Tiếng chim chuyển ý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nửa đêm về sáng. Trong không gian vắng lặng, đầy khí lạnh đặc trưng của Lâm Đồng bỗng vang lên những tiếng chim khắc khoải: “Kắc ka kắc kụp! Kắc ka kắc kụp!”... Tuấn bừng tỉnh giấc. Anh bước ra ngoài lan can của căn hộ nhỏ ở tầng cao nhất của tòa chung cư hai mươi tầng. Gió se se lạnh mơn man và sương lãng đãng giăng mờ. Hít một hơi dài, cảm giác uể oải sau một đêm dài trằn trọc tan biến. Lòng Tuấn tự nhiên nao nao. Không biết giờ này ở quê nhà thế nào? Đã bao lâu rồi anh chưa được về quê thăm nhà, không được hít hà mùi lúa mới, mùi đất phèn, rơm, rạ, mùi da thịt của thằng Khoai và nhất là mùi lá bưởi vương trên mái tóc dài của vợ.

 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Tuấn là một kỹ sư xây dựng. Ngay khi ra trường, nhờ một người bạn đồng ngũ với bố giới thiệu, Tuấn đã được nhận vào làm ở Công ty Xây dựng 319 của Bộ Quốc phòng. Công bằng mà nói, Tuấn là người làm được nhiều việc, anh được ví như con dao pha trong công ty. Ở Việt Nam, thời anh, việc đào tạo không phân biệt rạch ròi. Các kỹ sư tương lai khi tốt nghiệp sẽ chọn cho mình công việc nào là tùy vào cơ duyên, mối quan hệ của mỗi người. Có người chọn làm thiết kế, người giám sát, người đi thi công công trình và cũng không thiếu người phải làm những công việc không liên quan đến ngành học. Khéo tay, nhanh nhạy, Tuấn đã chọn hướng trở thành kỹ sư thực hành từ khi còn đang học. Công việc của anh là đặt những viên gạch đầu tiên cho một công trình. Khi anh đến là khu đất bỏ hoang nhưng khi anh đi khu đất đó sẽ là một tòa nhà chung cư hay một trung tâm thương mại. Dù chỉ là “một viên gạch nhỏ” trong quá trình xây dựng đó, nhưng anh vẫn rất sung sướng, tự hào về công việc của mình. Công việc luôn phải đi xa nhưng bù lại thu nhập cũng đủ để phụ giúp bố mẹ và lo cho gia đình. 
Vợ Tuấn, Xuân là một giáo viên trường quê, xinh nhất lớp anh ngày xưa. Đôi bạn cùng tiến, trải qua bốn năm đại học cùng nhau và thành vợ chồng sau ba năm Tuấn ra trường. Xinh và học giỏi, Xuân chắc cũng không khó khi xin những việc trái nghề hoặc dạy ở một trung tâm dạy thêm nào đó để co thể trụ lại ở thủ đô chờ cơ hội như nhiều người trẻ khác. Nhưng Xuân đã chọn về quê, xin dạy hợp đồng ở trường cấp ba gần nhà, để có điều kiện chăm bố mẹ chồng cho Tuấn yên tâm đi làm xa.”Thanh xuân như một chén trà”. Mới đấy mà đã gần chục năm. Tuấn lờ mờ cảm thấy tuổi xuân của vợ đang cạn dần như nước trong chén trà kia. Thương cô, anh cũng dọ ý nhưng Xuân nói cô hài lòng với sự lựa chọn của mình. Niềm hạnh phúc của vợ chồng anh được nhân lên khi họ đón thêm thành viên mới. Xuân bảo: Nhìn con, cô cảm thấy như anh chưa khi nào xa cô. Tuy nhiên, trong lòng Tuấn hiểu: Vợ anh chắc không mong sau này con theo nghề của cha. Suốt ngày phải sống xa nhà.
