Thung lũng mồ côi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người ta ví hai bản Cát và Trĩa (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) là thung lũng mồ côi cũng chẳng ngoa tí nào. Bởi nơi đó gần như biệt lập hẳn với thế giới bên ngoài. Không đường giao thông, không trường học, không trạm y tế; sóng điện thoại di động phải leo lên đỉnh núi cao cả ngàn mét mới có tín hiệu; đường điện cao thế vẫn còn dở dang.... Mỗi khi mưa lũ đến, nơi đây chẳng khác nào ốc đảo lạc lõng giữa rừng sâu.

Giai thoại Cát, Trĩa

Đang bận sửa lại vách nhà sàn để kịp trước mùa mưa lũ sắp tới, già làng Hồ Ta Lê (70 tuổi, bản Trĩa) quay qua chào gọn: “Mừng lắm! Lại có khách ghé thăm bản của già này. Chúc mạnh khỏe”. Rồi già Ta Lê mời khách vào căn nhà sàn cũ của mình và tối hôm đó, chúng tôi được tiếp đãi chẳng khác nào khách quý của bản.

 

Người dân bản Trĩa đã biết trồng lúa nước nhưng do thiếu kỹ thuật nên thường xuyên mất mùa
Người dân bản Trĩa đã biết trồng lúa nước nhưng do thiếu kỹ thuật nên thường xuyên mất mùa.

Già làng Ta Lê bắt chuyện: “Trước kia, ông tổ khai sinh ra bản Trĩa này có tên Hồ Chìa, sống ở đồi 27 thuộc xã Cam Sơn (Cam Lộ, Quảng Trị) trong một gia đình rất nghèo, lại sinh nhiều con. Trồng sắn, bắp trên đồi thì bị đàn khỉ, chuột ăn hết; giáp mùa đói quá phải đào rễ cây ăn qua bữa. Sau đó, Hồ Chìa một mình luồn khắp các khu rừng, liên tục mấy ngày để đi tìm sự sống khác giữa rừng sâu. Đến nơi đây, thấy địa thế bằng phẳng, bao quanh là những vách đá cao vót, dưới chân đá có dòng suối nước chạy quanh khu đất bằng; đặc biệt ở đây có loài trĩa chụt (tiếng Việt nghĩa là nấm) mọc chi chít, trắng cả một khoảnh rừng. Măng rừng cũng nhiều vô kể, không thể đếm được. Thế là Hồ Chìa quay lại đón vợ con vào vùng rừng “vàng”, suối “bạc” này sinh sống”.

Nhờ có nấm và măng quanh năm nên không còn lo cái đói, Hồ Chìa quay lại làng cũ kêu gọi dân bản cùng vào vùng rừng màu mỡ này an cư lạc nghiệp, lập bản, dựng làng. Cứ như thế, biết bao nhiêu cuộc vượt suối, trèo đèo đi tìm sự sống giữa chốn rừng sâu nối tiếp nhau. Để đến hôm nay, xa thẳm nơi đại ngàn, có 2 bản làng rạo rực tiếng trẻ, nhịp chày. Già làng Hồ Ta Lê lý giải thích thêm về tên bản: “Đặt tên bản Trĩa vì có nhiều nấm. Tiếng bản địa gọi nấm là trĩa chụt. Tên Trĩa lấy từ trĩa chụt mà ra, nghĩa là bản nhiều nấm. Hay như bản Cát cũng vậy. Tên Cát có nghĩa là đám cháy lớn. Nghe đâu, bên đó có giai thoại về một vụ cháy trâu, nên gọi tên bản Cát”.

Giai thoại kể lại rằng, ngày trước ở bản Cát có một ngày đại lễ, cả bản cùng nhau sửa soạn để chuẩn bị đón lễ. Họ chung lại làm thịt một con trâu lớn đủ để cả làng ăn tiệc. Nhưng khi đốt lửa thui trâu, do chất quá nhiều củi nên đám cháy càng lúc càng bùng lên và cháy lan sang cả một vạt rừng. Dân làng không thể cứu vãn, đành để con trâu cháy thành tro. Từ đó họ đặt luôn tên cho bản của mình là bản Cát.

Thời mới lập bản giữa rừng già, người bản Cát, bản Trĩa lúc đói chỉ việc lấy nấm, lấy măng về ăn. Khát nước đã có con suối chảy tràn phía sau bản. Thời tiết chuyển lạnh thì lấy vỏ cây rừng phơi khô, giã ra rồi đan thành quần áo, chăn mền... Đêm nghe tiếng thú gầm vang thì đốt ngọn lửa lớn lên, đánh chiêng, chơi đàn ta lư rồi hát vang trên các chạng cây lớn để đuổi thú dữ. Khi thú dữ không còn đe dọa, họ bắt đầu sáng chế ra các công cụ để sinh tồn, như chặt cây lớn để làm cối giã gạo, đẽo cày, cuốc…; lấy tre nứa đan đều để dựng nhà sàn cao, rồi quay về bản cũ mang hạt lúa lên đâm lỗ tra hạt làm mùa.

