độ cho đối tượng qua tài khoản cũng lúng túng.
Bà Hoàng Thị Lan Anh-Phó Chủ tịch UBND huyện-thông tin: Hàng năm, UBND huyện đều có kế hoạch kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách người có công để kịp thời xử lý những sai sót, bất cập ở cơ sở. Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan tiếp tục rà soát, tìm nhân chứng lịch sử hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng.
10 thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh nhận quyết định phụng dưỡng và quà của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: Phương Dung |
Cùng với đó, các địa phương bố trí ngân sách và huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tôn tạo, tu sửa, chỉnh trang công trình ghi công liệt sĩ bảo đảm khang trang, sạch đẹp. Ông Hoàng Đức Anh-Chủ tịch UBND xã Ia Kla (huyện Đức Cơ) cho hay. “Trên địa bàn xã có di tích Chiến thắng Chư Bồ. Đây là công trình có ý nghĩa văn hóa lịch sử, nhân văn sâu sắc; là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Cán bộ, chiến sĩ, cựu quân nhân và người dân trong huyện thường xuyên viếng thăm vào các ngày lễ, Tết. Cấp ủy, chính quyền địa phương giao lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia quét dọn, chăm sóc cảnh quan”.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Đức Anh cho biết thêm, trên địa bàn xã có 39 gia đình chính sách, người có công. Trong năm 2023, Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ xây dựng 1 căn nhà cho gia đình chính sách; Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) hỗ trợ 12 con bò giống và trực tiếp đồng chí Tư lệnh Binh đoàn 15 hỗ trợ 2 con bò, giúp các gia đình có phương tiện sinh kế, cải thiện thu nhập.
Đoàn xã Dun (huyện Chư Sê) dọn dẹp vệ sinh khuôn viên Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ trên địa bàn xã. Ảnh: Phan Lài |
Theo thống kê, toàn tỉnh có 65 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 14 nghĩa trang liệt sĩ, 38 nhà bia ghi tên liệt sĩ, 5 đài tưởng niệm liệt sĩ, 5 đền thờ liệt sĩ và 3 ngôi mộ chung. Đây là nơi yên nghỉ của trên 11.000 anh hùng liệt sĩ. Riêng tại huyện Chư Sê có 7 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có Nghĩa trang Liệt sĩ huyện và 6 nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại các xã: Dun, Ia Blang, Ia Ko, Al Bá, Ia Hlốp, Ayun.
Từ năm 2003 đến nay, từ các nguồn lực, huyện đã đầu tư hơn 18 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ. Năm 2016, cùng với ngân sách huyện và nguồn vốn xã hội hóa, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tài trợ 10 tỷ đồng để khởi công, nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Năm 2021, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Ayun được xây dựng với tổng kinh phí hơn 820 triệu đồng. Trong năm 2021, huyện đã tiến hành tu bổ, sửa chữa các nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của xã Ia Hlốp, Al Bá, Ia Blang. Cuối năm 2022, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Dun được sửa chữa, tôn tạo với tổng kinh phí 420 triệu đồng.
Bà Lê Thị Ngọc-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê-trao đổi: Các nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm liệt sĩ trên địa bàn huyện đều được quản lý, trông coi cẩn thận. Đoàn viên, thanh niên thường xuyên dọn vệ sinh khuôn viên các công trình ghi công liệt sĩ.
Nặng nghĩa tri ân
Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; tìm kiếm, quy tập, an táng liệt sĩ; tu sửa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ... được tỉnh triển khai hiệu quả, thu hút sự tham gia của toàn xã hội.
Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh vận động trên 3 tỷ đồng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Nguồn quỹ có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ các gia đình chính sách gặp khó khăn và tu sửa, nâng cấp, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ. Năm 2022, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tỉnh đã hỗ trợ 96 hộ nghèo người dân tộc thiểu số có thành viên là người có công tại 8 huyện: Kbang, Chư Prông, Ia Pa, Kông Chro, Đak Pơ, Krông Pa, Ia Grai, Chư Păh; kinh phí mỗi hộ 10 triệu đồng cùng nguồn đối ứng của địa phương hỗ trợ các hộ tăng gia sản xuất. Đến nay, các hộ đã có cuộc sống cơ bản ổn định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch: “Thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng thể hiện sâu sắc truyền thống cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đồng thời, đây còn là biện pháp giáo dục truyền thống thiết thực nhất, nhằm làm cho các thế hệ hôm nay, nhất là thế hệ trẻ thấm nhuần đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh cho hòa bình, độc lập và sự trường tồn của đất nước”.
Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-khẳng định: Trên địa bàn tỉnh không còn hồ sơ chính sách người có công tồn đọng. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công, việc giải quyết chế độ chính sách người có công vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Do phần lớn người có công là đồng bào dân tộc thiểu số nên quá trình lập hồ sơ từ cơ sở bị sai sót, chỉnh sửa nhiều lần; phong tục tập quán của đồng bào địa phương thường ở trên rẫy, do vậy công tác quản lý, chi trả trợ cấp cũng gặp những khó khăn nhất định.
“Sở đang phối hợp với Bưu điện tỉnh (đơn vị thực hiện dịch vụ chi trả trợ cấp) rà soát và triển khai chi trả qua thẻ không dùng tiền mặt”-bà Duyên cho hay.
Để công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành việc làm thường xuyên, thiết thực, ý nghĩa, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, tỉnh tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Đồng thời, hướng dẫn triển khai Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21-7-2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24-7-2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng. Nghị định nêu rõ chuẩn quy định ở trên làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (ở giữa) tặng quà cho gia đình chính sách nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Ảnh: Phương Duyên |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Quan tâm, chăm lo gia đình chính sách, người có công là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”..., huy động nhiều hơn nguồn lực xã hội chung tay cùng địa phương chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công.
Cùng với đó, làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công; tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tham gia các hoạt động xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tích cực vận động, phát động phong trào sâu rộng trong cộng đồng; kết hợp phát huy nguồn lực của trung ương và nguồn lực tại chỗ hợp lý, hiệu quả; không để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong quá trình huy động các nguồn lực thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Các cơ quan chức năng, trong đó nòng cốt là ngành Lao động-Thương binh và Xã hội làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên tinh thần đảm bảo đời sống người có công và gia đình chính sách được nâng lên. Đặc biệt, quan tâm đến người có công là đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức thực hiện các chính sách đến với người có công nhanh nhất và đầy đủ. Cơ quan quân sự tích cực phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện tốt, hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác minh xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.