Thung sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi rẽ xuống con dốc chênh vênh dẫn lối về nhà trong khoảng trời xâm xẩm tối. Chỉ qua một khúc cua nhỏ mà nhịp sống náo nhiệt thị thành như tách biệt hẳn với ngôi nhà nằm nép dưới thung sâu, giữa bốn bề ngát hương cỏ lúa ruộng đồng. 
Pleiku nằm trên cao nguyên với địa hình đồi núi. Bao lần ý nghĩ tôi trở đi trở lại với những cảm xúc khó tả, như thể dẫu tôi có mặt thêm ở đây dù là rất lâu nữa, vẫn không thể hết đi cảm giác lạ lẫm với thành phố nhỏ bé này. Từ ngôi nhà nhỏ nằm lặng giữa lòng thung sâu, ngày qua ngày, tôi nhìn mặt trời treo lơ lửng trên ngọn đồi mỗi sớm mai thức dậy, gần như có thể đưa tay mà chạm được. Rồi cuối ngày, mặt trời trở về nằm phơi mình trên đầu con dốc nhỏ, hừng nốt những tia nắng chiều lên cánh đồng cỏ lúa.
Những buổi chiều như thế, tôi có thể nghe rõ âm thanh xạc xào của từng đợt sóng lúa gối nhau cuộn vào lòng thung. Cánh đồng này của một làng Jrai nằm ngay gần đấy. Như hàng triệu người nông dân trên đất nước hình chữ S này, họ quanh năm gắn mình với đất đai và ruộng đồng. Đôi khi tôi ghé lại, đứng bên bờ ruộng xem họ làm việc. Nước da đen bóng rắn rỏi bởi nhuộm nắng và gió cao nguyên, đôi tay khỏe khoắn nhanh thoăn thoắt, đôi mắt ngời sáng trên gương mặt lấp lóa nụ cười hiền. Họ vừa làm việc vừa trò chuyện rôm rả. Họ thường gieo vào tôi những cảm xúc thật dịu lành. Thỉnh thoảng tôi đứng ở đầu lối rẽ chờ đón họ, để mua một mớ cá nhỏ, ít cua ốc họ mới bắt được dưới ruộng đem lên. Đôi khi cũng chẳng cần mua bán gì, tôi chỉ lặng nhìn theo họ với những chiếc gùi trĩu nặng những quả bầu khô chứa nước sau lưng cùng những bước chân trần chắc nịch lướt trên mặt đất đỏ trở về làng sau một ngày làm việc.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Đêm xuống trả lại cho cánh đồng sự yên ả thanh bình. Cảm giác ở giữa một cánh đồng trong đô thị gây cho tôi sự thích thú không nhỏ. Đó là khi trên những sườn đồi vẫn rực rỡ ánh sáng điện. Ánh sáng từ mọi loại bóng đèn hắt ra để đẩy lùi màn đêm. Dưới lòng thung rì rào cỏ lúa, có thể nhìn được ngàn vạn sao trời nhấp nháy như rơi xuống hòa vào tiếng côn trùng ri rích hát ca. Trên kia, cách một quãng dốc, quanh qua một khúc cua thôi là mùi đồ ăn, bia rượu, tiếng nói cười, chúc tụng hô vang, mùi phố phường nhộn nhịp. Thì ở đây, hương lúa quyện vào hương đêm, tiếng gió hòa cùng tiếng lá, thanh tĩnh và thản nhiên như chẳng gì có thể xâm chiếm được. 
Cánh đồng vui nhộn nhất là vào mùa thu hoạch. Từ rất sớm tới tận chiều tối, người người tất bật. Những chiếc xe công nông chất đầy lúa bò ngược con dốc nhỏ hướng về làng. Các con tôi những ngày ấy cũng vui lắm. Chúng bảo, có lẽ chẳng có mùi thơm nào sánh được hương thơm của lúa mới. Chúng như cảm nhận được và hòa vào niềm vui cùng ruộng đồng. Còn tôi, mường tượng về đêm hội mừng lúa mới bung biêng và luênh loang rượu cần ủ ngấu. Con trai, con gái xoay tròn trong những điệu xoang đầy mê dụ. Hương lúa mới thơm ngọt dịu ẩn sâu trong cang rượu cần vừa uống cạn. Con trai, con gái lại sóng sánh mắt môi cười…
Từ phòng làm việc trên một tầng cao, qua ô cửa kính, tôi đưa mắt ra phía xa dõi theo mây mù giăng giăng lên mùa thu chớm vàng. Cái khoảng thung xanh xanh kia là nơi có mái nhà nhỏ của tôi. Chỉ cần cua qua một con dốc nhỏ, hương lúa, hương đồng đã lại quấn vào tôi, bỏ lại phố phường náo nhiệt, bỏ lại những cơm áo mệt nhoài. Trong tôi luôn cất giữ những khoảng mến thương, luôn thường trực một ý nghĩ rằng, dưới dốc kia là thung sâu êm đềm, là nhà tôi ở đó.
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).