 

Sinh hoạt của người dân hai bản Cát, Trĩa nơi đại ngàn
Sinh hoạt của người dân hai bản Cát, Trĩa nơi đại ngàn.

Từng là vùng đất chết

Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, hai bản Cát và Trĩa trở thành cứ điểm để bộ đội đóng quân. Sau khi không thể lùng ra căn cứ địa của quân cách mạng, giặc Mỹ đã phun rải chất độc tàn phá sự sống nơi đây. Những khoảnh rừng già, nấm, măng… trở thành bình địa, ước vọng sinh tồn của dân bản Cát và bản Trĩa bị đe dọa. Người trẻ đành gạt nước mắt bỏ làng ra đi tìm vùng đất mới; còn người già ở lại vì còn thờ cha, thờ mẹ, ông bà tổ tiên. Họ tìm những hang lớn trên vách đá ở tạm, bền bỉ sống qua ngày chờ sự sống hồi sinh.

Vài năm sau, trên những mảnh rừng khô cháy, loài cỏ tranh bắt đầu đâm chồi, màu xanh giữa đại ngàn dần được tái tạo. Dân bản từ những hang động quay trở về khôi phục lại làng mạc xưa của họ. Từ những đồi cỏ tranh, họ bắt đầu trồng lên những cây công nghiệp như keo tràm, bạch đàn... Cùng với đó, muôn chim thú cũng quay về làm tổ. Chỉ riêng loài nấm từng nuôi bao thế hệ người dân nơi đây đã hoàn toàn biến mất bởi chất độc dioxin.

Sự sống nơi Cát, Trĩa được hồi sinh. Những người trẻ ra đi lánh nạn ngày nào đã quay trở về, cùng nhau góp sức gầy dựng lại cuộc sống nơi rừng sâu. Bản làng lại vang tiếng chày, tiếng chiêng cùng tiếng trẻ.

Biệt lập với thế giới bên ngoài

Trước khi vượt rừng vào hai bản Cát và Trĩa, ông Hồ Văn Luyện, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Hướng Sơn, có khái quát sơ qua vài nét tiêu biểu cho chúng tôi nắm tình hình: “Vào mùa mưa lũ, hai bản Cát và Trĩa không khác nào một vùng đảo lạc giữa rừng. Nước lớn bao quanh, cô lập bản làng với miền xuôi. Mọi hoạt động của người bản gần như ngưng trệ, có khi phải chờ cả tháng sau mới về được miền xuôi để mua những nhu yếu phẩm cần thiết. Trên 100 con em đang học bán trú dưới xuôi, đến mùa mưa lũ phải tự lo cho mình, đùm bọc nhau để tiếp tục học hành. Mọi liên lạc với gia đình đều bị chia cắt”.
- See more at: http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2016/10/439169/#sthash.Nw0gQZg4.dpuf

Những năm trước, do sống nơi rừng thiêng nước độc nên dịch bệnh sốt rét hoành hành liên tục, người dân cứ tìm đến thầy mo để cúng chữa. Số khác ăn lá cây, con giun đất để qua cơn sốt, tỷ lệ người chết do sốt rét vì thế rất nhiều. Đến năm 2011, bản Cát cử ra một đội y tế của bản. Những thành viên này chịu trách nhiệm đến từng hộ gia đình để tuyên truyền vận động, phát thuốc phòng dịch, nhưng do không có kinh phí và trình độ chuyên môn kém nên không thể ứng phó kịp thời với những ca khó.

Chị Hồ Thị Phương, hộ tá ở bản Cát dẫn chứng: “Mỗi khi bệnh nặng hay sinh đẻ khó là bản phải cử người khiêng về trung tâm xã hoặc huyện điều trị. Có những ca chưa khiêng đi kịp đã sinh dọc đường. Giá như ở đây có trạm y tế được trang bị thuốc men đầy đủ và đội ngũ cán bộ y tế được đào tạo bài bản thì sẽ không còn tình trạng đẻ đường, chết rừng như thế!”.

Hồ Văn Đàn (27 tuổi, Trưởng bản Trĩa) bày tỏ nguyện vọng: “Hiện mong ước lớn nhất của người dân nơi đây là có tuyến đường bê tông nối từ miền xuôi vào tận bản. Có đường giao thông mới may ra cuộc sống sẽ dần hội nhập với miền xuôi để bớt khốn khó. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất cần những lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Vì không biết kỹ thuật nên trồng cây gì cũng bị chết gần hết, lúa ngoài đồng năm nào cũng mất mùa, đất đai tuy nhiều lắm nhưng còn bỏ hoang nên đói ăn quanh năm”.

Hơn 40 năm qua, từ ngày đất nước thống nhất, những phố thị đã mọc ken dày khắp mọi miền Tổ quốc. Văn minh cũng đến “gõ cửa” từng nóc nhà sàn nhiều bản làng sau dãy Trường Sơn, nhưng ở vùng đất này còn chịu cảnh “mồ côi” giữa rừng sâu thẳm.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.