(GLO)- Có những con người, vùng đất tưởng chừng chỉ gặp gỡ ngắn ngủi nhưng lại trở thành cơ duyên. Điển hình là cuộc gặp giữa Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân với cao nguyên Pleiku năm bà 14 tuổi. Để rồi từ đây bà gắn bó, cống hiến gần như cả cuộc đời bằng cách kiếm tìm, khái quát, lưu lại những dấu chân lịch sử-văn hóa của vùng đất này bằng góc nhìn khoa học.
Trò chuyện với nữ tiến sĩ đầu tiên của Gia Lai và cũng là một trong số ít nhà khoa học nữ theo đuổi chuyên ngành Lịch sử, chúng tôi càng được xác tín một điều rằng, sẽ chẳng đam mê nào được nuôi lớn nếu không có tình yêu. Với bà, ấy là tình yêu dành cho xứ sở chẳng phải quê hương “chôn nhau cắt rốn”, nhưng nó đủ lớn, đủ xứng đáng để bà phải dành ra những tháng năm dài miệt mài nghiên cứu.
Cơ duyên với cao nguyên
Đến giờ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân vẫn nhớ mãi về cái ngày đầu tiên bà theo gia đình từ Thái Nguyên vào Gia Lai tháng 7-1978. Khi đó, cha mẹ bà là cán bộ khung được điều đi xây dựng Nông trường Cà phê Ia Blang (huyện Chư Păh cũ, nay là huyện Ia Grai). Cha bà là Bí thư Đảng ủy Nông trường, mẹ là cán bộ chuyên trách Công đoàn.
Từ Pleiku đi xe máy kéo lên Nông trường, cô bé 14 tuổi vô cùng thích thú trước khung cảnh những vạt cỏ, bụi lau, le trải dài hai bên đường. Nhưng càng đi càng thấy hoang vu, con đường đất đầy ổ voi, ổ gà khiến chiếc xe xóc nảy liên tục. Khi đến nơi thì trời đã mờ mịt tối. Nông trường chỉ toàn nhà tranh vách nứa, lán trại dựng tạm. Trong ấn tượng của bà lúc bấy giờ, chẳng nơi đâu mùa mưa kéo dài như Tây Nguyên. Mưa như thể chẳng bao giờ còn mưa nữa!
|
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân trong chuyến điền dã tại xã Ia O (huyện Ia Grai). Ảnh: Phương Duyên |
Ký ức về cha cũng vô cùng sâu đậm trong tâm trí bà, bởi ông chính là nguồn cảm hứng dẫn dắt con gái đi theo con đường nghiên cứu khoa học lịch sử. Bà hồi tưởng: Thời kháng chiến chống Mỹ, cha bà là cán bộ tập kết, sau đó đi B, được phân công làm Trại trưởng Trại tù hàng binh Liên khu 5 (đóng ở Ngọc Linh, Kon Tum). Khoảng cách địa lý được rút ngắn bởi những cánh thư. Bà vẫn nhớ như in những hôm mình đi học về, mẹ bà lưng vẫn đeo chiếc gùi hái chè vui mừng chạy đến ôm con vào lòng thủ thỉ: “Có thư của cha đấy con!”. Đọc thư, bà chỉ mong được đến những nơi cha từng đến, ghi chép lại những việc cha từng làm. Mãi đến năm 1972, khi cha bị thương, được đưa ra Bắc điều trị thì cô gái nhỏ mới lần đầu được gặp ông. Từ tình cảm thiêng liêng dành cho cha như thế, bà dần định hình rõ con đường mà mình muốn theo đuổi dù biết sẽ rất gập ghềnh.
“Gia tài” khoa học
Năm 1981, cô nữ sinh Nguyễn Thị Kim Vân chọn thi vào Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh). Sau khi tốt nghiệp, bà về công tác tại Phòng Bảo tồn-Bảo tàng thuộc Ty Văn hóa Gia Lai. Được tiếp xúc, làm quen với việc nghiên cứu, sưu tầm hiện vật, bà bắt đầu viết những bài báo ngắn gửi cộng tác với Báo Gia Lai. Chúng được tích lũy dần thành những bài nghiên cứu dài hơi, sau này tập hợp thành “gia tài” khoa học. Năm 1996, bà được tạo điều kiện làm nghiên cứu sinh ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành Sử Việt Nam. Năm 2002, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Chuyển biến kinh tế-xã hội Gia Lai-Kon Tum từ năm 1945 đến 1995”.
Nói đến Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh người phụ nữ chẳng ngại khó, lặn lội hết buôn này đến làng khác để kiếm tìm, đối chiếu tư liệu lịch sử, hiện vật khảo cổ hay khám phá phong tục, tập quán cùng hệ thống nghi lễ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến giờ, bà có thể tự hào mà nói rằng mình đã đặt chân đến hầu hết các ngôi làng tại Gia Lai. Việc nữ tiến sĩ này phóng xe máy cả trăm cây số xuống một huyện nào đó, lội sông Ba tìm đến nhà những “báu vật nhân văn sống” khi trời đã xẩm tối là chuyện thường ngày. Đủ để thấy rằng đây là công việc hết sức nhọc nhằn, nhất là với nữ giới. Chưa kể tập quán mỗi vùng mỗi khác, việc xác thực những chi tiết lịch sử để đưa ra thông tin chính xác nhất (ít ra là cho đến thời điểm công bố) là điều chẳng hề dễ dàng.