Cuộc sống vốn luôn thay đổi, theo chiều hướng không bình yên. Cuộc sống của người vợ xa chồng bất kể thời chiến hay thời bình đương nhiên càng bộn bề lao xao, Tuấn thương Xuân luôn phải bước thấp bước cao chống chọi với mọi thứ từ nỗi cô đơn tới sự trở chứng trái nết của bố mẹ già. Bố Tuấn năm nay đã ngoài bảy mươi lại là thương binh. Ông nhập ngũ vào đúng thời kỳ chiến tranh đánh Mỹ đang ở vào gian đoạn ác liệt nhất. Trải qua bao gian khó, hiểm nguy, đi qua vùng Bình Trị Thiên khói lửa mà chẳng hề hấn gì, ông trở thành quân nhân chuyên nghiệp và vinh dự được kết nạp Đảng ngay trước thềm trận đánh 30/4 khi còn rất trẻ. Hết cuộc chiến chống Mỹ, ông lại cùng đồng đội tham gia vào cuộc chiến chống quân Khơme đỏ tàn bạo ở biên giới Tây Nam, rồi sang Campuchia mãi tới năm 1986, sau khi bị thương, chuyển về địa phương công tác, ông mới chịu kết hôn. Kết hôn rồi nhìn những đứa trẻ bị di chứng chất độc màu da cam, ông lại lần nữa không dám sinh con. E ngại mãi rồi Tuấn cũng được ra đời. May mắn, Tuấn tuy khi sinh chỉ nặng có 2,6 kg nhưng khỏe mạnh, với đầy đủ chân, tay, mắt, mũi. Bà ngoại Tuấn kể lại rằng lần đầu ôm Tuấn, bố Tuấn, một người đàn ông bốn mươi tuổi đã kinh qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, từng chứng kiến bao nhiêu cảnh khói bom, chết chóc đã òa khóc như một đứa trẻ. Áp lực như vậy nên bố mẹ Tuấn chỉ sinh có một mình Tuấn. Nhà chồng neo người, bố mẹ chồng già yếu, chồng ở xa, con còn nhỏ lại là đứa èo uột, Xuân luôn phải quay cuồng với hàng núi công việc, cả gia đình và xã hội. Nhiều khi mẹ chồng ốm, cha chồng đau, một mình Xuân phải vừa trông con vừa chăm cha mẹ. Tuấn vô cùng lo lắng cho Xuân, nhất là khi con còn nhỏ và khi dịch giã bủa vây như thời gian qua, mà chỉ biết gọi điện và nhắn tin cho vợ. Có hôm con sốt, đêm, Xuân ngồi trông con trong trạm y tế xã mà vẫn nuốt nước mắt nhắn tin trả lời chồng là “Cả nhà vẫn khỏe, anh cứ an tâm!”. Mỗi lần nhớ vợ, Tuấn chẳng hiểu sao lại liên tưởng tới cái bóng trong truyện “Người con gái Nam Xương”, hình dung cái bóng gầy gầy của Xuân hắt lên tường dưới ánh đèn vàng lung lay, lung lay khiến anh chỉ muốn bay ngay về nhà với vợ. Đợt này trường Xuân đang tinh giản biên chế, giảm bớt giáo viên. Muốn tiếp tục dạy học thì giáo viên trong trường phải thi đạt điểm sát hạch theo quy định của ngành. Kỳ sát hạch này nghe đồn chỉ lựa chọn một phần trong số giáo viên đang dạy vào biên chế. Vậy nên, ngoài công việc nhà, Xuân lại phải gánh thêm việc học bài để thi. Sợ con quấy, Xuân phải tắt đèn cho nó đi ngủ trước, khi cả nhà đã chìm vào trong giấc ngủ cô mới thức dậy học bài. Một đêm, đang cặm cụi học sau một ngày mệt nhoài, Xuân chợt nghe vẳng lên đâu đó xa xăm tiếng chim hót trong đêm. Cô chưa nghe thấy tiếng chim lạ thế bao giờ, hoặc trước đây có nghe nhưng không để ý. Một tiếng ngân dài, sau đó là ba bốn tiếng tiếp nối như đuổi theo nhau trong không gian. Từ khi cô để ý đến nay cũng hơn một tuần, đêm nào cũng vậy cứ đúng giờ tiếng chim lại vang lên như gần như xa: “Kắc ka kắc kụp!”. Liệu đây có phải là tiếng chim “Khó khăn khắc phục!” mà Tuấn đã nhắc tới bữa trước không.
Sáng nay Xuân dậy sớm hơn mọi ngày để chuẩn bị cho buổi thi sát hạch. Đang lúi húi dọn dẹp thì nghe tiếp dép loẹt quẹt nhà trên. Mẹ chồng cô cất tiếng: 
- Mẹ thằng Khoai cứ để đó, bà làm cho. Con lên chuẩn bị mà đi lên tỉnh cho sớm. Ông đưa Khoai ra lớp ông nhé!
Hóa ra bố mẹ chồng cô cũng tinh ý và tâm lý, mặc dù cô không nói trực tiếp nhưng có lẽ nghe cô gọi điện với chồng nên ông bà biết hôm nay cô đi thi. Một cảm giác ấm áp dâng lên làm cô phấn chấn, thầm cảm ơn sự động viên tế nhị của bố mẹ chồng.
Mẹ chồng cô vừa đi xuống bếp vừa chép miệng:
- “Lúa ta chắc hạt! Lúa ta chắc hạt”. Năm nay quê ta lại được mùa đây!
