Tôi có dịp trò chuyện cùng thầy Mai Ngọc Linh sau ngày anh cùng học sinh toàn thắng trở về từ 2 cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022-2023 và học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ V-2023. Gương mặt anh ánh lên niềm vui mỗi khi nhắc đến thành tích mà các trò vừa đạt được.
Trong lời khen có cánh dành cho các em, thầy Linh không hề đề cập đến đóng góp của bản thân, bởi anh luôn cho rằng “Học sinh bây giờ rất giỏi, luôn luôn chủ động và sáng tạo. Thậm chí, có những vấn đề, các em còn hiểu biết nhiều hơn người hướng dẫn”.
Cơ duyên với nghiên cứu khoa học
Sinh năm 1980 tại Nga Sơn (Thanh Hóa) nhưng từ năm lên 4 tuổi, Mai Ngọc Linh đã cùng gia đình vào Gia Lai định cư. Bởi vậy, anh xem mảnh đất cao nguyên nắng gió này như quê hương của mình và không ngần ngại quyết định quay về góp sức cho nền giáo dục tỉnh nhà sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chuyên ngành Vật lý vào năm 2002.
![]() |
Thầy Mai Ngọc Linh hướng dẫn học trò thực hiện dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Ảnh: Đức Thụy |
Ngôi trường đầu tiên gắn bó với thầy giáo trẻ là Trường THPT Ia Grai (nay là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Ia Grai). Sau 4 năm, anh chuyển công tác về Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku). Tại đây, với mong muốn vững vàng hơn trên chuyến đò đưa học sinh đến bến bờ tri thức, anh đã “Bắc tiến” và quyết tâm hoàn thành chương trình thạc sĩ. Bằng sự tận tâm và tấm lòng yêu nghề, mến trò, anh cố gắng xây dựng nên những giờ dạy chất lượng và cuốn hút. Do vậy, không khó để lý giải vì sao cứ đến tiết Vật lý của thầy Linh, học sinh lại vô cùng hứng khởi.
Trong câu chuyện nghề của thầy Linh, điều khiến tôi bất ngờ là suốt 17 năm công tác, anh chưa hề một lần “lấn sân” sang lĩnh vực nghiên cứu khoa học hay hỗ trợ học sinh phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Mọi thứ chỉ bắt đầu vào năm 2019, khi anh chuyển về giảng dạy tại Trường THPT chuyên Hùng Vương.
Thầy Linh chia sẻ: “Được Ban Giám hiệu tin tưởng giao nhiệm vụ hướng dẫn học sinh, tiếp bước các đồng nghiệp đi trước đã rất thành công ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật, lúc đầu, tôi thấy khá áp lực. Nhờ sự động viên khích lệ của lãnh đạo nhà trường, sự hỗ trợ từ đồng nghiệp có chuyên môn cùng với lòng tin yêu của học trò, tôi đã mạnh dạn thử sức. Với tôi, đây vừa là cơ duyên, cũng vừa là thử thách để bản thân có thể tạo nên bước ngoặt mới trong sự nghiệp giảng dạy của mình”.
Thầy Linh tâm sự, có lẽ niềm đam mê với công nghệ từ nhỏ chưa bao giờ tắt nên khi hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời-địa lợi-nhân hòa”, anh có thể phát huy được khả năng của bản thân. “Trước kia, vì sở thích ấy mà tôi luôn ấp ủ dự định theo học ngành Điện-Điều khiển tự động Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Rồi gia đình gặp biến cố, điều kiện kinh tế không cho phép nên tôi buộc phải rẽ hướng sang sư phạm. Dẫu vậy, tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận trên lối đi này. Nghề giáo đã mang đến cho tôi nhiều món quà tinh thần thật quý giá”-thầy Linh nhìn nhận.
Vượt khó “tiếp lửa” cho học trò
Ý thức được trách nhiệm của mình, từ khi nhận nhiệm vụ, thầy Linh đã không ngừng tự tìm tòi, học hỏi, trau dồi thêm kiến thức để có thể hỗ trợ tốt cho học sinh trong quá trình thực hiện các dự án. Đề tài đầu tiên thầy đồng hành với học trò tham gia Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức có tên “PPG-Máy nhiệt phân rác thải nhựa thu nhiên liệu dầu và xử lý khí thải”.
![]() |
Thầy Mai Ngọc Linh (bìa phải) đồng hành cùng các học sinh trong nhóm dự án KHAN Tea & Coffee tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên năm 2023. Ảnh: Xuân Hương |
Theo thầy Linh, xuất phát từ mục tiêu bảo vệ môi trường, các em học sinh đã đưa ra ý tưởng sáng tạo chiếc máy nhiệt phân rác thải nhựa. Sau khi nghiên cứu, thầy trò đã bắt tay vào chế tạo sản phẩm. Máy di chuyển linh hoạt, vận hành đơn giản, đốt rác thải nhựa trong môi trường yếm khí với lò đốt 2 lớp, có cách nhiệt. Nhựa phế thải được đốt hóa lỏng và hóa khí. Theo cơ chế hoạt động, máy sẽ tiếp tục đưa khí dư quay trở lại lò làm nhiên liệu đốt và cho thu dầu với than cốc. Dự án đã đạt giải khuyến khích chung cuộc và đây cũng là năm đầu tiên, Gia Lai có dự án lọt vào vòng chung kết toàn quốc.