|
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân (giữa) trong một chuyến về làng. Ảnh: Phương Duyên |
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam): “Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân là một trong những phụ nữ được đào tạo rất bài bản về khoa học lịch sử. Chị luôn đau đáu tìm kiếm tư liệu, như con ong cần mẫn vậy. Từ đó, chị đã có những đóng góp lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đặc biệt, các công trình chị thực hiện đã đến được với Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đó là điều hết sức đáng quý”. |
Khi mọi thứ đã đầy chật trong sổ ghi chép và máy ảnh thì Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân quyết định ra sách. Năm 2007 đánh dấu với cuốn sách đầu tiên ra mắt có tựa đề “Đến với lịch sử-văn hóa Bắc Tây Nguyên”. Tiếp đó là các tập sách “Chuyển biến kinh tế-xã hội Bắc Tây Nguyên từ năm 1945 đến 1995” (năm 2008); “Địa danh và di tích Gia Lai dưới góc nhìn lịch sử-văn hóa” (2010); “Tín ngưỡng và tôn giáo dân tộc Bahnar, Jrai” (2013); “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến năm 1975” (2019). Riêng tập sách “Tín ngưỡng và tôn giáo dân tộc Bahnar, Jrai” được bà xem như đứa con cưng. Là bởi, 7 năm sau khi xuất bản, tập sách này được tái bản 2 lần với tổng số bản in gần 5.000 cuốn. Đây là con số “trong mơ” đối với những người làm công tác nghiên cứu khoa học. Mới đây, đề tài “Các hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai” do bà làm chủ nhiệm cũng được nhiều nhà xuất bản “săn đón”. Tuy vậy, bà vẫn muốn dành thêm thời gian biên tập kỹ lưỡng trước khi gửi đi. Qua gần 40 năm gắn bó với khoa học lịch sử, đến nay, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân đã chủ biên 4 đề tài khoa học cấp tỉnh, ra 30 đầu sách riêng và chung.
Là người có dịp cộng tác nhiều năm với Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) dành những lời nhận xét hết sức chân tình pha lẫn sự khâm phục: “Một trong những đóng góp rất quan trọng của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân là đã tập trung nghiên cứu về truyền thuyết Vua Nước, Vua Lửa, làm rõ được chân dung của những nhân vật này và ảnh hưởng của họ đối với cộng đồng cư dân các dân tộc ở khu vực huyện Phú Thiện trong vấn đề trị thủy. Chị còn giúp làm rõ các giá trị của Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, bên cạnh đó có nhiều bài viết, góp phần để quần thể di tích này được công nhận là di sản cấp quốc gia và hiện nay là di tích quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, chị còn phối hợp rất tốt với các nhà khảo cổ trong quá trình điều tra, tìm kiếm, phát hiện các văn hóa cổ xưa trên đất Gia Lai. Gần đây nhất, chị hợp tác nghiên cứu về sơ kỳ Đá cũ An Khê để Rộc Tưng-Gò Đá được công nhận là di tích cấp quốc gia và sắp tới sẽ là cấp quốc gia đặc biệt”.
Trọn lòng với lịch sử-văn hóa Tây Nguyên
Đã quen đi, quen hỏi và ghi chép nên 2 năm trở lại đây, dù nghỉ hưu, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Thị Kim Vân chẳng chịu để cho mình an nhàn. Lịch sử-văn hóa Tây Nguyên vẫn đầy sức hút với bà. Nỗi nhớ làng khiến bà cứ mải mê với những chuyến đi-về, thăm hỏi những ama, amí luôn sẵn lòng giúp bà tìm hiểu văn hóa bản địa.
Thời gian gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân được biết đến với vai trò cố vấn dự án “Di sản văn hóa sống” do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam triển khai. Với 4 dự án được chọn trên địa bàn tỉnh, bà đều đến tận nơi, tư vấn sát sao. Dù là đến với những vùng đất mình từng đi mòn dấu giày hay tiếp cận những phong tục, tập quán từng nghiên cứu, bà đều háo hức mở lòng ra để khám phá chứ không đóng khung trong những điều đã biết.
|
Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: Phan Nguyên |
Khoảng thời gian sau khi nghỉ hưu còn được nữ tiến sĩ biến thành thời gian bận rộn một cách hạnh phúc khi làm chủ biên các công trình lịch sử địa phương, ngành. Dấu ấn của bà chính là thoát khỏi sự khô cứng của lối làm sử thông thường để mang đến cho các tập sách sự mới mẻ, hấp dẫn nhất định. Bà còn tham gia phản biện, thuyết trình tại các hội thảo khoa học trong và ngoài tỉnh; biên soạn chương trình giáo dục địa phương. Càng bận rộn khi các phóng viên báo, đài cần tham vấn một vấn đề nào đó về lịch sử-văn hóa đều tìm tới bà. Tất cả đã thay bà khẳng định: Học vị không phải là món đồ trang sức. Lẽ dĩ nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cũng không thể tránh khỏi những khó khăn thường gặp của phụ nữ làm công tác khoa học, nhưng bà tự nhận mình rất may mắn khi có điểm tựa gia đình vững chãi để đi đến cùng con đường đã chọn.
Nhìn lại những thành tựu Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân đạt được hôm nay, càng thấm thía rằng: Chẳng có sự chân thành nào không được đáp đền.
PHƯƠNG DUYÊN