Tiếng đàn trời bay lên đỉnh núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi vừa chớm bước vào thôn Nà Đồn (xã Thanh Tương - Na Hang - Tuyên Quang) đã được đắm chìm trong không gian âm nhạc của núi rừng. Tiếng đàn then chào đón khách tới nhà rộn ràng và ngọt ngào, thanh thoát. Phía sau đường then là những cặp mắt ngời sáng mời gọi. Lời ca bừng lên xóa tan đám sương mù bảng lảng bên hiên nhà.

Chúng tôi ngỡ ngàng trong chốc lát xong bỗng thấy xốn xang với giai điệu mừng vui: “Em là người Na Hang bản xứ/ Lượn then mừng khách quý tới đây/ Ong bướm hẹn mùa xuân hoa nở/ Gặp anh, em mắt tỏ sáng gương”.

Tiếng đàn bắc cầu anh tới

Tiết trời êm dịu vẫn lưu giữ hồn xuân bên sông Gâm thơ mộng. Đường về bản Nà Đồn tựa như tranh vẽ đậm sắc màu quê hương vùng cao sơn kỳ thủy tú. Nơi đây vạn vật tốt tươi, mặt người tươi sáng. Quanh dãy núi điệp trùng là hoa nở ngát hương. Tuy là nơi sơn cước xa xôi nhưng lời ca ngày nào cũng vang lên đằm thắm cuốn hút lòng người.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Thẩm với cây đàn Tính.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Thẩm với cây đàn Tính.

Những cô gái thôn Nà Đồn e lệ khi trao gửi lời thương: “Đường về quê chúng em xa vời/ Vượt mười non chín sông người ơi/ Có đào nở rộ có mận chín đầy/ Óng ánh mật ong thơm ngào ngạt/ Cả bản làng sống giữa trời mây”. (tác giả Đàm Thanh). Ngay sau đó Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Thẩm xuất hiện với nụ cười hồn hậu chào đón chúng tôi. Tốp nữ đàn Tính lui về hai bên nhưng vẫn không dừng lời hát đón chào khách tới vào một ngày xuân bên sông Gâm. Đột nhiên có tiếng hát của một cô gái Tày vang lên như một tia nắng trong veo: “Người ơi đã yêu nhau thì xa mấy núi cũng qua (à ơi…)/ Dùng tiếng đàn bắc cầu anh tới nhé/ Lấy tiếng lượn dẫn lối người thương sang”. Khi chúng tôi ngồi khoanh chân bên nếp nhà sàn mộc mạc thì lời hát mới thôi quấn quýt.

Nà Đồn là một thôn của người Tày bên ngoại vi phố huyện chừng dăm cây số. Cũng như bao bản làng khác của Na Hang, thôn Nà Đồn cũng có một đội hát then và chơi đàn tính. Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm cho biết hát then dùng đàn tính và chùm xóc bạc làm nhạc đệm. Ông nói đó là những âm thanh của đàn trời vang vọng.

Tiếng đàn tính là sự kết giao của trời và đất cùng người với người. Trước hết đó là tình yêu. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe huyền thoại của cây đàn Then này. Ngày đó có chàng Xiên Căn người Tày sống trong nghèo khổ. Nom chàng thật lực lưỡng nhưng làm bao nhiêu cũng không đủ no. Xóm làng giúp đỡ nhau cũng không thể đánh lui được những khó khăn vất vả mà chàng Xiên Căn phải gánh chịu.

Chàng đã khóc bên nương rẫy, bên rừng suối không hiểu tại sao cuộc đời mình khổ. Một hôm Xiên Căn quyết vác đá xếp thành thang lên hỏi trời và cầu xin sự no ấm. Nhưng chàng ngạc nhiên khi thấy Ngọc hoàng ban cho một bầu vú trinh nữ để làm bầu đàn và một cánh tay tiên nữ làm cần đàn. Riêng dây đàn thì làm bằng ba sợi tóc của nàng tiên. Chàng bồi hồi lấy ngón tay bật lên những âm thanh trên cung đàn. Mỗi dây một hồn vía với bao quyến rũ. Dây trầm ngân rung sẽ làm cho ruộng đồng tốt tươi. Dây trung tạo nên sức mạnh tiềm tàng của con người sống trên đại ngàn hùng vĩ. Còn dây bổng lại réo rắt ngân vang những bản tình ca. Khi nó rung lên là tình yêu và hạnh phúc sẽ tới.

