Thương mại điện tử: "Chìa khóa" cạnh tranh của doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Việc phát triển TMĐT đang góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, cải thiện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và của tỉnh nói chung.

 

Kết quả bước đầu

Sau 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 782/QĐ-UBND ngày 27-11-2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả khả quan. Đến nay, 100% dịch vụ hành chính công được công khai trên trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố; 100% giao dịch giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và công dân được thực hiện trực tuyến qua cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ http://dvc.gialai.gov.vn và qua bộ phận một cửa điện tử; kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được cập nhật trên trang một cửa điện tử của tỉnh tại địa chỉ: http://motcua.gialai.gov.vn; khoảng 80-90% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử.

Nhiều khách hàng chọn phương thức thanh toán trực tuyến khi mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đ.T
Nhiều khách hàng chọn phương thức thanh toán trực tuyến khi mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku. Ảnh: Đ.T



Đáng chú ý, hiện nay, chữ ký số được sử dụng rộng rãi trên các sàn và website TMĐT nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch trực tuyến; các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đã áp dụng chữ ký số để giao dịch với cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội, kho bạc; áp dụng biên lai điện tử, chữ ký số trong việc nhận, trả hồ sơ cho doanh nghiệp nhanh gọn, hiệu quả. Bên cạnh đó, đại bộ phận doanh nghiệp đã chủ động tham gia sàn giao dịch TMĐT để trao đổi, mua bán và xây dựng website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Đối với người tiêu dùng, phần lớn đã hướng đến hình thức mua sắm trực tuyến thông qua các sàn TMĐT, mạng xã hội và các ứng dụng TMĐT.

Ông Nguyễn Tấn Lực-Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công thương) cho biết: Đến nay, Sở Công thương đã hỗ trợ xây dựng 66 website cho các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) hỗ trợ xây dựng và cung cấp 12 phần mềm quản lý dữ liệu khách hàng và xúc tiến bán hàng trực tuyến. Đồng thời, phối hợp với Cổng thông tin thị trường nước ngoài (địa chỉ: www.vietnamexport.com) cung cấp một cách có hệ thống thông tin thị trường ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, hệ thống thu nhập và quản lý trực tuyến thông tin xuất nhập khẩu Gia Lai tại địa chỉ: www.xnkgialai.gov.vn đã và đang được triển khai đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn, giúp cho việc thu thập thông tin, số liệu về tình hình hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu nhanh chóng, tiện lợi. Ngoài ra, Sở còn xây dựng và vận hành phần mềm Bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ: http://bandohangvietgialai.vn phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng hàng Việt của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Từ năm 2016 đến nay, Sở Công thương đã tổ chức 5 lớp tập huấn về TMĐT cho hơn 800 lượt cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và hợp tác xã. Các lớp tập huấn này nhằm cung cấp những văn bản quy định pháp luật liên quan đến hoạt động TMĐT; các hành vi gian lận và chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT; hướng dẫn thanh toán trực tuyến trên thiết bị di động; tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến trên website TMĐT; hướng dẫn cách lập kế hoạch marketing trực tuyến; các kỹ năng khai thác thông tin thương mại trực tuyến; kỹ năng tìm kiếm khách hàng trên internet; tiếp thị đa kênh, tìm kiếm và chăm sóc khách hàng bằng Zalo; cách xây dựng Fanpage và chạy quảng cáo trên Facebook; hướng dẫn quản lý thông tin, quảng bá doanh nghiệp với Google My Business; hướng dẫn doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tuyến với Amazon…

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Trần Văn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ an toàn FAOS (huyện Chư Pưh) cho hay: “Khi tham gia sàn TMĐT, Hợp tác xã có cơ hội rất lớn để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, được tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Kênh bán hàng này tiết giảm được rất nhiều chi phí nhưng hiệu quả lại khá cao”. Còn chị Đỗ Thị Thu Hằng-chủ cơ sở Mắc ca Gia Lai Phương Linh (huyện Kbang) chia sẻ: “Ngoài kênh bán hàng truyền thống, thông qua các sàn TMĐT của tỉnh cũng như nhiều sàn TMĐT lớn khác, sản phẩm của cơ sở được quảng bá, mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng để đẩy mạnh tiêu thụ”.

Thanh toán qua Vnpay ngày càng được nhiều người tiêu dùng sử dụng khi mua hàng. Ảnh: V.T
Thanh toán qua Vnpay ngày càng được nhiều người tiêu dùng sử dụng khi mua hàng. Ảnh: V.T



Theo ông Nguyễn Tấn Lực, mặc dù nhận thấy tầm quan trọng, lợi ích của TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng đa phần doanh nghiệp quy mô nhỏ và rất nhỏ chưa chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai ứng dụng TMĐT. Trong khi đó, nguồn kinh phí ngân sách cấp cho hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT rất hạn chế, việc triển khai ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, chưa theo kịp và tương xứng với yêu cầu phát triển chung của tỉnh. “Nhiều doanh nghiệp đã có website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin đơn thuần, chưa khai thác hết các tính năng ứng dụng của website trong hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, thói quen mua hàng theo kiểu chợ truyền thống vẫn đang là một trong những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển TMĐT. Mặt khác, tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng được rao bán, đánh lừa người tiêu dùng trên các sàn TMĐT hoặc website mua bán trực tuyến dẫn đến tâm lý ngại thanh toán online. Do đó, người tiêu dùng mặc dù mua hàng trực tuyến nhưng vẫn chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng”-ông Lực cho biết thêm.

Với mục tiêu đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến, Sở Công thương đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thiết kế, nâng cấp website TMĐT chuyên nghiệp có đầy đủ chức năng để bán hàng như: giỏ hàng trực tuyến, tích hợp thanh toán trực tuyến, chức năng quản lý hoạt động khuyến mãi trực tuyến, Facebook store, hỗ trợ chat live và website phải thân thiện với thiết bị cầm tay. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch TMĐT để tìm kiếm đối tác thông qua việc khai thác các cơ hội giao thương, quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã thông báo đến các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường tham gia quảng bá, mua bán trao đổi hàng hóa trên 2 sàn TMĐT của Sở tại địa chỉ: http://thuongmaigialai.vnhttp://www.ocopgialai.vn.

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.