Cũng trong năm học 2020-2021, dự án “Nghiên cứu, chế tạo hệ thống truyền năng không dây được tăng cường hiệu suất bởi vật biến hóa có độ từ thẩm âm” của học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương dưới sự hướng dẫn của thầy Linh đã đạt được giải nhất cấp tỉnh, giải ba cấp quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học.
Thầy Mai Ngọc Linh: “Thật hạnh phúc khi tôi được “tiếp lửa” cho nhiều học trò giỏi và đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Các em đã làm được nhiều hơn những gì tôi mong đợi. Tôi cũng rất vui vì bản thân đã vượt qua chính mình, không phụ sự kỳ vọng của Ban Giám hiệu nhà trường và sự tin yêu của các em học sinh”.
Từ thành công bước đầu này, những năm tiếp theo, thầy Linh thường xuyên kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn cho học sinh thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và ý tưởng khởi nghiệp. Điều đáng mừng là tất cả dự án đều mang về giải thưởng, góp phần vào bề dày thành tích của Trường THPT chuyên Hùng Vương trên 2 lĩnh vực này.
Theo đó, dự án “SCF-Máy hấp cà phê” đạt giải khuyến khích Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2021; dự án “Nghiên cứu chế tạo cảm biến CO2 và xây dựng mô hình tự động giám sát, điều hòa khí trong môi trường kín để giảm tác động của CO2 đến sức khỏe con người” đạt giải nhất cấp tỉnh, giải nhì cấp quốc gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học năm học 2021-2022.
Mới đây, dự án “Chế tạo thiết bị phát hiện vi khuẩn trong nước uống và thực phẩm dựa trên nền tảng Internet vạn vật (IoT) cũng đã đạt giải nhất cấp tỉnh, giải nhì cấp quốc gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học năm học 2022-2023. Đặc biệt, dự án “KHAN Tea & Coffee/sản xuất-kinh doanh các sản phẩm Trà túi lọc từ vỏ cà phê Cascara và Trà từ lá cà phê Kuti tận dụng nguồn phụ phẩm cây cà phê tại Gia Lai” đã đạt giải nhì chung cuộc tại Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023.
Là một trong những học sinh được thầy Linh hướng dẫn thực hiện 2 dự án về khoa học kỹ thuật và khởi nghiệp trong năm học 2021-2022 và 2022-2023, em Đặng Lê Gia Hân (lớp 11C2A) cho hay: Thầy Linh luôn truyền cho em và các bạn nguồn năng lượng tích cực, sự tự tin theo đuổi đam mê thông qua những câu nói đầy ấn tượng hay những mẩu chuyện nhỏ về cuộc đời của thầy.
Thầy khuyên chúng em rằng: Trong cuộc sống, để thành công cần phải đứng trên vai những “người khổng lồ”. Đó có thể là những người có kinh nghiệm đi trước, những thành quả nghiên cứu trong quá khứ, những vĩ nhân hay chính là thầy cô, cha mẹ. Đồng hành cùng chúng em trong thực hiện các dự án, thầy lúc nào cũng động viên, hỗ trợ hết mình và có mặt bất kỳ lúc nào chúng em cần. Với em, vai trò của thầy vô cùng quan trọng trong việc giúp chúng em đến gần hơn với ước mơ của chính mình.
Bên cạnh hỗ trợ cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, hàng năm, thầy Linh còn phối hợp cùng đồng nghiệp trong trường làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp; đồng thời, ôn tập cho học sinh khối 12 để đạt được thành tích cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Là giáo viên chủ nhiệm, thầy cũng từng bước tạo dựng một môi trường học tập chủ động, tích cực, lành mạnh, thân thiện cho học sinh; sâu sát, động viên các em thi đua học tập và rèn luyện. Nhờ vậy, lớp thầy Linh chủ nhiệm trong các năm học đều nằm trong top đầu phong trào thi đua của nhà trường.
Với những đóng góp tích cực của mình, thầy Mai Ngọc Linh đã được các cấp, các ngành và nhà trường nhiều lần tuyên dương, khen thưởng. Tháng 9-2022, thầy Linh được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập năm học 2021-2022”.
Cô Lê Thị Thu-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương-đánh giá: “Thầy Mai Ngọc Linh phát huy tốt sở trường của bản thân trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và luôn năng nổ, đi đầu xây dựng phong trào học sinh khởi nghiệp trong nhà trường. Ban Giám hiệu đánh giá cao sự đóng góp của thầy Linh và luôn tạo điều kiện để thầy nói riêng, giáo viên trong toàn trường nói chung phát huy năng lực của mình trong giảng dạy cũng như trên các lĩnh vực giáo dục khác; từ đó chung tay đưa trường chuyên ngày càng phát triển”.