Biểu diễn phục vụ du khách trải nghiệm hoạt động bơi mảng, hát then đàn tính trên hồ Nà Nưa

Biểu diễn phục vụ du khách trải nghiệm hoạt động bơi mảng, hát then đàn tính trên hồ Nà Nưa

Từ đó người Tày có một cây đàn huyền diệu. Chàng Xiên Căn mang đàn đi tới mọi bản làng gieo những lời ca điệu nhạc tình yêu cuộc sống. Tới đâu cũng có người theo chàng học đánh đàn Tính và hát Then. Gió đưa âm thanh rộn rã khắp nơi. Mây trôi đó đây cũng mang theo điệu nhạc và lời ca Then. Tiếng đàn vang vọng khắp núi non, sông nước và luôn làm cho “Hoa thêm sắc thắm/ Cây cỏ xanh tươi/ Gió bay nhẹ lướt/ Mây lượn theo gió/ Suối reo thì thầm/ Lúa vàng đâm bông/ Ngô vui bắp lớn”. Chúng tôi lắng nghe nghệ nhân Nguyễn Văn Thẩm kể chuyện và hát cùng với cây đàn Tính.

Ông nói nghệ thuật trình diễn Then tạo nên không gian văn hóa tổng hợp giữa âm nhạc và văn học dân gian của nhóm cộng đồng người Tày, Nùng và Thái từ xa xưa. Riêng giai điệu Then xứ Tuyên luôn mượt mà, đằm thắm và thường mở đầu bằng câu “Ới la”. Đây là tín hiệu của lòng người trao gửi thân thiện và thương yêu. Nói rồi ông Thẩm cầm cây đàn lên dạo khúc giao tình. Ông cất tiếng ngọt ngào thanh thoát: “Ới la. Hoa núi rừng nở khắp đất trời/ Đẹp rạng rỡ cô gái của lòng anh/ Đôi bàn tay em trắng nõn nà/ Bên chợ tình bên nhau vấn vương”.

Chúng tôi nghe nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm cùng tốp ca của câu lạc bộ then Nà Đồi hát ngỡ như được sống trong phiên chợ tình vậy. Các cô gái vừa múa quạt và chơi đàn chập chờn trong làn điệu giao duyên thơ mộng. Những ngưng ngắt, luyến láy của âm thanh đàn Tính như tiếng người tâm sự bên cánh võng hay bên vườn cây trăm hoa khoe sắc. Ông Thẩm cho biết ngoài những làn điệu về tình yêu, hạnh phúc và lễ cưới, Then còn có mặt trong các lễ hội bản làng cùng các dịp lễ nhà mới, cấp sắc, gọi vía… Đó là những bản nhạc độc đáo của cây đàn Tính cùng với những làn điệu hát Then. Chính vì thế ở đâu có người Tày, Nùng, Thái là ở đó có Then và nghi lễ Then. Vẳng lên từ phía xa trên sườn núi có tiếng đàn Tính nỉ non như đang ấp ủ một giấc mơ. Ông Thẩm cho biết đó là tiếng ru của Then đó: “Hỡi ru à ơi!/ Ngủ yên giấc con nhé/ Cho đến khi tối mẹ về/ Mẹ vào ruộng hái dưa…”.

Một đời say đắm cùng Then

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Thẩm năm nay đã bước sang tuổi 88 nhưng ông vẫn nhanh nhẹn vừa đàn vừa hát. Đúng là Then không có tuổi. Cũng như hát Lượn, hát Sli, những làn điệu Then phong phú và có sự tỏa lan sâu rộng trong đời sống người Tày. Ông Thẩm trầm giọng nói, dãy núi Phượng Hoàng cùng con sông Gâm và sông Năng làm nên âm hưởng Then kỳ ảo kết nối trời đất và dệt hoa thêu gấm cho những lễ hội người Tày ở huyện Na Hang (Tuyên Quang). Nghệ nhân Thẩm đã đi khắp các xã trong huyện và cả những vùng đất khác để dựng Then.