Xuân thắc mắc:
- Sao bà nói thế hả bà?
- Mấy đêm nay con chim “Kắc ka kắc kụp” nó hót thế. Cứ khi nào nghe thấy tiếng chim: “Kắc ka kắc kụp! Lúa ta chắc hạt” thì y như rằng năm đó thóc lúa được mùa, không lo đói kém. Bà mẹ chồng thủng thẳng giải thích.
Xuân nhớ lại tiếng hót đêm qua, đúng như lời của mẹ chồng cô, thanh âm và ý nghĩa của nó quả rất giống nhau. Cô lẩm bẩm: “Lúa ta chắc hạt! Khó khăn khắc phục!”. Cứ như là chim đã mang lời Tuấn về cho cô vậy: Cố gắng khắc phục khó khăn em nhé! Anh nói nhiều quá nên chim nghe được chăng? Cô mỉm cười với ý nghĩ đó và thầm nhủ: Chị biết rồi, cảm ơn mày chim nhé!
***
Công việc của Tuấn đang gặp trục trặc. Công trình khu phức hợp nhà ở và văn phòng công ty anh đang thi công phải tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch COVID. Chủ đầu tư chậm trả, không có tiền mua vật tư thi công tiếp. Tổng công ty cũng gặp khó khăn khi dịch bệnh tràn lan, giãn cách xã hội. Công ty không ký nhận được dự án mới, phải cắt giảm nhân sự, lương, thưởng và thậm chí chậm lương công nhân viên hàng tháng trời. Đội của Tuấn mắc kẹt ở đây cũng đã mấy tháng. Trong thời gian chờ đợi nhà thầu thanh toán, anh đành cho công nhân nghỉ phép hoặc tranh thủ khi bớt dịch để nhận và thi công các công trình nhỏ khác. Tuy nhiên, dịch COVID vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến công việc này cũng phải tạm dừng để cho những công, nhân viên ở xa trở về nhà lo cho gia đình và tránh dịch. Bản thân anh hôm qua cũng đã bàn giao công việc cho một đội phó, là người địa phương, để xin cấp trên nghỉ phép về quê một thời gian.
- Khó khăn khắc phục! Khó khăn khắc phục! Tiếng chim lại vang lên trong đêm. Tuấn cố gắng định hướng nơi phát ra tiếng hót lanh lảnh đều đều kia mà không thể nào định hình được.
Tiếng chim kỳ lạ. Tuấn biết dịch tiếng hót này là nhờ bố. Quãng đời binh nghiệp mười mấy năm đã khiến ông có cả một kho kinh nghiệm vô cùng hữu dụng từ chuyện nhìn trời để đoán thời tiết, cách phân biệt tiếng động của nhiều loại thú khác nhau, cách tìm ra những loại rau quả ăn được, làm thế nào để tay không bắt cá, tới cách chọn ra các loại lá, vỏ cây để cầm máu, chữa vết bỏng, vết thâm. Ông kể khi nghe được tiếng chim này, ông đã mang thắc mắc hỏi dân địa phương, mỗi người trả lời một khác nên sau cùng ông tìm được một câu giải thích mà ông thấy phù hợp: Chim chuyển ý. Ông bảo: Khi lạc đơn vị ở Việt Nam, bố nghe tiếng chim thành: Sẽ qua hoạn nạn! Tới khi sang Campuchia thì lại tưởng như chim bảo: Có tôi giúp bạn!... Nghĩa là dựa vào tiếng hót và tiết tấu của nó, người nghe tùy vào tâm trạng và sự kiện mà dịch sang ý của mình nhưng dù có thế nào thì tiếng chim cũng khiến bố vững tâm hơn. “Khó khăn khắc phục!”. Tiếng hót lại vang lên lần nữa như muốn nói hộ tâm trạng của Tuấn. Tuấn nhanh nhẹn thu dọn đồ đạc vào vali vừa làm vừa tự nhắc: Cố gắng về sớm, tranh thủ kỳ nghỉ phép dài ngày này để kêu thợ sửa lại căn nhà cho bố mẹ dưỡng già. Nhất định sẽ làm cái sân rộng rãi cho thằng Khoai chơi. Thiết kế lại khoảng vườn, trồng một vài cây bưởi để Xuân hái lá đun nước gội đầu. 
Thoáng phía chân trời xa xa, giữa màn sương giăng ánh lên tia sáng vàng mong manh báo hiệu một ngày mới nắng đẹp và thoang thoảng trong không gian mùi hương bưởi nhẹ nhàng.
ĐẾ YÊN (baolamdong.vn)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.