Thương nhớ đồng quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thứ bảy, tôi ngồi thảnh thơi cà phê nơi góc quán quen ngắm nhìn dòng người vội vã lại qua trên phố. Điện thoại rung gù gù trong túi. Tôi nghe máy, giọng chị oang oang: “Em biết chuyến xe nào về nhà sớm nhất không? Chị muốn về quê kịp mùa gặt”. Chỉ cho chị những chuyến xe từ Phố núi xuôi về miền quê đặc sản “gió Lào và đá lèn” rồi tắt máy, tôi nhìn ra khoảng không, lòng chợt bâng khuâng lạ. Mùa gặt, bao nhiêu năm xa quê, xa cánh đồng làng, xa cánh cò chấp chới chiều đông, tôi nhận ra quê vẫn vẹn nguyên bằng ký ức của tháng ngày trong mùi rạ rơm ngai ngái.
Làng quê rộn rã hơn bởi sự trở về của những thanh niên đi làm ăn xa. Quê tôi lạ lắm, ngày thường toàn người già và trẻ nhỏ, chỉ 2 vụ mùa và Tết là có thanh niên. Họ trở về để giúp đỡ gia đình gặt lúa. Một tuần nữa là vào mùa gặt, ba tôi ngồi tỉ mẩn chẻ lạt từ khúc tre được chọn kỹ. Tôi buộc lại thành nắm rồi đem ngâm dưới lòng suối cạn cho lạt mềm và dai hơn. Mẹ đem mấy cái câu liêm ra để cắt chấu và tra lại cán. Anh tôi kéo xe bò ra kiểm tra mảnh ván nào bị mục, càng xe và dây cáp quay có đứt gãy không. Bánh xe được kiểm tra từ lốp đến từng viên bi, rồi tra dầu kỹ càng. Mùa gặt náo nhiệt hẳn lên sau từng guồng quay thử của máy tuốt, của những nhà rủ nhau gặt đổi công và cả những nhẩm tính đủ đầy của mẹ sau một vụ mùa.
Quê tôi làm hai vụ lúa. Vụ Hè Thu dưới cái nắng chang chang, người dân phải tranh thủ ra đồng gặt từ tinh sương. Những thửa ruộng vàng ươm rộn rã tiếng nói cười, những bàn tay đưa liềm trong lãng đãng sương. Những chiếc xe bò in vết bánh kéo dài lên đường làng thành đường kẻ song song cũng đẫm sương. Mặt trời ngang ngọn cau, lúa gặt được già nửa vừa lúc mẹ nấu xôi sáng mang ra. Chúng tôi nghỉ tay ăn sáng rồi chia ra tốp tuốt lúa, tốp còn lại tiếp tục gặt cho đến hết thửa. Chúng tôi đưa máy tuốt xuống trải bạt rồi người trao, kẻ đạp máy. Chiếc máy với thiết kế giản đơn gồm một khung sắt được bao quanh và một guồng tròn được ghép từ những thanh gỗ đóng đinh hình chữ V so le để làm rơi hạt lúa khi quay. Những hạt lúa vàng ươm rào rào rơi sau mỗi lần vặn tay quăng rơm… và sự thưa dần của những ôm lúa đẫm sương sớm. Đồng làng lúc ấy náo nhiệt bởi tiếng máy, tiếng gọi nhau từ thửa trên xuống thửa dưới.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Mùa gặt với bọn thanh niên chúng tôi luôn đầy háo hức lẫn chờ mong bởi những lần gặt giữa trăng đêm. Trăng vừa len khỏi lũy tre, chúng tôi đã gọi nhau cùng ra đồng. Gặt đêm vừa thanh mát, vừa là dịp để các đôi tranh thủ chuyện trò, tìm hiểu nhau. Những câu chuyện buông đùa, những lời thì thầm nhỏ to sau mỗi đường liềm. Gặt đêm là dịp để kiểm tra sự nhanh nhẹn, khéo léo của đám thanh niên. Dưới ánh trăng bàng bạc, mọi sự cứ nhờ nhợ hai bờ thực/ảo, đường liềm không khéo léo sẽ cắt phạm phải tay. Gặt làm sao không đứt tay vừa chạy đua với trăng là thử thách ngầm mà các thiếu nữ dành cho một nửa của mình. Và sau mùa gặt, nhiều đôi đã nên duyên chồng vợ. Gặt đêm là sân khấu cho những giọng ca bất đắc dĩ của trai làng sau bao buồn vui của cuộc sống. Những giọng ca khiến trái tim của các cô gái thổn thức bằng giọng ấm nồng như rút ruột gan. Cánh đồng như thảm bạc khẽ rung lên trước gió và tiếng hát của họ ngân dài theo những đường liềm vẽ vào bóng trăng khuất dần…
Mùa gặt vụ Đông Xuân là sự chạy đua với những cơn mưa bất chợt. Mùa ấy, người dân quê tôi đi gặt với áo mưa cắp nách, bạt ni lông buộc hờ bên cạnh xe bò. Và những bó lúa được buộc vội chất lên xe đem về nhà. Những thửa ruộng trên cao ngập xăm xắp nước, ruộng vùng trũng được tráng bằng lớp bùn nhão, sền sệt, phẳng lì. Chúng tôi đưa lưỡi liềm xuống bùn non tanh nồng để cắt phần ngọn lúa thâm sì, đôi hạt nảy mầm quện trong bền bệt bùn. Những gương mặt nhàu nhĩ, những hạt thóc mang theo bùn xám xịt, đến lúc quạt bụi trùm mịt mùng lên cả xóm nghèo. Hạt thóc vụ ấy cõng cả những đắp đổi buổi giáp hạt, cõng theo cả nỗi xót xa.
“Về gặt lúa em ơi”, lời chị làm tôi thổn thức. Gặt lúa giờ đã có máy móc hiện đại giảm bớt sức lao động của con người. Nhiều lần trở về quê, tôi thèm được hít hà hương lúa đẫm sương và sự rộn rã của cánh đồng mùa gặt. Những đụn rơm thơm mùi nắng, những vệt khói đốt đồng lam nhạt quện ánh chiều tà vẫn còn bảng lảng. Có chăng mùa gặt ngày ấy, giờ chỉ còn trong hoài niệm của những người nặng lòng với ký ức xa lắc xa lơ.
ĐÔNG HÒA

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Du khách người Ý thích thú tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống Jrai dưới sự hướng dẫn của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: Quốc Nguyễn

Quảng bá “sức mạnh mềm” từ hoạt động đối ngoại văn hóa

(GLO)- Những ngày gần đây, hình ảnh truyền cảm hứng nhất được lan tỏa trên báo chí và mạng xã hội là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang-Nhà sáng lập, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia (chuyên về lĩnh vực công nghệ) cùng dạo phố cổ và thưởng thức nem chua rán, uống bia.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.