Ông dạy hát, dạy đàn và sáng tác sau khi xuất ngũ và nghỉ hưu (1981). Nghệ nhân Thẩm nhớ lại tuổi thơ mình dường như được nuôi dưỡng bằng bầu sữa Then. Khi mới tập tọng biết nói, cậu bé Thẩm đã cất tiếng ngọng nghịu trong làn điệu ru. Đó là những đêm nghe ông bà truyền lại những làn điệu bên cánh võng và bếp lửa bập bùng trong đêm tối. Và còn đó những ngày ném còn, múa quạt cùng những con rối trong trò chơi Then khi cậu bé Thẩm đã lớn lên.

Sau này tình yêu đến cũng vì Then giao lưu giữa các thôn bản. Cô giáo Lường ngày ấy còn trẻ luôn thương nhớ giọng hát và tiếng đàn của chàng trai thôn Nà Đồn. Thế rồi cô cũng tìm đến chàng học hát để dạy học trò mỗi khi đến giờ nhạc. Tiếng đàn trời đã se duyên như thế. Đến nay cặp đôi tình Then này đã gắn bó với nhau được hơn nửa thế kỷ.

Cho dù đã ở tuổi 80, lưng đã còng và đôi mắt đã mờ đục nhưng bà giáo vẫn còn nhớ vanh vách những câu hát của người mình yêu lúc đó. Bà chậm rãi nhắc lại lời tỏ tình đầu tiên của chồng: “Xuân đến đêm vắng vẻ buồn quá/ Nhớ nàng như nhớ trăng đêm rằm/ Nhớ trăng tháng còn thấy một lần/ Nhớ nàng ở đường xa cách trở/ Ngày nghĩ mấy mươi lần chưa tối/ Đêm nằm thức mười canh chưa sáng/ Thân anh như chiếc đũa lẻ loi/ Làm sao tìm được đủ thành đôi…”.

Ông Thẩm cho biết hát Sli hay hát Then đều theo thể thơ bảy chữ nên dễ bày tỏ sâu sắc tình cảm lứa đôi. Lời ca tuy giản dị nhưng giàu hình tượng ẩn dụ và ví von tinh tế. Do vậy lời ca Then còn là kho tàng văn học dân gian giàu hình tượng âm nhạc luôn cuộn trào cảm xúc.

Không những là hạt nhân nổi bật trong tổ chức, cổ động và bảo tồn những làn điệu Then, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm còn sáng tác nhiều ca khúc. Ông có thế mạnh khi được đào tạo âm nhạc sau khi xuất ngũ về làm việc ở Ty Văn hóa Tuyên Quang (1970). Hát hay, đàn giỏi và sáng tác được như ông quả là hiếm hoi. Từ đó ông Thẩm hoạt động và phát triển hát Then ở nhiều nơi. Sau này được về huyện Na Hang làm việc, nghệ nhân càng phát huy được chiều sâu phong trào tới các thôn bản. Đến nay nghệ nhân Thẩm đã viết được 100 bài hát Then. Nhìn những dòng nhạc thanh thoát cùng những nốt nhạc uyển chuyển trên bàn làm việc của ông làm chúng tôi thích thú. Ông cho biết cảnh dạy Then truyền miệng như ngày xưa đã chấm dứt tại huyện Na Hang. Bất chợt nghệ nhân Thẩm đưa cho chúng tôi xem bản nhạc của ông sáng tác. Đó là bài “Gặp nhau ngày hội”. Đây là một trong những sáng tác của ông đã được giải thưởng trong các kỳ hội diễn Then. Ngay sau đó ông cất tiếng hát cùng cây đàn đã gắn bó với cuộc đời mình. Đó là những lời hẹn của mùa xuân và tình yêu. Giọng ông trong trẻo như suối reo: “Lòng thương bắc cầu mây đi tới/ Anh về đây vượt mấy núi non/ Về chiêm ngưỡng nàng tiên thác đổ/ Múa thương vui hò hẹn gặp nhau”.

Vậy là sau hơn 40 năm thủy chung với Then, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (2015). Ông cho biết hiện những làn điệu Then cổ chỉ còn tồn tại ở mấy huyện trong khu vực núi cao như Na Hang, Chiêm Hóa và Lâm Bình. Các nghệ nhân luôn dày công đi sâu vào những nơi khó khăn để sưu tầm và ghi chép lại những bài Then truyền thống hàng trăm năm qua còn lưu giữ trong dân gian. Đây là một trong những việc khó khăn nhất đối với những nghệ nhân hát Then. Bất ngờ tiếng gió rừng tràn xuống bản Nà Đồn cùng với tiếng chim trong đám mây cuối cùng còn đọng lại trên núi cao. Nhóm học sinh từ mái trường thôn ríu rít về nhà. Chúng tung tăng hát vang lời ca về hình ảnh chim phượng hoàng: “Tung cánh phượng hoàng bay/ Bay qua miền đất lạ/ Dập dìu qua Chiêm Hóa. Qua Cổ Yếng về tới Na Hang/ Tung cánh phượng hoàng thăm hoa Phặc Phiền/ Về thăm núi Pắc Tạ núi nàng tiên”. Nghệ nhân Thẩm mỉm cười rồi nói rằng, nết đất tạo ra tình người. Câu Then như được sinh sôi mọc rễ sâu trong cuộc sống người Tày. Và rằng, luôn còn đó nguồn sóng cuộn trào của con sông Gâm cất lên bản trường ca cuộc sống bao la trên đại ngàn thơ mộng. Chính vì thế Then là sự sống còn của người Tày từ bao đời nay.

Vọng nước non khoe sắc Phượng Hoàng

Câu nhạc cuối cùng trong bản nhạc hội xuân vừa kết thúc, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm khoe với chúng tôi những chiếc đàn Tính do chính tay ông làm. Những bầu đàn căng tròn như muốn rung lên những suối âm thanh thần tiên. Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của thi sĩ Trần Cung đã từng viết về hội hát Then ở Quảng trường thị trấn Na Hang. Những câu thơ đậm dấu ấn dân ca Lượn Then dạt dào cảm xúc: “Tiếng đàn Trời bay lên đỉnh núi/ Vọng nước non khoe sắc Phượng Hoàng/ Sóng cuộn sóng sông Gâm vang dội/ Làn điệu Then chắp cánh mênh mang” (Cảm tác đường Then). Ông Thẩm cho biết hiện cả tỉnh có tới gần 80 câu lạc bộ hát Then đàn Tính. Tất cả đều do cộng đồng người Tày, Nùng và Thái thành lập và hoạt động chừng 20 năm qua. Đặc biệt có không ít gia đình có tới ba thế hệ đều tham gia hát Then. Người dân tộc Tày đông nhất chiếm tới hơn 50% trong số 12 dân tộc sinh sống tại Na Hang. Chính vì thế Then trở nên mảng sống văn hóa sống động nhất từ xưa tới nay ở Tuyên Quang.

Mới đây nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thẩm cho biết nghệ thuật hát Then đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (2022). Bên nhà sàn, ánh mắt những người con gái Then long lanh như biển hồ trong xanh trên Vịnh Hạ Long xứ Tuyên. Đây cũng là nét nổi bật ở miền núi Phượng Hoàng thuộc Na Hang và Lâm Bình. Con hồ mênh mang bỗng im lặng trước những lời ca tiễn bạn. Dãy núi trong bản Nà Đồi cũng ngưng gió và giữ lại những đám tóc mây dịu dàng. Chúng tôi bịn rịn từng bước chân trôi trong làn điệu mơ màng. Ai nấy như bị những sợi tơ âm thanh níu giữ. Phải chăng đó là ba sợi tóc của tiên nữ xinh đẹp. Những câu thơ Xuân Diệu viết về Tuyên ngày nào bỗng dội về với nỗi dan díu đam mê. Cố thi sĩ tài hoa bậc nhất đã viết: “Đất nước ơi, ta quyện mình chặt lắm/ Nên đi rồi, lòng không thể gỡ ra/ Tuyên Quang, Tuyên Quang, đâu là mình, đất thắm/ Và phần nào là hồn thẳm của ta”. (Về Tuyên).

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.